Tác giả: Thích Giác Nhu Học viện Phật giáo Việt Nam Cơ sở 1, Phú Nhuận, Tp.HCM

Trong đời sống hằng ngày chúng ta thấy rằng có những kẻ sinh ra khốn khổ cùng cực, đời sống bất hạnh. Cuộc sống của họ đắm chìm trong tuyệt vọng sâu xa, phải lần hồi kiếm sống. Trái lại, có kẻ lại sinh sống trong giầu có, đời sống đầy đủ và hạnh phúc tràn trề, họ hưởng một cuộc sống xa hoa thịnh vượng và hầu như không biết gì đến những đau khổ và phiền não của đồng loại.

Có những người khi sinh ra và lớn lên đã thông minh xuất chúng, khả năng tinh thần trí thức cao siêu, trong khi nhiều người khác thì ngu si dốt nát, phải trải qua suốt cuộc đời trong mê mờ, ngu muội và  tăm tối.

Tại sao trong chúng ta lại có những người khỏe mạnh, to lớn, đẹp đẽ và hầu như không có bệnh tật, trong khi có những kẻ sinh ra đã ốm đau bệnh tật, gầy còm, xấu xí và đơn độc một cách đáng thương?

Tại sao có người sống đến tuổi già, tuy đầu bạc răng long nhưng vẫn còn minh mẫn, trái lại có kẻ phải lìa bỏ cuộc đời giữa thời xuân xanh niên thiếu, thậm chí chưa kịp chào đời đã phải xa lìa trần thế? Tại sao có người sinh ra lớn lên trở thành bác sĩ, kỹ sư, những nhà nghiên cứu khoa học, những nhà bác học lừng danh trên thế giới với những cống hiến cho xã hội để lại tiếng thơm cho đời sau, trong khi đó có những kẻ có cuộc đời vô vị không có gì đáng kể để đóng góp cho xã hội và hình như họ sống trong lãng quên, trong đêm tối, không ai màng biết đến? Tất cả những điều ấy đều là những vấn đề mà hầu như ai cũng biết, nhưng hầu như không có một lời giải đáp đúng đắn.

Theo đạo Phật, những nỗi khổ đau của con người đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu trí huệ. Vô minh thường được coi là nỗi bất hạnh lớn nhất của chúng sinh. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, tất cả những nỗi sợ hãi, thất vọng, vấp ngã và tai nạn đều do ngu si mà sinh khởi. Tất cả những điều ấy không sinh khởi nơi người có trí tuệ, cũng như ngọn lửa bùng cháy từ bụi lau, bụi cỏ làm cháy luôn cả nhà cửa, lầu gác và cung điện. Cũng vậy, ngọn lửa ngu si bùng lên làm cho những nỗi sợ hãi, thất vọng, vấp ngã và tai nạn có mặt” (Kinh Đa Giới, Trung Bộ kinh III). Đức Phật khuyên dạy mọi người hãy trở thành kẻ hiền trí bằng cách suy tư quán chiếu để nhận chân được bản chất của nhân sinh và vũ trụ, qua đó dập tắt ngọn lửa ngu si, thành tựu trí tuệ và đoạn diệt khổ đau.

Suy tư quán chiếu về cái gì? Suy tư quán chiếu như thế nào để có trí huệ và đoạn diệt khổ đau? Đó là những gì mà đức Phật đã thuyết giáo suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài. Đó là điều mà đạo Phật cống hiến cho nhân loại hơn 25 thế kỷ qua. Chính vì thế tôi chọn đề tài  tìm hiểu “CÁC YẾU TỐ TẠO NÊN SỰ SỐNG VÀ CHẤM DỨT SỰ SỐNG CỦA MỘT CHÚNG SINH” theo Kinh Đại Duyên, để cho mọi người chúng ta hiểu được giáo lý duyên khởi, hiểu được luật nhân quả và nghiệp báo, hiểu được những hành động thiện hay bất thiện sẽ gây ra những kết quả lành hay ác cho chính bản thân mình sau này hay ngay lập tức thì sẽ tránh được những nỗi khổ niềm đau do nghiệp báo gây ra. Nếu hiểu được như thế, thì sẽ giải thích được các hiện tượng kể trên. Đó là do Nghiệp lực của con người đã tạo tác gây nên từ trong những đời quá khứ.

Đối tượng mà chúng ta cần suy tư và quán chiếu chính là đời sống của chính ta, con người và thế giới mà chúng ta đang sống. Nhưng con người và thế giới quá bao la, thiên hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ làm sao rõ biết hết được? Đối tượng của tư duy là vô tận, vậy phải tư duy theo hướng nào?... Để giải quyết vấn đề ấy, đạo Phật đã phân tích, hệ thống hóa, khái quát hóa những cái tưởng như phức tạp ấy thành những phạm trù, những lãnh vực có thể nắm bắt được, đó là pháp duyên khởi (12 chi phần). Sự biết rõ về Duyên khởi nghĩa là biết rõ về bản chất của thế giới hiện tượng bao gồm con người và thế giới mà con người đang sống.

Tìm hiểu sự vận hành các chi pháp Trong kinh Đại Duyên

Nhân tạo nên đời sống của 1 chúng sinh và những hệ lụy

Sự  vận hành của chín chi pháp tạo ra đời sống  của một chúng sinh, nhân tạo nên đời sống của một chúng sinh và những cái hệ lụy khi mà chúng sinh có mặt rồi với cái danh sắc ngũ uẩn, khi hình thành một chúng sinh ở cõi dục giới thì sẽ có phiền não, đức Phật lấy cái lão tử già và chết đức Phật nói: “già và chết là do duyên sinh, sinh do duyên hữu, hữu do duyên thủ, thủ do duyên ái, ái là do duyên thọ, thọ là do duyên xúc, xúc là do duyên danh sắc, danh sắc do duyên thức, rồi đức Phật mới trở lại thức có là do danh sắc”.[1] Đức Phật không nói gì về vô minh và hành. Đây là sự thật về sự có mặt của các pháp, không do đức Phật hay các bậc Giáo chủ trước tác mà vốn là quy luật tự nhiên. Trình tự 9 nhân duyên trong kinh này cũng theo khác, đó là già chết, sau đó mới đến hữu, thủ, ái, thọ, xúc, danh sắc, thức. Mấu chốt của khác biệt này phụ thuộc vào sự quán sát của đức Phật, Ngài quán sát cuộc đời bị rối ren vì vô thường, thành-trụ-hoại-không, vì thế lý Duyên khởi được đề cập một cách linh động từ chi pháp già chết nhằm chỉ ra nguyên nhân thực trạng đau khổ của đời sống con người, đó là căn bản vô minh. Cách quán sát này mang tính chất nhân-quả. Đức Phật lại đi ngược lại danh sắc là do thức, thức do danh sắc. “Như vậy do duyên danh sắc, thức sinh; do duyên thức, danh sắc sinh; do duyên danh sắc, xúc sinh; do duyên xúc, thọ sinh; do duyên thọ; ái sinh; do duyên ái, thủ sinh; do duyên thủ, hữu sinh; do duyên hữu, sinh sinh; do duyên sinh, lão tử sinh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sinh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi”[2].

Sự sống. Ảnh: St

Chúng ta nhìn bài kinh này theo chiều hình thành của đời sống của một chúng sinh, thì kinh này giải thích lý do có mặt của chúng ta, tức sự phát sinh lên của vạn pháp, sự phát sinh lên của ngũ uẩn. Nói đầy đủ theo mười 12 nhân duyên vô minh trong Tứ Đế mình mới có mặt, đưa đến sự vận hạnh của nghiệp thức rồi đưa đi tái sinh. Chúng ta nhìn theo chiều làm sao cho nó mất đi, làm sao cho chấm dứt vòng luân hồi sinh tử là sự chấm dứt hoàn toàn bộ khổ uẩn và sự tái sinh. Bài kinh không cần phải đi từ trên xuống dưới hay ngược lại từ dưới đi lên, chúng ta có thể bắt từ điểm đầu tiên, chúng ta giải thích của một chúng sinh cùng điểm đầu tiên đó, chúng ta giải thích sự chấm dứt của một chúng sinh. Chúng ta muốn biết sự có mặt hình thành của một chúng sinh nó đi như thế nào, nó hình thành như thế nào, nhân nào, duyên nào mà đưa đến sự có mặt của một chúng sinh thì đức Phật mới nói Hành, có nghĩa là sự vận hành của một tâm thức để ra một sự hành động, hay là hành nghiệp, sự tạo tác nghiệp, hành có nghĩa là nghiệp dẫn đi tái sinh, do vô minh trong Tứ đế nên mới có tạo tác nên mới có hành, nên từ hành mới có thức đi tái sinh, có thức nên mới có danh sắc và lục nhập.

Các chi pháp diệt đưa đến chấm dứt đời sống của 1 chúng sinh

Đức Phật mới nói: “Này Ananda, nếu sinh không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như chư Thiên hay Thiên giới, Càn-thát-bà hay Càn-thát-bà-giới, Dạ-xoa hay Dạ Xoa giới. Quỷ thần hay Quỷ thần giới, loài Người hay Nhân giới, loại bốn chân hay tứ túc giới, loài chim hay điểu giới, loài trùng xà hay trùng xà giới. Này Ananda, nếu không có sinh cho tất cả, do sinh diệt thời lão tử có thể hiện hữu không?  - Bạch Thế Tôn, không!”[3].

Như vậy qua đoạn kinh trên đức Phật dạy nếu không sinh ở bất cứ cảnh giới nào, không sinh ở bất cứ một loại nào,… không có sinh thì làm gì có già và chết, cảnh giới sắc giới hay là vô sắc giới cũng là cảnh giới chứ đâu phải là thoát được, cũng gọi là cõi, không có sinh ở bất cứ ở một loại nào, nếu không có sinh thì làm gì có già và chết, như vậy chúng sinh ở sắc giới, vô sắc giới cũng có già và có chết. Như vậy nhơn duyên lão tử là do duyên sinh, đức Phật dạy: Do duyên gì có sinh, do duyên hữu, tức là có mặt của hành nghiệp và có mặt của thức do nghiệp dẫn đi tái sinh, do duyễn hữu sinh mới có mặt, nếu không có hữu trong cảnh giới nào (dục giới- sắc giới- vô sắc giới) thì sinh sẽ không có mặt. Hữu do duyên gì mà có, hữu do duyên thủ. Do chấp thủ mà mới có hữu mới có tạo nghiệp, nếu không có thủ (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ) là hữu không có mặt, không có thủ thì làm gì có tạo nghiệp mà đi tái sinh, như vậy nhân duyên và sự có mặt của hữu là do thủ. Hữu sinh ra từ chấp thủ chính do duyên ái mà thủ có mặt, nếu ái mà không có ở bất cứ loài nào, ở chỗ nào, không có sự yêu mến như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái và xúc ái, pháp ái không có sự yêu mến đó làm gì có muốn nắm giữ, không có sự muốn nắm giữ thì làm gì có thủ, làm gì muốn sở hữu được, cho nên chúng ta thấy đức Phật nói vậy để chúng ta thấy chúng ta có thể dừng lại ở bất cứ chi nào trong 9 chi này để tu tập đều có thể đưa đến sự chấm dứt cái khổ đau của đời này và đời sau. Nếu muốn chấm dứt vòng luân chuyển duyên khởi này không muốn đau khổ, không muốn tái sinh thì bây giờ phải có sáng suốt về Tứ đế, đừng vô minh trong Tứ đế thì làm gì có tạo tác làm gì có hành, không hành không có sự tạo tác không bị dẫn dắt của tham sân si thì làm gì có thức đi tái sinh không chịu khổ. Chúng ta chỉ cần lấy từ Vô minh rồi tới chỗ không còn vô minh thì ta giải quyết được toàn bộ tiến trình sinh tử luân hồi của một chúng sinh, không có vô minh, không có hành, không có thức,... là sự chấm dứt toàn bộ.

Mối liên hệ giữa Thức và Danh – sắc

Thế nào là thức? Này các Tỳ kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. …thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc…

Danh sắc sinh ra thức.

Nếu thức không an trú được trong danh sắc, thời trong tương lai, không thể hiện hữu sự hình thành của sinh, lão, tử, khổ tập. Như vậy là nhân duyên tập khởi, là nhơn duyên của thức tức là danh sắc.

Thức sinh ra danh sắc

Đức Phật nói danh sắc là do có thức, thức tái sinh mới có danh sắc đi vào trong bào thai người mẹ, và khi sinh ra nếu mà ở cõi dục, nhơn thiên, súc sinh thì có lục nhập, còn nếu danh sắc không đi vào trong cõi ngũ uẩn chỉ có danh sắc do kiếp trước vị đó tu thiền sắc giới nên họ chỉ có danh mà không có sắc.

Tóm lại do duyên danh sắc mà có thức sinh, do duyên thức mà danh sắc được sinh, do duyên danh sắc xúc được sinh, do duyên xúc thọ được sinh, do duyên thọ ái được sinh, do duyên ái thủ được sinh, do duyên thủ hữu được sinh, do duyên hữu sinh có mặt, do duyên lão tử có mặt, do duyên lão tử tiếp theo phải có sầu, bi, khổ , ưu não được sinh, đây là sự tập khởi tức là nguyên nhân có mặt cuả một chúng sinh với toàn bộ khổ uần. Như  vậy thức tái sinh kết hợp với danh sắc tạo nên một đời sống mới trong hiện tại. Nếu thiếu một trong hai thì không thể có thức trong hiện tại. Sự chào đời là do tiền nghiệp (hữu nghiệp) mà có. Nghiệp hữu do sự chấp thủ tức tham ái và tà kiến mà có. Thức này chính là tư tâm sở trong lúc tạo nghiệp thiện ác sẽ tạo ra 19 tâm đầu thai đi các cõi: 8 tâm đại thiện dục giới sẽ tạo ra 8 tâm đại quả dẫn sinh các cõi trời người ở dục giới. 5 tâm thiện sắc giới sẽ tạo ra 5 tâm quả sắc giới để dẫn sinh về cõi Phạm Thiên sắc giới. 4 tâm thiện vô sắc giới sẽ tạo ra 4 tâm quả vô sắc để dẫn sinh bốn cõi Phạm thiên vô sắc. Tâm sở tư lúc tạo nghiệp sẽ tạo ra tâm quan sát quả bất thiện thọ xả dẫn sinh 4 cõi khổ. Thức duyên danh sắc tùy tâm nghiệp của chúng sinh mà sinh về cõi nào, cõi sắc, cõi vô sắc hay cõi dục có đủ năm uẩn và lục nhập. 6 căn tiếp xúc sáu trần thì xúc, thọ, ái, thủ, hữu làm nhân làm duyên cho nhau tùy theo mức độ, trạng thái mà tạo nên các hành động chi phối đời sống.

 Nhân sinh các pháp bất thiện

Như vậy đức Phật nhấn mạnh sự tập khởi của các bất thiện pháp từ ái, vì ái sinh ra tìm cầu dẫn đến sự tranh chấp tạo thành các bất thiện pháp hiện tại. Tham ái và tà kiến là do cảm thọ mà có. “Như cây bị chặt đốn, gốc chưa hại vẫn bền, ái tùy miên chưa nhổ, khổ này vẫn sinh hoài”12. Tâm đầu thai ấy do nghiệp thiện ác mà có. Nghiệp thiện ác đó do vô minh mà có. Nếu nhìn theo góc độ nhân quả thì chúng làm nhân, làm duyên cho nhau. Trong Phật Tự Thuyết, đức Phật tóm lược nguyên lý Duyên khởi thành bài kệ:

“Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).

Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati).

Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti)

Cái này diệt thì cái kia diệt (masmim nirodha idam airujjhata)”

Dù được trình bày dưới số lượng chi phần nào, duyên khởi vẫn không ra ngoài định thức trên. Các sự vật hiện tượng tâm, vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối quan hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm cho chúng sinh hữu tình mãi vướng mắc trong sinh tử.

Phật giáo nhìn nhận thế giới là do nhân duyên mà sinh ra và không có một nguyên nhân đầu tiên. Do đó, trong một hiện tượng thì giáo lý Phật giáo phân tích bản thể, nguyên nhân, sự biến chuyển liên tục; bản chất của các hiện tượng đều như nhau, các hiện tượng, sự vật trong đời sống hòa hợp tạo thành cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Vấn đề ngã và kiến chấp

Đức Phật dạy quán pháp duyên sinh theo chiều thuận để thấy rõ sự sinh và nhân sinh lên một pháp và theo chiều nghịch để thấy rõ sự diệt và nhân diệt của một pháp, để từ đó thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường vô ngã khổ của chúng sinh, đồng thời chúng ta cũng thấy rõ biết rõ nhân quả và nghiệp báo của mỗi chúng sinh là nhân duyên sinh và nhân duyên diệt, đủ nhân thì sinh lên hết duyên thì diệt đi chứ không phải thường còn như chúng ta thấy, cho nên để thấy rõ trạng thái vô thường. Vô ngã nghĩa là ta không làm gì được, không tự tại không làm chủ được cuộc đời của mình, không thể làm chủ được thân tâm thì đừng nói gì làm chủ được đời sống của chúng ta, không làm chủ được nó cứ diễn biến theo cách của nó theo quy luật của nó, nên thân này diễn biến theo cách của thân, theo quy luật của thân, chúng ta không làm gì được chỉ có thể hỗ trợ một chút, tới khi nó tới sinh lão bệnh tử ta phải chấp nhận, vì nó có quy luật của nó ta không làm gì được với nó, gọi là vô ngã là như vậy.

Tâm mình cũng vậy nó muốn vui thì vui nó muốn buồn thì buồn, cho nên đức Phật nói dừng lại sẽ hết vui hết buồn, ta mà tìm cầu cái này cái kia để dừng lại cái tâm vui buồn nhưng tìm cầu phương pháp thế gian thì càng buồn, vui thì ít khổ thì nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn, vì nó vô thường vô ngã cho nên ta khổ, khổ vì nó thay đổi liên tục ta cứ chứng kiến nó ta không làm gì được cho nên gọi là khổ. Ta thấy rõ trạng thái khổ, vô thường, vô ngã của ngũ uẩn, ta quan sát để ta thấy rõ nhân quả và nghiệp của mỗi chúng sinh, đức Phật dạy: chân lý về Tứ thánh đế chúng ta phải nắm rõ, vô minh nghĩa là sự không biết về Tứ đế,  nếu không còn vô minh sẽ thành tựu thánh đạo, không phải hết vô minh mà đã thành đạo được, phải trãi qua tiến trình tu tập ở trong Đạo đế phương pháp tu tập sẽ đưa cho chúng ta năm yếu tố: giới thanh tịnh (chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng), tâm thanh tịnh (chính niệm, chính định, tinh tấn), trí tuệ phải sắc bén (chính kiến, chính tư duy, chính niệm, chính tinh tấn), để đoạn trừ phiền não, được giải thoát tri kiến tức là biết mình đang ở giai đoạn nào, thánh nhập lưu đạo Niết bàn đoạn trừ tà kiến trầm luân. Như vậy muốn thành tựu thánh quả Nhất lai, Bất lai, hay Niết bàn,… khi mình đạt được Niết bàn nghĩa là không còn những trạng thái tâm tâm phiền não, Niết bàn của Nhập lưu vừa mới bước vào trạng thái tâm bậc thánh, sự cởi mở không còn thân kiến, nghi, giới cấm thủ, không bị lệ thuộc vào nó gọi là Niết bàn, sự an lạc.

Nhất lai và Bất lai: Đoạn trừ tham dục trầm luân , giảm bớt tham, giảm bớt sân, chấm dứt hoàn toàn thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham sân, khi không còn tham dục trầm luân thì sẽ thành tựu thánh quả. Nhất lai thánh đạo tuệ đoạn được năm dục trầm luân phần thô. Bất lai thánh đạo tuệ đoạn được năm dục trầm luân ở phần vi tế.

A la hán: Sắc ái vô sắc ái, mạn, trạo hối và vô minh, 5 này gọi là đoạn kiến trầm luân và vô minh trầm luân. Đoạn kiến : sắc ái, vô sắc ái khi mình thấy mình thích khi đoạn trừ nó ta mới tu được, vì ta không còn dính mắc vào nó. Vô minh trầm luân: sự phá vỡ hoàn toàn ái dục, phá vỡ chấp vào hoàn toàn ở thế gian và cuộc đời này, các pháp chỉ là do duyên sinh các pháp chỉ là do duyên diệt, không có gì tồn tại lâu dài, không có gì thật có ở trên cuộc đời, vô minh trầm luân tức thấy khổ, thấy nguyên nhân gây nên khổ để mà không tạo nhân gây khổ, và tu tập con đường chính kiến bằng việc thực hành Bát chính đạo: giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh. Tu Bát chính đạo sẽ đoạn được bốn pháp trầm luân, tức sẽ thành tựu được các thánh đạo thánh quả giải thoát và có được Niết bàn.

Bảy trú xứ của thức và hai xứ.

Trú xứ thứ nhất của thức có những loại hữu tình thân dị loại và tưởng dị loại,  như loài người, một số chư thiên và một số ở địa ngục.Trú xứ thứ hai của thức là có những loại hữu tình, thân dị loại nhưng tưởng nhất loại, như các vị Phạm chúng thiên được sinh  vào cõi ấy, nhờ sơ thiền. Trú xứ thứ ba của thức có những loại hữu tình, thân nhất loại nhưng tưởng dị loại, như các vị quan âm thiên. Trú xứ thứ tư của thức là có những loại hữu tình, thân nhất loại và tưởng cũng nhất loại, như các vị Biến tịnh thiên. Trú xứ thứ năm của thức là có những loại hữu tình, vượt ra khỏi tất cả sắc tưởng, đoạn trừ tất cả hữu đối tưởng, không suy tư đến mọi dị loại tưởng, chỉ có tưởng “Hư không là vô biên”, được sinh vào cõi hư không và biên xứ. Trú xứ thứ sáu của thức là có những loại hữu tình hoàn toàn vượt ra khỏi Không vô biên xứ, chỉ có tưởng “Thức là vô biên”, được sinh vào cõi Thức vô biên xứ. Trú xứ thứ bảy của thức là có những loại hữu tình hoàn toàn vượt ra khỏi Thức vô biên xứ, chỉ có tưởng “Vô sở hữu” được sinh vào cõi vô sở hữu xứ.

Hai xứ là Vô tưởng hữu tình xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nếu có ai hiểu được 7 trú xứ này và 2 xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một người như vậy không còn hoan hỉ ưa thích các trú xứ này. Như vậy nhờ không chấp thủ nên được giải thoát nhờ có Tuệ giải thoát.

Tám giải thoát

Tự mình có sắc, thấy các sắc, đó là giải thoát thứ nhất. Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc đó là giải thoát thứ hai. Quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy đó là sự giải thoát thứ ba. Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú không vô biên xứ đó là giải thoát thứ tư. Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ đó là giải thoát thứ năm. Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ đó là giải thoát thứ sáu. Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ đó là giải thoát thứ bảy. Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng, đó là sự giải thoát thứ tám.

Thuận thứ thể nhập tám giải thoát này, có thể nhập và có thể xuất khỏi bất cứ giải thoát nào khi nào mình muốn, chỗ nào mình muốn và dài bao lâu mình muốn và với các lậu hoặc được đoạn trừ, Tỳ kheo chứng và an trú trong trong tám giải thoát và tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong thời hiện tại, tự mình thấu đạt và chứng ngộ.  Không có giải thoát nào cao hơn thù thắng hơn.

Ứng dụng giáo lý duyên khởi trong Kinh Đại Duyên vào đời sống tu tập

Người xuất gia trong quá trình rèn luyện thân tâm, dù tu học trong đại chúng hay độc cư, đều cần chuyển hóa giáo pháp Duyên khởi từ những câu chữ trong kinh điển vào đời sống thường ngày, bằng ngôn ngữ bình dị ở các thể thức như chiều thuận, chiều nghịch, từng mắc xích, vòng mắc xích để giải quyết những vấn nạn của bản thân, phát triển đời sống tinh thần theo chiếu hướng tích cực. Về khía cạnh tu tập tâm linh, khi hiểu được mắt xích lục nhập (P. salayatana) trong pháp Duyên khởi là một sự tiếp xúc giữa sáu căn tiếp xúc sáu cảnh trần tạo nên sáu xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ), người tu sĩ, mà đặc biệt là tu sĩ trẻ, mới xuất gia, cần thu thúc sáu giác quan và giảm thiểu tiếp nhận những hình ảnh, thông tin, lời nói, tư duy… bất thiện. Từ sự buông bỏ những cám dỗ, vị ngọt của bất thiện pháp, tâm trí sẽ dần sáng tỏ như viên ngọc quý được mài giũa. Hai yếu tố phụ trợ nhưng không thể thiếu là siêng năng và kiên nhẫn là thuận duyên cho đời sống tâm linh. Đến thời điểm sự tu tập đã đạt được những thành quả cơ bản thì mặt lợi tha (có thể hiểu là đóng góp cộng đồng, phụng sự xã hội) là điều cần có để chia sẻ giáo lý và đạo đức Phật giáo đến mọi người hữu duyên, nhằm giúp những người có vấn đề tâm lý, khó khăn trong đời sống tinh thần được tháo gỡ, giải quyết. Sự hoằng hóa Phật Pháp không nhất thiết phải khiến cho người hữu duyên đạt được sự chứng ngộ hiện tiền, mà phải dựa vào nhu cầu thực tế. Khi quý tăng, ni đã giúp cho tín đồ giải quyết khó khăn thì lúc này, giáo lý Phật giáo mà duyên khởi là một trong những Pháp cao siêu cần được chia sẻ bằng ngôn ngữ thời hiện đại, từ đó người xuất gia không chỉ dừng lại ở việc tự tu tập mà còn dấn thân phụng sự cho cuộc đời được trở nên tốt đẹp hơn.

KẾT LUẬN

Chúng ta như người khát nước nhưng lại uống nước muối, nên càng uống càng khát. Ta chạy trốn cái khổ, muốn được an vui, không còn khổ nhưng lại đầu tư vào cái khổ. Kinh Đại Duyên chứng minh cho chúng ta thấy rằng, mọi hiện tượng tâm lý hay vật lý (Danh hay Sắc) tạo nên đời sống đều có mối liên hệ với nhau, vừa là nhân của một yếu tố nầy nhưng là quả của một yếu tố khác. Chúng cùng sinh cùng tồn tại và cùng mất đi. Theo đó, ta thấy:

Nếu nhìn theo chiều “Sinh lên” có mặt, ta sẽ thấy được nhân sinh của pháp. Nghĩa là: Vô minh làm sinh khởi Hành, Hành làm sinh khởi Thức (thức tái sinh, Tâm tái tục), Thức làm sinh khởi Danh (phần tinh thần) và Săc (phần vật chất)

Nếu nhìn theo chiều “Mất đi”, ta sẽ thấy nhân diệt của pháp, nếu không có vô minh, sẽ không có Hành, nếu không có Hành, sẽ không có Thức (thức tái sinh, Tâm tái tục), nếu không có Thức sẽ không có Danh và Sắc.

Từ đó, thấy rõ biết rõ không có một pháp nào tự nhiên sinh lên, tự nhiên tồn tại, tự nhiên phát triển hay tự nhiên mất đi, mà không có sự hỗ trợ của một hoặc nhiều pháp khác. Thấy như vậy cũng gọi là thấy biết rõ trạng thái vô thường – vô ngã – khổ; thấy rõ biết rõ nhân – quả và nghiệp của mỗi chúng sinh.

Dẫn đến chứng ngộ: Chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc bốn Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết bàn, chấm dứt hoàn toàn bốn pháp trầm luân: Tà kiến trầm luân, Tham dục trầm luân, Đoạn kiến trầm luân,Vô minh trầm luân. Chấm dứt hoàn toàn các tiền khiên tật tích lũy trong đời sống trước. Vị ấy được giải thoát và với Thắng Trí biết được: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành. Những việc nên làm đã làm. Sau đời hiện tại, không còn đời sống nào khác nữa”.

Một người đã giải thoát như ‘củi hết lửa tắt’. Củi chỉ cho dục ái, tham ái. Khi nhiên liệu ái dục không còn nữa thì lửa tái sinh trong 3 cõi 6 đường chấm dứt.

Một người đã vào Vô Dư Niết Bàn, tâm thức không còn trú nơi đâu nữa. Dầu là Ma Vương đầy pháp thuật cũng không thể tìm thấy tâm thức của vị ấy. “Thần chết không bao giờ tìm thấy con đường của những người đức hạnh tinh cần được giải thoát hoàn toàn nhờ trí tuệ.”

Tác giả: Thích Giác Nhu Học viện Phật giáo Việt Nam Cơ sở 1, Phú Nhuận, Tp.HCM

***

Chú thích: [1]. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Trường Bộ 1, 15 Kinh Đại Duyên, NXB Viên Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM, XB năm 1991, tr 512 [2]. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Trường Bộ 1, 15 Kinh Đại Duyên, NXB Viên Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM, XB năm 1991, tr 513 [3]. HT. Thích Minh Châu dịch. Kinh Trường Bộ 1, 15 Kinh Đại Duyên, NXB Viên Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM, XB năm 1991, tr 514.