Xuân Di Lặc là ngày vía đản sinh của đức Phật Di Lặc, trùng với ngày mùng Một Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số các nước Á Đông. Đây là dịp mỗi độ xuân về người phật tử, những người kính tín, yêu mến Phật giáo đều mong ngóng, đón chờ Xuân Di Lặc hàng năm với mong muốn đón nhận sự ban vui, độ sinh, hạnh phúc từ hạnh nguyện từ bi – trí tuệ của đức Phật Di Lặc.
Theo kinh sách, Phật Di Lặc vốn là vị Phật Vị lai, Ngài cùng với Nhiên Đăng Cổ Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật được gọi là Tam Thế Phật. Ý nghĩa vị lai hiểu một cách đơn giản là trong thời kỳ tương lai, Phật Di Lặc sẽ là người kế thừa Phật Thích Ca giáng hạ cõi đại địa Diêm Phù đề từ cõi trời Đâu Suất để phổ độ chúng sinh.
Trong Phật giáo nguyên thủy, hình tượng ban đầu của Phật Di Lặc được thấy với hình dáng vị hoàng tử ngồi trên ngai vàng, thanh thoát tuấn tú, hai chân bắt chéo hoặc đặt bằng trên mặt đất với ngụ ý sẵn sàng đứng dậy đi phổ độ chúng sinh bất kỳ lúc nào.
Bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 10 cuối đời nhà Đường, Trung Quốc đến nay, một số nước châu Á, Trung Quốc và Việt Nam tin rằng, đức Di Lặc hiện thân dưới hình tướng của Bố Đại Hòa thượng đi chu du thiên hạ, cứu độ chúng sinh. Dù là thiện nam tín nữ, dù là Phật tử hay là những người mến mộ đạo Phật đều biết đến hình ảnh một vị Phật Di Lặc ngực to bụng lớn, miệng cười hoan hỉ, tay vác bao bố, ban phúc ban vui. Dù ở các nơi thờ tự, đền chùa miếu mạo, dù vào trong các khách sạn, nhà hàng đều có thể diện kiến hình tượng Ngài với nhiều hình tướng, tư thế khác nhau được mọi người tín ngưỡng, chiêm bái. Chính một phần do sự tôn kính nhưng thiếu tìm hiểu, nhận thức khiến một số dân chúng hiểu sai đi hạnh nguyện của Ngài mà cho rằng Ngài như vị Thần tài ban phúc lộc, tiền bạc, phần nào làm mất đi sự tôn nghiêm khi đặt tượng đức Di Lặc thờ cúng cùng với Thổ địa, Thần tài…
Phật Di Lặc theo nguyên nghĩa gốc chữ Phạn tên là Từ Thị, Bồ tát hạnh của Ngài là không sát sinh, giết hại mà thương yêu tất cả mọi loài giống như Quan Âm Bồ Tát vậy. Những ai tu hành theo hạnh nguyện của Ngài phải phát nguyện ăn chay, phóng sinh, luôn đem lại an vui, hoan hỉ cho mọi người.
Khác với sự trang nghiêm thường thấy ở các vị Phật hay các vị Bồ Tát khác, Đức Di Lặc nhập thế dưới hình ảnh vị Hòa thượng thoát tục với vòm ngực lớn rộng trên chiếc bụng to tròn, người béo thấp, nụ cười híp mắt biểu lộ sự vui vẻ khôn cùng đã khiến không biết bao nhiều người dù là giáo đồ hay không tin tôn giáo hễ gặp đều sinh lòng cảm mến, hoan hỉ, thấy hữu duyên với Ngài, đều khiến họ có thể trở thành những thiện nam tín nữ sau này của Ngài hoặc của đạo Phật. Đó chẳng phải là phương tiện hóa độ của Ngài sao? Phật Pháp quá trang nghiêm khiến người không rõ sẽ khó gần, người hiểu rõ lại đôi khi không muốn mãi nghiêm túc, khe khắt như vậy. Trên thực tế, bản chất của cuộc sống cần thoải mái, vui vẻ, cười cợt nhân gian, dáng vẻ hiển hiện bên ngoài của đức Di Lặc cũng giống như một sự thoải mái, lạc quan của Đấng giải thoát vậy.
“Bụng lớn bao dung, chứa muôn việc thị phi thế gian Miệng cười hoan hỉ, cười quên vạn sầu thiên hạ”
hoặc có câu:
“Bụng lớn bao dung, nhẫn chuyện khó dung của nhân gian Miệng cười hoan hỉ, cười kẻ đáng cười trong thiên hạ”
Những câu tưởng chừng như đơn giản toát lên hình tướng của đức Phật Di Lặc mà ẩn chứa đầy hạnh nguyện từ bi hỉ xả của Ngài.
Con người thế gian chìm đắm trong tham, sân, si, nghĩ không thoáng, trông không thấy, xả không xong. Không chỉ so đo tính toán thiệt hơn với người khác, mà còn luôn cảm thấy người khác có lỗi với mình. Trong đời sống hàng ngày thường tự đẩy mình lao vào bế tắc, tranh giành đoạt lợi, nghĩ cái có cái mất, trên lưng chất chứa đầy nghiệp chướng khó mà giải thoát. Chi bằng như Ngài, rộng lượng khoan dung, không màng thị phi yêu ghét, thù hận, mọi việc không như ý coi như không, vỗ vỗ bụng là tiêu mọi sân hận, tham si. Gặp nhau là có duyên, nên tương thân tương ái, với kẻ ân, người oán đều có thể sống hòa đồng, hoan hỉ cùng nhau giác ngộ, chứng đắc giải thoát.
Hỉ xả có thể nói đó chính là hạnh phúc, chúng ta nâng lên được thì cũng cần học cách xả, cách buông. Nhà Phật có câu “bỏ tất cả là được tất cả”. Chúng ta sống trong mộng mị, ôm ấp mọi phiền não, chấp mê bất ngộ thì không thể nào hạnh phúc được. Năm mới đầu xuân, ta chúc nhau hạnh phúc, nhưng có thực sự đạt được hạnh phúc không khi trong tâm còn phiền muộn chất chứa, nâng lên đặt xuống, ăn không ngon, ngủ không say giấc thì đó cũng chỉ là hạnh phúc suông mà thôi. Nếu chúng ta biết buông, biết xả những cái chấp mê đó, chúng ta mới cảm nhận được sự hạnh phúc, hạnh phúc từ điều nhỏ nhất của thế gian đến hạnh phúc của sự cứu kính giải thoát trong đạo hạnh.
Bất luận chúng ta gặp khó khăn, trắc trở. Gặp việc chướng tai gai mắt, nghe thấy chuyện thị phi hơn thiệt luôn khiến chúng ta bực bội, bất nhẫn nhưng đừng thất vọng bi quan mà hãy nghĩ đến những hy vọng tốt đẹp trong cuộc sống làm quên đi mọi khổ đau phiền não, chỉ cần “bụng lớn bao dung” sẽ đem lại cho ta tinh thần vui vẻ, phấn chấn và hi vọng, có được sự vui vẻ và hi vọng đó khiến chúng ta nhìn xa trông rộng, an nhiên tự tạ. Khi nóng giận nảy sinh khiến ta mất đi sự minh mẫn, sáng suốt, hãy nghĩ đến hình thái phiêu diêu, thoát tục của Ngài, tươi nét mặt, nở nụ cười cảm như mọi phiền não, lợi danh thoảng tan biến trong nụ cười đó, làm cho ta lấy lại tinh thần, nghĩ điều thiện, hành việc thiện, sẵn sàng hỉ xả, hoan lạc bình yên.
Năm mới xuân sang, lễ kính hình tượng Phật Di Lặc và học hiểu được ý nghĩa hình tướng của Ngài cũng chính là một món quà xuân ý nghĩa cho đông đảo những người kính Phật,tin Phật. Học hỏi sự hoan hỉ, hỉ xả của Đức Phật Di Lặc mang lại cho chúng ta niềm hoan hỷ của buông, xả trong cuộc sống, thoát ly moi chấp mê bất ngộ. Qua đó, phát tâm từ bi, chung tay gây sức giúp đỡ chúng sinh, mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người, bồi đắp tăng trưởng sự lạc quan, độ lượng, rời xa được mọi tham, sân,si, phiền não, nở nụ cười an nhiên, tự tại đón một mùa Xuân Di Lặc an lạc, cát bảo bình an.
Tác giả: Nguyễn Thắng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/201616
Bình luận (0)