Chùa Phú Lâm được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX thì trở thành phế tích. Đầu thế kỷ XX, chùa được nhân dân dựng lại bằng vật liệu đơn giản như tranh, tre, lá, nứa… để thờ Phật. Đến năm 1960, khi khai hoang để trồng chè, nông trường đã san ủi xung quanh khu vực cảnh quan chùa, trừ lại nền chùa cổ để có cơ duyên xây dựng lại.
Không ai nhớ chính xác chùa có từ bao giờ… Cụ bà Sâm bồi hồi: “Bà nghe các cụ kể lại chùa có từ thế kỷ XII, rồi chiến tranh bị giặc bắn phá, tan nát không còn gì... Mãi sau nhân dân mới phục dựng lại trên nền tích xưa. Là di tích gắn với lịch sử cách mạng dân tộc, nên được Nhà nước quan tâm, dần dựng xây lại chùa Phú Lâm bây giờ con ạ.
Đặc biệt, từ khi có Hòa thượng Thích Gia Quang ở Hà Nội về, Lễ nhỏ Lễ to đều do Hòa thượng Gia Quang làm. Thầy Quang chăm lo từng việc, giúp bà con nơi đây có được chùa đẹp, có nơi tu tập hàng ngày như bây giờ”. Cụ bà Tô Thị Sâm (pháp danh Sâm Hiền), sinh năm 1937, ở tổ 1, phường Mỹ Lâm, Tuyên Quang hoan hỷ chia sẻ khi chúng tôi hỏi thăm.
Chúng tôi về thăm chùa Phú Lâm (Mỹ Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang), nơi Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN làm trụ trì vào buổi sáng Chủ Nhật đầu Xuân Giáp Thìn, đúng dịp nhà chùa làm Lễ Cầu An đầu năm mới. Hàng trăm phật tử cùng về dự lễ, không khí trang nghiêm, xa đưa tiếng chuông, nhịp mõ, lời Kinh ngân đều khiến ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng, an thái.
Tài liệu, sử ký về chùa hiện gần như không có. Qua bia tích mới dựng khi chùa khánh thành, chúng tôi ghi nhận được chút thông tin: "Chùa Phú Lâm là tên địa danh của vùng đất, tên hiệu chùa là Quang Sơn Tự, nhân dân trong vùng còn gọi là chùa Ba Ông Bụt, tức là Ba Vị Phật, do ngôi chùa này những năm 1940 có thờ ba pho tượng Phật Tam Thế.
Chùa Phú Lâm được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX thì trở thành phế tích. Đầu thế kỷ XX, chùa được nhân dân dựng lại bằng vật liệu đơn giản như tranh, tre, lá, nứa… để thờ Phật. Đến năm 1960, khi khai hoang để trồng chè, nông trường đã san ủi xung quanh trừ lại nền chùa cổ để có cơ duyên xây dựng lại.
Căn cứ kết quả khảo cổ cho thấy, đây là một ngôi chùa lớn có kiến trúc chữ Đinh, trang trí kiến trúc đẹp, trên các viên gạch ngói có hoa văn, họa tiết như mang rồng bằng đất nung đã tìm được thấy cùng hệ thống di vật đa dạng tại di tích chùa là nguồn sử liệu góp phần tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của di tích. Chùa Phú Lâm cũng là một trong bảy di tích chùa cổ có niên đại thời Trần được phát hiện tại tỉnh Tuyên Quang, địa danh gắn bó với một số sự kiện lịch sử quan trọng thời Trần.
Quá trình phục dựng chùa Phú Lâm:
Với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước, ngày 10 tháng 03 năm 2005, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cùng các cấp chính quyền, các phòng ban của huyện Yên Sơn và xã Phú Lâm đã khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Phú Lâm.
Ngày 24 tháng 03 năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn, văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và xã Phú Lâm đón nhận “Bằng Di Tích Khảo Cổ Học Cấp Tỉnh Chùa Phú Lâm” trong không khí trang nghiêm, phấn khởi của bà con nhân dân và các dân tộc địa phương.
Ngày 02 tháng 08 năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định số 246/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, di tích chùa Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chủ đầu tư và xây dựng là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang.
(Trích dẫn bia ghi chép sơ lược lịch sử và quá trình phục dựng, xây dựng chùa Phú Lâm).
Quan sát từ đường quốc lộ dẫn về chùa, dễ thấy ngôi chùa tọa lạc bên triền đồi, mà để ý một chút, cảm giác như một thung lũng thu nhỏ. Núi rừng thiêng liêng, kỳ vĩ bao quanh. Đường về chùa, khoảng rộng trước cổng Tam Quan, khí tiết ngày đầu Xuân mới se lạnh, vậy mà qua cổng Tam Quan, vào chùa, không gian mang lại cảm giác ấm áp lạ.
Chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Việt truyền thống với cổng Tam Quan gác mái hai tầng. Các kiến trúc độc lập được bố cục chặt chẽ, góp phần tạo nên quần thể chùa đẹp, trang nghiêm, bề thế.
Chùa xây mới, mà bên trong không gian chùa, khói hương quyện tỏa cùng tiếng chuông gió lanh lảnh, thêm những gam màu kiến trúc đặc trưng phong sắc chùa Việt khiến người lữ khách luôn thấy thật gần gũi, thân quen.
Đúng như cảm nhận ban đầu từ chúng tôi, chùa Phú Lâm bên cạnh vẻ bề thế bởi từng thiết tầng kiến trúc được sắp đặt khéo léo, nét chấm phá giao thoa truyền thống và hiện đại, cùng không gian trang tĩnh, an hòa, cho thấy những hưng thịnh cửa thiền nơi đây: Phật pháp được chấn hưng, ngôi nhà tâm linh được phục dựng, chắc chắn góp phần “thịnh vượng” đời sống tín ngưỡng của hàng nghìn người con Phật miền quê Tuyên Quang…
Cư sĩ Chánh Thường
Bình luận (0)