Trải qua hơn 26 thế kỷ, bao nhiêu thay đổi về lịch sử, văn hóa, ảnh hưởng nhiều của những nét văn hóa địa phương, phong tục vùng miền nhưng tấm y ca-sa chư Tăng Phật giáo Theravāda sử dụng cho đến ngày nay vẫn giữ được ít nhiều những giá trị cao quý mà đức Phật quy định.

Tác giả: Bhik.Samādhipuñño Định Phúc

DẪN NHẬP

Y ca-sa vừa được xem là biểu tượng của Tăng đoàn và cũng vừa là một đồng phục dành riêng cho người xuất gia. Chính vì thế, tấm y cũng cần phải có những quy định rõ ràng về cách cắt may, điều này được đức Phật quy định và ghi rõ lại cho Luật tạng. Trải qua hơn 26 thế kỷ, bao nhiêu thay đổi về lịch sử, văn hóa, ảnh hưởng nhiều của những nét văn hóa địa phương, phong tục vùng miền nhưng tấm y ca-sa chư Tăng Phật giáo Theravāda sử dụng cho đến ngày nay vẫn giữ được ít nhiều những giá trị cao quý mà đức Phật quy định. Trong nội dung bài viết này, tác giả trình bày về một tấm y kiểu mẫu từ thời đức Phật, những quy định về việc cắt may tấm y từ truyền thống đến hiện nay.

1. Tấm y kiểu mẫu truyền thống thời đức Phật

Y ca-sa trong Phật giáo có nguồn gốc từ thời đức Phật và trải qua nhiều thời kỳ cho đến ngày nay có nhiều thay đổi, nhưng chư tăng vẫn giữ nguyên truyền thống ba y do đức Phật chế định. Nội dung của phần này, nghiên cứu sinh sẽ phân tích, mô tả tấm y truyền thống nguyên thủy từ thời đức Phật và những quy định trong việc cắt may y ca-sa được quy định trong Luật tạng.

[caption id="attachment_17701" align="aligncenter" width="800"]Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda Hình 1: Tấm y nội của một vị Tỳ kheo tu tập ở trong rừng.[1][/caption]

Theo ghi nhận trong Luật tạng Vinaya, y phấn tảo được may từ những mảnh vải lượm được từ tha ma mộ địa hay những mảnh vải bị quăng bỏ ở bãi rác gần chợ hoặc bên lề đường. Mặc dù vậy, không có nghĩa là các vị Tỳ kheo mặc đồ dơ bẩn, hôi thối. Các vị Tỳ kheo lấy một trong những thứ vải bị quăng bỏ, loại bỏ đi những mảnh quá nsát, còn những mảnh lành lặn được giặt sạch để may, nhuộm thành một tấm y phấn tảo. Chính đức Phật và các vị thánh tăng ngày xưa cũng từng sử dụng những y phấn tảo như vậy trong suốt hai mươi năm đầu tiên sau khi giác ngộ. Đức Phật và các vị thánh đệ tử chỉ mặc y phấn tảo vì đó là món đồ không giá trị, dễ kiếm và không lỗi lầm.[2] Các ngài chỉ sử dụng y phấn tảo này bởi vì lúc bấy giờ chưa được phép thọ nhận y do các gia chủ dâng cúng. Tự thân đức Phật cũng đã từng đi vào nghĩa địa để nhặt vải bó tử thi về để làm y phấn tảo.

Sau hai mươi năm, với số lượng tăng chúng đông đảo cùng với lòng thành kính của vô số cư sĩ là một nhân duyên để cho hàng cư sĩ dâng cúng y phục đến cho các vị Tỳ kheo, bởi lẽ việc thọ nhận y phục do cư sĩ dâng cúng không có trở ngại nào trên con đường tiến bộ nội tâm. Do duyên sự được thỉnh cầu của ngự y Jīvaka, đức Phật chấp nhận cho các vị Tỳ kheo được phép nhận y do thí chủ dâng cúng, y này gọi là gia chủ y hay y do gia chủ dâng cúng. [3] Tuy nhiên, các vị Tỳ kheo không từ bỏ hoàn toàn những tấm y phấn tảo. Nếu muốn, một vị Tỳ kheo vẫn có thể mặc y ca-sa do thí chủ dâng cúng với nhưng những quy tắc đã được đặt ra để chỉ định kích thước và màu sắc chính xác của những tấm y ca-sa đó.

Sau đó, nhân một chuyến du hành đến Dakkhiṇāgiri ở phía Nam của kinh thành Magadha, vì vùng đất này được bao quanh bởi nhiều đồi núi nên có tên như vậy[4], đức Phật đã trông thấy những thửa ruộng ở Magadha, Ngài đã gợi ý cho Đại đức Ānanda may tấm y ca-sa với hình những thửa ruộng kết nối nhau. Với lời gợi ý ngắn gọn và hình ảnh thực tế là cánh đồng lúa Magadha, Đại đức Ānanda đã thiết kế và tạo thành một tấm y truyền thống theo lời đức Phật chỉ dạy rồi trình đến đức Phật. Ngài đã tán thán trí tuệ nhạy bén của Đại đức Ānanda bởi vì chỉ bằng những gợi ý vắn tắt của đức Phật nhưng ngài đã hiểu và thiết kế ra một tấm y ca-sa với những mảnh vải được nối theo chiều dọc, chiều ngang, những mảnh vải nhỏ, mảnh vải lớn… Đức Phật đã cho phép các vị Tỳ kheo sử dụng tấm y được cắt ra rồi may ráp lại như vậy.

Này các Tỳ kheo, Ta cho phép y hai lớp đã được cắt ra, thượng y đã được cắt ra, y nội đã được cắt ra (rồi ráp lại).[5]

Thông qua lời tán thán Đại đức Ānanda của đức Phật, được xem là một cách mô tả ngắn gọn về tấm y truyền thống nguyên thủy nhất. Bắt đầu từ đó, y ca-sa của các vị Tỳ kheo được cắt may với hình thức như thửa ruộng với những quy định được ghi lại trong Luật tạng. Đây có thể được xem là một tấm y ca-sa kiểu mẫu từ thời đức Phật và vẫn còn được thực hành theo cho đến ngày nay. Mặc dù về sau có nhiều thay đổi cho phù hợp nhưng đây vẫn là tấm y truyền thống của chư tăng theo luật ghi lại.

[caption id="attachment_17702" align="aligncenter" width="800"]Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda 2 Hình 2: Tấm y ca-sa kiểu mẫu do Đại đức Ānanda thiết kế.[6][/caption]

Giải thích về tấm y ca-sa kiểu mẫu do Đại đức Ānanda thiết kế thiết kế như sau:[7]

- Kusi: đường biên dọc nối các mảnh điều theo chiều dọc tấm y.

- Aḍḍhakusi: đường biên ngang nối mảnh điều to và mảnh điều nhỏ theo chiều ngang tấm y.

- Maṇḍala: mảnh điều lớn hình chữ nhật.

- Aḍḍhamaṇḍala: mảnh điều nhỏ hình vuông.

- Vivaṭṭa: mảnh điều lớn nằm giữa tấm y, được may kết nối giữa hai mảnh điều maṇḍala và aḍḍhamaṇḍala với nhau.

- Anuvivaṭṭa: mảnh điều lớn nằm ở hai bên của mảnh điều vivaṭṭa.

- Gīveyyaka: mảnh điều nhỏ nằm giữa tấm y.

- Jaṅgheyyaka: mảnh điều nhỏ nằm ở hai bên của mảnh điều vivaṭṭa.

- Bāhanta: mảnh điều nhỏ ở hai phía ngoài cùng tấm y.

Cuối lời tán thán của đức Phật, Ngài đã nói lên hai điều lợi ích của việc sử dụng tấm y được cắt và may ráp lại theo kiểu mẫu này. Hai điều lợi ích là:

- Tấm y được ráp từ nhiều mảnh vải và may lại nên khi mặc sẽ có sự thô ráp, sần sùi, không được láng mịn, không được mượt mà, tấm y như vậy thích hợp cho các vị Sa-môn sử dụng.

- Tấm y được may ráp từ nhiều mảnh vải với những đường ngang, đường dọc làm cho tấm y trở nên thô ráp, xấu xí nên những kẻ trộm cướp hoặc thù địch sẽ không có tâm dòm ngó hay muốn trộm cướp. Hơn nữa, dù cho tấm vải có giá trị bao nhiêu, đắt tiền thế nào nhưng khi bị cắt thành những mảnh vải nhỏ và may lại thành tấm y thì tấm vải đã mất đi giá trị, trở nên rẻ tiền hoặc không đáng giá, khiến cho các kẻ trộm cướp không quan tâm dòm ngó. Vì vậy, tấm y kiểu mẫu này thích hợp cho vị Sa-môn sử dụng.

Ngoài ra, Chú giải Samantapāsādikā của phần Pārājika-aṭṭhakathā cũng nêu lên ba việc hủy hoại giá trị để tấm y trở nên vô dụng đối với người thế tục, mà còn làm cho tâm của vị Tỳ kheo hoặc Sa-di không còn dính mắc vào tấm y giá trị, đắt tiền nữa. Ba việc đó là:[8]

- Hủy đi giá trị (agghabhedo) nghĩa là dùng dao, kéo để cắt những tấm vải thành những mảnh vải nhỏ, do đó tấm vải không còn giá trị để mua bán nữa.

- Hủy đi cảm giác dễ chịu do xúc chạm (phassabhedo) nghĩa là tấm vải mịn màng bị cắt may lại thành tấm y thô ráp, sần sùi, khi xúc chạm hoặc mặc vào sẽ không có cảm giác ham thích hoặc dính mắc.

- Hủy đi màu sắc (vaṇṇabhedo) nghĩa là tấm vải có màu sắc xinh đẹp, khả ái những phải cắt may và nhuộm hoại sắc trở nên xấu xí, khó nhìn.

Như vậy, với việc cho phép các vị Tỳ kheo sử dụng tấm y được cắt may như vậy, cũng là một sự hỗ trợ cho các vị Tỳ kheo khỏi bị dính mắc trong y phục, không ham thích trong việc xúc chạm với y phục đắt tiền, mà cũng là cách để các vị Tỳ kheo được an toàn trên đường du phương hành đạo mà không sợ kẻ thù địch hay kẻ trộm cướp gây nguy hại đến bản thân.

Thời gian sau, do việc may y bằng tay nên các mép góc y bị sổ chỉ. Các vị Tỳ kheo trình bạch với đức Phật và Ngài cho phép may phần vải viền xung quanh bốn cạnh của tấm y, gọi là miếng vải viền chiều ngang (anuvāta) và đường biên dọc hai bên (paribhaṇḍa).[9]

Hình 3: Tấm y ca-sa được may thêm anuvāta và paribhaṇḍa.

Các vị luận sư có ý kiến cho rằng hai mảnh điều gīveyyaka và jaṅgheyyaka là hai mảnh vải được may vào phần điều giữa của tấm y. Gīveyyaka được may phía trên và jaṅgheyyaka may ở phía dưới của điều giữa tấm y để bảo vệ phần vải tiếp xúc nhiều với cổ và ống chân khi vị Tỳ kheo đắp y, tránh bị mòn và rách.[10] Tuy nhiên, hai mảnh vải được đắp thêm này dường như ít được thấy trong những tấm y ngày nay. Có lẽ chỉ là lời giải thích thêm của các vị luận sư để tạo điều kiện phù hợp cho từng hoàn cảnh riêng biệt.

Hình 4: Tấm y ca-sa theo lời giải thích của các vị luận sư trong Chú giải.

Về sau, do các vị Tỳ kheo mặc y ca-sa đi khất thực bị gió mạnh thổi tung tấm y ca-sa đang mặc nên đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo sử dụng hột nút cài y (gaṇṭhika) và cái nơ buộc vào nút cài (pāsaka) ở góc y để giữ y chắc, không bị tuột hoặc gió thổi bay.[11] Sau đó, vì y bị sờn, nên chỗ may hột nút cài y và nơ buộc vào nút cài bị tuột mất. Thế rồi, đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo may thêm phần vải dằn lên trên mép y rồi mới may hột nút cài y và nơ buộc vào nút cài. Hai phần vải này có tên là gaṇṭhikāphalaka và pāsakaphalaka.[12] Như vậy, chỗ phần vải may thêm này sẽ dày hơn và khó rách, nếu có sờn cũng khó bị tuột mất hột nút cài y và nơ buộc vào nút cài. Phần vải may thêm này được may cách mép vải bảy hoặc tám ngón tay.[13]

Hình 5: Tấm y ca-sa được may thêm gaṇṭhika, pāsaka, gaṇṭhikāphalaka và pāsakaphalaka.

Chú thích:

 - Screenshot 4 gaṇṭhika: hột nút cài y.

Screenshot 5-  pāsaka: cái nơ buộc vào nút cài.

Screenshot 6-  gaṇṭhikāphalaka và pāsakaphalaka: phần vải may thêm để dằn lên trên mép y rồi mới may hột nút cài y và nơ buộc vào nút cài.

Như vậy, từ mô hình các thửa ruộng ở Magadha, qua lời gợi ý ngắn gọn của đức Phật, Đại đức Ānanda đã tạo ra được một tấm y ca-sa nguyên thủy đầu tiên. Rồi qua thời gian, nhiều vấn đề phát sanh, đức Phật đã cho phép may nút cài, đường biên xung quanh… Đây chính là tiền thân của chiếc y ca-sa ngày nay mà các vị Tỳ kheo vẫn đang sử dụng. Vì tấm y ca-sa này lấy mô hình thửa ruộng Magadha để làm kiểu mẫu nên về sau, tấm y này còn được gọi là phước điền y theo truyền thống Phật giáo.

2. Những quy định về việc cắt may y trong Luật tạng

Y ca-sa được cắt may theo kiểu mẫu do đức Phật gợi ý và Đại đức Ānanda thiết kế. Với y phấn tảo được may từ nhiều mảnh vải nhỏ khác nhau hoặc những vải do gia chủ dâng cúng thì chưa có hệ thống và những quy định theo việc cắt và may y. Tuy nhiên, sau khi đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo sử dụng ba y được cắt may[14] như trên thì đã hình thành nên hệ thống cắt may y ca-sa cũng như là phát sanh thêm những quy định về việc cắt may trong sinh hoạt của tăng đoàn.

Tấm y theo kiểu mẫu trên mô tả trong Luật tạng chính là tấm y nguyên thủy nhất, nghĩa là chỉ đơn thuần là những mảnh vải to hình chữ nhật (maṇḍala) và mảnh vải nhỏ hình vuông (aḍḍhamaṇḍala) được may ráp lai và kết nối với nhau thông qua những những đường biên dọc (kusi) và đường biên ngang (aḍḍhakusi) giống mô hình cánh đồng ở Magadha. Bởi vì lúc này đức Phật chưa cho phép các vị Tỳ kheo may những đường biên xung quanh bốn cạnh của tấm y. Vì lẽ đó, tấm y nguyên thủy đầu tiên chỉ có kiểu mẫu như vậy. Về sau, phát sanh thêm nhiều vấn đề nên đức Phật mới quy định thêm.

Thời bấy giờ, các vị Tỳ kheo chỉ lượm vải ở nghĩa địa rồi đem về giặt, cắt thành miếng và may ráp lại thành tấm y. Thời gian sau, y bị rách hoặc bị sờn, bị mòn thì các vị Tỳ kheo chỉ may đắp thêm miếng vải vào, dùng chỉ may lại chắc chắn[15] cho nên tấm y phấn tảo càng lúc càng dày thêm và trở nên nặng nề. Vì sự việc này, đức Phật cho phép các Tỳ kheo được phép dùng chỉ để mạng những chỗ rách trên tấm y.[16] Trong lúc may y, các góc của tấm y có phần vải thừa, đức Phật cho phép các Tỳ kheo dùng kéo để cắt đi phần vải thừa ở các góc y ấy.[17] Bằng việc cho phép mạng y rách và cắt phần vải thừa nghĩa là đức Phật cũng cho phép các Tỳ kheo được sử dụng kim và chỉ trong việc cắt và may y. Mặc dù trước đó, các vị Tỳ kheo sử dụng lông gà và cọng lạt bằng tre để may y, làm cho đường may vụng về và xấu nên đức Phật đã cho phép sử dụng kim để may vá.[18] Do kim may dễ bị rỉ sét nên đức Phật cho phép các Tỳ kheo sử dụng ống đựng kim để bảo vệ kim khỏi bị rỉ sét.[19] Theo điều học Pc. 86 của Tỳ kheo và Pc. 162 của Tỳ kheo-ni, vị nào làm ống đựng kim bằng xương, ngà hoặc sừng thì phạm pācittiya và ống đựng kim ấy phải được đập bể đi.[20] Đức Phật cũng cho phép nhiều vật dụng liên quan đến việc may y như là tấm y mẫu[21], dây buộc vào tấm y mẫu[22], may đường chỉ tạm[23], miếng bao ngón tay để cầm kim khi may vá[24], túi để đựng miếng bao ngón tay[25], hộp đựng kim và dao nhỏ[26]. Về phần hột nút cài y và nơ buộc vào nút cài ở góc y để giữ y chắc, không bị tuột hoặc gió thổi bay, đức Phật không cho phép làm nút cài bằng vàng và bạc, nếu sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Tuy vậy, ngày nay thường những nút cài này chỉ được làm bằng nút gỗ hoặc nút nhựa hoặc là được kết bằng chỉ.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda 6

Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda 7

           

Hình 6: Nút cài được may ở mép y.

Khi cho phép sử dụng ba y, đức Phật đã quy định y saṅghāṭi may hai lớp, y thượng và y nội may một lớp.[27] Tuy nhiên, nếu về sau, các tấm y bị phai sờn và rách thì có thể được đắp thêm lớp mới, nghĩa là được phép may y saṅghāṭi bốn lớp còn y thượng và y nội may hai lớp.[28]

Về số lượng điều (khaṇḍa) trên tấm y, đức Phật không quy định cụ thể số lượng bao nhiêu nhưng căn cứ vào việc đức Phật đề cập đến y Kaṭhina rằng: y Kaṭhina được thành tựu khi tấm y đó là y năm điều hoặc nhiều hơn năm điều.[29] Điều này, Chú giải Samantapāsādikā được Luận sư Buddhaghosa giải thích là: Y được tính toán may theo năm điều, hoặc bảy điều, hoặc chín điều, hoặc mười một điều.[30] Thêm nữa, bản Sớ giải Pācityādiyojanā-ṭīkā có đề cập rằng: tấm y có thể may mười ba điều.[31] Như vậy, theo những gì được đề cập từ Luật tạng, Chú giải, Sớ giải, có thể thấy rằng tấm y được phép may tối thiểu là phải có năm điều, có thể may bảy điều, chín điều… và không hạn chế số điều, nhưng số điều phải là những số lẻ, không thể là số chẵn (?). Thậm chí, ngày nay, y hai lớp ở Miến Điện có rất nhiều điều, có thể lên đến một trăm hai mươi lăm điều. Với cùng một kích thước y, số điều càng nhiều thì tấm y hai lớp càng dày và nặng cho nên rất ít vị Tỳ kheo sử dụng loại y này. Việc may y rất kỳ công nên giá thành cũng rất cao cho nên y hai lớp càng nhiều điều chỉ có các thí chủ dâng cúng đến các bậc trưởng lão khả kính.

Nói về quy định trong luật, đức Phật không cho phép các vị Tỳ kheo mặc tấm y không được cắt, nghĩa là một tấm vải, tấm y nguyên miếng, chưa được cắt nhỏ ra và may lại, còn gọi là man y. Nếu vị nào mặc tấm y chưa được cắt như vậy thì phạm tội dukkaṭa.[32] Về sau, không đủ vải để may y, đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo được phép sử dụng hai tấm y không cắt (không điều) và một tấm y được cắt (có điều).[33] Điều này được đức Phật cho phép nghĩa là trong ba tấm y, hai tấm y được phép không cắt nhưng phải có một tấm y được cắt, không được phép sử dụng cả ba tấm y không cắt. Nếu vị nào mặc ba y chưa được cắt như vậy thì phạm tội dukkaṭa.[34] Ngày nay, y nội có kích thước nhỏ nên có thể không cần cắt may theo các điều mà chỉ là tấm vải có bốn đường biên xung quanh, đây là theo kiểu y nội phổ thông ở Thái Lan và Campuchia.

3. Cách thức cắt và may tấm y ngày nay

Khi trải qua thời gian lâu dài, nhất là người xuất gia với số lượng lớn như tại các quốc giáo Theravāda như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia và Lào chẳng hạn, thì thị trường buôn bán y ca-sa cũng là một nghề nghiệp kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo nghề nghiệp cho nhiều người dân lao động trong nước. Khi kinh tế ảnh hưởng quá nhiều vào những tấm y thì dần dần dễ bị thay đổi, biến chất theo kinh tế thị trường và từ đó làm mất đi truyền thống của đức Phật quy định trong Luật tạng. Trong phần này, nghiên cứu sinh sẽ trình bày việc cắt may y phổ thông ở Thái Lan. Bởi vì khi so sánh các kiểu mẫu y thì đa phần đều giống nhau, chỉ có một vài điểm nhỏ khác biệt nhưng không đáng quan trọng nên nghiên cứu sinh chỉ đề cập đến việc cắt may ở Thái Lan là chính yếu.

a. Cách cắt đo và may y ngày nay Xã hội ngày nay khác với thời nguyên thủy, các vị Tỳ kheo phải tự may y để sử dụng. Ngày nay, y phục được các thí chủ dâng cúng đều đã được may sẵn hoàn chỉnh. Vì thế, rất ít vị Tỳ kheo nào hoặc tự viện nào có thể tự may y như ngày xưa. Ngày nay, vải cũng có nhiều loại, việc may y cũng thuận tiện và nhanh hơn vì đã có máy may nên không cần phải may tay. Tuy vậy, trước khi may máy, đôi khi cần phải dùng chỉ lược bằng tay qua một lần để cố định phần mép vải cho chắc chắn không bị dịch chuyển. Ở đây, trong phần này, nghiên cứu sinh trình bày sơ lược về quy trình cắt đo và may y theo cách phổ thông được hướng dẫn ở Thái Lan. Trước tiên, người may phải xác định kế hoạch sẽ may y có kích thước bao nhiêu? Tấm y đó gồm bao nhiêu điều? Khi xác định được như vậy, người may sẽ tính toán tấm y sẽ cần bao nhiêu mét vải để cắt cho phù hợp. Vì tùy theo chiều cao của người mặc mà tấm y sẽ có kích thước khác nhau, đặc biệt là chiều cao của tấm y sẽ khác nhau để vừa vặn với người mặc. Dưới đây là bảng tham khảo về kích thước tấm y tương ứng với chiều cao của người mặc thường được sử dụng tại các cơ sở may y:

Bảng: Kích thước tấm y thượng chín điều và tấm y nội năm điều.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda 8

Nếu tại tự viện, vị Tỳ kheo tự may y cho phù hợp với kích thước thì có thể ước lượng kích thước tấm y thượng như sau:

- Chiều cao tấm y: Vị Tỳ kheo đứng thẳng người, tay nắm một đầu y đưa thẳng lên cao. Đo từ điểm cao nhất cho đến khoảng nửa ống chân của vị ấy, chính là kích thước chiều cao của tấm y. Kích thước này có thể thêm hoặc bớt cho phù hợp.

- Chiều rộng tấm y: Vị Tỳ kheo đứng thẳng, dùng một sợi dây vắt ngang qua cổ vị ấy và cho hai đầu dây chạm mặt đất. Đo chiều dài của sợi dây đó chính là chiều rộng của tấm y. Đây chỉ là kích thước ước lượng nên có thể thêm bớt sao cho phù hợp với người mặc.

Lại nữa, về phần vải, thông thường vải cotton mới sẽ bị co rút lại sau lần giặt đầu tiên, cho nên việc cắt vải phải biết rõ độ rút của vải là bao nhiêu để khi cắt vải phải trừ hao. Để tránh sau khi may xong, giặt y thì vải bị rút lại, tấm y sẽ không đúng như kích thước mong muốn. Trước khi cắt vải, nên ước lượng phần vải cần sử dụng và đem đi giặt, có thể trụng qua nước sôi để vải rút lại rồi đem phơi khô. Sau khi phơi khô xong rồi thì đem đi ủi tấm vải cho thẳng. Lúc này, tấm vải mới có thể cắt và sau khi giặt sẽ không bị ảnh hưởng đến kích thước tấm y nhiều.

Để cắt được vải chính xác, trước khi cắt, người may phải tính toán cẩn thận kích thước từng thửa ruộng trong mỗi điều, chiều dài, chiều rộng của bờ ruộng, chiều rộng của đường biên. Khi tính, người may phải tính thêm phần trừ hao của nếp gấp, đường kim may thì khi may tấm y mới có kích thước như mong muốn. Như vậy, để may một tấm y nội năm điều với khổ M (220 cm x 80 cm) thì kích thước các điều, bờ ruộng, đường viền bao quanh được tính toán như sau:

Hình 7: Cách tính và phân chia kích thước tấm y nội năm điều.

Tuy nhiên, vì đức Phật cho phép các Tỳ kheo được phép sử dụng trong ba y có hai y không cắt và một y được cắt, vì lẽ đó, tấm y nội ngày nay của chư tăng ở Thái Lan, Campuchia và Lào đa phần sẽ không may theo điều mà sẽ là một tấm vải được may bốn viền xung quanh.

Hình 8: Tấm y nội không cắt (không chia điều).

Về phần tính toán kích thước tấm y thượng cũng tương tự như trên. Với số điều là chín, kích thước khổ M (300 cm x 190 cm) thì kích thước mỗi phần trên tấm y sẽ được tính như sau:

Hình 9: Cách tính và phân chia kích thước tấm y thượng chín điều.

Có nhiều cách may y nhưng thường thì người may sẽ may từng điều riêng lẻ, nghĩa là may hoàn thành điều nhỏ với bờ ruộng ngang và điều to thành một điều hoàn chỉnh. Rồi sau đó chín điều như vậy sẽ được may ráp lại với những bờ ruộng dọc. Về sau, để may nhanh hơn, người may sẽ phân chia tấm y mẫu ra thành ba phần, mỗi phần có ba điều. Khi phân chia như vậy, ba điều bên trái (1, 2, 3) và ba điều bên phải (7, 8, 9) của tấm y sẽ có sự giống nhau nên sẽ được cắt và may chung một mảnh dài. Sau đó, chỉ cần cắt làm đôi thì sẽ có hai phần bằng nhau gồm sáu điều (1, 2, 3, 7, 8, 9). Riêng ba điều giữa (4, 5, 6) thì được may riêng. Sau cùng, khi hoàn tất các điều, ba mảnh này được ghép lại và may thêm bốn đường viền xung quanh nữa là hoàn thành tấm y thượng chín điều.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Cách May Y Ca Sa Theo Luat Phat Giao Theravāda 12

Hình 10: Cách cắt may tấm y thượng phân chia thành ba phần.

Cách tính toán vải trên đây chỉ là ước lượng trước cho nên khi cắt phải trừ hao vải để phòng khi bị hụt thì tấm y sẽ bị thu nhỏ lại so với kích thước ban đầu. Sau khi các điều được ráp lại với nhau, người may sẽ cắt bốn mép vải của tấm y cho được vuông vức. Trong khi may, có thể dùng chỉ lược tạm để giữ yên vị trí mép vải giao nhau, và có thể dùng kim gút hoặc bàn ủi để ủi tạo nếp vải cho thẳng trước khi may. Sau khi đã may xong các điều như ý muốn và đã cắt vuông vức các cạnh tấm y thì sẽ ráp bốn đường viền xung quanh tấm y. Rồi cuối cùng là giai đoạn may phần vải dằn thêm trên chỗ nút cài và dây buộc trên tấm y. Theo luật định, phần này được may ở góc y và lui vào trong khoảng bảy hoặc tám ngón tay. Tuy nhiên, những tấm y hiện nay thì phần dây buộc được may giữa hai lớp y và đường viền.

Riêng về tấm y hai lớp cũng được may tương tự như may tấm y thượng ở trên. Tuy nhiên, trong khi may các điều, thay vì sử dụng một lớp vải thì người may phải sử dụng hai lớp vải để may thành tấm y hai lớp. Kích thước tấm y hai lớp cũng tương tự như tấm y thượng.

b. Hiện trạng vấn đề may y ngày nay Mặc dù hình thức tấm y tối thiểu năm điều là căn bản nhất nhưng ngày nay có rất nhiều cơ sở may y vì lợi nhuận và công may mà may y không đúng chất lượng và không hợp luật. Chất liệu của vải thì tùy theo giá cảthị trường nhưng công may là một sự cạnh tranh đã khiến cho nhiều cơ sở giảm đi phần công may bằng cách may y không đúng quy định. Có thể thấy, tấm y năm điều nghĩa là những mảnh vải to, mảnh vải nhỏ rồi dải điều cùng ráp lại với nhau để tạo thành tấm y thì như vậy sẽ rất nhiều công đoạn và công sức cắt may. Vì thế, nhiều cơ sở đã may y không được cắt trọn vẹn cả năm điều mà có thể chỉ là bốn phần hoặc ba phần. Những phần vải còn lại sẽ được xếp và may chỉ dằn lên trên để tạo thành bờ ruộng và mảnh điều của tấm y, có nghĩa là tấm y không đúng năm điều hoàn chỉnh.
Hình 11: Tấm y chỉ được cắt và may từ ba phần.
Theo mô hình này, phần đường đỏ là phần vải được cắt và may lại, riêng những phần khác thì không được cắt mà chỉ xếp vải và may dằn chỉ lên để tạo thành đường may. Theo đó, tấm y hoàn toàn không đúng là năm điều thật sự mà chỉ là ba điều. Nếu như những mảnh vải được cắt và may ghép lại thì sẽ có mô hình (hình 3.16) như sau:
Hình 12: Vải được cắt mà may ghép lại đúng luật.

Khi vải nguyên tấm không được cắt thì cũng được may hai đường kim y như trên. Chỉ khác ở chỗ là người may gấp nếp vải lại và may một đường kim thứ nhất. Sau đó, họ xếp ngược vải lại như hình chữ S rồi may dằn thêm đường kim thứ hai. Với cách thức này, nhìn bên ngoài tấm y vẫn có những bờ ruộng quanh các điều nhưng thực chất chỉ là cách xếp vải và may dằn lên trên.

Hình 13: Vải được xếp và may lại không đúng luật.

Screenshot 3

Cách may như vậy rất nhanh vì không phải cắt nhỏ vải, không phải may lược hoặc may ráp lại với nhiều giai đoạn tốn công sức và nhiều thời gian mới hoàn thành một tấm y. Tuy nhiên, tấm y may như vậy không được coi là hợp luật bởi vì luật nói rõ tấm y phải có năm điều hoặc nhiều hơn năm điều.[35] Nếu như luật được đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo được phép sử dụng hai tấm y không cắt và một tấm y được cắt.[36] Điều này được đức Phật cho phép, nghĩa là trong ba tấm y, hai tấm y được phép không cắt nhưng phải có một tấm y được cắt. Căn cứ vào điều này thì tấm y được may như trên có thể vẫn sử dụng được.

Với quy định về tấm y Kaṭhina phải được thành tựu bởi tấm y năm điều hoặc hơn năm điều thì chắc chắn rằng tấm y may như thế là không thể làm y Kaṭhina. Do vậy, tấm y may bằng cách xếp vải như thế có thể vẫn được chấp nhận trong việc sử dụng y hằng ngày trong sinh hoạt thường nhật, nhưng nếu để làm y Kaṭhina để thọ thì chắc chắn là không được, nếu thọ tấm y như thế thì Kaṭhina của tăng sẽ không thành tựu. Vì lẽ đó, trong lễ dâng y Kaṭhina, mặc dù không phải may y, tấm y đã may sẵn được thí chủ dâng cúng đến tăng nhưng các vị Tỳ kheo vẫn cử vị Tỳ kheo đại diện rành rẽ về luật cũng như cách may y để xem xét tấm y có hợp luật hay không? Nếu tấm y không hợp luật thì sẽ tìm tấm y khác để thọ. Do đó, những người may y cần phải quan tâm và đặc biệt chú ý hơn nữa đến cách thức, quy định về may y trong Luật tạng để tránh đi những lỗi lầm do may y không hợp luật trong sinh hoạt của tăng đoàn.

Kết luận

Đời sống tu học không thể căn cứ vào tấm y, chiếc áo mà đánh giá được người đó tu tập ra sao, tuy nhiên, người tu học mà không biết được những điều về tấm y mình đang mặc là một điều thiếu sót. Tấm y không thể là căn cứ quyết định tu tốt hay xấu, nhưng những quy định về y, những nguyên tắc trong việc cắt may y mà không gìn giữ được thì làm sao tu tập, làm sao Phật pháp được vững bền. “Chiếc y không làm nên thầy tu” nhưng nếu không có chiếc y thì không thể gọi là người tu. Vì thế, gìn giữ và thọ trì những điều luật liên quan đến y cũng là một pháp tu, cũng là một cách để gìn giữ giềng mối Giáo pháp được bền vững. Bởi lẽ, ngày nào giới luật còn được hành trì, còn được tu tập thì ngày đó Pháp và Luật này sẽ được bền vững.

Tác giả: Bhik.Samādhipuñño Định Phúc ***

Chú thích [1] Subhūti (2021), Buddhist monks’ Robes information, truy cập [ngày 30/07/2021]: <https://americanmonk.org/buddhist-monks-robes-information/>. [2] A.ii.26. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 362. [3] Vin.i.280. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.179. [4] MA.ii.795; SA.i.188. [5] Vin.i.287. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 191. [6] Mahāsamaṇa Chao Somdet Phra (2009), The Entrance to the Vinaya – Vinayamukha, (2nd ed.), vol. 2, Mahāmakuṭarājavidyālaya, Bangkok, p. 17. [7] Vin.i.287. VinA.v.1127. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 191. [8] VinA.i.239. [9] Vin.i.298. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 209. [10] VinA.v.1127. [11] Vin.ii.137. Indacanda (dịch) (2010), Tiểu phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 95. [12] Vin.ii.137. Sđd. [13] Vin.ii.138. Sđd. [14] Vin.i.287. Sđd, tr. 191. [15] Vin.i.290. Sđd, tr. 195. [16] Vin.i.297. Sđd, tr. 209. [17] Vin.i.297. Sđd. [18] Vin.ii.117. Indacanda (dịch) (2010), Tiểu phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 33. [19] Vin.ii.117. Sđd. [20] Vin.iv.167. Indacanda (dịch) (2009), Phân tích giới Tỳ khưu, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 445. [21] Vin.ii.117. Indacanda (dịch) (2010), Tiểu phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 33. [22] Vin.ii.117. Sđd. [23] Vin.ii.117. Sđd, tr. 35. [24] Vin.ii.117. Sđd, tr. 37. [25] Vin.ii.118. Sđd, tr. 37. [26] Vin.ii.118. Sđd, tr. 37. [27] Vin.i.289. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 193. [28] Vin.i.290. Sđd, tr, 195. [29] Vin.i.255. Sđd, tr. 115. [30] VinA.v.1111. [31] PāṬ.365. [32] Vin.i.287. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 191. [33] Vin.i.298. Sđd, tr. 209. [34] Vin.i.298. Sđd. [35] Vin.i.255. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr. 115. [36] Vin.i.298. Sđd, tr. 209.

Tài liệu tham khảo
  1. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
  2. Buddhaghosa Bhadantācariya (1975), Samantapāsādikā – Buddhaghosa’s Commentary on the Vinaya Piṭaka, vol. 1, Takakusu J., Nagai Makoto (eds.), PTS. London.
  3. Buddhaghosa Bhadantācariya (1977), Sāratthapakāsinī – Buddhaghosa’s Commentary on the Saṃyuttanikāya, vol. 1, Woodward F. L. (ed.), PTS. London.
  4. Buddhaghosa Bhadantācariya (1979), Papañcasūdanī – Majjhimanikāyaṭṭhakathā of Buddhaghosācariya, vol. 2, Woods J. H., Kosambi D. (ed.), PTS. London.
  5. Buddhaghosa Bhadantācariya (1998), Samantapāsādikā – Buddhaghosa’s Commentary on the Vinaya Piṭaka, vol. 5, Takakusu J., Nagai Makoto (eds.), PTS. London.
  6. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka.
  7. Indacanda (dịch) (2009), Phân tích giới Tỳ khưu, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka.
  8. Indacanda (dịch) (2010), Tiểu phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka.
  9. Jāgara Thera (1998), Pācityādiyojanā-Ṭīkā, Vipasyanā Visodhana Vinyāsa, India.
  10. Mahāsamaṇa Chao Somdet Phra (2009), The Entrance to the Vinaya – Vinayamukha, (2nd ed.), vol. 2, Mahāmakuṭarājavidyālaya, Bangkok.
  11. Subhūti (2021), Buddhist monks’ Robes information, truy cập [ngày 30/07/2021]: <https://americanmonk.org/buddhist-monks-robes-information/>.
  12. The Aṅguttara Nikāya, vol. 1, Morris Richard (ed.) (1999), PTS., Oxford.
  13. The Vinaya Piṭakaṃ, vol. 1, The Mahāvagga, Oldenberg Hermann (ed.) (2013), PTS., Oxford.
  14. The Vinaya Piṭakaṃ, vol. 2, The Cullavagga, Oldenberg Hermann (ed.) (1977), PTS., Oxford.
  15. The Vinaya Piṭakaṃ, vol. 4, The Suttavibhaṅga, Second Part (End of the Mahāvibhaṅga, Bhikkhunīvibhaṅga), Oldenberg Hermann (ed.) (1993), PTS., Oxford.
>> Tấm y ca sa màu hoại sắc