Trang chủ Lịch sử - Triết học Chùa Ấn Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 (P.2)

Chùa Ấn Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 (P.2)

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

Tiếp theo P.1 (số 157)

chua an quang va phong trao dau tranh phat giao nam 1963 1

3. Nguyên nhân sụp đổ nền Đệ nhất Cộng Hòa

Người dân Mỹ đã vô cùng căm phẫn và tiếc thương trước hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu để hối thúc Ngô Đình Diệm ngưng các hành động bắt bớ, khủng bố tôn giáo. Tuy nhiên, Diệm đã bỏ ngoài tai những lời khuyên của Mỹ, đồng thời không thực thi theo những gì phía Mỹ đề nghị [8].

Sau cuộc “Trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diêm lên làm Tổng thống (23/10/1955), Mỹ đã viện trợ tiền bạc, vũ khí và phương tiện quân sự rất lớn cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc nêu rõ: “Không có sự yểm trợ của Mỹ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam. Về bản chất, chính quyền Ngô Đình Diệm chính là một sáng tạo của Mỹ”[9]. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại và cảnh giác của Mỹ khi mà Diệm tìm cách nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ đối với chế độ gia đình trị của ông ta tại miền Nam Việt Nam.

Thực tế cho thấy, chính các thành viên trong Nội các Mỹ cũng mang tâm lý nghi ngại và dẫn đến quan điểm loại bỏ con bài Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1960, trước cuộc khủng hoảng chính trị triền miên tại miền Nam Việt Nam mà đỉnh cao là vụ tự thiêu của Tỳ kheo Thích Quảng Đức, Mỹ đã đứng trước quyết định khó khăn về việc giải quyết vấn đề Ngô Đình Diệm, lúc này chia làm hai nhóm. Nhóm chủ trương loại bỏ Diệm như Cố vấn an ninh quốc gia George Bundy, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman (Jr), Thứ trưởng Ngoại giao Averell Harriman…; nhóm thứ hai vẫn tiếp tục ủng hộ Ngô Đình Diệm có Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, cố vấn quân sự cho Tổng thống Maxwell Taylor,… Ở Sài Gòn cũng có hai nhóm: Đại sứ Cabot Lodge kiên quyết muốn loại Ngô Đình Diệm, tướng Paul Harkins muốn tìm cách thuyết phục ông Diệm cách chức Nhu, tách gia đình Ngô Đình Nhu ra khỏi chính trường. Ngày 24/8/1963, Kennedy đã chỉ thị cho Đại sứ Cabot Lodge loại bỏ ông Diệm. Trong khi McNamara và tướng Maxwell Taylor vẫn ủng hộ biện pháp giải hòa và theo dõi các hoạt động của Ngô Đình Diệm trong hai đến bốn tháng trước khi có hành động mạnh mẽ thì Cabot đã bí mật chuẩn bị cho các kế hoạch đảo chính[10]. Sau khi anh em Diệm – Nhu bị ám sát (2/11/1963), Cabot Lodge báo cáo rằng cuộc đảo chính mang ý nghĩa “chiến tranh có thể được rút ngắn đi nhiều”[11]. Góp phần trong việc ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 và sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm có vai trò quan trọng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Thực tế, các chuyên gia CIA đã dự báo từ tháng 8/1954 rằng không sớm thì muộn chính quyền Ngô Đình Diệm cũng vấp phải những vấn đề chính trị, nhất là khi phong trào Cộng sản ở miền Nam Việt Nam bắt đầu vào tháng 10/1958, CIA cũng đánh giá rằng chính sách của Ngô Đình Diệm đã bắt đầu không hợp lòng dân. Suốt thời gian Diệm cai trị, lãnh đạo quân sự của CIA tại Sài Gòn, một nhân tố quan trọng trong tất cả các phong trào bình định đã tuyên bố: “Các quan chức Việt Nam là trở ngại thật sự cho thành công”[12]. Ngoài ra, phản ứng của dư luận Mỹ cũng góp phần chi phối những quyết định của Mỹ đối với Diệm và phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam. Các cơ quan truyền thông Mỹ cùng những nhóm lợi ích đã “định hướng dư luận” về việc thay thế người lãnh đạo chính quyền miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam và Trần Lệ Xuân là vợ của Ngô Đình Nhu vốn nổi tiếng với tư tưởng chống Cộng và thù ghét Phật giáo. Khi mà Trần Lệ Xuân đã lên tiếng thóa mạ, mạt sát cuộc tự thiêu của Tỳ kheo Thích Quảng Đức. Lệ Xuân từng gọi các vị Chư tăng là “sư hổ mang”, “bọn trọc đầu” có những phát biểu xúc phạm như: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác”[13]. Trả lời phỏng vấn ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân đã không hề ngại ngần: “Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới”.[14]. Phản ứng của Trần Lệ Xuân khiến dư luận trong nước lẫn nước ngoài thêm phẫn nộ. Trước việc Tỳ kheo Thích Quảng Đức tự thiêu và phong trào đấu tranh dâng cao, phái bộ truyền thông Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm lúc ban đầu đã cố gắng làm giảm cường độ một số các nguồn tin chính thức thường cung cấp cho giới truyền thông, nỗ lực đó thất bại.

Dư luận Mỹ đã công khai phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Ngô Đình Diệm. Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định Thích Quảng Đức đã “đốt cuộc thử nghiệm Diệm của Mỹ ra tro” và “không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Diệm” một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới[15]. Có thể nói, sự kiện và hình ảnh Tỳ kheo Thích Quảng Đức tự thiêu có sức lan tỏa vô cùng rộng khắp như “làn sóng điện làm sôi nổi dư luận Việt Nam và trên thế giới” đồng thời khiến “uy thế của Mỹ – Diệm bị một cú đánh tinh thần mạnh như trời giáng”[16]. Tại châu Âu, bức ảnh tự thiêu của Tỳ kheo Thích Quảng Đức được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960. Lúc này, Trung Quốc cũng in bức ảnh ra hàng triệu bản phát khắp châu Á và châu Phi như một minh chứng về “chủ nghĩa đế quốc Mỹ ”[17]. Trước tình thế này, chính quyền Ngô Đình Diệm bị bất lợi vì dư luận đã nghiêng hẳn về phía lực lượng đấu tranh chống chính quyền.

Sau sự kiện ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho Truehart yêu cầu Ngô Đình Diệm phải công khai thỏa mãn hoàn toàn 5 nguyện vọng của Phật giáo bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không nhắm mắt làm ngơ nếu Ngô Đình Diệm thiếu thiện chí. Đến ngày 12/6, Phó Đại sứ William C. Truehart đã báo cho Ngô Đình Diệm biết về ý kiến Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ khuyến cáo ông phải giải quyết vấn đề Phật giáo theo hướng hòa giải. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm đã không đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Ngày 25/6, Giám đốc CIA John Richardson đã tiếp cận cố vấn Ngô Đình Nhu và đích thân thuyết phục ông Nhu nên hòa hoãn. Trái với thiện ý của Richardson, Nhu trả lời thẳng thừng rằng các cuộc biểu tình của Phật giáo là phi pháp và hăm dọa trầm trọng đối với chế độ. Và một chế độ không biết thi hành luật pháp thì chế độ đó phải đổ. Rõ ràng, ông Nhu đã gián tiếp cho Mỹ biết rằng ngay cả khi ông Diệm nhượng bộ thì ông cũng sẽ không để yên. Nhằm đi đến quyết định dứt khoát về chế độ Ngô Đình Diệm, Đại sứ Cabot Lodge đã gặp gỡ và trao đổi với Ngô Đình Diệm nhưng những gì ông nhận lại chỉ là sự vòng vo và im lặng. Trong bản báo cáo gởi cho Nhà Trắng Lodge đã kết thúc rằng: Dựa vào tất cả tin tức và hiểu biết của tôi về chính quyền ông Diệm: “Diệm có thể coi như là hết thuốc chữa”[18]. Những tín hiệu phát đi lần cuối cùng của Mỹ đã không được hồi đáp.

Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 là một trong những yếu tố chính khiến Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định thay thế chính phủ Ngô Đình Diệm. Ngọn đuốc của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm cho nhân dân Mỹ thấy dân chúng Việt Nam không đứng sau lưng chính quyền của họ và do đó người Mỹ sẽ không ủng hộ chính sách Mỹ ở Việt Nam.

Việc Mỹ im lặng và không ủng hộ Ngô Đình Diệm sẽ khuyến khích thêm các phong trào chống lại ông Diệm. Nếu các phong trào chống đối thành công, điều này sẽ cho phép Mỹ gây ảnh hưởng đến cục diện cũng như các chính sách của chính quyền kế nhiệm. [19] Nếu phong trào đấu tranh của Phật giáo thành công sẽ tạo ra một “khoảng trống quyền lực” tại miền Nam Việt Nam. Trong khi các tín đồ Phật giáo càng mong muốn xóa bỏ vai trò của Mỹ thì Mỹ càng có điều kiện gia tăng ảnh hưởng. Mục đích của Mỹ là nhằm tạo nên tình trạng bất ổn và bạo loạn gia tăng, phong trào đấu tranh Phật giáo “nhằm tìm kiếm những giải pháp có thể tránh dẫn đến xung đột nhiều nhất có thể”, từ đó có thể khẳng định vai trò độc quyền của Mỹ đối với nền chính trị tại miền Nam Việt Nam. Mỹ sau đó đã lao sâu vào “một cuộc chiến tranh làm mất lòng và gây chia rẽ nhất trong một thế kỷ của lịch sử nước Mỹ”[20]. Như vậy, mới biết tất cả thành bại đều do lòng người mà ra cả.

4. Chùa Ấn Quang với vai trò đầu não của cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963.

Chùa Ấn Quang được thành lập bắt đầu từ năm 1948, do Hòa thượng Trí Hữu khai sơn với tên gọi ban đầu là “Am Trí Tuệ” tại ngã ba Vườn Lài, nay là số 243 đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1950, Hòa thượng Trí Hữu cúng lại Am Trí Tuệ cho đến năm 1950, Hòa thượng Thích Trí Hữu đã giao quyền quản lý ngôi chùa cho Hòa thượng Thích Thiện Hòa để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã cho xây dựng ngôi chính điện theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế. Sau đó, Ngài cho xây tăng xá, giảng đường và nhà trù.

Năm 1951, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã vận động các trường Phật học Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ứng Quang hiệp nhất thành Phật học đường Nam Việt. Chùa Ứng Quang được đổi tên thành Ấn Quang, được chọn làm trụ sở của Phật học đường Nam Việt và Hòa thượng Thiện Hòa được bầu làm Giám đốc. Các hoạt động của Phật học đường Nam Việt và chùa Ấn Quang càng ngày càng khẩn trương bởi sức nóng của phong trào chấn hưng đang trên đà đỉnh điểm, đồng thời các vấn đề phát sinh về cuộc đàn áp Phật giáo của Chính thể Ngô Đình Diệm càng ngày càng nghiêm trọng nên việc thống nhất Phật giáo Việt Nam là yêu cầu của lịch sử bối cảnh thời đại: “Ngày 21/4/1956, Đại hội lần thứ nhất của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Ấn Quang ở Sài Gòn. Đại Hội đã gửi văn bản yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm công nhận ngày lễ Phật Đản nằm trong ngày nghĩ lễ tôn giáo hàng năm dành cho công chức và bình sĩ”[21]. Sau khi thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam thì lúc này vẫn duy trì sáu tổ chức Phật giáo trên toàn quốc.

Ngày 8/5/1963 xảy ra vụ tàn sát phật tử ở đài phát thanh Huế, trước sự bàng hoàng vàxótxa cho sự tàn ác của nhà cầm quyền ngày 10 tháng 5 năm 1963, các bậc thưởng thủ gồm: Hòa thượng hội chủ Thích Tịnh Khiết, Thượng tọa Mật Nguyện, Trí Quang, Thiện Siêu, Mật Hiển cùng nhau bàn thảo và đưa ra bản yêu cầu thực thì 5 nguyện vong chân chính, sáng tỏ và xây dựng của Phật giáo:

1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho tăng ni phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu chính phủ bồi thường thích đáng cho những người chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị xét xử.

Bản Tuyên ngôn có chữ ký của thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thượng tọa Mật Nguyện, đại diện Giáo hội Tăng Già Trung Phần, Thượng tọa Trí Quang, đại diện Hội Phật giáo Thừa Thiên và Thượng tọa Thiện Siêu, đại diện Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên và kèm với bản phụ đính kèm theo giải thích 5 nguyện vọng với mục đích là:

1. Phật giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự thay đổi chính sách của chính phủ.

2. Phật giáo Việt Nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên chúa giáo mà là chính sách bất công tôn giáo, đấu tranh cho lý tưởng công bằng, chứ không phải đấu tranh với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo.

3. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.

4. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động.

5. Phật giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội.

Bản Phụ đính cũng đề nghị chính quyền rút tất cả các tôn giáo ra khỏi phạm vi ràng buộc của Đạo dụ số 10, và ban hành một chế độ đặc biệt cho tất cả các tôn giáo, trong đó có Phật giáo và Gia Tô giáo. Ngày 25/5/1963, Phụ trương của Bản Phụ đính được công bố. Mục đích của văn kiện này là nhắc lại vai trò lập quốc và xây dựng nền văn hóa quốc gia trong quá trình lịch sử dân tộc của Phật giáo và nói rõ lập trường tranh đấu của Phật giáo cho công bằng xã hội[22]. Cùng thời điểm này thì ngày 9/5/1963, Ngô Đình Nhu sai Dương Văn Hiếu và Nguyễn Văn Thành Tổng giám đốc nha cảnh sát đến chùa Ấn Quang gặp quý thầy Lãnh đạo Phật giáo Miền Nam để yêu cầu trấn an dư luận nhưng đã bị các vị từ chối và cho biết đang chờ tin tức từ Huế.

chua an quang va phong trao dau tranh phat giao nam 1963 2

Đến ngày 15/5/1963, phái đoàn Phật giáo Việt Nam gồm: Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Hòa, Thiện Hoa, Thanh Thái, Đại đức Dũng Chí và cư sĩ Chánh Trí (Mai Thọ Truyền) đã diện kiến Tổng thống Diệm để trình bày về 5 nguyện vọng nhưng không đạt được kết quả nào khả quan[23] sau đó một ngày các vị lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã họp báo tại chùa Xá Lợi để tố cáo sự trơ trẽn của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hơn 1000 tăng, ni và rất đông phật tử vân tập về chùa Ấn Quang để cầu siêu cho đồng bào phật tử bị thảm sát ở Huế vào ngày 21/5/1963. Dù đã bị sự ngăn cản của cảnh sát, mật vụ và sự hăm dọa của chính quyền nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trang nghiêm và sau đó rước các hương linh sang chùa Xá Lợi.

Ngày 25/5/1963, Hòa thượng Tịnh Khiết triệu tập một cuộc gặp mặt giữa các tập đoàn thuộc Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác như Giáo hội Nguyên Thủy, Thiền Tịnh, Đạo Tràng, Giáo hội Theravada

… để thảo luận về kế hoạch tranh đấu. Một Ủy ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo được thành lập để chỉ đạo cho cuộc đấu tranh Phật giáo do Thượng tọa Tâm Châu làm Chủ tịch dưới quyền lãnh đạo tối cao của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết.

Sau khi thành lập Ủy ban Liên Phái, đại diện các giáo phái có mặt tại chùa Xá Lợi ngày 25/5/1963 công bố một bản Tuyên Ngôn mang chữ ký của các vị: Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam là Thượng tọa Thích Thiện Hòa; Pháp chủ Giáo hội Thiền tịnh đạo tràng Hòa thượng Minh Trực; Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Đại đức Bửu Chơn; Tăng trưởng Giáo hội Theravada (người Việt gốc Miên) Lục Cả Lâm Em; Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt là Thượng tọa Thích Thiện Hoa; Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thượng tọa Thích Tâm Châu; Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bắc Việt (tại miền Nam) thượng tọa Thích Thái Thanh; Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam là Nguyễn Văn Hiếu; Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt là Vũ Bảo Vinh; Đại diện phật tử Therevada (người Việt gốc Miên) Sơn Thái Nguyên; Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt là Mai Thọ Truyền[24] từ đó chùa Ấn Quang, Xá Lợi và chùa Giác Minh là các trung tâm bảo vệ Phật giáo miền Nam Việt Nam.

Đầu tháng 6 năm 1963, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo[25]. Lúc này, các sự kiện đấu tranh của cách mạng, của nhân dân và đặc biệt của Phật giáo diễn ra dồn dập, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành các cuộc đàn áp khắc nghiệt với Phật giáo Miền Nam bằng các thủ đoạn tinh vi và tàn khốc, từ việc bắt bớ, hăm dọa những phật tử đến chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh, cho mật vụ đêm đêm đến chùa bắt tăng, ni đi thủ tiêu nhằm mục đích triệt hạ tinh thần đấu tranh của Phật giáo miền Nam.

Sau hơn 1 tháng đấu tranh với tinh thần bất bạo động với các cuộc tiếp xúc, biểu tình và tuyệt thực, tự thiêu cũng không làm cho chính quyền thức tĩnh cho đến ngày 11/6/1963, Tỳ kheo Thích Quảng Đức trụ trì chùa Quan Thế Âm, tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám) với bức tâm thư để lại [26] đã xóa tan đi sự vu khống nông nổi của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân. Bắt đầu từ sự kiện Thích Quảng Đức tự thiêu đã có tác động tích cực lên phong trào ủng hộ đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam, những chiêu trò đánh lạc hướng dư luận của chính quyền không còn tác dụng và lúc này chính vợ chồng Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu đã thâm hiểm hơn khi cố vấn trở mặt với Thông cáo chung “Trần Lệ Xuân khuyên Tổng thống không ký ngang hàng với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết mà phải ký ở trên trang nhất kèm theo câu “thông cáo chung này đã được tôi chấp thuận nguyên tắc ngay từ đầu cho thấy sự thâm hiểm muốn triệt tiêu Phật giáo của vợ chồng Nhu’’[27].

Sau khi Tỳ kheo Thích Quảng Đức tự thiêu thì chính quyền vận động chi tiền mua chuộc thương phế binh, cô nhi, quả phụ biểu tình và chửi bới tăng, ni chia rẽ tăng đoàn… nhưng cũng không có kết quả, cuối cùng Ngô Đình Nhu xây dựng và thực thi “Kế hoạch nước lũ” với trọng tâm là tấn công các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh, Giác Sanh, Tuyền Lâm, Từ Đàm, Linh Quang, Giác Nguyên, Kim Liên và các chùa khác vào lúc 0 giờ 15 phút ngay 21/8/1963, cảnh sát mặc đồ rằn ri ào ào tấn công chùa bắt người, toàn bộ ban lãnh đạo Phật giáo gồm hơn 20 người: Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Thiện Hòa, Thiện Hoa…và cư sĩ Mai Thọ Truyền nhưng khi kiểm tra danh sách thấy thiếu Thượng tọa Trí Quang viên Giám đốc nha cảnh sát bắt cư sĩ đi tìm, dù tất cả điều biết Thượng tọa Trí Quang cũng bị bắt trong đoàn nhưng không ai khai cả, tất cả đều bị giam tại An Dưỡng Địa. Được tin tăng, ni, cư sĩ bị bắt, nhân dân, phật tử hết sức lo lắng và bắt đầu có biểu tình, mở đầu là các giáo sư, sinh viên, học sinh trường Đại học Y khoa. Ở Đại học luật Giáo sư Vũ Văn Mậu, Bộ trưởng Ngoại giao lên tiếng phản đối mạnh mẽ lên Tổng thống Ngô Đình Diệm bằng cách cạo đầu và bắt đầu cuộc đấu tranh ồ ạt của giáo sư, sinh viên, sau đó đến công thương, bãi khóa biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam chính quyền đã thẳng tay đàn áp và bắn chết em học sinh Quách Thị Trang đã khơi dậy nỗi đau của dân tộc đến nỗi những người Công giáo có lương tri như: Linh mục Cao Văn Luân từ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế để phản đối sự dã man của chính quyền. Không những phong trào diễn tiến mạnh mẽ trong nước mà thế giới cũng đã bắt đầu áp lực lên nước Mỹ và Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc đã cử một phái đoàn về Việt Nam để điều tra cuộc đàn áp Phật giáo đến Sài Gòn ngày 24/10/1963[28], các chính khách Mỹ cũng bị dư luận trong nước công kích mạnh mẽ và yêu cầu có hành động với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 1/11/1963, Quân đội Sài Gòn do Mỹ giật dây đã tiến hành đảo chính và ngày hôm sau hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị giết còn Trần Lê Xuân cũng đã đi vận động dư luận quốc tế cho chính quyền Sài Gòn cũng không còn có cơ hội trở về.

Kết luận:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu của những người đương thời như: Nam Thanh (Tổng thư ký – Linh sơn nghiên cứu Phật học Hội), Vũ Văn Mậu (Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn, Quốc Oai (Nhà nghiên cứu lịch sử đương thời. Tuệ Giác (người trong cuộc đã viết sử Phật giáo, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) người trong cuộc viết sử đương thời, còn nhiều những trang sử của các nhân vật trong cuộc đã cho thấy, cuộc đấu tranh của Phật giáo để bảo vệ công lý và hòa bình phải trả giá bằng xương máu của tăng, ni và phật tử.

Sau 9 năm cầm quyền Ngô Đình Diệm đã đem lại nhiều đau khổ, tủi nhục vật mất mát to lớn cả về vật chất và tinh thần cho dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng.

Sau 53 năm sự kiện đấu tranh của Phật giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo và phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam chống chính quyền độc tài dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài và gia đình trị Ngô Đình Diệm (1/11/1963), là một quy luật tự nhiên.

Vài trò nòng cốt của phòng trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo của các bậc tôn trưởng như: Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Quang, Thiện Minh… và các Cư sĩ như Chánh Trí, Tâm Minh … đã đưa đến thắng lợi bước đầu của Phật giáo miền Nam đã tạo ra nhiều thời cơ, góp phần thuận lợi cho phong trào cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975.

[irp posts=”1792″ name=”Chùa Ấn Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 (P.1)”]

Phạm Thanh Tuấn, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 9/2019


CHÚ THÍCH:
8. Viv Sanders, “Turning Points in the Vietnam War”, published in History.
9. Mike Gravel (1971), The Pentagon Papers: The Defense Department His¬tory of United States Decision Making on Vietnam, Beacon Press, p. 25.
10. Lưu Văn Lợi (2004), Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 214-215.
11. Robert S. Mc Mamara (1995), Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Bản dịch của Hồ Chính Hạnh,Huy Bình,Thu Thuỷ,Minh Nga, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 96.
12. Thomas L. Ahern, Jr. (2000), CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963, Center for the Study of Intelligence, pp. 21-31, 127. Source: Freedom of Information Act (FOIA), United States.
13. Michael O’Brien (2005), John F. Kennedy: A Biography, St. Martin’s Press, p. 859
14. Letters to the Times: “Mrs. Nhu Defends Stand”, The New York Times, 14 August 1963.
15. Seth Jacobs (2006), Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950 -1963, Rowman & Littlefield Publishers, p. 149.
16. Trần Văn Giàu (1966). Miền Nam giữ vững thành đồng, tâp 2, Nxb KH-XH Hà Nội, tr. 342-343.
17. William W. Prochnau (1995), Once upon a Distant War, Times Books, New York, p. 309.
18. Nguyên văn: “Unless Madame Nhu and her fanatical husband left the country”, Diem could not be saved. William J. Miller (1967), Henry Cabot Lodge: A Biography, James H Heineman, New York, p. 344.
19. Research Memorandum From the Director of the Bureau of Intelligence and Research (Hughes) to the Secretary of State, Department of State, S/P Files: Lot 70 D 199, Vietnam 1963. Secret; No Foreign Dissem; Limit Distribution. A note on another copy of this memorandum indicates that it was placed in the President’s weekend reading file. (Kennedy Library, National Security Files, Vietnam Country Series, 6/63). Foreign Relations of The United States, 1961–1963, Volume III, Viet¬.
20. Pu-lơ (1986), Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến Ních-xơn, Nxb. Nxb Thông tin – Lý luận, Hà Nội, tr. 7.
21. Lê Cung (2008) Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963.Nxb Thuận, Huế. Tr.134.
22. Nguyễn Lang (2009) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 3 – Chương 38: Cuộc Vận Động Chống Chế Độ Ngô Đình Diệm, Nxb Văn Học – Hà Nội, tr.792- 800.
23. Nam Thanh (1963) Cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Thư viện Huệ Quang ấn hành. Sài Gòn. Tr. 12.
24. Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật. Báo Nhân Dân ra ngày 13/6/1963.tr. 4.
25. https://thuviengdpt.info/kho/tai-lieu-tong-hop/tai-lieu/phat-giao-dau-su-phat-giao-viet-nam.
26. Trí Không (soạn 2009). Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi. ở dạng bản thảo.tr. 281.
27. Minh Không (Vũ Văn Mậu) (2003) Sáu tháng pháp nạn 1963, Nxb Giao Điểm, USA (ấn bản 1984.in Roneo. Việt Nam). Tr.279.
28. Võ Đình Cường (dịch) (1966). Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt Nam, Nxb Hùng Khanh, Sài Gòn

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường