Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Chính trị qua lăng kính Phật giáo

Chính trị qua lăng kính Phật giáo

Qua lăng kính Phật giáo (Buddhist prism), sự khuyến hóa và giáo dục toàn diện của đức Phật không hướng đến việc tạo ra các thể chế chính trị mới và thiết lập hay dàn xếp chính trị. Về cơ bản, giáo lý Phật giáo luôn tìm cách tiếp cận các vấn đề của xã hội bằng cách cải tổ các cá nhân trong việc cấu thành xã hội...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Qua lăng kính Phật giáo (Buddhist prism), sự khuyến hóa và giáo dục toàn diện của đức Phật không hướng đến việc tạo ra các thể chế chính trị mới và thiết lập hay dàn xếp chính trị. Về cơ bản, giáo lý Phật giáo luôn tìm cách tiếp cận các vấn đề của xã hội bằng cách cải tổ các cá nhân trong việc cấu thành xã hội…

Ngô Hữu Thiện Tâm
Học viên cao học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Đức Phật là người đã vượt ra khỏi quan điểm trần tục của thế gian, nhưng Ngài vẫn đưa ra những quan điểm hay đúng hơn là một phương thức để xây dựng một chính phủ lành mạnh. Nhận định này sẽ được phân tích qua bài viết dưới đây.

Từ khóa: Chính trị, Phật giáo

Đức Phật Gotama là người khai sinh ra phật giáo, một tôn giáo thế giới có đông số lượng tín đồ hiện nay. Gotama xuất thân từ giai cấp hoàng tộc và đương nhiên Ngài hiểu rõ về quyền lực, về lập pháp, hiến pháp và hành pháp của một bậc quân vương như thế nào. Song, Gotama đã không chọn đi đến cùng con đường của một chính trị gia, mặc dù Người được giáo dục từ thuở ấu thơ trong một môi trường chính trị hoàng gia. Gotama đã chọn đi theo một chủ nghĩa thoát tục (escapism), xa rời những định kiến sai lầm của thế gian. Sau khi thành đạo (enlightenment), trong sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp, đức Phật, không bao giờ sử dụng ảnh hưởng quyền lực chính trị để giáo hóa chúng sinh, cũng như không cho phép giáo lý của Ngài bị lạm dụng để đạt được quyền lực chính trị. Ngày nay, nhiều chính trị gia cố gắng gắn nhãn “chính trị” bằng cách giới thiệu đức Phật là một người cộng sản (communist), tư bản (capitalist) hoặc thậm chí là một nhân vật theo chủ nghĩa đế quốc (imperialist) theo một lối tư duy cục bộ và sai lệch. Thực tế, triết lý chính trị, như chúng ta được biết, phát triển ở phương Tây từ rất lâu sau thời đức Phật[1]. Cho nên, những ai cố gắng lạm dụng danh hiệu của đức Phật để làm lợi ích cho cá nhân hay một tổ chức đảng phái nào đó thì nên hiểu rằng: Đức Phật là Đấng Giác ngộ Tối thượng (Perfect Enlightenment)[2], là bậc đạo sư đã vượt ra khỏi mọi phiền não của thế gian.

Tuy nhiên, có một vấn đề cố hữu đan xen giữa tôn giáo với chính trị luôn bị nhìn nhận sai biệt hoặc khuếch đại tư tưởng. Định nghĩa đúng nhất về tôn giáo (religion) là đi cùng với đạo đức (morality), sự thuần tịnh (purity) và đức tin (faith)[3]. Trong khi, nguyên ngữ chính trị (politics) hiểu đúng nhất chính là quyền lực (power), theo đường hướng được sử dụng tích cực trong bối cảnh “giải pháp chính trị” mang tính thỏa hiệp và bất bạo động, hoặc được mô tả là “nghệ thuật hay khoa học chính quyền”[4]. Bên cạnh đó, chính trị được xem là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai tầng xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước. Cùng với sự tham gia vào công việc nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước[5].

“Con người, từ bản chất, là một sinh vật chính trị”[6] -ARISTOTLE-

Chính trị, là hệ thống phạm vị chặt chẽ luôn đảm bảo sự kết nối chặt chẽ trong cấu trúc thượng tầng chính phủ. Để bảo vệ và đem lại hạnh phúc cho sự hưng vượng của quần chúng. Qua đó, bất kỳ một hệ thống chính trị nào, dù có lý tưởng đến đâu, đều có thể mang lại hòa bình và bình đẳng cho muôn dân. Ngoài ra, thông qua một số hệ thống chính trị, còn có một số yếu tố phổ biến nhất định mà các thành viên trong xã hội sẽ phải trải qua; bởi tác động của nghiệp tốt và xấu của quá khứ, vì rằng: đặc trưng của thế giới hoặc một cộng đồng hay các quốc gia đều bị chi phối bởi: vô thường (impermanance)[7], khổ (suffering)[8] và vô ngã (non-self)[9].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chinh Tri Qua Lang Kinh Phat Giao

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Thêm nữa, một hệ thống chính trị công lý và bình đẳng, luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người bằng việc sử dụng cân bằng quyền lực (balance of power) là điều kiện tối quan trọng để có được hạnh phúc trong xã hội. Nhưng qua đó, người lãnh đạo phải không ngừng tìm kiếm hệ thống chính trị toàn hảo để xây dựng và tô bồi một chính phủ vẹn toàn. Chỉ như vậy, người cầm quyền và các tế bào xã hội mới có thể hướng đến công lý (justice) và tự do (freedom). Vậy làm thế nào để đạt được tự do? Chính là mọi cá thể phải quán chiếu vào nội tại tâm trí của mình và hướng tới việc giải phóng bản thân ra khỏi xiềng xích của vô minh và khát ái. Cho nên, tự do theo nghĩa chân thật nhất, chỉ có thể đạt được khi một người biết thực hành Giáo pháp để phát triển nhân tính của mình, thông qua thân, khẩu, và ý để rèn luyện tâm trí, nhằm phát triển tiềm năng tinh thần và đích đến cuối cùng là sự giải thoát (liberation)[10].

Trong tiến trình lịch sử, tôn giáo thường được sử dụng để mang lại tính hợp pháp cho những người nắm quyền và thực hiện một quyền lực nào đó nhất định[11]. Ngoài ra, tôn giáo còn được sử dụng như một công cụ để biện minh cho các cuộc chiến tranh và chinh phạt, bắt bớ, tàn bạo, nổi loạn, phá hủy các công trình kiến trúc nghệ thuật và văn hóa. Chung quy, khi tôn giáo được sử dụng để chạy theo những ý tưởng chính trị bất chợt, thì nó buộc phải từ bỏ những lý tưởng đạo đức cao đẹp và trở nên suy yếu bởi những đòi hỏi chính trị của thế gian.

Qua lăng kính Phật giáo (Buddhist prism), sự khuyến hóa và giáo dục toàn diện của Đức Phật không hướng đến việc tạo ra các thể chế chính trị mới và thiết lập hay dàn xếp chính trị. Về cơ bản, giáo lý Phật giáo luôn tìm cách tiếp cận các vấn đề của xã hội bằng cách cải tổ các cá nhân trong việc cấu thành xã hội, nhằm đề xuất một số nguyên tắc chung mà thông qua đó, xã hội có thể hướng tới một chủ nghĩa nhân văn (humanism), để cải thiện phúc lợi hoặc chia sẻ nguồn lực giữa các cá nhân. Trong khi, thừa nhận lợi ích của việc tách tôn giáo khỏi chính trị và những hạn chế của hệ thống chính trị trong việc mang lại hòa bình và hạnh phúc, có một số khía cạnh đức Phật đã giảng dạy có sự tương ứng chặt chẽ với các thỏa thuận chính trị của ngày nay.

– Thứ nhất, đức Phật đã dạy về sự bình đẳng, các tầng lớp giai cấp là những rào cản nhân tạo do xã hội dựng lên[12]. Vì thế, sự phân tầng duy nhất của con người, theo đức Phật, mọi nhân cách đều dựa trên phẩm hạnh đạo đức và trí tuệ.

– Thứ hai, đức Phật khuyến khích tinh thần hợp tác xã hội và tham gia tích cực vào xã hội. Tinh thần này được phát huy tích cực trong tiến trình chính trị của các xã hội hiện đại[13].

– Thứ ba, vì không có ai được bổ nhiệm làm người kế vị sau khi đức Phật nhập diệt, nên các thành viên của Tăng đoàn phải tôn Giáo pháp và Luật tạng là Thầy, hay nói ngắn gọn là nghiêm trì giới luật và thực hành chánh pháp[14].

– Thứ tư, đức Phật khuyến khích tinh thần tham vấn và tiến trình dân chủ. Điều này được thể hiện trong cộng đồng của Tăng đoàn, trong đó tất cả các thành viên đều có quyền quyết định về các vấn đề quan tâm chung[15]. Tức là, khi một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra đòi hỏi sự biểu quyết và thảo luận theo cách tương tự như hệ thống nghị viện dân chủ được sử dụng ngày nay.

Phương thức tự quản này được đức Phật đưa ra cách đây hơn 2.500 năm. Và hơn thế nữa, mô thức này có mối tương quan chặt chẽ được tìm thấy trong những hình thức nghị viện ngày nay. Ngoài ra, cách tiếp cận của Phật giáo đối với quyền lực chính trị là đạo đức hóa (moralization). Nghĩa là, giáo pháp của đức Phật được thuyết giảng mang nội hàm về nhân tính, về bất bạo động (non-violence) và hòa bình như một thông điệp phổ quát[16]. Ngài không tán thành việc sử dụng bạo lực hay tàn phá sự sống, và tuyên bố rằng không có cái gọi là chiến tranh chính nghĩa (righteous war), Ngài dạy rằng: “Kẻ chiến thắng sinh ra hận thù, kẻ bại trận sống trong đau khổ. Ai từ bỏ cả chiến thắng và thất bại, được hạnh phúc và an lạc”[17]. Qua đó, đức Phật đưa ra phương thức quan trọng và những điều kiện tiên quyết để thiết lập một chính phủ quyền lực và lành mạnh. Cô đọng lại là, một đất nước, một chế độ có thể bị suy vong và bất ổn khi giai cấp cầm quyền có hành vi tham nhũng, bất chính và bất công. Trái lại, khi người cai trị một đất nước dựa trên công bình và bình đẳng, tôn trọng hiến pháp thì đất nước sẽ được thái bình, an lạc, và mọi cá nhân thành phần trong xã hội trở nên hòa thuận và tín dụng vào chính phủ.

Một số quan điểm của đức Phật về việc thiết lập một thể chế chính trị vững mạnh được biên tập trong các văn bản thời kỳ đầu, cụ thể, trong Kinh Cakkavati-Sihanada[18] đức Phật dạy: sự bất bình đẳng và tội ác, chẳng hạn như trộm cắp, bạo lực, hận thù, độc ác, có thể phát sinh từ nghèo đói. Những nhà cầm quyền đứng đầu chính phủ, nếu cố gắng trấn áp tội phạm thông qua hình phạt, diệt trừ tội ác bằng vũ lực là điều vô ích.

Trong Kinh Kutadanta[19], đức Phật đưa ra đề nghị, phát triển kinh tế thay vì dùng vũ lực để giảm tội phạm. Chính phủ nên sử dụng các nguồn lực của đất nước để cải thiện các điều kiện kinh tế của đất nước. Ví dụ, tập trung vào phát triển kinh tế, nông nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nhân và doanh nghiệp, cung cấp mức lương thỏa đáng cho người lao động để duy trì một cuộc sống tốt đẹp với phẩm giá con người.

Thêm vào đó, đức Phật đã đưa ra các quy tắc để điều hành một Chính phủ, được gọi là “Dasavidha-rājadhamma” hay mười nguyên lý đạo đức (Tenfold virtue of the ruler) áp dụng trong bất kỳ một chính phủ nào muốn cai trị đất nước một cách hòa bình, như sau[20]:

1. Dāna (charity): thực hành bố thí và từ bỏ sự ích kỷ.

2. Sīla (morality): giữ giới luật nghiêm minh, thực hành đạo đức cao quý.

3. Pariccāga (altruism): thực hành hạnh vị tha, sẵn sàng hy sinh niềm vui của bản thân vì lợi ích cộng đồng.

4. Ājjava (honesty): trung thực và duy trì tính toàn vẹn tuyệt đối.

5. Maddava (gentleness): giao tiếp thuận hòa, tử tế và hiền lành.

6. Tapa (self controlling): làm chủ bản thân, không làm hại kẻ khác.

7. Akkodha (non-anger): không hận thù dưới bất kỳ hình thức nào.

8. Avihimsa (non-violence): luôn lấy bất bạo động để giải quyết vấn đề.

9. Khanti (forbearance): rèn luyện đức tính kiên nhẫn, nhẫn nại trong công việc.

10. Avirodhana (uprightness): Tôn trọng dư luận xã hội để thúc đẩy hòa bình

Như vậy, mỗi một chính trị gia, điều kiện tiên quyết, phải thúc đẩy cải thiện bản thân, xem xét cẩn thận hành vi của mình trong công việc; từ lời nói cho đến suy nghĩ hành động phải là một người mẫu mực. Coi trọng bổn phận đạo đức của một người cai trị sử dụng quyền lực nhằm cải thiện phúc lợi cho người dân. Điển hình trong lịch sử Phật giáo, được truyền cảm hứng từ hoàng đế Aśoka vào thế kỷ thứ III (TCN), ông là một tấm gương sáng ngời thực hiện theo mười nguyên tắc của một vị quân vương, chán ghét những cuộc chiến đẫm máu và nước mắt của quá khứ[21]. Aśoka quy y Tam Bảo và đã áp dụng thành công giáo pháp của đức Phật để cai trị đất nước và phục vụ thần dân của mình[22]. Thêm vào đó, Aśoka khuyến khích tự do tín ngưỡng tôn giáo và tôn trọng đức tin, tín điều của các tôn giáo khác. Aśoka còn thực hiện các chuyến hành hương viếng thăm những thánh tích, vi hành để hiểu và chăm lo cho đời sống muôn dân.

Phẩm chất đạo đức tốt đẹp của một người làm chính trị hay một bậc quân vương được đức Phật khuyến hóa trong bài kinh Cakkavatti Sihananda Sutta như sau: (i) Một người cai trị tốt phải hành động công bằng, không nên thiên vị và phân biệt đối xử giữa một nhóm đối tượng cụ thể với một nhóm đối tượng khác; (ii) Một người cai trị tốt không nên nuôi dưỡng bất kỳ hình thức thù hận nào đối với bất kỳ thần dân nào của mình; (iii) Một người cai trị tốt không nên tỏ ra sợ hãi bất cứ điều gì trong việc thực thi luật pháp, nếu điều đó là chính đáng; (iv) Một người cai trị tốt phải có hiểu biết rõ ràng về luật pháp được thực thi. Không nên thực thi chỉ vì người cai trị có thẩm quyền để thực thi luật pháp. Nó phải được thực hiện một cách hợp lý và có ý thức chung[23].

Trên lĩnh vực đời sống xã hội, đức Phật lên án chế độ đẳng cấp, khẳng định quyền bình đẳng của mọi người, cần thiết phải cải thiện các điều kiện kinh tế – xã hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân chia tài sản công bằng hơn giữa người giàu và người nghèo, nâng cao địa vị của phụ nữ, khuyến nghị đưa chủ nghĩa nhân văn vào chính phủ và hành chính. Mấu chốt, một xã hội không nên được điều hành bởi lòng tham (greed), sân (hatred) và si (delusion), chỉ như thế, người làm chính trị mới được sự tín nhiệm của quần chúng. Đức Phật đã chỉ ra rằng, cần phải đi vào cội rễ sâu xa nhất căn bệnh vốn được tìm thấy trong tâm trí con người. Chỉ khi nào tâm trí con người được cải cách, nâng cao đạo đức luân lý, thì lúc đó thực sự mới có thể thực hiện được lý tưởng chính trị. Tương tự như lời bàn của Aristotle: “Chính trị tự nó không xấu, chỉ có những mô hình và chế độ chính trị do con người tạo ra mới có tốt và có xấu vì không nhận thức rõ được về bản chất của con người”[24]. Vì thế, những cuộc cải cách về chính trị hay thể chế đều có thể bắt nguồn từ kết quả của sự biến đổi ý thức bên trong con người. Vậy nên, cải cách xảy ra khi tâm trí của con người được sinh ra từ tình yêu của chính họ đối với sự thật, công lý và với đồng loại của họ.

Kết luận, giáo lý đức Phật thuyết giảng không phải là một học thuyết Chính Trị (political philosophy), cũng không phải là một học thuyết khuyến khích con người hướng đến thú vui trần tục (mundane exhilaration), mà giáo lý của đức Phật gợi ý một con đường tối thượng để chứng đắc Niết bàn (nibbāna), Niết bàn không cao siêu trừu tượng, mà chính là chấm dứt được vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) những cái khiến con người trở nên cố chấp, ràng buộc vào cái ngã, vị kỷ. Phật giáo tuy là một tôn giáo nhưng cũng không thờ ơ trước các định chế chính trị – xã hội hoặc vận mệnh của đất nước và nhân loại, bởi vì, chính trị vốn là một thực thể hiện sinh của xã hội, cuộc sống của các thành viên trong xã hội được định hình bởi luật pháp và các quy định. Mọi thỏa thuận về kinh tế (economy), nhân quyền (human rights), bình đẳng (equality)… trong một quốc gia, đều chịu sự ảnh hưởng và chi phối của thỏa hiệp chính trị của xã hội đó. Phật giáo chỉ lưu ý, một cá nhân tín đồ hay một tu sĩ tham gia vào chính trị thì người đó không nên “mượn” tôn giáo để đạt được quyền lực chính trị, cũng như không khuyến khích những người đã từ bỏ đời sống thế tục, hướng đến một đời sống tôn giáo trong sáng thì cũng tránh “mượn” chính trị để đạt được mục đích tôn giáo.

Ngô Hữu Thiện Tâm
Học viên cao học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

***

[1] Aristotle, Chính Trị Luận, Nông Duy Trường dịch, NXb Thế Giới 2017.
[2] P: Sammā-sambodhi.
[3] Religion – Definition of Religion by Merriam Webster
[4] Leftwich, Adrian (2015). What is politics? The Activity and Its Study. Polity Press, tr.68.
[5] Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, Nxb Từ Điển Bách Khoa Việt Nam. Hà Nội 2005.
[6] Aristotle, Chính Trị Luận, sđd.
[7] P: aniccā
[8] P: dukkha
[9] P: anattā
[10] P: moksha.
[11] Peter L. Simpson, (1998). A Philosophical Commentary on the Politics of Aristotle. Chapel Hill: University of North Carolina Press, tr.132.
[12] Mn. 93. Assalāyanasutta: “brāhmaṇova seṭṭho vaṇṇo, hīno añño vaṇṇo; brāhmaṇova sukko vaṇṇo, kaṇho añño vaṇṇo; brāhmaṇova sujjhanti, no abrāhmaṇā; brāhmaṇāva brahmuno puttā orasā mukhato jātā brahmajā brahmanimmitā brahmadāyādā’ti.”
[13] Dn. 16. Mahāparinibbāṇa Sutta: “Tatrāhaṁ vajjīnaṁ ime satta aparihāniye dhamme desesiṁ. Yāvakīvañca, brāhmaṇa, ime satta aparihāniyā dhammā vajjīsu ṭhassanti, imesu ca sattasu aparihāniyesu dhammesu vajjī sandississanti, vuddhiyeva, brāhmaṇa, vajjīnaṁ pāṭikaṅkhā, no parihānī”ti.”
[14] Dn. 16. Mahāparinibbāṇa Sutta
[15] An. Tăng Chi Bộ kinh, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Chương II – Hai Pháp.
[16] Paul Williams (2005). Buddhism: Critical Concepts in Religious Studies, Routledge, tr.398.
[17] Dp. Verse 201: “Jayaṁ veraṁ pasavati, dukkhaṁ seti parājito, upasanto sukhaṁ seti, hitvā jayaparājayaṁ.”
[18] Dn. 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống: “Iti kho, bhikkhave, adhanānaṁ dhane ananuppadiyamāne dāliddiyaṁ vepullamagamāsi. Dāliddiye vepullaṁ gate adinnādānaṁ vepullamagamāsi, adinnādāne vepullaṁ gate satthaṁ vepullamagamāsi, satthe vepullaṁ gate pāṇātipāto vepullamagamāsi, pāṇātipāte vepullaṁ gate musāvādo vepullamagamāsi, musāvāde vepullaṁ gate pisuṇā vācā vepullamagamāsi, pisuṇāya vācāya vepullaṁ gatāya tesaṁ sattānaṁ āyupi parihāyi, vaṇṇopi parihāyi. Tesaṁ āyunāpi parihāyamānānaṁ vaṇṇenapi parihāyamānānaṁ vīsativassasahassāyukānaṁ manussānaṁ dasavassasahassāyukā puttā ahesuṁ.”
[19] Dn. 5. Kinh Cứu-la-đàn-đầu.
[20] Jataka (1959). “The ten duties of the ruler”, Ven. Walpola Rahula dịch.
[21] Anuradha Seneviratna (1994). King Aśoka and Buddhism: Historical and Literary Studies, Buddhist Publication Society.
[22] Nayanjot Lahiri (2015). Ashoka in Ancient India. Harvard University Press. tr.134.
[23] Dn. 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống.
[24] Aristotle (2017), Chính Trị Luận, Nông Duy Trường dịch,  Nxb Thế Giới (2017), tr.8

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hòa Thượng, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, NXB Hồng Đức.
2. Hòa Thượng, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, NXB Hồng Đức.
3. Hòa Thượng, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, NXB Hồng Đức.
4. Aristotle, Nông Duy Trường dịch (2017), Chính Trị Luận, NXb Thế Giới.
5. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2005), Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, Nxb Từ Điển Bách Khoa Việt Nam. Hà Nội.
6. Jataka (1959). “The ten duties of the ruler”, Ven. Walpola Rahula dịch.
7. Anuradha Seneviratna (1994). King Aśoka and Buddhism: Historical and Literary Studies, Buddhist Publication Society.
8. Nayanjot Lahiri (2015). Ashoka in Ancient India. Harvard University Press.
9. Religion – Definition of Religion by Merriam Webster
10. Adrian Leftwich (2015). What is politics? The Activity and Its Study. Polity Press.
11. Paul Williams (2005). Buddhism: Critical Concepts in Religious Studies, Routledge.
12. Peter L. Simpson, (1998). A Philosophical Commentary on the Politics of Aristotle. Chapel Hill: University of North Carolina Press.

TỪ VIẾT TẮT
Dn: Dīghanikāya
Mn: Majjhimanikāya
An: Aṅguttaranikāya
Dp: Dhammapada
P: Pāli

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường