Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Các nghĩa đặc biệt của từ “đạo đức” trong Lý Hoặc Luận

Các nghĩa đặc biệt của từ “đạo đức” trong Lý Hoặc Luận

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lin Vĩ Tuấn
Học viên lớp Cao học Phật học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Đạo đức là một khái niệm rất quen thuộc đối với đời sống xã hội và đạo Phật nói chung. Phật giáo luôn đề cao đức hạnh cũng như đời sống phạm hạnh của con người. Cụm từ “đạo đức (道德)” đương nhiên là một từ thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm kinh, sách của Phật giáo, khi tra cứu trên trang web CBETA trực tuyến, đã cho ra kết quả là cụm từ “道 德” xuất hiện tổng cộng 5660 lần trên 2442 quyển kinh, sách các loại trong Đại chính Tân tu Đại tạng kinh.

Tuy nhiên khi đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy có nhiều kinh, sách có cách sử dụng cũng như nghĩa của cụm từ “道德” trong tiếng Hán cổ đại có đôi chút khác biệt so với cách hiểu thông thường hiện nay. Nếu không cẩn thận, khi cho rằng những cụm từ “道德” đó mang nghĩa “đạo đức” theo nghĩa thông thường được hiểu như hiện nay sẽ làm cho chúng ta hiểu sai nghĩa, thậm chí có thể làm sai lệch ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm dẫn đến hiểu sai triết lý của các kinh, ý nghĩa tác phẩm gốc.

Lý hoặc luận cũng là một trong các tác phẩm có sử dụng cụm từ “đạo đức (道德)” mang nghĩa đặc biệt như vậy ở một số đoạn văn. Lý Hoặc Luận lại là một tác phẩm mang tư tưởng dung hòa tam giáo, “đạo đức” có khi được dùng với nghĩa theo quan điểm Nho giáo, có lúc được dùng với cách hiểu của đạo Lão, vì thế tác giả mong thông qua bài viết, giúp làm rõ cụm từ “đạo đức” được sử dụng với những nét nghĩa đặc biệt trong ngữ cảnh những vấn đề của Phật giáo.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Cac Nghia Dac Biet Cua Tu Dao Duc Trong Ly Hoac Luan 1

Nghĩa của “đạo đức” qua một số từ điển

Đạo đức (道德) vốn là một từ Hán Việt, ngày nay nó đã thành một từ ngữ thông dụng và thường được hiểu là một từ tương đương với “moral” trong tiếng Anh, mà moral có nguồn gốc từ tiếng Latinh “moralitas” nghĩa là “hành vi, cử chỉ phù hợp.” Cũng như theo Tự điển Phật học online, đạo đức có nghĩa là: “Đạo và đức hạnh: Religion and virtue— Morality—Virtue—Morals— Ethical.”(1)

Con theo Từ điển tiếng Việt, đạo đức là danh từ gồm có 2 nghĩa, 2 nghĩa này thực chất có liên quan với nhau:

1 Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội (nói tổng quát). 2 Phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.”(2)

Cụ thể hơn, Từ điển Bách khoa Việt Nam đã giải nghĩa đạo đức là: Một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hội). Căn cứ vào những chuẩn mực ấy người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện và ác, về cái không được làm (vô đạo đức) và về nghĩa vụ phải làm.(3)
Qua những quyển từ điển tiếng Việt đã dẫn ở trên, nghĩa của “đạo đức” đều xoay quanh những từ có các nghĩa tương tự như: đức hạnh, đạo hạnh, hành vi chuẩn mực của con người khi ứng xử trong xã hội loài người.

Tuy nhiên khi đọc hoặc dịch các kinh, sách Phật giáo Hán Tạng, trong một số ngữ cảnh nhất định cụm từ đạo đức “道 德” của tiếng Hán trong lĩnh vực Phật học lại mang một nghĩa khác, riêng có của Phật giáo, không còn mang nghĩa như từ đạo đức thông thường.

Theo Hán ngữ đại từ điển, đạo đức có ba nghĩa: thứ nhất đó là “Một trong những hình thái của ý thức xã hội”, thứ hai đó là cách gọi tắt của “Đạo đức kinh” của Lão Tử, còn nghĩa thứ ba chính là: “công phu, phép thuật tu hành của tăng sĩ, đạo sĩ”, và có dẫn ví dụ trong hồi thứ 53 Thủy hử truyện “La Chân Nhân hỏi rằng: chúng tôi là người tu hành, chưa hề phạm gì đến ngươi, sao đêm khuya ngươi vượt tường vào, giơ búa chém ta? Nếu ta không phải là người có đạo đức, thì đã bị giết rồi”.(4)

Còn theo Phật học Đại từ điển, đạo đức là: “(thuật ngữ) chính pháp gọi là đạo. Đắc đạo mà không mất đi gọi là đức.” (5)

Cụm từ “đạo đức” trong Lý hoặc Luận

Về tần suất xuất hiện, cụm từ “đạo đức” xuất hiện 08 lần trong 7 điều của Lý hoặc Luận, lần lượt là điều 1, 2, 4, 6, 10, 14 và điều 23. Riêng điều 1 xuất hiện 02 lần, các điều còn lại thì xuất hiện một lần. Khảo sát nghĩa của “đạo đức” trong những điều này qua tính lôgic, nghĩa tổng thể so với cả đoạn, cũng như mối quan hệ trên dưới giữa các câu tác giả thấy rằng các điều 4, 6, 14 và điều 23 mang nghĩa là “những tiêu chuẩn, chuẩn mực, nguyên tắc… được xã hội chúng ta đề cao”. Riêng điều 1, 2 & 10 cần hiểu theo nghĩa “công phu, phép thuật tu hành của tăng sĩ, đạo sĩ”.

Dưới đây xin trình bày một vài ý kiến của tác giả về nghĩa của “đạo đức” tại các điều 1, 2 & 10 của Lý hoặc Luận.

“Đạo đức” xuất hiện 02 lần ở trong điều 1, cụ thể đó là câu “Cái văn Phật hóa chi vi trạng dã, tích lũy đạo đức sổ thiên ức tải, bất khả kỷ ký.”(6) Đây là sự tích đức Phật mà Mâu Tử trả lời cho các câu hỏi về nơi sinh, quê quán, hành trạng của đức Phật, dịch nghĩa tiếng Việt sẽ là “Nghe rằng khi Phật hóa thân thành Phật là kết quả của việc tích lũy công đức tu hành của hàng ngàn ức đời, không sao ghi chép nổi (đã trải qua bao nhiêu năm).” Trong ngữ cảnh này cụm từ “đạo đức” không thể chỉ hiểu theo nghĩa thông thường là “có phẩm chất, đức hạnh tốt”, bởi vì phẩm chất tốt, đức hạnh tốt chưa đủ để hình thành được một vị có năng lực và trí tuệ phi phàm giống đức Phật như khi Ngài sắp thành Phật, Ngài đã chủ động lựa chọn thời điểm “vào tháng tư mùa hạ, đó là lúc không nóng không lạnh, cây cỏ đơm hoa, cởi áo lông chồn, mặc áo thưa mỏng, là tiết trung lữ vậy”(7), còn về chọn địa điểm đản sinh ở Thiên Trúc là vì đó là “chỗ trung hòa trong trời đất”(8) và khi vừa chào đời Ngài đã biết “đặt chân xuống đất, đi bảy bước giơ tay phải lên, nói: “Trên trời dưới trời không có gì hơn Ta!”. Bấy giờ trời đất rung mạnh, trong cung sáng ngời.”(9) “có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mình cao trượng sáu, thân đều sắc vàng, đỉnh đầu có nhục kế, má như sư tử, lưỡi che được mặt, tay có ngàn xoáy, cổ sáng chiếu vạn dặm”,(10) do đó “đạo đức” trong câu này nên được hiểu là “công đức tu hành”, bởi những tình tiết, câu chuyện Mâu Tử đưa ra để khắc họa hình ảnh của đức Phật đều là những “yếu tố siêu nhiên, năng lực to lớn để chứng được quả vị Phật” như Từ điển Phật học đã giải nghĩa:

Công đức có các nghĩa sau:

1. Đức hạnh ưu tú, công lao, đức hạnh, phẩm chất cao quí (s: guna), tích lũy được do làm các việc thiện; 2. Phúc lành, đức hạnh, điều tốt lành, việc thiện (s: punya); 3. Cái nhân của quả báo đầu thai vào các cõi giới lành (thiện thú); thiện căn; 4.Việc thiện, sự tu tập; 5. Năng lực to lớn; Yếu tố cần thiết để chứng được quả vị Phật.(11)

Tương tự khi chú thích giải nghĩa cho “đạo đức” của câu trên, Liu Li Fu và các tác giả cũng cho rằng nó có nghĩa là “công phu, phép thuật tu hành của tăng sĩ, đạo sĩ.”(12) Và tác giả bài viết “Nghiên cứu từ mới, nghĩa mới trong “Lý hoặc Luận”” cũng có cùng quan điểm như trên và thậm chí cho rằng Lý hoặc Luận là tác phẩm đầu tiên sử dụng “đạo đức” với nét nghĩa nghĩa “công phu, phép thuật tu hành của tăng sĩ, đạo sĩ” theo cách tạo nghĩa mới của từ sẵn có.(13)

Trước những cám dỗ như được cư trú ở cung điện nguy nga, luôn có kỹ nữ, đồ chơi châu báu bên cạnh nhưng “Thái tử bất tham thế lạc, ý tồn đạo đức.”(14) có nghĩa là Ngài không đắm say vào dục lạc ở đời, chỉ luôn chú tâm vào việc tu đạo, vì vậy khi dịch nghĩa tiếng Việt nên dịch là “Thái tử không ham thú vui ở đời, tâm luôn hướng về đạo”, có nghĩa là cụm từ “đạo đức” trong câu này nên được hiểu là “việc tu đạo” hoặc “đạo” của con đường giải thoát.

Cụm từ “đạo đức” lần thứ ba được xuất hiện ở điều 2 trong câu “Phật nãi đạo đức chi nguyên tổ, thần minh chi tôn tự”,(15) xét thấy những câu trước và sau đều nói về sự tích huyền diệu, thần thông của Ngài như:

“Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn đươc, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy.”(16)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Cac Nghia Dac Biet Cua Tu Dao Duc Trong Ly Hoac Luan 2

Điều 2 được Mâu Tử dùng để mô tả, giới thiệu một hình ảnh đức Phật trong sự so sánh với các bậc thần thánh của Trung Hoa thời cổ đại, qua đó cho biết hồng danh đức Phật được người đời sau tôn xưng Ngài sau khi nhập diệt, cũng như thụy hiệu của ba vua thần, năm đế thánh. Sự khác biệt giữa Phật với những vị thần thánh thượng cổ Trung Hoa ở chỗ “Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh”, có nghĩa Phật là cội nguồn, đầu mối, có vị trí vượt bậc, cao hơn Tam Hoàng, Ngũ Đế mà Nho, Lão vốn rất tôn sùng. Trong khi đó chưa thấy có bất cứ câu nào nói về đức hạnh, phạm hạnh của đức Phật trong điều 2 này, thay vào đó Mâu Tử đã liệt kê hàng loạt thần thông, biến hóa để khắc họa đức Phật như một vị thần tiên có các phép thần thông. Do đó theo cách suy luận lôgic, “đạo đức” ở đây cũng nên hiểu là “thần thông” và tác giả đề nghị dịch nghĩa tiếng Việt câu này thành “Phật là nguyên tổ của thần thông, đầu mối của thần minh” thay vì “Phật là nguyên tổ của đạo đức”(17) như cách dịch của Lê Mạnh Thát.

Kế đến, trong điều 10 có câu 0(18) Câu này nói đến lý do cũng như cái đích đến xuất gia của Sa-môn là đi tu thay cho niềm vui trong cuộc đời phù du, vì vậy “đạo đức” ở đây nên được hiểu là “đạo pháp”, “Phật pháp” hoặc “chính pháp” v.v. Bởi lẽ theo quan niệm nhà Phật, thế giới Ta Bà chỉ là cõi tạm, tất cả thú vui ở đời cũng là ảo vọng, như bài kệ Kinh Kim cang từng dạy “Nhất thiết hữu vi pháp; như mộng, huyễn, bào, ảnh; như lộ diệc như điện”, đích đến thật sự của tu hành theo đạo Phật là nhằm đạt được giải thoát thật sự, đến được “bỉ ngạn”, muốn đạt được điều này không cách nào khác là tu theo chính pháp. Hành vi đúng chuẩn mực, có phẩm chất “đạo đức” tốt v.v. cũng chỉ là một phần của đời sống phạm hạnh, một nội dung nhỏ của việc tu hành, do đó cụm từ “đạo đức” được Mâu Tử nhắc đến ở đây phải là “đạo pháp”, “phật pháp” hoặc “chính pháp”, như vậy nó mới giữ ý nghĩa thống nhất, mạch lạc giữa các câu của cả đoạn và làm nổi bật ý nghĩa của việc tu đạo có thể giúp các tu sĩ Phật giáo có thể thành chính quả thay cho niềm vui trong đời.

Kết luận

Qua nội dung trình bày nêu trên cho thấy, từ đạo đức (道 德) trong tiếng Hán cổ có ít nhất ba nghĩa, riêng với các văn bản như kinh, sách Phật giáo, nó có thể thay cho các từ mang những nét nghĩa của “công phu, phép thuật tu hành của tăng sĩ, đạo sĩ”, ví dụ nó có thể được sử dụng thay cho các từ “công đức” như trong câu “Nghe rằng khi Phật hóa thân thành Phật là kết quả của việc tích lũy công đức tu hành của hàng ngàn ức đời, không sao ghi chép nổi (đã trải qua bao nhiêu năm).”

Có khi nó cũng được hiểu là “tu đạo”, “đạo” trong câu “Thái tử không ham thú vui ở đời, tâm luôn hướng về đạo.” Hoặc như có nghĩa là “thần thông” trong câu “Phật là nguyên tổ của thần thông, đầu mối của thần minh.” Thậm chí nó còn có thể được hiểu là “đạo pháp”, “Phật pháp” hoặc “chính pháp” trong câu “Sa-môn tu đạo thay cho niềm vui phù du của đời.”

Cho nên, khi đọc và dịch các văn bản Hán cổ, chúng ta cần lưu ý khi gặp từ đạo đức (道德), bởi lẽ nếu dùng từ “đạo đức” thông thường trong hiện đại để dịch nghĩa sẽ có nguy cơ làm sai lệch ý nghĩa nguyên văn của bản gốc, làm cho độc giả của bản dịch tiếng Việt hiểu sai ý nghĩa của kinh văn hoặc ý nghĩa của tác phẩm.

Vì vậy để tránh đọc và dịch sai nghĩa của cụm từ này chúng ta cần đặt từ đó trong ngữ cảnh cụ thể, và xem xét tính lôgic, tính hệ thống của nó trong tổng thể toàn văn để hiểu và dịch ra nghĩa tiếng Việt cho phù hợp nhất.

Khi gặp những cụm từ như vậy, chúng tôi đề xuất hai cách xử lý khi dịch thuật như sau:

1. Trường hợp không tìm được từ tương đương sát nghĩa trong tiếng Việt, chúng ta có thể để y nguyên cụm từ dịch theo âm Hán Việt, sau đó cần giải nghĩa chi tiết cho những từ này trong phần chú thích.

2. Hoặc dịch ra từ tiếng Việt tương đương gần nghĩa nhất theo ngữ cảnh của cả câu, cả đoạn trong cả văn bản.

Lin Vĩ Tuấn
Học viên lớp Cao học Phật học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Tự điển Phật học online: https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/dao-duc-k51213.html
(2) Từ điển tiếng Việt: trang 290
(3) Từ điển bách khoa Việt Nam tập 1: trang 738
(4) Hán ngữ đại từ điển (quyển 10): trang 1084
(5) Phật học Đại từ điển (hạ): trang 2370
(6) 《弘明集》卷1:「蓋聞佛化之為狀也。積累道德。數千億載不可紀記。」(CBETA 2022.Q3, T52, no. 2102, p. 1c3-4) (7), (8), (9), (10), (16), (17) Nghiên cứu về Mâu Tử: trang 502-504
(11) Từ điển Phật học: trang 100
(12) Hoằng minh tập (quyển thượng): trang 11
(13) Nghiên cứu từ mới, nghĩa mới trong “Lý hoặc luận”: trang 34 (14)《弘明集》卷1:「太子不貪世樂。意存道德。」(CBETA 2022.Q3, T52, no. 2102, p. 1c17) (15)《弘明集》卷1:「佛乃道德之元祖。神明之宗緒。」(CBETA 2022.Q3, T52, no. 2102, p. 2a8-9)
(18)《弘明集》卷1:「沙門修道德。以易遊世之樂」(CBETA 2022.Q3, T52, no. 2102, p. 3a19-20)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Đinh Phúc Bảo (2012), Phật học Đại từ điển (hạ)佛學大辭典(下), Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội, Đài Bắc.
Đạo Uyển (2001), Từ điển Phật học, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Hội đồng Biên soạn Hán ngữ đại từ điển (1992), Hán ngữ đại từ điển (quyển 10)漢語大詞典(第十卷), NXB. Hán ngữ đại từ điển, Thượng Hải.
Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển bách khoa Việt Nam tập 1, NXB. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, NXB. Văn hóa Sài Gòn, Hồ Chí Minh.
Liu Li Fu, Wei Jian Zhong, & Hu Yong dịch và chú giải (2013), Hoằng minh tập (quyển thượng)弘明集(上册), Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh.
Liu Yan Ling (2012), “Nghiên cứu từ mới, nghĩa mới trong “Lý hoặc luận”《理惑论》新词新义研究”, Ngữ văn hiện đại: Hạ tuần.
Nghiên cứu Ngôn ngữ现代语文:下旬. 语言研究, 12, 34-35.
Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Wang Yun Lu 王云路 (2006), “On the Motivation of the Creation of New Words and New Meanings in the Chinese Translations of Buddhist Scriptures试说翻译佛经新词新义的产生理据”, Studies in Language and Linguistics语言研究, 26(2), 91-97.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường