Trang chủ Tự viện-Chùa Chùa cổ Bút Tháp – lưu giữ nhiều báu vật độc nhất vô nhị

Chùa cổ Bút Tháp – lưu giữ nhiều báu vật độc nhất vô nhị

Chùa cổ Bút Tháp vẫn gìn giữ được nét độc đáo riêng biệt có giá trị văn hoá cao được thể hiện qua việc lưu giữ các bảo vật quốc gia đặc biệt có một không hai. Không những vậy, về mặt tinh thần, chùa cổ Bút Tháp cũng duy trì và phát huy được sự linh thiêng vốn có từ thời xưa cho tới ngày nay nhờ công lao của các Tăng, Ni, Sư hàng ngày trông nom chùa tại nơi đây.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Chùa cổ Bút Tháp vẫn gìn giữ được nét độc đáo riêng biệt có giá trị văn hoá cao được thể hiện qua việc lưu giữ các bảo vật quốc gia đặc biệt có một không hai. Không những vậy, về mặt tinh thần, chùa cổ Bút Tháp đã duy trì và phát huy được sự linh thiêng vốn có từ thời xưa cho tới ngày nay nhờ công lao của các tăng, ni, hàng ngày trông nom chùa tại nơi đây.

Tác giả: Nguyễn Thuý Anh (t/h)

Chùa cổ Bút Tháp hay Ninh Phúc tự là một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

tapchinghiencuuphathoc.vn chua co but thap 3

Chùa Bút Tháp- Thuận Thành, Bắc Ninh Ảnh: St

Được khởi dựng thời Vua Trần Nhân Tông (1278-1293) nhưng kiến trúc còn đơn sơ và được tôn tạo mở rộng quy mô chùa vào đời Thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Trải qua thăng trầm lịch sử, đến đời Vua Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), ngôi chùa được trùng tu với quy mô lớn từ năm 1644 – 1647.

Chùa cổ Bút Tháp thuộc địa phận thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

Chùa toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, sát bờ sông Đuống. Chùa nằm trên thế đất tốt, tựa hình một bông sen lớn và có ý nghĩa về phong thuỷ. Ngôi chùa cổ này được thiết kế hướng mặt về phía Nam, trải dài theo trục Bắc – Nam.

Kiến trúc chính của chùa cổ Bút Tháp gồm: Tam Quan, Gác Chuông, Tam Bảo (Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện), Tích Thiện Am, Nhà trung, Hậu đường nằm trên trục chính. Hai dãy hành lang kéo dài tới Hậu đường, Tháp Báo Nghiêm.

tapchinghiencuuphathoc.vn chua co but thap 1

Cảnh chùa Bút Tháp – Ảnh: Thuý Anh

Tam quan: gồm 3 gian, dài 9m, rộng 5,25m với 4 bộ vì chồng rường, tì lực lên 3 hàng chân cột, mái lợp ngói mũi. Các cấu kiện chủ yếu được làm bằng gỗ, bào trơn, đóng bén. Bốn góc của tam quan đều bổ trụ vuông, có đỉnh kết hình đèn lồng. Hai bên hồi xây bít bằng gạch, ở giữa trổ cửa sổ hình chữ Thọ và hình vòng tròn sắc không. Kiến trúc này được trùng tu vào thời Nguyễn.

Gác chuông: có mặt bằng nền gần vuông, với kết cấu gỗ chồng diêm, gồm 2 tầng, 8 mái, lợp ngói. Tầng trên gác chuông kết cấu bộ vì theo kiểu “giá chiêng để thông khoảng giữa”. Trên tầng treo quả chuông lớn “Ninh Phúc tự chung”. Chuông cao 152cm, đường kính miệng là 71cm. Quai chuông là hình 2 con rồng đấu lưng vào nhau. Chuông có 4 núm đánh, hình tròn nổi, phía dưới núm ghi tên 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Tam Bảo: là nơi thờ các vị Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp và các Thánh, Tăng. Gồm có:

Tiền đường: gồm 5 gian, 2 chái, dài 25m, rộng 10,60m, kết cấu gỗ, mái lợp ngói ta. Phía trước bao bằng hệ thống cửa bức bàn, hai bên là hệ thống ván bưng. Phía sau tiền đường, 3 gian giữa để trống, 2 gian bên trang trí hệ thống ván trổ thủng, với hoa văn hình chữ “Vạn”. Hệ mái tì lực chủ yếu lên 4 hàng chân cột, các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu giá chiêng, liên kết bằng hệ thống xà.

Hai đầu hồi làm 4 “cốn đốc” theo kiểu chồng rường (thay cho kẻ). Liên kết với những cốn là 4 chiếc bẩy chạm rồng, hoa lá. Nghệ thuật chạm khắc tập trung tại các đầu bẩy hiên và những ván bưng, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII. Các đầu bẩy đều chạm nổi hình rồng và hoa lá cách điệu. Dọc ngưỡng cửa của 5 gian được chạm nổi đề tài tứ quý, như sen dây.

Thiêu hương: nối liền tiền đường và thượng điện, có mặt nền cao hơn mặt nền của tiền đường, 4 phía để trống. Bộ khung dựa trên 4 cột, các vì kèo kết cấu theo kiểu “chồng rường”, được liên kết với nhau bởi xà thượng và xà hạ. Khoảng cách giữa 2 xà ở hai bên được nong ván, có chạm rồng, phượng, hoa. Phía trước tòa thiêu hương có bức đại tự do vua ban “Đại hùng bảo điện”, làm năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Dương Hòa 8 (1642).

Thượng điện: có nền cao hơn thiêu hương và tiền đường một bậc, gồm 5 gian với chiều dài 19m, rộng 10m60; bộ khung gỗ lim, với 24 cột lớn. Về cơ bản, tòa thượng điện có kết cấu kiến trúc giống tiền đường. Các vì kèo cũng có kết cấu kiểu giá chiêng và có cốn đốc chồng rường. Với việc xuất hiện cốn góc, trong cấu trúc của thượng điện đã không cần đến kẻ góc, làm cho cấu trúc ngoài hiên có một dạng đặc biệt.

Nền thượng điện được bó 4 lớp đá khối hình chữ nhật. Bao quanh thượng điện cả 4 mặt là hành lang, với một hàng lan can đá được chạm khắc rất tinh xảo các điển tích cổ như: “phượng vũ kỳ lân”, “song ngư hý nguyệt”, “cô lộ sơn lộc”, “tam dương triều nguyệt”, “tứ linh, tứ quý”, “lý ngư hoá long”, “tùng trúc đông thiên”.

Tích Thiện Am: kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp. Là nơi đặt toà Cửu phẩm liên hoa gồm 3 tầng 12 mái.Toà này được kết cấu theo kiểu chồng diêm, với hàng cột ở giữa cao, to, chạy suốt từ tầng 1 lên tầng 3, các vì kèo được làm theo kiểu chồng rường, những đầu đao của 3 tầng mái cong vút.

Tầng 1 gồm 5 gian, có các vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng đơn giản. Tầng 2 thu lại còn 3 gian, với 4 hàng chân cột. Tầng ba thu lại còn 1 gian, kết cấu khung dựa chủ yếu trên 4 cột cái và 4 cột trốn nhỏ, bộ vì kiểu giá chiêng. Ở 4 góc mái của tầng 3 có 4 thanh ruỗi, chống 4 kẻ góc, ăn chân vào các cột cái. Tất cả các thanh ruỗi này đều chạm hình rồng, mây cuộn, người và thú.

Đặc biệt, vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm liên hoa vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn.

Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo.

Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niến bàn. Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo.

Nhà trung: nơi xưa kia các vua chúa về thắp hương, vãn cảnh chùa và nghỉ lại. gồm 5 gian kết cấu mái theo kiểu “tàu đao lá mái”, 4 hàng chân cột, các bộ vì kết cấu theo kiểu giá chiêng. Hiện tại, xung quanh toà này đã được xây tường bao. Ba gian chính mở cửa bức bàn, cửa sổ chấn song con tiện, một số bộ phận kiến trúc có chạm khắc, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII.

Phủ thờ: gồm 5 gian, dài 16,50m, rộng 9m, có kết cấu kiến trúc cơ bản giống nhà trung, nhưng ở góc toà nhà này, người ta làm kẻ suốt chạy từ đầu cột trốn đến đầu cột quân ra ngoài, 2 kẻ góc trong tòa này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Hậu đường: nơi thờ các vị sư tổ và các hoàng hậu, công chúa nước ta thời xưa. Gồm 13 gian, kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi. Trong đó, 7 gian là nơi thờ Mẫu, 3 gian bên phải và 3 gian bên trái là tăng phòng, hiện vẫn còn một bộ vì được kết cấu theo kiểu giá chiêng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Hành lang: nối từ đầu hồi tiền đường đến hậu đường là hai dãy hành lang dài, gần như bao bọc toàn bộ các công trình chính của chùa. Mỗi dãy hành lang gồm 26 gian, dài 70m, rộng 4m. Ở phía đầu mỗi dãy có 1 nhà bia, với kiến trúc đơn giản, theo lối tường hồi bít đốc.

tapchinghiencuuphathoc.vn chua co but thap 5

Hình vẽ Tháp Báo Nghiêm – Ảnh: Thuý Anh

Tháp Báo Nghiêm: nơi thờ Thiền sư Tổ sư Chuyết Chuyết.

Tháp Báo nghiêm được xây dựng ở phía sau nhà Tổ đệ nhất hoàn toàn được xây bằng đá xanh. Tổng thể công trình, tháp Báo Nghiêm có hình bát giác, cao 5 tầng với chiều cao tới 13,5m, mỗi cạnh dài 2,26m, trên cùng còn 1 búp nhọn cao hướng lên trời.

Trừ tầng dưới là khoảng bệ tháp rỗng, mỗi chiều 3,61m, cao 2,64m; còn lại 4 tầng trên rộng 2m và cao xấp xỉ nhau, theo trình tự từ dưới lên: 1,91m – 1,75m – 1,72m – 2,00m. Các tầng được ngăn cách bởi các góc mái nhô ra, góc uốn cong lên như kiểu đầu đao.

Các góc này có lỗ để treo chuông khánh. Trên đỉnh tầng 5 có 1 búp nhọn cao 3,18m gồm nhiều đợt thu nhỏ khá cầu kỳ: phía dưới là 3 thớt tròn dẹt chồng lên nhau, ở giữa có 2 khối đá tròn như 2 quả cầu bị ép dẹt xuống và đột trên cùng là một cái bầu có cổ cao vươn lên. Chính vì thế mà người ta thường hình dung chỏm và tháp 9 toà như 9 hình đĩa chồng lên nhau.

Khoang bệ tháp có mái đua ra từ 8 mặt tháp, các mái đua này được đỡ bằng 8 cột đá đứng ở 8 góc tháp, trong đó có 6 cột để trơn và 2 cột đứng trước cửa tháp chạm nổi rồng cuốn quanh cột hết sức nghệ thuật. Ngoài kỹ thuật xây dựng đá, phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can.

Riêng ở tầng dưới cùng của tòa tháp này có mười ba bức chạm đá lấy đề tài chủ yếu là con thú. Trong lòng tháp có 1 khoang tròn rỗng, đường kính 1,29m, dùng làm khám thờ. Trong khám đặt pho tượng Thiền sư Chuyết Chuyết bằng đá. Cửa khám có 2 cánh bằng đá được đóng mở trụ vào cối cửa.

Hàng lan can vây quanh tháp khiến cho toà tháp này tựa như một ngôi lầu bát giác. Cửa tháp hướng về phía Nam, phía trên ở phần thân tháp có tấm biển chữ đề: “Báo Nghiêm tháp” bằng chữ Hán với lối viết theo lối chứ chân rất khỏe khoắn.

Mặc dù tháp Báo Nghiêm một công trình bằng đá với kích thước lớn song đã hòa quyện với các công trình kiến trúc cao độ khác nhau bằng gỗ của chùa Bút Tháp tạo nên một quần hể hết sức hài hòa hợp lý tạo sự thích thú, bất ngờ cho khách tham quan.

Tháp Tôn Đức: Nơi đặt xá lị của Thiền sư Minh Hành.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hệ thống tháp, gồm tháp Tâm Hoa, tháp Ni Châu, tháp Mộ và một số công trình hệ thống văn bia khác…

tapchinghiencuuphathoc.vn chua co but thap 4

Bộ tượng Tam Thế – Ảnh: St

Chùa cổ Bút Tháp lưu giữ nhiều bảo vật xếp hạng quốc gia đặc biệt từ thế kỷ XVII.

Chùa có hơn 100 pho tượng cổ từ thế kỷ XVII. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ bốn bảo vật quốc gia gồm tượng Quan Âm Trăm Mắt Nghìn Tay, bộ tượng Tam Thế, toà Cửu Phẩm Liên Hoa, và hương án toàn bộ làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo từ thế kỷ XVII.

Chỉ riêng Thượng điện đã có 45 pho tượng gồm: bộ tượng Tam Thân (Tam Thế), Quan Âm Ngoạ Sơn, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Thập Bát La Hán, Diệu Âm Diệu Thanh, Giám Trai,…

Chùa còn có sự khác biệt là một ngôi chùa có khá nhiều tượng hậu: Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đã có công trùng tu chùa,…

Năm 2020, bộ tượng Tam Thân (Tam Thế) của chùa được công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ tượng biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật A Di Đà chủ trì quá khứ, Phật Thích Ca Mâu Ni chủ trì hiện tại và Phật Di Lặc chủ trì tương lai.

Đặc biệt ở bộ này còn giữ được 3 bối quang sau lưng tượng, trên đỉnh bối quang là chim hai đầu và chim hai đầu người (chim Cộng Mạng) hiện chưa có ở đâu như thế. Đây cũng là bộ tượng khá lớn có phong cách mỹ thuật cao thế kỷ XVII.

Các nghệ nhân đã chú ý tạc tượng với khuôn mặt phúc hậu, thanh thoát, song vẫn lộ vẻ sang quý. Bộ tượng mang ý nghĩa tâm linh to lớn, thể hiện sự phát triển nghệ thuật tạo hình điêu khắc Phật giáo ở vùng châu thổ Bắc Bộ.

Qua hình thức biểu hiện, trang trí của bộ tượng này, vừa tạo cho người xem, người hành lễ bước gần hơn với thế giới Phật giáo, đồng thời cũng tạo cho con người ta cảm nhận về vẻ đẹp của mỹ thuật Phật giáo – điều độc đáo mà các bộ tượng Tam Thế Phật khác không có được.

Qua thời gian, chùa cổ Bút Tháp vẫn gìn giữ được nét độc đáo riêng biệt có giá trị văn hoá cao được thể hiện qua việc lưu giữ các bảo vật quốc gia đặc biệt có một không hai. Không những vậy, về mặt tinh thần, chùa cổ Bút Tháp cũng duy trì và phát huy được sự linh thiêng vốn có từ thời xưa cho tới ngày nay nhờ công lao của các bậc tiền bối.

Tác giả: Nguyễn Thuý Anh 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

2 bình luận

Vũ Ngọc Thắng 24/03/2024 - 18:18

Thông tin rất hữu ích

Trả lời
Quang Đạt 23/03/2024 - 08:54

Bài viết hay quá

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường