“Nhạc trời trỗi dậy khắp muôn nơi Hoa nở chim ca ý dị thường Rộn ràng ưu đàm phơi nắng hạ Vườn lâm hoa diệu gió say hương”

Lặng yên đứng giữa sân chùa vào ban sớm, tận hưởng chút hương xuân còn vương lại đâu đây lòng tôi lại háo hức, hân hoan khi một mùa Phật Đản sắp về. Ngày đức Phật Đản sinh luôn diễn ra vào lúc đất trời giao thoa giữa hai mùa xuân – hạ, khi vạn vật đang không ngừng nảy mầm, căng tràn nhựa sống. Thật không sai khi nói đức Phật thị hiện xuống nơi trần gian để truyền đi ngọn lửa yêu thương bất diệt và đem lại bình an cho muôn loài.

Ngày Khánh đản của đức Phật Thích Ca trên đất nước Việt Nam, từ hàng ngàn năm nay đã trở thành ngày truyền thống trong niềm kính ngưỡng của cả dân tộc. Đây là một sự kiện trọng đại, một dấu mốc thiêng liêng với mỗi người con Phật. Khác với tất cả những vị giáo chủ của các tôn giáo có mặt trên thế giới, đức Phật không bao giờ tự phong thánh cho nhân cách hoàn hảo trác tuyệt của mình. Đức Phật luôn chối bỏ ngôi vị thần quyền mà chúng sinh vì lòng kính ngưỡng dâng gán lên cuộc đời Ngài.

Từ khi còn ở trong hoàng cung, đức Phật đã luôn trầm tư suy nghĩ về những cảnh sinh – già - bệnh - chết của kiếp sống con người. Ngài ăn không ngon, ngủ không yên khi nhìn thấy nỗi khổ đau của chúng sinh đang chìm đắm trong dục lạc, si ái. Ngài không màng đến những thú vui xa hoa, sung sướng cho riêng mình nơi cung son, gác vàng khi nhân loại đang quờ quạng trong đêm trường vô minh tăm tối.

Rõ ràng địa vị cao sang đối với Ngài không quan trọng bằng sự giác ngộ, tấm lòng từ bi và hạnh nguyện phổ độ chúng sinh. Kinh Nikàya có ghi: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

Vào ngày đức Phật xuất hiện giữa cõi nhân gian, Ngài đã mang đến một tinh thần nhân văn vô cùng sâu sắc. Ngài sinh ra không phải dưới hình tướng của một vị thần, từ trên không bay xuống hay ẩn hiện giữa làn sương mờ ảo. Đức Phật Đản sinh giữa cuộc đời này trong hiện tướng của một con người. Một con người bằng xương bằng thịt, cũng bị chi phối bởi quy luật nhân quả và là một con người với đầy đủ những xúc cảm trần thế: giàu lòng yêu thương và trái tim trắc ẩn. Đức Phật đã lấy chính cuộc đời mình để thân giáo, khai thị cho chúng sinh bằng tất cả những gì chân thực nhất.

Những lời dạy của đức Phật luôn khởi nguồn từ chính cõi đời ngũ trược đầy khổ đau này, Ngài lấy chuyện đời lồng vào trong đạo làm chúng nhẹ nhàng hòa vào trong dòng chảy của cuộc sống. Không cưỡng ép, không phô trương, không giả dối. Đây là những điều cốt tủy đã được đúc nên bởi một con người đã quyết định sinh ra ngay giữa lục đạo luân hồi, đầy nỗi khổ niềm đau. Thế nhưng những điều xấu xa ấy không thể làm nhiễm ô, vấy bẩn một nhân cách hoàn hảo, trác tuyệt.

Đức Thế Tôn tựa như bông sen, sinh ra trong bùn nhưng chẳng nhuốm màu bùn. Bông sen trắng tinh ánh hồng ầy cứ rực rỡ khoe sắc, nở bung giữa đất trời. Ngài sinh ra và sống không chỉ như một loài hoa mà còn hiện thân là một nhân vật lịch sử. Đức Phật Đản sinh giữa cuộc đời, trước hết là vì con người, cho con người. Hiện thân thân giáo của đức Phật chính là hiện thân hình bóng trung thực nhất của con người.

Ngài gợi nhắc cho nhân loại biết rằng đã là con người thì ai cũng có Phật tính, ai cũng có đủ khả năng để trở thành một nhân cách tuyệt hảo và đạt quả vị tối thượng như Ngài. Đức Phật Thích Ca đã thành tựu Chính Đẳng Chính Giác trong cõi đời này và chỉ cho chúng sinh con đường thoát khỏi bến mê, vượt ra khỏi khổ đau sinh tử. Cả cuộc đời Ngài là bài học sống động về đức hạnh, nhân cách và là người lái đò không ngủ của mọi sinh linh.

Kinh A Hàm đã tán thán sự kiện Đản sinh hi hữu, vi diệu của đức Phật: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, của đại minh, là sự xuất hiện thù thắng của sự chứng ngộ vô ngại giải, là sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng ngộ và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, A La Hán, người ấy là ai? Này các Tỳ kheo, chính là Như Lai, bậc A La Hán”.

“Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh Ba ngàn thế giới đón Như Lai”

Hôm nay đây, chúng ta đón mừng ngày Phật Đản sinh như một lẽ sống mới. Lẽ sống đó như dòng nước thanh lương, tưới mát tâm thức của chúng ta, từ một chúng sinh đang lạc hướng, mông lung trong bóng tối vô minh tìm ra ánh sáng chân lý, từ sự chán nản điêu linh của kiếp nhân sinh chuyển sang niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng, cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Đón mừng niềm vui Khánh đản của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, lòng chúng con trào dâng hạnh phúc, tràn ngập niềm biết ơn trước sự hi sinh và tình thương yêu bất diệt của Ngài với muôn loài chúng sinh. Chúng con luôn nhớ về sự hiện diện của đức Phật ở khắp muôn nơi, mong cho ánh sáng của Ngài làm tan hắc ám vô minh, phá vỡ mọi sợ hãi và hận thù, đem lại an vui và hòa bình cho nhân loại.

Đêm tối sắp hết, sao Mai lấp lánh báo hiệu rạng đông sắp tới, một ngày sắp bắt đầu. Tuy biết một ngày chỉ là một khoảng ngắn ngủi trong thời gian vô tận nhưng ngày Rằm tháng Tư đã đánh dấu một bước tiến chắc chắn của nhân loại hướng về con đường Giác ngộ và Giải thoát.

Một vị Phật đã thành, nhiều vị Phật sẽ thành!

“Vui thay Phật ra đời Vui thay Pháp được giảng Vui thay Tăng hòa hợp Hòa hợp tu vui thay” (Kinh Pháp Cú)

Tác giả: Diệu Âm Minh Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 5/2017 ------------------------

Tham khảo: https://hoavouu.com/a14595/dan-sanh-vi-dieu