Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 5)

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 5)

Sau khi thọ Tam Quy và Ngũ Giới xong, thì quý vị mới được gọi là phật tử. Phật tử có nghĩa là con của Phật, nhưng quý vị chỉ là những người con mới bước chân vào đạo Phật mà thôi, cho nên đức hạnh và giới luật chưa nghiêm chỉnh, vì thế quý vị còn rất ngỡ ngàng, xa lạ và chưa quen với cách sống đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

CHẶNG ĐƯỜNG THỨ HAI – THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Kính thưa quý vị!

Sau khi thọ Tam Quy và Ngũ Giới xong, thì quý vị mới được gọi là phật tử. Phật tử có nghĩa là con của Phật, nhưng quý vị chỉ là những người con mới bước chân vào đạo Phật mà thôi, cho nên đức hạnh và giới luật chưa nghiêm chỉnh, vì thế quý vị còn rất ngỡ ngàng, xa lạ và chưa quen với cách sống đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo.
Nếu quý vị không được hướng dẫn kỹ lưỡng đúng theo đời sống đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai của đạo Phật, thì những người con Phật lại chưa xứng đáng là con của Phật, là đệ tử của Phật. Dù quý vị đã quy y rất lâu, từ 5, 10 năm hoặc đến 60, 70 năm, cũng vẫn chưa thành những người con chính thức của Phật được.

Tại sao vậy?
Vì quý vị biết đi chùa, cúng dường, lạy Phật, tụng kinh, bái sám, niệm Phật, ngồi thiền, nghe thuyết giảng kinh sách, mà không biết giữ gìn giới luật, không biết sống đạo đức nhân bản – nhân quả làm người.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Thưa quý vị!

Làm con của Phật, làm đệ tử của Phật là phải sống giống như Phật. Làm con của Phật, làm đệ tử của Phật mà sống không giống như Phật thì làm sao gọi là con Phật, là đệ tử Phật được. Phải không quý vị?

Vậy muốn sống giống như Phật thì phải học đạo đức. Cho nên khi thọ Tam Quy thì liền phải thọ Ngũ Giới, tức là thọ 5 đức hạnh làm người. Nếu thọ Tam Quy mà không thọ Ngũ Giới thì không đúng quy cách đến với đạo Phật. Bởi Ngũ Giới xác định đúng quy cách hành động đạo đức sống như Phật.

Cho nên thọ Tam Quy thì phải thọ Ngũ Giới một lượt, để từ đó quý vị thay đổi sự sống thế gian bằng sự sống đức hạnh của Phật giáo. Cho nên năm đức hạnh (Ngũ Giới) đã xác định sự sống của người con Phật không giống như sự sống của người thế gian.
Ví dụ: Người thế gian sống ăn thực phẩm động vật, còn người phật tử sống ăn thực phẩm thực vật; người thế gian sống tham lam, nhiều ham muốn, còn người phật tử sống từ bỏ lấy của không cho; người thế gian coi thường sự sống chung thủy.

Còn người phật tử sống coi trọng sự chung thủy; người thế gian sống xem thường nói lời thành thật, nên thường hay nói dối, còn người phật tử sống quý trọng lời nói thành thật, nên không dám nói dối; người thế gian xem thường phẩm cách, sống nghiện ngập, rượu chè say xỉn, nên thường uống rượu, còn người phật tử sống không dám xem thường nghiện ngập, rượu chè say xỉn, nên không dám uống rượu. Đó là những sự khác biết giữa người thế gian và người phật tử.

Năm đức hạnh làm người như thế nào? Xin quý vị hãy đọc trở lại phần Thọ Tam Quy và Ngũ Giới thì biết rõ năm đức hạnh này.
Sau một tháng quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới, quý vị được vị thầy quy y cho quý vị sẽ hướng dẫn cách sống 5 đức hạnh.
Nhờ sống 5 đức hạnh đó, bấy giờ quý vị sống mới biết yêu thương mọi người, mọi vật như thương yêu chính bản thân mình; mới biết sống không tham lam trộm cắp; mới biết sống thương yêu gia đình con cái và vợ chồng chung thủy với nhau; mới biết sống nói những lời thành thật; mới biết sống không đắm mê rượu chè, bài bạc, hút xách, v.v… Sống được như vậy quý vị thấy có giống như Phật chưa?

Chắc hẳn quý vị sống như Phật rồi, nhưng chỉ mới giống có một chút mà thôi, còn phải sống giống nhiều hơn nữa, có nghĩa là quý vị học và sống đạo đức nhiều nữa. Vì thế, Phật sống như thế nào thì quý vị phải sống như thế nấy, thì bấy giờ mới gọi là sống như Phật. Phải không quý vị?

Muốn sống được đạo đức hơn nữa, thì quý vị phải chuyển qua giai đoạn tu tập thứ hai. Khi mà giai đoạn thứ nhất quý vị đã sống đúng năm đức hạnh, không hề còn vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm đức hạnh này, thì quý vị phải chuyển qua giai đoạn tu tập thứ hai. Đến giai đoạn này, những người phật tử phải tu học rất nhiều, để rèn luyện thân tâm của mình trở thành người đạo đức, có như vậy mới xứng đáng là con của Phật, là đệ tử của Phật. Phải không quý vị?

Vậy giai đoạn thứ hai tu học theo Phật giáo như thế nào? Và tên pháp môn tu học ấy gọi là gì?

Giai đoạn tu học thứ hai có tên là “Thọ Bát Quan Trai Giới”. Thọ Bát Quan Trai Giới là tên một tập sách đạo đức của Phật giáo dạy người cư sĩ về tám đức hạnh và bốn pháp định, để những người con Phật biết cách thức tu tập và sống đời đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Vậy tám đức hạnh là gì? Và bốn định là gì?
Tám đức hạnh gồm có:
1. Đức hiếu sinh
2. Đức buông xả không tham lam
3. Đức chung thủy
4. Đức thành thật
5. Đức minh mẫn
6. Đức tự nhiên
7. Đức thanh bần và trầm lặng độc cư
8. Đức ly dục
Bốn định gồm có:
1. Định Chánh Niệm Tĩnh Giác
2. Định Niệm Hơi Thở
3. Định Vô Lậu
4. Định Sáng Suốt

Người cư sĩ phật tử như quý vị gia duyên còn ràng buộc quá nhiều, vì cuộc sống gia đình xã hội đang gắn bó trong cuộc sống như mắt xích, vì thế mỗi tháng quý vị chọn 2 ngày: ngày đầu tháng và ngày giữa tháng, để Thọ Bát Quan Trai.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Tám giới này là thiện pháp, nó có công năng chuyển nghiệp đau khổ của quý vị, nếu quý vị mỗi tháng tu tập được hai ngày, hay nhiều hơn thì bản thân của quý vị và gia đình đều được an vui, ít bệnh tật, ít tai nạn xảy ra, gia đình đầm ấm, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, con cái hiếu thảo, v.v… Đó là nhờ tám giới đức hạnh thiện pháp mà chuyển được nghiệp ác pháp của gia đình.

Bát Quan Trai là pháp môn tu tập của người cư sĩ phật tử, để chuyển bước qua giai đoạn tu tập thứ ba của người tu sĩ Phật giáo. Người cư sĩ phật tử không sống 5 đức hạnh; không tu tập Bát Quan Trai và bốn loại định thì người cư sĩ phật tử ấy chưa phải là con của Phật, là người đệ tử của Phật như trên đã nói.

Đây là những tập sách gối đầu nằm của người cư sĩ phật tử, sách này không phải là sách đọc một lần, xin quý vị nên lưu ý.
Đến đây, Thầy xin ước nguyện cho quý phật tử sống và tu tập theo sách này ngày một kết quả đạo đức tốt đẹp, cho đời sống hạnh phúc an vui.

Ngày mùng 10 và 11 tháng 4 năm 2004, tại Tu Viện Chơn Như, đức Trưởng lão Thích Thông Lạc trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn toàn phần các nghi lễ, các pháp hành, từng động tác nhỏ, từng bước chân đi, từ cánh tay đưa lên theo hiệu lệnh pháp hướng tâm “NHƯ LÝ TÁC Ý”, câu hữu với những hành động của thân, có sức tỉnh thức cao để “XẢ TÂM”, ly dục ly ác pháp…

Đức Trưởng Lão đã để lại cho chúng sanh một kho tàng pháp hành vô giá; có lợi ích và đầy đủ ý nghĩa cho ngày Thọ Bát Quan Trai Giới. Kết quả không bị ức chế tâm, hoàn toàn xả tâm ly dục ly ác pháp, nhập Bất Động Tâm Định.

Tập sách Thọ Bát Quan Trai này giúp cho quý phật tử cư sĩ có một chương trình pháp hành phong phú, có pháp để rèn luyện Giới đức, Giới hạnh rõ ràng, bằng những câu pháp hướng tâm ngắn gọn và cô đọng, tuỳ theo căn cơ và đặc tướng của quý vị để áp dụng xả tâm cho có hiệu quả thanh thản, an lạc và vô sự…

Ước nguyện của chúng con mong sao tập Pháp Bảo này được lưu giữ lại cho đời này, đời sau, và mãi mãi nối truyền cho những thế hệ mai sau nữa. Chỉ vì tập sách này là những lời giảng dạy của Trưởng Lão, giúp cho chúng con và mọi người tu tập không bị lạc vào tà pháp ức chế thân tâm.

Được đọc tập sách này, được tu tập Thọ Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm là niềm vui chung của chúng con. Vì thế chúng con ước nguyện mọi người đều đạt được như vậy:
• Vì lợi ích chúng sanh.
• Vì thắp sáng lại ngọn đèn chánh pháp, không có quyền để cho nó lu mờ.
• Vì Chánh pháp của Phật phải được trường tồn mãi mãi.
• Vì Phật pháp phải mãi mãi sáng chói huy hoàng.
• Vì đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người được sống mãi mãi với loài người.

Nghi Thức THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Hôm nay là ngày trăng tròn, quý phật tử đã câu hội về Tu Viện Chơn Như để xin Thọ Bát Quan Trai Giới một ngày, một đêm sống như Phật, như Pháp, như Tăng. Vậy ai là người phật tử thay mặt cho quý vị đứng ra để cầu xin Phật chứng minh?
Một phật tử quỳ xuống tác bạch:

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch đức Trưởng lão Viện chủ Tu Viện Chơn Như.

Kể từ ngày chúng con hạnh ngộ đức Trưởng Lão, chúng con từ bỏ và buông xuống, đoạn tận gốc giấc mơ ảo tưởng thế giới siêu hình đã thâm nhập vào tư tưởng của chúng con từ lâu, và làm chúng sanh luân hồi sinh tử.

Chúng con được đức Trưởng Lão chỉ dạy phương pháp tự lực làm chủ sanh tử.
Chúng con hôm nay qui tụ về đây chân thành biết ơn và tôn vinh công đức của Trưởng Lão. (120)

Đầu thiên niên kỷ thứ ba, thế kỷ 20, Ngài sinh ra tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, miền Nam nước Việt Nam trong một gia đình nông dân có truyền thống nhân bản Nho học uyên thâm, và tu hành chứng Chánh Phật Pháp.
Lành thay, kể từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo và nhập Niết Bàn cho đến nay, chúng con, người Việt Nam nhân duyên phước đức gặp được đức Trưởng Lão, đang trụ thế nối truyền Chánh pháp đức Thích Ca.

Ngài từ Giới – Định – Tuệ trui rèn Thánh hạnh, nhờ thế chấm dứt sanh tử. Phước chúng sanh đầy đủ nên được Ngài đem chánh pháp hoằng truyền, chấn hưng lại nội lực trí tuệ, ban rải từ ân cho tất cả chúng sanh.

Giới, Định, Tuệ là nội lực cơ bản cho trí tuệ Tam Minh. Độc cư bảy ngày, bảy tháng, bảy năm là thời gian nhất định cho cư sĩ và tu sĩ Phật giáo thành tựu quả giải thoát chấm dứt sanh tử luân hồi, làm chủ nhân quả. Điều ấy là một huấn từ chân thật của đức Phật. Ai có tu tập sẽ hưởng phước được niềm hạnh phúc giải thoát ấy, chứ không như một số tu sĩ tha tưởng bảo rằng: “Có chi mà đắc, mà trông cho thành”.

Thiền hữu sắc, hữu ngã thiện pháp, vô ngã ác pháp, buông xả, đoạn tận tham, sân, si là nòng cốt cho nội lực của ý thức hướng đến đoạn tận tưởng tri. Pháp như lý tác ý chính là căn bản trong đạo Phật, tiếc thay trải mấy ngàn năm cho đến nay, chúng con mới đủ phước đức nhân duyên gặp Chánh Phật pháp được chính đức Ngài chỉ dạy.

Hôm nay chúng con vô vàn hạnh phúc vân tập về đây, trong Tổ đường Tu Viện Chơn Như là một vinh hạnh cao cả nhất. Vậy chúng con xin đê đầu đảnh lễ cung thỉnh Thánh Pháp Bát Quan Trai Giới để tu học một ngày một đêm. Xin đức Phật và Trưởng Lão chứng minh.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Bổn sư Thích Thông Lạc
Chúng con xin kính ba lễ
✿✿✿
Nghi Lễ THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Thầy xin hứa khả làm lễ Thọ Bát Quan Trai Giới. Vậy quý phật tử hãy cùng Thầy quỳ trước Phật đài, chắp tay lên ngực, mắt hướng về tượng Phật:

Hôm nay chúng con là những phật tử câu hội về Tu Viện Chơn Như, xin Thọ Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm sống như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng, xin đức Phật nhủ lòng lân mẫn, từ bi thương xót chứng giám cho chúng con tu hành được nhiều ân triêm công đức, thân tâm thường được thanh thản, an lạc và vô sự. (Các vị đồng niệm danh hiệu đức Bổn Sư với Thầy ba lần).

– Chí tâm đảnh lễ Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh chúng con Thọ Bát Quan Trai Giới (lạy 1 lạy).
– Chí tâm đảnh lễ Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh chúng con Thọ Bát Quan Trai Giới (lạy 1 lạy).
– Chí tâm đảnh lễ Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh chúng con Thọ Bát Quan Trai Giới (lạy 1 lạy).

PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ Trong Thời Gian Thọ Bát Quan Trai Giới

Sau khi niệm hồng danh đức Phật và lễ ba lạy xong, xin quý vị ngồi xuống và im lặng lắng nghe Thầy giảng dạy, để biết cách thức Thọ Bát Quan Trai Giới.

Thưa quý phật tử! Biển khổ không bờ bến, nếu không có thuyền từ Tam Vô Lậu Học thì không thể nào vượt lên bờ giải thoát được. Người muốn chứng được tâm vô lậu, vô thượng bồ đề, trước tiên cần phải lãnh thọ giới pháp. Tất cả công đức lành đều lấy giới luật làm nền tảng. Chư Phật đã nhờ giới luật mà thành bậc Chánh giác. Người tại gia, hay xuất gia cũng đều phải thọ giới, tu tập giới và sống đúng giới luật, vì giới luật là đức hạnh của những bậc Hiền Thánh.

Nhưng người tại gia phần nhiều bị gia duyên ràng buộc, khó giữ gìn hết giới luật được, cho nên đức Như Lai mới chế ra Tám Giới. Tám Trai Giới này khiến cho người cư sĩ một ngày một đêm thọ trì để gieo duyên tu hành giải thoát như những bậc xuất gia, lìa thế tục. Nhờ có gieo duyên này (Bát Quan Trai Giới), nên đời đời kiếp kiếp sanh ra làm người liền gặp chánh pháp, không gặp tà sư ngoại đạo. Ví như cây cổ thụ kia ngả về hướng nào thì bóng của nó sẽ ngã theo hướng ấy, người Thọ Bát Quan Trai Giới cũng vậy.

Bởi vậy, muốn theo được Chánh pháp của Phật thì quý vị phật tử hãy cố gắng giữ gìn tám giới cho nghiêm chỉnh, đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong tám giới đó. Đó là gieo duyên xuất gia. Tuy một ngày, một đêm rất ngắn, nhưng đây là gieo duyên giải thoát với pháp quý báu không lường của đạo Phật. Khi thực tập sống trọn một ngày, một đêm như Phật, như chư Hiền Thánh Tăng, tức là quý phật tử đã gieo duyên với Chánh pháp.

Vì thế, ngày ấy quý vị hãy xả bỏ hết duyên trần tục, đừng lo nghĩ, đừng bận tâm đến con cái, cha mẹ, công ăn việc làm, của cải, tài sản và việc nhà cửa. Hãy xả bỏ xuống hết! Xả bỏ xuống hết đi, để một ngày một đêm làm Thánh Hiền vô sự; để một ngày một đêm tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự; để một ngày một đêm sửa sai những lỗi lầm; để một ngày một đêm trở thành những người có đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; để một ngày một đêm rèn luyện đạo lực bằng thiền định xả tâm làm chủ sự sống chết, bệnh khổ; để một ngày một đêm tâm ly dục ly ác pháp, nhập vào Bất Động Tâm Định.

Hãy sống một ngày một đêm với nhân quả toàn thiện; hãy sống một ngày một đêm trực nhận đời chẳng có gì là Ta, là Của Ta cả, chỉ là một chuỗi ngày dài vô thường, đau khổ của kiếp người.

Thưa quý phật tử! Một ngày một đêm ấy quý vị hãy giữ gìn thân tâm thanh tịnh, theo các pháp thiền định mà đức Phật đã chỉ dạy, để quý vị tu tập và rèn luyện thân tâm, trau dồi một ngày một đêm cho được thanh tịnh, trong sạch.
Tóm lại, Thọ Bát Quan Trai là bước thứ hai trên đường tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết của người cư sĩ phật tử. Vậy quý phật tử hãy cố gắng lên, hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Tương lai hạnh phúc sẽ chờ đón quý vị.

(còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  

Trích sách: Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ – Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường