Trang chủ Đời sống Chân hạnh phúc

Chân hạnh phúc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Pháp Vương Tử

1. Chân hạnh phúc là tên một bài Kệ của đức Phật Thích Ca giải đáp sự mong cầu của Chư – Thiên và loài người ước mong có được hạnh phúc, do một thiên nhân thỉnh Phật vào một buổi sáng “khi đêm gần tàn” tại thành Xá Vệ, trong rừng Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc.

Bài Kệ dưới đây được căn cứ theo bản dịch của hòa thượng Thích Thiện Châu, Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm Paris nước cộng hòa Pháp.

Chữ “Chân” trong bài Kệ Chân Hạnh Phúc cần được hiểu là sự chân chính, chân thật, tính chất căn bản nhất của hạnh phúc… Bởi vì nhận thức về Hạnh phúc là rất khác nhau cho dù nó có chung một khái niệm nói lên khát vọng, mong cầu của con người cả về tinh thần và vật chất. Cũng vì thế mỗi tầng lớp xã hội đều có những quan niệm về hạnh phúc không giống nhau, nhiều khi còn đối lập nữa. Ví như trong các cuộc thi đấu, tranh tài thì bên thắng giành giải là hạnh phúc, bên thua là… bất hạnh. Dữ dội hơn là trong các cuộc chiến tranh thì người (hoặc quốc gia…) giành được chiến thắng là …có hạnh phúc, còn phía bên kia là bất hạnh. Người diệt được nhiều “giặc” là anh hùng ở phía bên này, nhưng lại là kẻ sát nhân ở phía bên kia. Ấy là những quan niệm về hạnh phúc. Vậy HẠNH PHÚC LÀ GÌ? Hạnh phúc là một từ ghép gồm hai chữ “Hạnh”“Phúc” – Hạnh là may mắn – Phúc là đầy đủ.

Người có may mắn và đầy đủ, mong ước gì cũng được là người có hạnh phúc. Người không có may mắn, có nhiều mong ước mà không được gọi là người bất hạnh. Chữ PHÚC trong Hán tự gồm có chữ “y”, là áo – với chữ “nhất” chữ “khẩu” và chữ “điền”, gộp lại nghĩa là: Người có phúc thì có đầy đủ cơm ăn áo mặc, giản dị vậy thôi!

Vì thế việc hiểu và lược giải bài Kệ Chân Hạnh Phúc dưới đây cũng chỉ đề cập khuôn gọn về HẠNH PHÚC chung nhất trong đời sống thế tục bởi “Phật pháp bất ly thế gian giác”; nghĩa là giáo pháp của Phật không xa rời thế gian để giác ngộ thế gian.

Và dưới đây là bài Kệ Chân Hạnh Phúc được Hòa thượng Thích Thiện Châu dịch như sau:

• Kẻ ngu si nên tránh/Cung kính người đáng kính/Đó là chân hạnh phúc.
• Chọn nơi lành mà ở/Luôn giữ lòng thẳng ngay/Đó là chân hạnh phúc.
• Hiểu rộng và khéo tay/Nói những lời hòa ái/Đó là chân hạnh phúc.
• Cung dưỡng cha mẹ già/Không vương vấn phiền hà/Ấy là chân hạnh phúc.
• Cho và sống đúng cách/Hành động không chê trách/Ấy là chân hạnh phúc.
• Ngăn trừ điều ác xấu/Chuyên cần trong chính đạo/Ấy là chân hạnh phúc.
• Kính nhường và khiêm tốn/Tùy thời học đạo lý/Ấy là chân hạnh phúc.
• Nhẫn nhục vâng ý hành/Tùy thời bàn luận đạo/Ấy là chân hạnh phúc.
• Trong sạch và siêng năng/Thực hiện vui Niết bàn/Ấy là chân hạnh phúc.
• Tiếp xúc với thế gian/Không sầu nhiễm bình an/Ấy là chân hạnh phúc.
• Như thế mà tu tập/Ở đâu cũng an lành/Việc gì cũng thành tựu/Đều là chân hạnh phúc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chan Hanh Phuc 1

2. Thực ra ước mong được hạnh phúc là sự mong cầu chính đáng từ khi có xã hội loài người. Nghĩa là kể cả khi con người chưa có cả tiếng nói và chữ viết cho đến thời đại văn minh của thế kỷ 21, thám hiểm mặt trăng, thăm dò sao Kim, sao Hỏa… phải chăng sự mong cầu là nỗi khát khao khi những ước muốn chưa đạt được, cũng gọi là chưa “sở đắc” được. Không lẽ cái khát vọng xưa cũ cả nhiều triệu năm ấy vẫn đang còn là ẨN SỐ trong văn minh của nhân loại hôm nay?

Và để có được hạnh phúc, đức Phật nói Kệ rằng “Kẻ ngu si nên tránh/cung kính người đáng kính”. Đọc câu kệ này có người hỏi tôi: Nhà Phật bảo, Phật pháp bất ly thế gian giác, sao lời kệ lại khuyên “tránh kẻ ngu si”. Câu hỏi đã đánh trúng tâm lý của không ít người! Thực ra muốn có “Chân hạnh phúc” tức là muốn có được hạnh phúc chân chính, lành mạnh thì trước hết phải tránh kẻ ngu si đã, vì gần gũi với “môi trường vô minh” ấy rất dễ “lây nhiễm”. Lời khuyên ấy là chính đáng vì nó thiết thực với một người bình thường, một người biết mình chưa có bản lĩnh vì chưa có đạo lực lớn để cảm hóa đối tượng “ngu si” kia. Ví như người không biết bơi chớ vội vã nhảy xuống sông hồ để cứu người đuối nước mà phải chọn cho mình một cách cứu khác như: dùng gậy đẩy người bị nạn hoặc là hô hoán để có người đến trợ giúp… Nguyễn Trãi (1380 – 1442) cũng khuyên con người ta rằng:

“Chơi cùng kẻ dại nên bầy dại
Kết mấy người không học nết khôn”

Tục ngữ ta cũng có câu “Gần mực thì đen/Gần đèn thì rạng”. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, đệ nhất Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN cũng có lời dạy rằng: “Cầu an là tìm thiện trí thức trong cuộc đời để khai mở trí tuệ cho mình hóa giải khổ đau và có niềm vui an lạc”.

Ngược dòng lịch sử, khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, gọi là thời Chính pháp, do ảnh hưởng trực tiếp từ đức Từ Phụ – gọi là THÂN GIÁO nên nhiều đệ tử của Phật đã đắc Thánh quả, trở thành những Thánh tăng, ấy là do ảnh hưởng của đạo lực vô hình từ Ngài. Trong thực tế đời sống xã hội, ta thấy lãnh tụ các quốc gia, những nhà truyền giáo có danh tiếng, hay những bậc “kỳ nhân” luôn có lực hút đối với quần chúng, có như thế họ mới thành công trong sự nghiệp được. Rồi khi đức Phật đã khuất bóng, đến nay đã hơn 25 thế kỷ nhưng những phẩm hạnh cao quý của Ngài cùng những giáo lý sống động gọi là PHÁP THÂN PHẬT (Phạn ngữ: Tỳ Lô Giá Na Phật) vẫn là suối nguồn trí tuệ, ngọn đuốc sáng cho nhân loại tiến bước hôm nay.

Đạo Phật xuất hiện ở đời cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giúp con người xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc chân thật. Thế nên giáo pháp Phật luôn chú trọng nhắc con người tự kiềm chế, làm chủ bản thân. Đó là bước đầu tiên và cũng là nền tảng của mọi đức hạnh, mọi tiến bộ, là cứu cánh duy nhất để chấm dứt VÔ MINH, mà đạo Phật coi đó là nguyên nhân của mọi khổ đau. Trong kinh Bát đại nhân giác có câu: “An bần thủ đạo/Duy tuệ thị nghiệp” – giảm thiểu những ham muốn, đừng cho những ham muốn trở thành DỤC VỌNG. Sống với một đời sống BIẾT ĐỦ, gọi là “Thiểu dục trí túc” ấy là nguồn gốc của THIỆN PHÁP, bởi khi tâm chúng ta bớt tham cầu, và không quá mong muốn điều gì nữa thì cảm thọ: Vui khi được, buồn khi mất sẽ không sinh khởi. Cũng cần hiểu “Thiểu dục trí túc” không phải sự kìm hãm bản thân mà là ứng xử trí tuệ, tỉnh táo, đủ sáng suốt để sống TÙY DUYÊN. Trong Kinh Di Giáo, đức Phật để lại lời dạy cuối cùng rằng: “… Người biết đủ khi nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui; người không biết đủ dù ở Thiên đường cũng không vừa ý”.

Vậy ít muốn (thiểu dục) là ít muốn điều gì? Và biết đủ là biết đủ điều gì?

Điều ham muốn bình thường gọi là Ngũ dục: Tài (tiền bạc) – Sắc (sắc đẹp, sự ư nhìn) – Danh (danh vọng, địa vị) – Thực (ăn uống) – Thùy (ngủ nghỉ). Đây là 5 điều con người khát khao đạt được càng nhiều càng tốt (Dục), thậm chí dùng mọi cách để đạt được, bởi mong cầu của con người thường không có điểm dừng: Khi đói thì muốn no; khi đã no lại muốn ngon… ngon rồi lại muốn độc lạ, quý hiếm. Đã không đẹp không giầu thì phải thèm khát được đẹp được giầu. Cấp độ tăng dần vừa theo ý thức, cảm xúc lẫn lý trí. Nghèo người ta khinh, thông minh người ta ghét, xinh đẹp người ta đố kỵ và bị tranh giành. Cứ thế, con người luẩn quẩn mãi với hành trình miên man của lòng tham. Đã có nhà ở, còn muốn có nhiều căn nhà nữa, dù chỉ ở tại một nhà và khi ngủ cũng chỉ trên một chiếc giường. Thực phẩm cũng cần có nhiều nên tích trữ nhiều hình thức khác nhau; trong ngày dù cơ thể hấp thụ tối đa là 2.000 calo (với phụ nữ) và 2.500 calo (với đàn ông) mỗi ngày. Con người tự cho mình đứng trên muôn loài và cũng tự cho mình cứu vớt muôn loài, nhưng sự thật trần trụi là không loài vật nào biến mất mà không… do con người.

Thế nên trong bất cứ tôn giáo nào, điều giới luật đầu tiên đưa ra đều nhằm đến là TỪ BỎ LÒNG THAM. Con người muốn hướng đến toàn cầu hóa nhưng ngay đấy lại trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ! Thánh Mahatma Gamdhi (Ấn Độ) triết lý rằng: “Thế giới có đủ nhu cầu cho mọi người, nhưng chẳng bao giờ có đủ cho LÒNG THAM dù chỉ của một người”. và câu chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo” trong văn học dân gian Việt Nam là một minh chứng rõ nét về LÒNG THAM và sự BIẾT ĐỦ qua hai nhân vật Thằng Bờm và Phú ông. Đây là một bài ca dao với thể thơ Lục bát, một “đặc sản” của thi ca Việt Nam mà bài thơ thằng Bờm hầu như ai cũng thuộc làu.

… những làng quê Việt Nam sau lũy tre xanh với “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” (thơ Hàn Mặc Tử) đã từng một thuở luôn giữ cho mình cái tâm thế “An bần thủ đạo”… với một “Thằng Bờm có cái quạt mo” thôi, nhưng vẫn thong dong, hạnh phúc đã khiến phú ông giàu có sinh lòng ganh ghét, đố kỵ. Rồi cuộc đổi chác đầy kịch tính diễn ra. Lòng tham chưa biết đủ đã khiến phú ông lú lẫn, không phân biệt được giá trị thật của vật đổi. Ai đời, đem cả “ba bò, chín trâu”, rồi “một bè gỗ lim” chỉ lấy về một chiếc quạt làm bằng mo cau. Vậy mà phú ông vẫn liên tiếp nhận được lời từ chối thẳng thừng: “Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu”, “Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim”… nhưng khi “Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười!”. Đỉnh điểm đầy kịch tính là ở câu thứ 10, câu cuối của bài ca dao. Vâng, Bờm cười thôi chứ Bờm có đồng ý nhận đổi đâu mà không ít chúng ta từng hiểu lầm Bờm. Bờm thẳng thắn trả lơi “chẳng lấy” ở những lần trước, sao lần này Bờm lại chỉ … cười thôi? Xin “giải mã” nụ cười bí ẩn của Bờm với góc nhìn của nhà Phật: Ấy là nụ cười đầy trắc ẩn vời lòng từ bi, Bờm thương cho phú ông cứ lận đận với sự đổi chác đến… tội nghiệp. Bờm cười – trong ngữ cảnh bài thơ, thì đó là một công án Thiền vậy?.

* Công án thiền là gì? Là một hành vi phấn khích, là sự vô tư trong cuộc sống, là suối nguồn tươi mát được tuôn trào từ TÂM THỨC VÔ NGÔN đầy bí ẩn: Bờm cười!

… Lại nữa, nữ nhà văn Mỹ Helen Keller chia sẻ: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Bạn nghĩ sao về câu nói đó?

Thế nên, vui một ĐỜI SỐNG BIẾT ĐỦ là giữ được đạo ngay; đạo ấy là đạo của trí tuệ, là trái tim của Phật.

3. Cũng như các giá trị khác của đời sống, hạnh phúc cũng có điều kiện của nó, vì nó còn tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm, nhận thức… luôn không giống nhau ở mỗi con người. Và cũng thật khó để tin rằng là người nghèo lại thường cảm nhận được hạnh phúc hơn người giàu (ấy là những kết quả thăm dò khảo sát của các nhóm tổ chức xã hội). Vậy điều kiện của hạnh phúc là gì? Những nhân tố nào làm nên hạnh phúc? Tiền bạc, danh vọng, địa chị ư? Không hẳn! Đó chỉ là một trong những nhân tố góp phần làm nên hạnh phúc chứ không phải là nhân tố duy nhất. Tuy nhiên thật không dễ để có được sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống, chỉ có cách làm chủ tham muốn của mình, sống với niềm vui bên trong tâm hồn để có hạnh phúc. Bởi vì phần lớn chúng ta còn không biết quý trọng hạnh phúc ĐANG CÓ của mình, thường lãng quên, chối bỏ mà ta vẫn thường gọi là “đứng núi này trông núi nọ”, cứ chạy tìm những cái… xa vời mà cứ tưởng đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đang có đấy mà sao cứ “thấy” nó mong manh. Nhà thờ Hung Ga Ri Pê Tô Phi (1823 – 1849) đã diễn tả bằng thơ niềm khắc khoải trong bài “Buồn đau là biển cả”: “Buồn đau là biển cả/Vui sướng là ngọc châu/Khi mò được châu dưới biển/E giữa vời tan nát biết đâu”.

Thế đấy, có được Chân hạnh phúc đâu dễ!

Còn nhớ một bộ phim của điện ảnh phương Tây, từng đoạt giải Oscar: Life is Beautiful kể lại câu chuyện ác nghiệt về một người cha trong trại tập trung của Đức Quốc xã thời chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)… khi người cha phải chịu mọi cực hình tra tấn trong trại giam nhưng đã khéo léo không để cậu con trai mình nhìn thấy những gì đang diễn ra với chính cha nó nên đã nói với con rằng: Họ đang cùng chơi một trò chơi với bố thôi! Người cha đã tìm thấy hạnh phúc cạnh con giữa bao đau thương trong trại tập trung của phát xít; còn đứa con cũng tận hưởng niềm vui cạnh cha. Và sau này lớn lên, khi biết được… sự thật, cậu càng thấy tự hào và hạnh phúc vì có một người cha như thế!

Trong Chân hạnh phúc, đức Phật cũng dạy: “Cho và sống đúng cách/Hành động không chê trách”. Xét thấy, thế giới đang đứng ở bước ngoặt giữa VĂN MINH và TỰ NHIÊN. Một câu hỏi lớn đã từ xưa lắm đang dội về chúng ta hôm nay: Chúng ta là ai? Chúng ta đang hướng đến điều gì?

Thế kỳ 20 đã qua đi, với hai cuộc chiến tranh thế giời. Và trong hai cuộc chiến tranh đẫm máu ấy chúng ta đã sử dụng trí tuệ CON NGƯỜI và kiến thức khoa học để phục vụ cho các mục đích QUÂN SỰ. Mà đại dịch Covid-19 bây giờ chỉ là sự hiện diện bằng nhân quả, không nằm ngoài Giáo lý Duyên khởi của nhà Phật: Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta tạo ra, và chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Thảm họa của đại dịch chính là CỘNG NGHIỆP mà con người đang phải gánh chịu, không thể nào khác. Đã đến lúc phải tỉnh thức để quan tâm đến vấn đề của nhân loại, như thảm họa đại dịch Covid-19 không phải chỉ là quốc gia này hay quốc gia kia nữa rồi, bởi “Trái đất này là của chúng mình” chúng ta chả đã nói thế sao!

Thế nên, Hạnh phúc thật sự là “Chân hạnh phúc” LÀ HẠNH PHÚC MIÊN TRƯỜNG khi nó nằm bên trong tâm hồn lành thiện nơi mỗi chúng ta!

Tác giả: Pháp Vương Tử

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường