Nguyễn Văn Anh(*) - Nguyễn Duy Cường(**) Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022
Đặt vấn đề Sùng Nhân là tên chữ của ngôi chùa xây dựng trên núi Thiên Liêu nằm bên tả ngạn sông Đá Bạc nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nơi phát hiện 2 mai nhai, ma nhai thứ nhất được khắc năm Thiệu Phong thứ 8, đời vua Trần Dụ Tông (1348); ma nhai thứ hai không có niên đại. Ma nhai thứ nhất thường được nhắc đến với tên gọi bia Tam Bảo địa; ma nhai thứ hai thường được gọi là Thiên Long Uyển. Ma nhai thứ nhất được sử dụng làm thên gọi của ngôi chùa nhỏ của làng Đức Sơn xã Yên Đức - chùa Tam Bảo; nghĩa của ma nhai thứ hai được sử dụng làm tên gọi cho vùng núi này: Thiên Long Uyển hay Vườn thượng uyển. Bài viết này không chỉ đi sâu luận bàn về hai ma nhai này mà chúng tôi mong muốn từ nội dung của các ma nhai, trên cơ sở những tư liệu lịch sử, khảo cổ thu được trong chương trình nghiên cứu tổng thể di tích Thiên Long Uyển có thể phác thảo diện mạo, lịch sử của chùa Sùng Nhân, từ đó tìm hiểu mối quan hệ giữa chùa Sùng Nhân và Thiên Long Uyển. Tag: Thiên Long Uyển, Sùng Nhân, ma nhai, chùa Tam Bảo, tam bảo địa, trần dụ tông, thiên liêu,…
1. Ma nhai Tam Bảo Địa, Thiên Long Uyển và khu vực núi Thiên Liêu
1.1. Nội dung của Ma nhai Tam Bảo Địa
Ma nhai Tam Bảo Địa (三 寳 地) hình chữ nhật, trán hình bán nguyệt, cao tổng 116cm, phần thân hình chữ nhật cao 96cm; rộng 92cm, trán bia cao 20cm được người dân phát hiện vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX khi cải tạo khu vực này để trồng trọt. Bia được phát hiện trong tình trạng bị chôn vùi dưới đất. Bia được tạc trên mặt mỏm đá nhô ra từ sườn núi phía sau Tam bảo hiện nay và cũng là khu vực khảo cổ học phát hiện các nền móng kiến trúc thời Trần. Mặt bia được khoét sâu vào trung bình 20cm. Trán bia khắc ba chữ (từ phải qua trái) Thiên Liêu sơn” 天 寥 山; Giữa bia và chiếm 1/3 diện tích bề mặt của bia là 3 chữ: Tam Bảo Địa 三 寳 地 viết dọc từ trên xuống, hai bên phải, trái của dòng chữ Tam Bảo Địa có 6 dòng, bên phải 4 dòng, bên trái 2 dòng, các chữ nhỏ, viết dọc từ trên xuống dưới, hiện còn đọc được 140 chữ (gồm cả 6 chữ Thiên Liêu sơn; Tam Bảo địa); có 16 chữ bị mòn mờ, phải đoán hoặc không đọc được. Nội dung bia cụ thể như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
天 廖 山 三 寶 地 地 主 入 內 行 遣 , 同 平 章 事 , 關 內 文 節 侯 , 賜 國 姓 , 陳 克 終 , 及 寶 環 公 主 , 陳 氏 , 留 稍 麻 料 庄 為 三 寶 物 , 分 付 義 弟 僧 香 林 為 主 持 監 。 審 形 院 副 使 , 乂 安 安 撫 使 , 陳 , 其 間 去 任 乂 安 府 路 役 , 留 傳 與 長 男 陳 元 徵 為 監 , 守 護 三 寶 , 奉 事 香 火 田 。 紹 豐 八 年 , 戊 子 , 二 月 , 初 四 日 。 陳 國 綱 書 。 門 主 之 [](2) 山 [] [] 庵 , 特 賜 大 長 老 香 林 於 [壬申](3)年 [] [] [] [] [] 。 幸 [麻] [料] [庄] 親 臨 改 賜 為 天 廖 山 , 寺 曰 崇 仁 , 殿 曰 嚴 [] , [] 曰 [] 光。
Dịch nghĩa(4):
Chủ đất là chức quan Nhập nội hành khiển, Đồng bình chương sự, tước Quan Nội Văn Tiết hầu, được ban Quốc tính là Trần Khắc Chung, cùng với [vợ là] công chúa Bảo Hoàn họ Trần, để lại một phần đất trang Ma Liệu làm vật Tam Bảo, giao cho em kết nghĩa (nghĩa đệ) là nhà sư Hương Lâm chủ trì việc trông coi.
Quan Thẩm hình viện Phó sứ, Nghệ An an phủ sứ họ Trần, khi đảm nhận chức vụ ở phủ Nghệ An đã truyền cho Trưởng nam là Trần Nguyên Trưng làm việc trông coi, giữ gìn đất Tam Bảo này [dùng làm] đất hương hỏa để thờ phụng.
Ngày mồng 4 tháng 2 năm Mậu Tý, niên hiệu Thiệu Phong thứ 8 (4-3-1348)
Trần Quốc Cương viết [văn bia]
Môn chủ của am [] [] thuộc núi [] là Hương Lâm, được đặc biệt ban tặng [danh hiệu] Đại trưởng lão, ở [vào năm] Nhâm Thân (1332)(5) [] [][][][].
Vua ngự giá đến[trang] [Ma][Liệu] ban cho núi là núi Thiêu Liêu, chùa tên là Sùng Nhân, điện tên là Nghiêm [Tịnh], [am] tên là [Đạo] Quang.
1.2. Nội dung của ma nhai Thiên Long Uyển
Mai nhai Thiên Long Uyển” nằm cách bia “Tam Bảo địa” khoảng 100m về phía đông, là loại bia ma nhai, được khắc ở mặt phía nam của một phiến đá nhô ra khỏi vách núi. Chiều cao từ mặt đất đến bia (hiện nay) vào khoảng 2,6m. Bia không có hình dáng và giới hạn, chỉ xác định được rõ 3 chữ hán “Thiên Long Uyển” được khắc chìm. Ba chữ “Thiên Long Uyển” 千 龍 苑, phạm vi của 3 chữ có kích thước cao 84cm, rộng 30cm.
1.3. Trần Khắc Chung và vùng núi Thiên Liêu
Núi Thiên Liêu là ngọn núi lớn nhất trong địa bàn thôn Đức Sơn xã Yên Đức Ngày ngày nay, còn có tên gọi khác là núi Phượng Hoàng. Núi chạy dài theo chiều Tây Nam – Đông Bắc, núi xuất phát từ khu vực Bến Đụn, Đồn Sơn kéo dài đến núi Ngưu Ngọa; phía nam là sông Đá Bạc, phía Bắc có một dòng chảy nhỏ được là ngòi Hai Ván. Sông Đá Bạc và ngòi Hai Ván xuất phát từ núi Đồn Sơn, đến núi Ngưu Ngọa lại nhập vào nhau bao quanh lấy núi Thiên Liêu và toàn bộ khu làng Đức Sơn hiện nay. Các bản đồ vẽ cuối thế kỷ XIX, khu vực núi Thiên Liêu và làng Đức Sơn giống như một đảo nhỏ năm giữa khu vực với nhiều nhanh sông chằng chịt trong đó ngòi Hai Ván là phần chạy dài của sông Kinh Thầy, trong đó Đá Bạc là dòng chính, tiếp nối sông La - Đá Vách tại bến Đụn.
Núi Thiên Liêu dưới thời Trần thuộc trang Ma Liêu, tên núi Thiên Liêu do vua Trần ban tặng trong một lần vua ghé thăm vùng đất này. Núi Thiên Liêu cách Hang Son khoảng 3km, tại Hang Son, có 1 ma nhai lớn khắc 3 chữ: 抱福巖 Bão Phúc Nham. Ma nhai dài 325cm, cao 105cm; các chữ cao trung bình 84cm- 86cm, bên phải có dòng lạc khoản đề 開祐十年重陽 Khai Hựu thập niên, trùng dương, tức ngày 9 tháng 9 năm Khai Hựu thứ 10 đời vua Trần Hiến Tông (1318); bên phải có dòng chữ: 太上皇帝御書 Thái thượng hoàng đế ngự thư. Năm Khai hựu thứ 10 đời vua Trần Hiến Tông vua Trần Minh Tông đang giữ ngôi Thượng hoàng, như vậy đây là bút tích của thượng hoàng Trần Minh Tông. Ma nhai này cùng với ma nhai Tam Bảo địa tại Thiên Liêu cho biết, núi Thiên Liêu và núi Hang Son dưới thời Trần là những thắng cảnh, nơi các vua Trần từng đến thăm viếng. Phạm Sư Mạnh cũng từng ghé thăm Bão Phúc Nham và có thơ: Đề Hiệp Sơn Bão Phúc Nham(6), tựa đề của bài thơ cho biết, Bão Phúc Nham ở Hiệp Sơn. Như vậy, dưới thời Trần Hiệp Sơn không chỉ nằm gọn trong khu vực Kinh Môn Hải Dương ngày nay mà còn bao gồm cả khu vực Hang Son và núi Thiên Liêu, do vậy có thể suy rộng ra, trang Ma Liêu dưới thời Trần thuộc địa phận của Hiệp Sơn, trước đó thuộc đất An Sinh, thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu, sau thuộc châu Đông Triều, có lẽ đến thời Lê sơ, Hiệp sơn thu gọn lại về Kinh Môn, thì núi Thiên Liêu và Hang Son thuộc địa phận huyện Đông Triều, nay thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Nội dung ma nhai Tam Bảo Địa cho biết thêm, núi Thiên Liêu nằm trong trang Ma Liệu, là vùng đất của quan Nhập Nội hành khiển, Đồng Bình chương sự, tước Quan Nội Văn Tiết hầu Trần Khắc Chung và vợ là công chúa Bảo Hoàn họ Trần.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Kỷ Sửu, Trùng Hưng năm thứ 4 (1289),...Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ. Người nào có công lớn thì được ban quốc tính. Khắc Chung được dự trong số đó, lại được nhận chức Đại hành khiển”(7); Năm Quý Mão, niên hiệu Long Hưng thứ 11 (1303) “Lấy Khắc Chung làm Nhập nội đại Hành khiển”(8). Đại Việt sử ký toàn thư còn giải thích thêm: “Chức hành khiển mà có thêm 2 chữ "nhập nội" là theo triều Lý, chuyên dùng hoạn quan làm chức ấy. Thời [Trần] Thánh Tông, thượng tướng Quang Khải khi mới được phong làm nhập nội thái úy, kiêm làm hành khiển còn có 2 chữ "nhập nội", liền tâu rằng: "Thần từ bên ngoài vào, cho nên thêm hai chữ "nhập nội", còn các hành khiển khác đều là hoạn quan, sao lại thêm chữ "nhập nội", xin bỏ chữ "nhập nội", Thánh Tông nghe theo. Từ đó, hàm hành khiển chỉ gọi là nội hành khiển. Đến đây, thượng hoàng [chỉ Trần Anh Tông] mới lấy Khắc Chung làm hành khiển, lại thêm 2 chữ "nhập nội" như xưa và dùng cả sĩ phu làm hành khiển”. Năm Ất Mão, niện hiệu Đại Khánh năm thứ 2 (1315), vua Minh Tông ban cho Trần Khắc Chung tước Á Quan Nội hầu, 6 năm sau, năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 8 (1321) Khắc Chung được ban tước Quan Nội Hầu. Các thông tin của ma nhai và ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư cho phép khẳng định, chủ sở hữu của trang Ma Liệu là Đỗ Khắc Chung (1247-1330) người huyện Giáp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương), được ban quốc tính và đổi gọi thành Trần Khắc Chung trong đợt định công dẹp giặc Nguyên Mông năm 1289, làm quan trải 3 triều: Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông; làm thầy của hai vua Minh Tông và Hiến Tông. Con đường thăng tiến của Trần Khắc Chung diễn ra rất nhanh, được thăng đến Thiếu Bảo, hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, tức Tể tướng dưới triều vua Minh Tông. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, Khắc Chung xung phong sang doanh trại địch để dò xét tình hình giặc, đối đáp với Ô Mã Nhi được vua Trần Khen ngợi; Năm 1289 được ban quốc tính; năm 1298 làm Đại an phủ Kinh sư cai quản kinh thành Thăng Long; năm 1303 làm Nhập nội đại hành khiển; năm 1313 làm Tả phụ, tước Quan Phục hầu; năm 1315 được phong tước Á quan nội hầu; năm 1321 được phong tước Quan nội hầu; 1326 làm Thiếu bảo, hành Thánh Từ cung (tức quản cung của Thương hoàng) Tả ty sự, ban tên tự là Văn Tiết, gia hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự ; Mùa thu năm Canh Ngọc, Khai năm thứ 2 (1330) Trần Khắc Chung chết, tặng chức Thiếu sư.
Nội dung ma nhai Tam Bảo địa cho biết thêm, Trần Khắc Chung có thời gian giữ chức Thẩm hình viện Phó sứ và Nghệ An An Phủ sứ nhưng trong chính sử không thấy nhắc đến việc này. Việc Trần Khắc Chung đã từng giữ chức An Phủ sứ hoàn toàn có thể tin được bởi, theo quy định của nhà Trần, điều kiện để một người được bổ nhiệm chức Đại An Phủ kinh sư buộc phải từng trải qua chức An Phủ sứ của một địa phương, tiếp đó phải đảm nhiệm vị trí An Phủ sứ Thiên Trường, đủ lệ khảo duyệt nữa thì được bổ làm việc ở Thẩm Hình viện(9). Vậy, Trần Khắc Chung đảm nhận chức Nghệ An phủ sứ và Thẩm hình viện Phó sứ khi nào? Chắc chắn việc này phải diễn ra trước khi ông được giao giữ chức Đại An Phủ Kinh sư năm 1298.
Với vị trí “dưới một người, trên vạn người” như vậy, trang Ma Liệu có phải là thái ấp của Trần Khắc Chung? Chính sử không ghi việc Khắc Chung được ban ấp thái ấp. Mặc dù “quyền cao chức trọng” nhưng Trần Khắc Chung không thuộc hoàng tộc nhà Trần nên việc được ban thái ấp khó thể diễn ra. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết bố mẹ của công chúa Bảo Hoàn, tức bố mẹ vợ của Trần Khắc Chung vốn có nhiều điền sản, khi quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt, bố mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, ruộng đất bị tịch thu sung công. Vua Anh Tông(10) lên ngôi, vua cho trả lại đất đai cho vợ chồng Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung(11). Trang Ma Liệu vốn thuộc sở hữu của của bố mẹ của công chúa Bảo Hoàn(12), nay vợ chồng Trần Khắc Chung được hưởng thừa kế.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi nhận lại trang Ma Liệu, Khắc Chung mang một phần đất này cúng vào Tam Bảo và cho dựng ma nhai Tam Bảo Địa để ghi lại việc này. Trước đây chúng tôi cũng tin là như vậy(13), tuy nhiên, đọc kỹ ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, khi còn sống, Trần Khắc Chung không cúng đất vào Tam Bảo. Đại việt sử ký toàn thư chép: “Trước đây Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn. Khoảng đời Trung Hưng, người Nguyên vào cướp, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, tài sản, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua lên ngôi, xuống chiếu cho trả lại, nhưng ông cũng không đem điền sản đó dùng vào việc thờ cúng”(14). Có lẽ đến khi ông chết, một phần của đất này danh nghĩa mới được cúng cho Tam Bảo bởi tấm bia được dựng năm Mậu Tý, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 8 đời vua Trần Dụ Tông (1348) trong khi Trần Khắc Chung đã mất trước đó 18 năm, tức năm Canh Ngọ, Khai Hựu thứ 2, đời vua Hiến Tông. Người được giao việc trông coi khu đất này là nhà sư Hương Lâm, một người em kết nghĩa của Trần Khắc Chung, vị sư này đã được phong Trưởng Lão vào năm Nhâm Thân. Năm Nhâm Thân gần nhất và trước khi lập bia là năm Khai Hựu thứ 4 (1332), lúc này Trần Khắc Chung cũng đã chết được 2 năm. Do vậy, việc Trần Khắc Chung không thực sự cúng trang Ma Liệu cho Tam Bảo là có cơ sở và Đại Việt sử ký toàn thư lấy đó như một trong những ví dụ chứng minh “ông ta xu thời giả tạo”(15) là có thể tin được. Việc một phần trang Ma Liệu được cúng cho Tam Bảo như được ghi ở phần đầu của ma nhai Tam Bảo Địa có lẽ chỉ diễn ra năm Thiệu Phong thứ 8 (1348), tức là sau khi Trần Khắc Chung mất 18 năm, điều này có nghĩa là, thực chất Trần Khắc Chung không cúng đất cho Tam Bảo, việc dựng chùa được coi như “mẹo” để Khắc Chung giữ quyền sở hữu vùng đất này.
2. Diện mạo chùa Sùng Nhân qua các nguồn tư liệu và mối quan hệ với Thiên Long Uyển
Với đặc điểm địa hình và tên gọi có thể suy đoán rằng, trang Ma Liệu không phải là đất phân phong cho cha mẹ công chúa Bảo Hoàn mà có thể do họ chức khai hoang mà có. Những thông tin có được từ ma nhai Tam Bảo Điạ; ghi chép của Đại Việt Sử ký toàn thư và những phân tích nêu trên có thể tạm dựng lại quá trình xây dựng các công trình thờ tự ở đây như sau: Khi trang Ma Liệu thuộc quyền sở hữu của cha mẹ công chúa Bảo Hoàn, ở đây chưa có chùa. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) nhà Trần tịch thu vùng đất này, sau khi kết thúc kháng Nguyên Mông lần thứ 3, khi Trần Khắc Chung là một đại quan của triều đình, là thầy dạy hoàng thái tử, vua Anh Tông đem trang Ma Liệu trả lại cho vợ chồng Khắc Chung – Bảo Hoàn. Khi Khắc Chung nhận chức An phủ sứ tại Nghệ An, ông giao lại trang Ma Liệu cho con trai trưởng là Trần Nguyên Trưng trông coi làm đất hương hỏa. Có lẽ, đến lúc này tại Ma Liêu cũng chưa có chùa. Chùa được xây dựng khi nào chưa rõ, nhưng chắc hẳn nó phải được xây dựng trước thời gian lập bia (1348), khi Trần Khắc Chung còn sống, điều này cũng phù hợp với các loại vật liệu trang trí kiến trúc tìm thấy tại khu vực Thiên Long Uyển với những nét đặc trưng của mỹ thuật thời Trần giai đoạn giữa thế kỷ XIV. Theo ma nhai Tam Bảo địa, ít nhất chùa có các công trình sau: Chính điện và am.
Kết quả khảo cổ học tại đây trong các năm 2019, 2020 đã phát hiện dấu vết nền móng kiến trúc có niên đại của các thời: Trần, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Dấu vết nền móng cho thấy, khu vực sườn núi phía trước ma nhai Tam Bảo địa đã được cải tạo san, đắp thành 3 cấp nền. Cấp dưới cùng, mặt bằng vốn tương đối tự nhiên, khoảng cuối những năm 1980, đầu 1990 đã được cải tạo để trồng vải, nay được tạo phẳng, một phần làm sân lễ hội, một phần làm vườn. Ở mặt bằng này không có dấu vết kiến trúc; cấp nền thứ hai được cải tạo, san phẳng gò mộ gạch thế kỷ I-II sau công nguyên, hiện phía dưới vẫn còn một phần cấu trúc của mộ. Đây là cấp nền có mặt bằng lớn nhất trong các cấp nền, cũng là nơi tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc của thời Trần, thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn; cấp nền thứ 3 là cấp nền trên cùng, cốt nền cao ngang bằng với mặt ma nhai Tam Bảo địa, ở cấp nền này phát hiện một số dấu vết kiến trúc, rõ ràng nhất là dấu vết nền móng công trình được xây dựng đầu thế kỷ XX.
Các dấu vết kiến trúc thời Trần phát hiện được chủ yếu tập trung ở cấp nền thứ 2, nơi đặt công trình Tam Bảo hiện nay. Tai đây đã phát hiện hệ thống bó nền, sân và các loại hình di vật, trong đó chủ yếu là ngói, trang trí bộ mái và một số đồ gốm men, đồ sành. Bó nền công trình được xây xếp bằng đá khai thác ngay tại núi Thiên Liêu, các bó nền được xếp kiên cố bằng nhiều hàng, nhiều lớp, rộng trình bình 60-100cm, phần lớn bó nền chỉ còn lại lớp bó nền cuối cùng. Dựa vào những dấu vết còn lại khảo cổ học đã xác định, dưới thời Trần tại cấp nền 2 đã tồn tại một quần thể kiến trúc kết nối liên hoàn bao gồm một công trình kiến trúc lớn ở giữa, hai bên có hành lang kết nối khép kín và bao quanh công trình chính ở giữa. Kiến trúc trung tâm có mặt bằng hình chữ “công” (工); các đơn nguyên trước sau có quy mô dài theo chiều đông – Tây: 24 – 25m; rộng theo chiều Bắc – Nam: 9 – 10m, kết cấu 5 gian, mỗi vì 4 cột; tòa Thiêu hương dài khoảng 7,5m; Hành lang nối với các gian đầu hồi của đơn nguyên trước sau, mặt cắt ngang hành lang rộng: 5 – 6m, kết cấu 3 hàng cột. Các loại ngói tìm được tại đây cho thấy, kiến trúc có mái lợp ngói cánh sen, bờ mái trang trí lá đề cân và lá đề lệch trang trí rồng, tuy nhiên số lượng cấu kiện trang trí tìm được không nhiều do vậy có thể suy đoán rằng, chỉ công trình quan trọng mới được trang trí; các công trình còn lại không được trang trí.
Ở cấp nền thứ hai, ngoài dấu vết công trình trung tâm, ở phía tây, còn tìm thấy dấu vết bó nền của một công trình khác, dấu vết công trình này nằm trên phạm vi của hành lang phía Tây. Do vậy, đây có thể là công trình khác được dựng lên khi kiến trúc trung tâm đã không còn giữ nguyên cấu trúc mặt bằng hình chữ công ở giữa, hai bên có hành lang như trước nữa. Điều này đồng thời cũng cho biết, dưới thời Trần, cấu trúc của kiến trúc trung tâm có thay đổi.
Bên cạnh các loại ngói, tại cấp nền thứ hai còn tìm thấy một số cấu kiện tháp bằng đất nung. Mặc dù chưa tìm thấy nền móng tháp, song với sự hiện diện của các cấu kiện tháp ở đây cho thấy, rất có thể trong khuôn viên chùa còn có những ngôi tháp đất nung.
Dấu vết bó nền của cấp nền 3 cho thấy, nó được tạo dựng dưới thời Trần, tuy nhiên có thể ban đầu mặt nền chưa được đắp cao như hiện nay.
Theo ma nhai Tam Bảo Địa, chùa và điện được vua ban tên chữ là Sùng Nhân 崇仁 寺; chính điện là điện Nghiêm Tịnh 嚴浄 殿. Các dấu vết kiến trúc phát hiện tại đây chính là dấu vết của chùa Sùng Nhân; Kiến trúc trung tâm chính là điện Nghiêm Tịnh.
Nội dung ma nhai cho biết, ở đây còn một công trình nữa được vua ban tên là Đạo Quang, do chữ mờ nên không biết chính xác đó là công trình gì, chúng tôi đoán chữ mờ đó là am 庵. Nếu quả đúng như dự đoán thì cấp nền thứ 3 chính là nơi đặt am Đạo Quang.
Dấu vết, địa danh và tên gọi dường như cho thầy, chùa Sùng Nhân không chỉ là nơi thờ phật mà còn là nơi tu đạo tiên (Đạo giáo). Dấu vết đáng chú ý nằm ở bên phải của ma nhai Tam Bảo địa. Trên cùng phiến đá nhô ra của ma nhai có một lỗ hình tròn, đáy thót, lòng tròn, đường kính miệng 79cm, phần thót lại 74cm, sâu 40cm, cấu trúc này giống như phần giếng, có lẽ khi ở đây còn được phủ xanh bởi cây rừng thì lỗ này đón và giữ nước lại đây giống như một cái giếng. Điều thú vị khác là tên núi Thiên Liêu; tên các công trình được vua ban đều gắn với các điển tích Đạo Giáo. Mở rộng hơn, trong khu vực núi Thiên Liêu – Bão Phúc Nham (dân gian quen gọi là núi Hang Son) cũng cùng chung đặc điểm đó. Trong bài Đề Hiệp sơn Bão Phúc Nham(16) khi mô tả cảnh sắc khu vực Hang Son _ Thiên Liêu, Phạm Sư Mạnh gọi các núi này như núi Phương Hồ, Viện Kiệu, ví cảnh sắc nơi đây như chốn Tử Phủ, Thanh Đô nổi trên mặt nước. Những địa danh mà Phạm Sư Mạnh dùng để so sánh đều là những cảnh đẹp nơi thần tiên ở. Ma nhai Bão Phúc Nham 抱福巖 ở núi Hang Son được khắc ngày trùng dương năm Khai hựu thứ 10 開祐十年重陽, nhân dịp vua ngự giá xem hội. Lễ hội Trùng dương cũng là một lễ hội Đạo giáo. Tất cả những yếu tố ấy cho thấy sự đan xen, hòa đồng yếu tố Phật giáo và Đạo giáo ở khu vực núi Thiên Liêu – Hang Son nói chung và chùa Sùng Nhân nói riêng.
Nằm cách chính điện chùa Sùng Nhân khoảng 100m về phía Đông là ma nhai Thiên Long Uyển. Thiên Long Uyển千龍苑 tức là Vườn nghìn rồng, nhân dân địa phương gọi đây là vườn Thượng Uyển上苑, tức vườn của nhà vua(17). Trần Khắc Chung với vị thế “dưới một người, trên vạn người” có dám tự gọi vườn nhà mình là vườn rồng? hay chùa Sùng Nhân, được vua ban tên nên có khu vườn nghìn rồng? Cả hai khả năng này đều không thể xảy ra bởi với những quy định ngặt nghèo về thứ bậc và việc sử dụng hình tượng mang tính biểu trưng dưới chế độ quân chủ nói chung, nhà Trần nói riêng. Nhà sư Hương Lâm và Trần Khắc Chung chắc chắn hiểu rõ điều đó và tuyệt đối không dám tự gọi vườn của mình là vườn rồng, càng không dám tự ý khắc chữ đề biển như ma nhai hiện thấy.
Sự xuất hiện của ma nhai Thiên Long Uyển tại đây mang ý nghĩa gì? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm tìm câu trả lời. Truyền thuyết địa phương cho biết, hai vua Trần đã đóng quân ở đây trong trận Bạch Đằng 1288. Kết quả điều tra, nghiên cứu khảo cổ học tại Thiên Long Uyển cho thấy, trên đỉnh núi có 2 điểm được san gạt, tạo mặt phẳng. Từ đây có thể nhìn bao quát tuyến đường bộ dọc nằm dưới vòng cung Đông Triều và toàn bộ khu vực lưu vực sông Kinh Thầy – Bạch Đằng. Một số hang đá tại Thiên Long Uyển tìm thấy đồ gốm men của thời Trần, thời Lê sơ và Lê Trung hưng, trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, một số hang được du kích sử dụng làm nơi trú ẩn và tấn công địch khi chúng di chuyển trên tuyến Bạch Đằng – Đá Bạc. Các bằng chứng này cho thấy ưu thế về vị trí quân sự và khả năng đồn trú, tiến, thoái khi đóng quân ở đây. Xét bối cảnh và diễn biến của trận chiến Bạch Đằng năm 1288, Thiên Long Uyển là một vị trí có tính chiến lược, lực lượng các vua Trần đóng giữ tại vị trí này sẽ tạo thành một gọng kìm khóa từ phía sau, phối hợp với lực lượng do Trần Hưng Đạo chỉ huy dồn địch vào trận địa và tiêu diệt địch. Có lẽ bởi thế, để ghi lại dấu ấn này, nhà Trần đã cho khắc ma nhai Thiên Long Uyển. Và có lẽ cũng bởi thế, các vua Trần thường ghé thăm Thiên Long Uyển mỗi dịp tuần du vùng An Bang.
Nguyễn Văn Anh(*) - Nguyễn Duy Cường(**) Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022 *** (*) Tiến sĩ, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; (**) Thạc sĩ, Phó Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Hạ LongCHÚ THÍCH: (1) Bài viết là một trong những kết quả của Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá giá trị vị trí vai trò của di tích Thiên Long Uyển và Khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo kết nối di tích” (2) Những chữ không đọc được (3) Hà Duy Biển đọc là 三十Tam thập; Lê Phương Duy đọc là Nhâm Thân, chúng tôi thấy đọc là 壬申 Nhâm Thân hợp với văn cảnh hơn. (4) Bản dịch của Hà Duy Biển. Về văn bia này hiện có nhiều bản dịch khác nhau. Bản dịch của Đinh Khắc Thuân in trong cuốn Văn Bia Lý Trần (5) Sự kiện Hương Lâm được phong Đại Trưởng Lão chắc hẳn phải diễn ra trước khi khắc bia nhưng cũng không thể quá xa thời gian khắc bia vì Hương Lâm là người trông coi đất Ma Liệu khi Đỗ Khắc Chung làm quan Nhập Nội Hành Khiển, do vậy năm Nhâm Thân gần nhất với năm Thiệu Phong thứ 8 tương đương với năm Khai Hựu thứ 4, đời vua Hiến Tông (1332). (6) Viện Văn học (1978). Thơ Văn Lý – Trần, T.III. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. tr.106 (7) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập II Nxb Khoa học Xã hội, tr.64 (8) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Sđd, tr.64 (9) Đại Việt sử ký toàn thư (2003). Sđd T.II, tr36. (10) Vua Anh Tông chứ không phải vua Minh Tông trả lại đất bởi nếu khi làm Nghệ An phủ sứ đất này đã được trả cho Công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung thì đó là thời gian trị vì của vua Anh Tông.
(11) Đại Việt sử ký toàn thư (2003). Sđd T.II, tr121. (12) Thông thường, con gái vua mới được gọi là Công chúa, nhưng dưới thời Trần, con gái trong hoàng tộc nhà Trần cũng được gọi là Công chúa. (13) Nguyễn Văn Anh (2012). Thiên Long Uyển – Tổng hành dinh của hai vua Trần trong trận Bạch Đằng năm 1288. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2012. Nxb Khoa học Xã hội, tr.327. (14) Đại Việt sử ký toàn thư (2003). Sđd T.II, tr121 (15) Đại Việt sử ký toàn thư (2003). Sđd T.II, tr121 (16) 題峡山抱福巖 抱福洞天滄海頭, 玆因公暇得閒遊. 方壺圓嶠雲中出, 紫府清都水上浮. 宇宙奇觀旸谷日, 江山清氣白藤秋. 題詩參問葛仙伯, 分我青山一半不. (17) Đào Duy Anh (2005). Hán Việt từ điển. Nxb Văn hóa Thông tin, tr.845
Bình luận (0)