Lời ngỏ: Cành mai tuệ giác bên sân trước là bài viết ghi lại những cảm nhận của người viết khi đọc lại bài thơ nổi tiếng: Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư.
Hoàng Hạnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Là một người học Phật, với tinh thần “Văn Tư Tu” người viết ghi lại những kiến giải để giao lưu và học hỏi:
告 疾 示 衆 春 去 百 花 落 春 到 百 花 開 事 逐 眼 前 過 老 從 頭 上 來 莫 謂 春 殘 花 落 尽 庭 前 昨 夜 一 枝 梅 滿 覺 禪 師
Phiên âm: Cáo tật thị chúng Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai Mãn Giác Thiền sư
Dịch thơ: Có bệnh, bảo với mọi người Xuân ruổi, trăm hoa rụng Xuân tới, trăm hoa cười Trước mắt, việc đi mãi Trên đầu, già đến rồi! Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua, sân trước, một cành mai. Dịch giả Ngô Tất Tố
Mãn Giác Thiền sư (1052- 1096) tên thật là Lý Trường, tinh thông Nho, Phật. Năm 26 tuổi, ngài xuất gia được Thiền sư Quảng Trí truyền tâm ấn. Ngài được vua Lý Nhân Tông phong cho tôn hiệu là Hoài Tín Đại Sư, đứng đầu Thiền viện Giáo Nguyên và chức Nhập nội đạo tràng, được vào cung dự bàn chính sự để giúp vua, giúp nước.
Bài thơ trên đây được ngài đọc cho chúng đệ tử nghe trước khi mất. Bài thơ với hình thức diễn đạt rất gần gũi đời thường, không dùng một từ nào thuần túy của nhà Phật mà nội dung gợi được nhiều cảm xúc về một chân lý giải thoát cao siêu, đã được truyền tụng rộng rãi từ trước đến nay.
-Xuân ruổi, trăm hoa rụng/ Xuân tới, trăm hoa cười:
Có mùa xuân thì có trăm hoa nở. Xuân qua thì hoa tàn. Có duyên thì sinh, hết duyên thì diệt. Đây là lý duyên sinh của nhà Phật, là nội hàm căn bản của quy luật vô thường chi phối vạn vật và con người.
-Trước mắt, việc đi mãi / Trên đầu, già đến rồi:
Những hiện tượng vô thường sinh diệt kia đâu chỉ diễn ra trước mắt, bên ngoài mà đã len lỏi lên mái đầu rồi. Cái già báo hiệu cho cái chết đã đến gần.
Vậy Thiền Sư sẽ truyền đạt điều trọng yếu gì để chúng đệ tử có thể an tâm tu trì sau khi ngài ra đi, và giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi về cái chết mà ngài đang an nhiên đối mặt?
-Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua, sân trước, một cành mai:
Không, không phải mọi sự trên đời đều vô thường, sinh diệt. Trong cảnh xuân tàn trăm hoa rụng hết, còn có một cành mai tồn tại trước sân chùa trong đêm tối chỉ mình ngài nhận biết!
Đây có lẽ là cách nói ẩn dụ của Mãn Giác Thiền sư. ‘Đêm qua’ ẩn dụ điều Thiền sư muốn nói đã tồn tại nhưng không ai nhìn thấy. Có thể vì người đời vốn vô minh như đang trong đêm tối, cũng có thể vì điều tồn tại đó không có hình tướng nên không thể nhìn thấy được.
‘Sân trước’ là trước sân chùa, nơi thiên nhiên thoáng đãng, trời đất và con người giao hòa, phải chăng để ẩn dụ cho cái bản tâm vốn thanh tịnh của con người? Hoa mai là tinh anh của các loài hoa, biểu tượng cho sự khai mở của mùa xuân.
Thiền sư khẳng định có một cành mai hiển hiện nơi sân trước, phải chăng để chỉ cái tuệ giác sáng suốt đã khai mở nơi cái tâm thanh tịnh của chính Thiền sư, chỉ một mình người nhận biết mà thôi!
Vậy điều trọng yếu Thiền sư muốn khai thị cho các đệ tử là nếu cái tâm được thanh tịnh trở lại thì vô minh tan biến, tuệ giác sẽ xuất hiện.
Tuệ giác là sự sáng suốt thấu rõ thực tại, có tuệ giác thì vọng tưởng tham sân si nguồn gốc mọi khổ đau của con người sẽ tiêu trừ. Con người hiểu được cái tuệ giác thường hằng mới thật là mình, thì nỗi sợ về cái chết của thân xác không còn nữa.
Tuệ giác là mục đích cuối cùng của người tu Phật, chính là cành mai vàng nơi sân trước mà Mãn Giác Thiền sư đang khai thị.
Mãn giác là có tuệ giác viên mãn tròn đầy. Vì vậy, lời khai thị của Thiền sư là từ cái thấy biết chân thật tròn đầy nên có sức truyền cảm mạnh mẽ, có khả năng đánh thức được cái tuệ giác đang bị vô minh che lấp trong tâm của chúng đệ tử và những người học Phật từ xưa đến nay.
Bài thơ trên đây của Mãn Giác thiền sư được ghi trong sách cổ Thiền Uyển Tập Anh và được các nhà Nho nổi tiếng xưa nay như Lê Quý Đôn, Ngô Tất Tố… sưu tầm truyền tụng, đã trở thành một cành mai vàng sống động, là mùa xuân trong đời, có thể xem là biểu tượng cho thơ thiền trong vườn văn học Việt Nam.
Hoàng Hạnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Bình luận (0)