Chùa Chân Tiên (Phúc Lâm Tự) là một trong những ngôi chùa có giá trị truyền thống văn hoá và lịch sử góp phần xây dựng nên nền văn hoá tin ngưỡng của mảnh đất Thăng Long–Hà Nội.

Chùa Chân Tiên được dựng từ thời Lý, theo truyền thuyết, chùa vốn được dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XII). Ban đầu chùa có tên là Báo Thiên, đây có lẽ là ngôi chùa đặc biệt, bởi nó có sự thay đổi tên liên tục theo thời gian.

Đôi nét về ngôi chùa lịch sử Chân Tiên (Phúc Lâm Tự)

“Chân Tiên” là ghép hai tên địa danh của hai làng cổ Chân Cầm và Quán Chúng Tiên, thuộc khu vực ven hồ Lục Thủy xưa (nay là hồ Hoàn Kiếm). Đây là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời và gắn liền với những thăng trầm của kinh thành Thăng Long. Ban đầu chùa có tên là Báo Thiên, toạ lạc trên một mảnh đất giữa hai thôn Tiên Thị (chợ Tiên) và Chân Sơn Minh Cầm (tức Chân Cầm), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên của Thăng Long (vị trí khu vực Nhà Thờ Lớn hiện nay). Đến thế kỷ XVIII, chùa Báo Thiên bị di rời tới thôn An Phụ tức Phụ Khánh, tổng Tiền Nghiêm (khoảng phố Thợ Nhuộm - Lý Thường Kiệt ngày nay). Vào thời chúa Trịnh, chùa là nơi thờ Tống Thiên Thần vương, một người đã giúp Trịnh Liễu đặt quý địa. Cuối thế kỷ XIX, khi lấy đất xây Toà án và trại giam Hỏa Lò, thực dân Pháp đã chuyển chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh về phía nam đến đất làng Thể Giao (tức Thái Giao) cũng thuộc tổng Tiền Nghiêm cũ. Thành phố Hà Nội dần dần mở rộng, phố Bà Triệu được kéo dài về phía nam và chạy qua đây. Đình và chùa cố định ở đó cho đến nay. Tương truyền, năm 1056, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 3 Triều Lý, trong giai đoạn “Vua giỏi tôi hiền, đất nước cường thịnh, nhân dân yên bình”. Vua Lý Thánh Tông, một bậc minh quân, sùng kính đạo Phật, cho xây dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên trên một gò cao bên bờ hồ Lục Thủy. Sau năm 1057, nhà vua lại cho xây tiếp cây tháp trước chùa, tháp được đặt tên là “Bảo tháp đại thắng tự thiên”. Tháp Báo Thiên nghĩa là tháp quý thông báo chiến thắng lên trời, tháp gồm 13 tầng, cao 20 trượng, đỉnh tháp được đúc bằng đồng. Có thể nói tháp Báo Thiên là một trong tứ khí của kinh thành Thăng Long. “Thiên Nam tứ khí” gồm chuông Quy Điền, tượng chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên. Vào Năm 1427, trước thắng lợi của quân dân ta chống quân xâm lược nhà Minh do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, tướng giặc là Vương Thông phải đầu hàng xin được ra làm lễ hội thề rút quân về nước. Lịch sử còn ghi lại hội thề Đông Quan đặt làm tại chùa Chân Tiên. Sau chiến thắng Lê Lợi đã tự tay viết bốn chữ vàng “Nam Phụ Nguyễn Khánh” để tặng chùa, chùa Chân Tiên hiện nay còn bảo lưu câu đối Vua ban:

“Chân Phật xuất linh quang giá tùy lâm giai lạc giới Tiên nhân tằng phụ khánh, gia danh triệu tích tự hoàng ân”

Đến năm 1888, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Chúng đuổi dân và bắt nhân dân rời chùa đi nơi khác để chiếm đất xây nhà tù Hỏa Lò và Tòa án. Chùa phải chuyển về làng Thể Giao (nay là phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Ngày nay, Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1990. Đến năm 1994, phật tử và khách thập phương đã góp tiền công đức để xây tam quan, mở rộng nhà khách, nhà Tổ, nhà Mẫu.... Chùa Chân Tiên được quy hoạch theo chiều sâu gồm tam quan, nhà tiền đường, nhà thiêu hương, toà thượng điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, tăng phòng. Các nếp nhà của chùa đều được bố cục hợp lí. Chùa chính và nhà Mẫu có nội thất khang trang. Chùa có 5 cửa võng, 2 hương án gỗ, 6 y môn, 2 chuông đồng, 12 bia đá dựng từ năm Thành Thái 10 (1898). Bia Phụ Khánh Chân Tiên bi kí dựng năm Thành Thái 13 (1901) ghi rõ về việc trùng tu chùa. Chùa có bốn đạo sắc phong niên đại Tự Đức 6 (1853), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924) phong cho Quỳnh Anh phu nhân. Chùa hiện có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỉ XX và 237 bản khắc in kinh Phật. Ngày 2-3-1990, chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh (cùng trong một cụm di tích tại 151 phố Bà Triệu) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật.

Tìm hiểu đôi nét về Ni trưởng Thích Đàm Nhuận

Ni trưởng Thích Đàm Nhuận thế danh Trần Thị Hải quê Nam Định, xuất gia và trụ trì chùa Chân Tiên, một cuộc đời Ni trưởng tu hành theo giáo lý Phật Đà, giới luật nghiêm tịnh. Ni trưởng độ được 2 đệ tử, đệ tử trưởng là Thích Đàm Định hiện trụ trì chùa Vua phố Thịnh Yên, đệ tử thứ tên ngoài đời là Sửu đang kế đăng trụ trì đèn thiền chùa Chân Tiên. Ni trưởng Thích Đàm Nhuận viên tịch (mất) ngày 05/04/2017 (09/03/ Đinh Dậu), thọ 94 tuổi đời, 74 tuổi đạo. Ni trưởng đã để lại cho hậu thế thấy được cuộc đời Ni trưởng tu hành theo giáo lý Phật đà, giới luật nghiêm tịnh.

TS.Hoàng Anh Tuấn Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021 --------------------------------------

CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ: Tôi là người ngoại đạo, chưa tường tận giáo lý Phật đà và giới luật…, tôi biết đến ngôi chùa qua Đại đức Thích Quảng Hợp cháu pháp của Ni trưởng. Đại đức Thích Quảng Hợp hiện trụ trì chùa Hưng Sơn, khu Viêm Xá, phường Hòa Long, Tp.Bắc Ninh.