Trang chủ Chuyên đề Bước đầu tìm hiểu về công tác nghiên cứu Phật học ở Việt Nam

Bước đầu tìm hiểu về công tác nghiên cứu Phật học ở Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trên 2000 năm, do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành Bụt, từ Bụt được dùng nhiều trong các tích truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam trong suốt quá trình phát triển luôn gắn bó với văn hóa dân tộc, do vậy sự phát triển của Phật giáo mang màu sắc, triết lý của Phật giáo dân gian, Bụt được coi như một vị thần chuyên giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 do ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc nên có danh từ mới phiên âm theo tiếng Hán là Phật (Phật đà, Phật đồ).

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái.

Đến đầu thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn, xây chùa nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ XX, mặc dù ảnh hưởng mạnh các trào lưu văn hóa Tây phương, nhưng Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.

Gương sáng của Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, công lao to lớn của vua Trần Nhân Tông đối với đất nước và dân tộc, tiếng chuông thức tỉnh của Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn còn vang vọng… Phật giáo đã từng đóng vai trò trong việc củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân và đấu tranh bảo vệ đất nước. Khi đất nước hòa bình, văn hóa và dân tộc có điều kiện phát triển, Phật giáo đã góp phần không nhỏ xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Những mái chùa cong vút gần gũi, duyên dáng, những tượng đài Thích Ca, tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay; các bộ tượng La Hán với những đường nét tinh xảo, sống động dưới con mắt thán phục và cung kính của du khách quốc tế, những lễ hội rộn ràng, những áng văn chương trác tuyệt… mãi mãi là niềm tự hào của người dân đất Việt.

Bởi vậy, nghiên cứu Phật giáo là một việc làm thiết thực và vô cùng quan trọng. Qua đây chúng ta sẽ đánh giá được những thành tựu mà Phật giáo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, cũng như khắc phục được những hạn chế đang vướng mắc. Từ đó có thể từng bước hoạch định đường lối phát triển cũng như phát huy được triển vọng trong tương lai sắp tới.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Buoc dau tim hieu ve cong tac nghien cuu phat hoc 2

II. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO QUA CÁC THỜI KỲ

1. Khái lược một số công trình nghiên cứu tiêu biểu trong lịch sử

Ở Việt Nam, từ lâu trong lịch sử, việc nghiên cứu Phật giáo và tác động của Phật giáo đối với đời sống xã hội nói chung cũng đã được quan tâm nghiên cứu. Ngoài số lượng kinh, luật và luận của Phật giáo được tích lũy hơn 2500 năm thì đến nay Việt Nam có rất nhiều công trình nghiên cứu Phật giáo.

Ngay từ đầu Công nguyên, Mâu Tử với “Lý hoặc Luận” đã trình bày một cách rất cơ bản các vấn đề Phật học then chốt như Phật, Pháp, Tăng, Niết bàn, Luân hồi… Qua tác phẩm này, ông cũng đã phân tích ảnh hưởng một cách tự nhiên của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Sang thế kỷ XIII, khi triều đại phong kiến Việt Nam đang trên đà hưng thịnh, việc nghiên cứu Phật giáo tiếp tục được đẩy mạnh với các tên tuổi như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Trần Nhân Tông… Trần Thái Tông với “Khóa hư lục” đã phản ánh khá rõ ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần Đại Việt. Trần Nhân Tông qua một loạt tác phẩm của mình đã khẳng định vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội. Ông muốn phát huy hơn nữa vai trò của tôn giáo này đồng thời xây dựng tổ chức Giáo hội chặt chẽ, thống nhất để trở thành trung tâm liên kết toàn xã hội trên lĩnh vực tư tưởng.

Việc nghiên cứu Phật giáo và vai trò của nó trong đời sống xã hội Việt Nam được tiến hành liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc kể cả giai đoạn Phật giáo suy vi (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX).

2. Thế kỷ XX và những bước phát triển trong công tác nghiên cứu

Đặc biệt, từ những năm cuối thế kỷ XX trở đi đã xuất hiện rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu Phật giáo, về vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội nói chung, trong lối sống của người Việt Nam nói riêng.

Trong sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” (Nxb KHXH, Hà Nội 1998), các tác giả đã bàn về lịch sử du nhập và quá trình phát triển của Phật giáo từ thời kỳ đầu mới du nhập đến thế kỷ XX, bàn về các tông phái Phật giáo và đã phân tích vai trò của Phật giáo đối với lĩnh vực tư tưởng chính trị trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.

Trong cuốn “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay” (Nxb CTQG, Hà Nội 1997) do Giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ biên, các tác giả đã đề cập đến vai trò của Phật giáo trên một số lĩnh vực như: Ảnh hưởng của Phật giáo đối với hệ tư tưởng, đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Nguyễn Đăng Duy trong “Phật giáo và văn hóa Việt Nam” (Nxb Hà Nội, 1999) đã đề cập đến vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Trần Văn Giàu với một loạt các công trình như: “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” (Nxb KHXH, Hà Nội 1975), “Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại” (Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993) và “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám” (3 tập) (Nxb CTQG, Hà Nội 1997, 1998) đã đề cập đến những giá trị đạo đức Phật giáo, đề cập đến những đóng góp của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Trong cuốn “Có một nền đạo lý ở Việt Nam” (Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1996) tác giả Nguyễn Phan Quang đã cho người đọc thấy được sự hòa nhập của đạo đức Phật giáo trong đạo lý dân gian Việt Nam. Nguyễn Thị Bảy trong “Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ (Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 1997) đã bàn về văn hóa Phật giáo từ góc độ vật chất và tinh thần, bàn đến văn hóa ứng xử Phật giáo ở châu thổ Bắc Bộ…

Các nhà trí thức Phật giáo cũng đóng góp nhiều công trình có giá trị trong lĩnh vực này, như: Thích Đạo Quang với “Đại cương triết học Phật giáo” (Nxb Thuận Hóa, Huế 1996) đã phân tích những giá trị trong các giáo lý cơ bản của Phật giáo và đề cập một cách khái quát các tông phái cơ bản của đạo Phật.

Cuốn “Đạo đức học Phật giáo” do Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu giới thiệu và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995 là những bài tham luận của nhiều tác giả. Nội dung cuốn sách, các tác giả đã nêu những cơ sở và nhiều phạm trù đạo đức Phật giáo, phân tích để cắt nghĩa rõ thêm nội dung của chúng như giới, hạnh, nguyện, thiện, ác… Theo Hòa thượng, khi con người được di dưỡng trong nền đạo đức Phật giáo, họ sẽ được an trú trong niềm hạnh phúc và an lạc.

Cuốn Phật giáo với dân tộc” của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh, 1995) đã bàn về những nét chính trong luân lý Phật giáo, những giới luật của phật tử tại gia và phật tử xuất gia, về đóng góp của Phật giáo cho lịch sử dân tộc trên các phương diện chính trị, tư tưởng, văn nghệ, về các giá trị đạo đức Phật giáo với tuổi trẻ Việt Nam hiện đại. Gần đây với chuyên khảo “Tổ chức Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở vùng núi phía Bắc nước ta hiện nay” (Nxb KHXH, Hà Nội 2016) Hòa thượng Thích Gia Quang đã đề cập đến một số khía cạnh tương đối mới về đời sống tâm linh trong xã hội có nhiều biến động ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách làm phong phú thêm kho tàng lý luận tôn giáo học nói chung, Phật học nói riêng. Lần đầu tiên vấn đề Phật giáo ở vùng núi phía Bắc nước ta qua các thời kỳ lịch sử được hệ thống và khái quát hóa. Cuốn sách đã cung cấp nguồn tài liệu mới và phong phú về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng tổ chức Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở vùng núi phía Bắc nước ta. Trên cơ sở của những kết quả nghiên cứu đó, chuyên khảo bước đầu đã đề xuất các giải pháp và khuyến nghị để củng cố và hoàn thiện tổ chức Phật giáo ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Chuyên khảo là tài liệu khoa học cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta và là cơ sở phương pháp luận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và phát triển tổ chức Phật giáo ở vùng núi phía Bắc hiện nay và trong thời gian tới.

Tap chi nghien cuu phat hoc 11.2020

Lê Cung với cuốn “Phật giáo Việt Nam với cộng đồng dân tộc” (Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh ấn hành, 1996) đã đề cập đến đóng góp của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh với “Phật pháp nhập thế và phát triển” (Nxb Tôn giáo, 2008) đã tập hợp các bài viết của các nhà khoa học, các trí thức Phật giáo viết về vai trò của Phật giáo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay như: Phật giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Phật giáo với chính trị, xã hội, Phật giáo với sự phát triển bền vững của đất nước, Phật giáo với đời sống tâm linh…

Liên quan đến tư tưởng triết học, văn hóa, lối sống Phật giáo, còn có một số luận án như: Luận án Tiến sĩ Triết học của Lê Hữu Tuấn với đề tài: “Ảnh hưởng của những tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam” (Hà Nội 1999). Luận án Tiến sĩ Triết học của Tạ Chí Hồng với đề tài: “Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay” (Hà Nội 2004).

Bên cạnh đó còn có một số kỷ yếu đề tài khoa học và hội thảo về Phật giáo, vai trò của Phật giáo ở Việt Nam có giá trị như: Kỷ yếu hội thảo: “Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại” (Tp.Hồ Chí Minh, 1999); Kỷ yếu hội thảo: “Thực trạng, nguyên nhân, xu hướng vận động của Phật giáo ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho công tác lãnh đạo quản lý” (Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 2001).

Ngoài ra, còn có nhiều công trình trên các tạp chí cũng đề cập đến những ảnh hưởng của Phật giáo trên các phương tiện khác nhau trong văn hóa, lối sống của người Việt Nam như: “Phật giáo và sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay” (Tạp chí Triết học số 2/1994) của GS.TS Nguyễn Tài Thư; “Tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống văn hóa hiện nay” (Tạp chí Cộng sản số 15/1999) của GS.TS Đỗ Quang Hưng; “Vai trò và vị trí của Phật giáo ở Việt Nam” (Tạp chí Triết học số 6/2008) của cố PGS.TS Nguyễn Đức Lữ…

Cuốn “Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam”, tập 1 của GS.TS Nguyễn Hùng Hậu (Nxb KHXH, Hà Nội, 2002), phần khai thác ở nội dung cuốn sách là tác giả đã khái quát những nét cơ bản về quá trình du nhập cũng như ảnh hưởng tư tưởng và triết lý của Phật giáo với dân tộc Việt Nam.

Phật giáo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu tiếp cận Phật giáo dưới nhiều quan điểm và góc độ khác nhau. Trong một số công trình nghiên cứu về Phật giáo, các học giả đã chú ý nghiên cứu về những giá trị của Phật giáo như giá trị đạo đức, giá trị nghệ thuật, tư tưởng, giá trị thẩm mỹ như cuốn “Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với một số lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam hiện nay” của Thích Gia Quang (Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2013).

Tiêu biểu nhất, kể đến là “Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người” tuyển tập gồm 29 bài nghiên cứu và thuyết giảng cho tang, ni, phật tử, được rút ra từ rất nhiều bài báo, bài thuyết pháp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong vòng 10 năm qua, trong sự nghiệp 50 năm nghiên cứu Phật pháp, dịch thuật kinh điển, hoằng pháp, giáo dục và tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng.

Nguyễn Lang với “Việt Nam Phật giáo sử luận” (Nxb Văn học, Hà Nội 1992) đã đề cập đến các giai đoạn du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, vai trò của các thiền sư trong công cuộc dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam. Công trình của Nguyễn Lang đã tỏ rõ được sức hấp dẫn khoa học của nó, tác giả đã cung cấp cho giới nghiên cứu văn hóa, văn học và những ai quan tâm đến lịch sử Phật giáo Việt Nam những tư liệu nghiêm túc và cái nhìn bao quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại.

“Lục Độ tập kinh”, theo GS Lê Mạnh Thát “Lục Độ tập kinh” là một tập kinh quan trọng trong “Đại tạng kinh” của Phật giáo thế giới. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Có thể thấy, các công trình nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam trong thời gian qua hầu hết đều đi sâu nghiên cứu:

– Lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam
– Ảnh hưởng của Phật giáo về mặt tư tưởng triết học và đạo lý
– Ảnh hưởng Phật giáo qua quá trình hội nhập văn hóa Việt Nam
– Ảnh hưởng Phật giáo qua góc độ nhân văn và xã hội

3. Công tác nghiên cứu của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

Trong 30 năm hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ Phân viện Nghiên cứu Phật học đã thực hiện được những thành quả nổi bật như sau:

3.1. Biên dịch và xuất bản một số bộ Từ điển Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2008) làm công cụ phục vụ cho công tác nghiên cứu Phật học (vì cho đến thời điểm ra đời của Phân viện (1990) ở Việt Nam chưa có một bộ từ điển nào đầy đủ đáp ứng yêu cầu của công tác nghiên cứu Phật học).

Ngoài ra, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội biên soạn các công trình như các bộ: “Phật học Hán – Việt Đại từ điển”, “Phật Quang Đại Từ điển”.

Thực hiện sự phân công của Viện Nghiên cứu Phật học, Phân viện đảm nhiệm phần dịch và xuất bản Luật tạng (Luật tạng là một trong Tam tạng Thánh điển của đạo Phật). Gồm: Tạng Thanh Văn Luật (Tiểu thừa Luật tạng) 71 bộ. Tạng Bồ Tát Luật (Đại thừa Luật tạng) 31 bộ. Công trình này được dự kiến thực hiện từ 20 năm trở lên.

Dịch một số kinh và Luận trong Kinh Tạng và Luận tạng.

Nghiên cứu biên soạn: Lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn cận, hiện đại; Thông sử Phật giáo vùng Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Nghiên cứu Văn hoá Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển của nền văn hoá dân tộc; một số ấn phẩm nghiên cứu Phật giáo vùng Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Sưu tầm và hệ thống hoá văn học dân gian, văn học bác học Phật giáo Việt Nam và sự đóng góp của nó vào văn hoá dân tộc.

Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản và in ấn những tác phẩm Kinh điển, Luật tạng như Luật Tứ Phần, Thiền học đời Trần, Học Phật Quần Nghi, Phật giáo Chính tín, Phật Luật Học, Lịch sử Phật giáo Thế giới 2 tập (Phật giáo Bắc Truyền), Phật học phổ thông, Đức Phật đã dạy những gì?, Con đường thành Phật; Lục Tổ Đàn Kinh; Duy Ma Cật Luận giải;… Trong 30 năm qua, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cũng đã tái bản và xuất bản hàng chục ngàn quyển Kinh sách Phật giáo như: Kinh Phạm Võng; Kinh Phổ Môn; Phật Tổ Tam Kinh; Bát Nhã Dư Âm; Kinh Chú Thường Tụng; Chư Kinh Nhật Tụng; Kinh Chính Pháp Đại Tập Hội; Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Phật Học Khái Lược; Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu Giảng Thuật; …

Biên dịch và xuất bản bộ “Đại Từ điển Phật học Hán-Việt” với 2127 trang (17 x 24).

Phiên dịch Bộ “Tứ Phân Luật” (gồm 60 quyển). Đã đưa vào xuất bản 15 quyển. Số còn lại đang chuẩn bị để xuất bản tiếp vào thời gian tới.

Biên soạn, phiên dịch và đã đưa vào xuất bản trên 30 đầu sách, bao gồm các sách: Triết học, Văn hoá, lịch sử Phật giáo và một số Luận giải triết lý Phật giáo.

Phân viện cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số Viện và Trường Đại học ở trong và ngoài nước;

Xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Từ ngày được phép ra tờ “Nội san Nghiên cứu Phật”. Từ tháng 12/1995, được nâng lên thành “Tạp chí Nghiên cứu Phật học” (02 tháng/kỳ). Hiện nay, duy trì đều 6 số/1 năm; phát hành định kỳ vào ngày 15 các tháng lẻ trong năm. Tạp chí Nghiên cứu Phật học là nơi đăng tải nhiều công trình nghiên cứu của Học sinh cao học, nghiên cứu sinh và Tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đủ điều kiện để tác giả bảo vệ Luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ thuộc các lĩnh vực sử học, triết học. Đến nay đã có trên 50 người, có bài đăng và bảo vệ thành công các học vị nói trên.

III. HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC Ở VIỆT NAM

Nhìn chung, các học giả khi nghiên cứu về Phật giáo đều đánh giá cao những giá trị văn hóa đạo đức mà Phật giáo đã đóng góp cho đời sống xã hội. Về cơ bản, những đánh giá của các học giả nói trên đều mang tính khoa học, khách quan. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam vẫn còn hạn chế do những biến động lịch sử đã dẫn đến sự thất lạc và mất mát các tư liệu. Chính vì nguyên nhân đó nên thông tin trong nhiều tài liệu Phật giáo còn thiếu chính xác.

Ngoài ra, việc nghiên cứu Phật giáo Việt Nam chỉ tập trung vào từng giai đoạn, từng thời gian (Lý Trần và giai đoạn chấn hưng Phật giáo…); còn về không gian, vùng miền trên cả nước (vùng núi phía Bắc và Tây nguyên…) vẫn còn thiếu sự quan tâm nghiên cứu nên dẫn đến sự nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam chưa được đầy đủ và toàn diện.

Bên cạnh đó, có những giai đoạn chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu và đề cao các công trình nghiên cứu Phật giáo. Có nhiều học giả nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghiên cứu của mình. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm cách phối hợp nghiên cứu giữa trong và ngoài nước, cũng như với các nước trong khu vực. Chúng ta vẫn chưa nghiên cứu kĩ lưỡng để kết hợp tư liệu với các trung tâm lưu trữ lớn trên thế giới. Một vài nghiên cứu vẫn mang tính chủ quan do chỉ sử dụng các tư liệu ở trong nước.

Sự trở ngại về ngôn ngữ và địa lý khiến các học giả đôi khi khó lòng tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu cùng đề tài ở nước ngoài. Nếu có thể đọc hiểu được tài liệu của những công trình Phật giáo đã được nghiên cứu và đang lưu trữ ở các nước trên thế giới thì tính khách quan và xác thực sẽ thể hiện rõ hơn. Từ đó, độc giả có thể lĩnh hội được những kiến thức từ các công trình nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam một cách trọn vẹn nhất.

Những giáo lý cao siêu của Phật giáo còn nhiều điều chúng ta chưa nghiên cứu làm cho sáng tỏ; Chính những yếu tố đó làm cho con người có khuynh hướng tin tưởng một cách sai lầm và là cơ sở cho những nhóm người lợi dụng vào mục đích riêng của họ. Sự xuất hiện những loại sách báo huyền bí đã tạo nên sự mê tín dị đoan trong nếp nghĩ của con người, làm cho họ không dám tin vào khả năng tự quyết của bản thân, cam chịu trong cuộc sống. Họ nghĩ rằng sở dĩ mình khổ là do bị “Nghiệp báo kiếp trước”, không chịu gắng sức vươn lên để tạo ra duyên lành, kiềm chế những nguyên nhân dẫn đến khổ đau của con người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Diem qua mot so chu de giao ly Phat giao 3

IV. NHỮNG TRIỂN VỌNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Theo luật đào thải thì những gì không còn hợp thời sẽ đến một ngày nào đó bị con người bỏ rơi rồi thời gian xóa mất. May thay Phật giáo không bị rơi vào trường hợp này vì thời gian càng xích gần, không gian càng mở rộng, khoa học càng phát triển thì Phật giáo vẫn còn đây, vững vàng như đỉnh Himalaya và sáng rực như mặt trời trưa hạ. Một lần nữa ta hãy nghe lại nhận định của nhà bác học Albert Einstein. Ông viết: “Nếu có tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại các quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Cây cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo vượt thời gian và mãi mãi có giá trị”.

Như vậy, có thể nói Phật giáo rất gần với khoa học. Chính vì lẽ đó nên các học giả có thể nghiên cứu Phật giáo dưới rất nhiều khía cạnh khác nhau và không bao giờ lỗi thời hay lạc hậu. Bởi khoa học thì luôn phát triển và biến đổi không ngừng và Phật giáo cũng vậy.

Phật giáo đã ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của người Việt từ triết lý, tư tưởng, đạo đức, văn học, nghệ thuật cho đến phong tục tập quán, nếp sống cách nghĩ… Qua những nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam chúng ta càng thấy rõ nhận định trên. Từ quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan, đạo lý, thẩm mỹ cho đến lời ăn tiếng nói của quảng đại quần chúng ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của triết lý và tư tưởng Phật giáo,

Phật giáo có mối quan hệ vô cùng bền chặt với đời sống văn hóa dân tộc nên việc nghiên cứu của các nhà học giả về Phật giáo ở Việt Nam luôn có tính ứng dụng trong cuộc sống. Phật giáo vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi người dân Việt nên nó không bao giờ mất đi theo năm tháng. Chính vì lẽ đó, công tác nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam cần được đẩy mạnh và phát triển hơn nữa. Bởi ngoài mục đích tìm hiểu về một tôn giáo thì những nghiên cứu ấy còn đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Những yếu tố tích cực của Phật giáo là một phần tư tưởng văn hóa Việt sẽ cùng với văn hóa dân tộc Việt Nam làm nhiệm vụ chọn lọc và phát triển văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong thời đại ngày nay, những phát minh về khoa học, công nghệ thông tin, những phát hiện mới về khảo cổ học, về những văn bản gốc có liên quan đến Phật giáo như tấm bia đá do vua Asoka xây dựng tại Tây Nam Nepal được phát hiện gần đây, như cuốn kinh Mật tông (Bardothodol) đã được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới… đã mở ra chân trời mới, giúp tiếp cận với Phật giáo một cách sâu sắc, chính xác và phong phú hơn.

Nhiều mạng thông tin (website) của Phật giáo đã mở ra nhận thức mới, cung cấp tầm nhìn rộng và sâu về Phật giáo thế giới. Và như vậy, theo một lý giải logic, chỉ có thể hiểu rõ được Phật giáo Việt Nam trên cơ sở hiểu rõ Phật giáo thế giới. Càng hiểu rõ, có mối dây liên hệ mật thiết với thế giới, thì việc thúc đẩy Phật giáo Việt Nam phát triển mới được thuận lợi và có tính khả thi. Chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước được thúc đẩy tốt hơn nếu như việc hiểu biết để hội nhập của Phật giáo Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới được thực hiện.

Quá trình hòa nhập với các nước trên thế giới trong thời gian tới sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu về vấn đề Phật giáo ở Việt Nam. Nó sẽ mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tiếp cận với các tư liệu quý giá liên quan tới Phật giáo của các dân tộc có chung tôn giáo. Chúng ta sẽ tìm ra nhiều góc nhìn và hướng đi mới cho các công trình nghiên cứu của mình. Từ đó có thể tránh được cái nhìn phiến diện, mang tính chủ quan, thiếu xác thực.

Suy cho cùng, rất cần thiết phải nghiên cứu toàn diện về Phật giáo, nhận rõ những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của nó để chủ động phát huy những nét hay, nét đẹp trong lối sống Phật giáo, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nó trong quá trình xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

HT.TS. Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.http://www.slideshare.net/garmentspace/nghin-cu-nh-hng-ca-pht-gio-i-vi-li-sng-ca-ngivit-nam-hin-nay
2. http://www.slideshare.net/thaomarky/phat-giao-viet-nam
3.http://thanhnien.vn/van-hoa/thien-su-le-manh-that-va-nhung-phat-hienlich-su-chandong-317965.html
4.http://www.thuvienphatgiao.com/application/uploads/book/VN%20PG%20Su%20Luan %201-Nguyen%20Lang.pdf.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường