Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khóa IV, Học viện PGVN tại TP.HCM

I. DẪN NHẬP

Phật giáo trong xã hội ngày này, tồn tại và phát triển giữa nền khoa học kỹ thuật, thời kỳ hội nhập, có thể nói đang chịu biến hoại dần dần. Cứ lần theo xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, đồng nghĩa với những tha hóa về việc áp dụng Phật giáo đã dần tiến hóa đến mức báo động. Phật giáo kể từ khi du nhập đến khi hình thành và hòa nhập với nền văn hóa, đạo đức truyền thống, có thể nói đã từng là quốc giáo trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đến một giai đoạn khác thì tinh thần nhập thế lại không thể đáp ứng nhu cầu của Phật giáo đồ. Sự áp dụng cứng ngắc, như kiểu rập khuôn máy móc đã mất đi tính linh hoạt của đạo, lại như làm đui tàn đi linh hồn Phật giáo. Từ những bài học lịch sử còn lưu dấu đó, cho đến sự suy tàn của Phật giáo Ấn độ đã cho hậu thế những suy nghiệm hơn về Phật giáo xã hội, Phật giáo của nhân sinh. Mọi nguyên nhân được trích lược, đã và đang cần được nhìn nhận dưới lăng kính Phật pháp để soi tỏ một lần nữa, khiến Tăng Ni sinh thời hiện đại cần có những đánh giá khách quan để trong tương lai, không lặp lại đã rồi. Nguyên nhân gần nhất, giai đoạn Phật giáo thời kỳ này, chính là những luận lý không gần đạo Giác ngộ, lấy mục tiêu làm mục đích, mượn Đạo Phật để tạo đời theo cách cá nhân, trá hình. Chính từ những lý do trên mà người viết mạo muội chọn Đề tài: “Quan điểm “phương tiện” trong Kinh điển Đại thừa” để làm luận cứ, tiền đề củng cố lại hệ thống giáo lý tự thân, hầu mong có thể hiểu rõ hơn về con đường hướng thượng do Phật chỉ bày, tránh những lầm tưởng ngu si lầm quên phật tính của mình.

Tác giả đã mượn phương pháp phân tích triết học, so sánh đối chiếu nhằm tìm những điểm tương đồng, thống nhất tư tưởng trong hệ thống Kinh điển Phật giáo, để thay lời biện chứng về “phương tiện” luôn là những tầng bậc trong sự tu tập, không phải là cứu cánh.

II. NỘI DUNG

“Phương tiện” là một thuật ngữ quen thuộc với Phật giáo Đại thừa có thể vì tính rộng rãi khi giúp cho các hành giả tùy tâm cơ đều tìm được con đường cho riêng mình mà dẫn đến giải thoát. Chúng sinh có bao nhiêu phiền não, căn tính mê mờ thì giáo pháp có bấy nhiêu những phương tiện đưa người qua bờ giác. Trong Thánh điển Pali, phương tiện mới chỉ là những câu từ đơn giản chưa hoàn toàn được mô tả rõ ràng về hướng tu tập, chỉ như một sự phát triển ở giai đoạn đầu. Mặc dù, phải đến kinh điển Đại thừa, thuật ngữ này mới có những định nghĩa, nhận định nhưng sự kế thừa đó không thể bỏ qua thời giảng Nguyên thủy.

1. Trích lược “Phương tiện” qua Kinh điển Nguyên thủy

Xuất hiện không ít lần trong Thánh điển Nguyên thủy Pali: “Bồ-tát suy nghĩ: "Nay quần chúng thường hành lễ ngày lành cúng chư thần và giết hại nhiều sinh vật. Phần lớn quần chúng theo phi pháp. Sau khi cha mất, ta sẽ được cả quốc độ, ta sẽ tìm một phương tiện không làm phiền não một ai, và chấm dứt sự giết hại các sinh vật"[1]. Cũng một đoạn kinh tả về thời quá khứ của Bồ Tát trước khi thọ thân sau mà thành Chính đẳng giác: “Thời ấy con quỷ La-sát nước là Ðề-bà-đạt-đa, tám vạn con khỉ là hội chúng của đức Phật, còn khỉ chúa khéo dùng phương tiện là Ta vậy”[2]. Kinh Phúng Tụng thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) đã xuất hiện cụm từ “phương tiện thiện xảo”, do Tôn Giả Xá lợi Phật dưới sự chứng minh của Phật đã nói khi bàn về sự tan rã của ngoại đạo lõa thể Ni kiền tử, sau khi vị Thầy của họ qua đời. Mục đích để làm bài học cho các thầy Tỳ kheo nên y cứ vào việc tu học, đọc tụng, sống an trụ Pháp và Luật, thay vì tranh cãi để mong Phật pháp trường tồn: “Ba thiện xảo: tăng ích thiện xảo, tổn ích thiện xảo, phương tiện thiện xảo”[3].

Khá nhiều trong các bản kinh thời kỳ đầu, “phương tiện” vẫn chỉ dừng ở những khái niệm, liệt kê của một danh xưng: “Chính pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng”[4].

“Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y pháp, quy y Tăng. Mong tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”[5]. Từ những lời dạy có tên là phương tiện của đức Thế Tôn, cũng có những bài kinh chỉ ra trong việc thực hành giáo pháp tu tập cũng cần phương tiện cho mục đích đạt được: “Người không ở mãi một chỗ, có năm công đức. Những gì là năm?

Không tham đắm nhà cửa.

Không tham đắm đồ đạc.

Không tích chứa nhiều của cải.

Không dính mắc với người thân.

Không qua lại với bạch y.

Đó gọi là Tỳ-kheo không ở một chỗ có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thực hành năm việc này[6]”.

Ngôn ngữ thời kỳ đầu, để tìm ra câu từ khiến cho thích hợp với các căn cơ đệ tử, thính chúng có thể nói chưa được hoàn thiện. Đảm bảo ngữ, nghĩa hoàn bị nhằm giúp chúng sinh hiểu và thực hành theo cũng không phải đơn giản, dù con người lúc đó không phức tạp như thời nay. Phức tạp ở những suy nghĩ cầu kỳ, vượt qua mức nhận thức đến độ ngang ngược, thời đó, con người nghe được giáo pháp chỉ cần hành theo cũng đủ giải thoát “như lý tác ý”. Mọi phân biệt, nhận định chủ quan đều được gạt bỏ, như các sông chảy ra biển đều vứt bỏ tên riêng. Đơn thuần, phương tiện được sử dụng ban đầu cũng phần nào đủ để dùng các cách khác nhau mà chung một kết quả, lợi ích: “Pháp thiện đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên”[7].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bong Trang

Nếu ở Tỳ kheo, phương tiện giúp cho việc tu tập bản thân được thành tựu, mang tính cá nhân, thì với đức Phật, luôn mang ý nghĩa ban đầu như Kinh Xà Dụ có trích “Xưa cũng như nay, Ta chỉ nói về sự Khổ và sự Diệt khổ”. Tuy ở các bài kinh khác nhau, rải rác trong kinh Tạng nhưng sử dụng phương tiện giải thoát vốn đã được xếp đặt hàng đầu trong giáo lý Như Lai. Tư tưởng đó dần được hình thành và phát triển cho đến những giai đoạn Phật giáo sau này: “Này các Tỳ-kheo! Ta thường thuyết pháp Tứ đế. Dùng vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt nghĩa và diễn giảng rộng cho người. Thế nào là Tứ đế? Nghĩa là pháp Khổ đế. Ta đem vô số phương tiện mà quán sát pháp này, phân biệt nghĩa và diễn giảng rộng cho người; dùng vô số phương tiện thuyết Tập, Tận, Ðạo đế mà quán sát pháp này, phân biệt nghĩa và diễn giảng rộng cho người”[8]. Ngược lại, những phương tiện đưa người giải thoát “Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vị Tỳ-kheo vì muốn an trụ nơi thiện pháp này, không quên mất, không thoái lui, tu hành phát triển, nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết sức tinh cần, chính niệm, chính trí, nhẫn, không để thoái lui”[9] thì những phương tiện mang tính chấp thủ, sở hữu, không buông xả cũng xuất hiện và mang tâm thái ràng buộc, ngăn trở sự giải thoát cũng được Đức Thế Tôn chỉ dạy: “Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với thức, hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể tái sinh, không thể sinh khởi lại trong tương lai”[10].

Ngang qua những trích dẫn trên, có mặt trong năm bộ kinh Nikaya cho thấy, “phương tiện” được nhắc tới từ lời dạy của Phật được đúc kết lại khi bàn về định nghĩa là sự vận dụng các phương cách thích hợp, tùy hoàn cảnh, pháp môn tu tập khác nhau để có những điều kiện tốt nhất dẫn dắt, thích ứng đến quả giải thoát. Như khúc gỗ không tấp vào bên bờ sông này hay bờ sông kia, không chìm giữa dòng nước, không bị mắc cạn, không rơi vào vòng xoáy, không bị ai nhặt đi, liền hướng ra biển, xuôi ra biển “này các Tỷ-kheo, nếu các Ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong, như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, chính kiến hướng về Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn”[11]. Tuy chỉ bàn về phương tiện mang tính lợi ích số đông, giải thoát nhưng Đức Phật cũng chỉ ra mặt trái của vấn đề. Có phương tiện đưa đến giác ngộ, thanh tịnh, thì cũng có phương tiện mang tính bó buộc, luân hồi. Do vậy, ngay thủa ban đầu thuyết pháp, Đức Phật vẫn không quên chỉ dạy rõ đường hướng tu tập cho hàng đệ tử, tránh những thiên kiến cố chấp, sẽ lạc vào tà kiến của ngoại đạo “Dùng phương tiện không tốt, Mong lợi sẽ bị hại, Cướp giết Ve-dab-bha, Tất cả bị diệt vong”[12]. Từ đó, cho thấy, Trí tuệ của Phật soi tỏ lối đi cho chúng sinh là bình đẳng, không sai biệt. Về phương diện so sánh, có thể thấy, dù không nằm trong một bộ kinh, cũng không phải được Phật nói ngay trong một vấn đề mà tùy nhân duyên Phật chỉ dạy thính chúng, nhưng nhiệm vụ của người học và tu theo Phật là chọn lựa, đúng đắn, được soi tỏ trong Giới Định Tuệ, đủ Tứ Diệu Đế, có khả năng hướng thượng để minh định giá trị thật của giáo pháp. Chỉ dừng lại ở khái niệm ngôn từ nhưng sau khi kết tập kinh điển Nguyên thủy, thì ý nghĩa tính chất “phương tiện” vì khổ của chúng sinh mà khai diễn nhiều cách, có khác gì qua sông, có thể chọn thuyền, ghè, thúng, gỗ, thân chuối, phao...cứ đến bờ là an toàn. Đồng thời, cho thấy, giáo nghĩa giai đoạn đầu, Phật chủ yếu vì chúng Tỳ kheo mà chỉ dạy, không phải vì phân biệt, mà Đức Như Lai với bản nguyện các Thầy Tỳ kheo hãy đi các hướng, không nên đi hai người vì lợi ích số đông. Phương pháp giáo hóa này, tạm thời có hạn lượng để trui rèn nên một thế hệ thực sự đủ sức kham lãnh được tinh hoa Phật pháp, mới mong nghĩ tưởng tới chúng sinh bốn loài. Hàm nghĩa trong sự giáo hóa của đức Thích Ca, đã một phần gợi ý về sự giáo hóa truyền thừa về sau của hàng đệ tử, Thánh chúng khi nghiệm xét về sự nghiệp nuôi dưỡng kế thừa giáo Pháp của người xuất gia, để hai chữ “phương tiện” được sử dụng đúng nghĩa.

2. Ý nghĩa từ “Phương tiện” qua Kinh điển Đại thừa

Nguyện thân, Ứng thân đều lấy Pháp thân làm thể, mười phương chư Phật đều nói đạo Nhất thừa, nhưng chúng sinh say đắm năm dục, đầy đủ sáu hai kiến nên dùng sức phương tiện, mở bày pháp Ba thừa. “Phương là pháp, Tiện là dụng. Pháp thì có vuông tròn. Dụng thì có cơ hội khác nhau. Tam quyền là khuôn phép là vuông. Nhất thật là khuôn tròn là tròn, nếu trí hướng đến khuôn phép vuông, thì khéo dùng thiên pháp hợp cơ duyên chúng sinh. Nếu trí hướng đến khuôn tròn, thì khéo dùng viên pháp hợp cơ duyên chúng sinh. Ví như theo ngón tay chỉ một phía, thì chỉ thấy một phía, đó là nêu thiên pháp dùng mục trí, tức là dùng Pháp để giải thích “Phương”, đem Dụng để giải thích “Tiện”. Nếu chỉ chung hết cả, thì thấy khắp chỗ viên mãn, tức là đem pháp bí mật để giải thích “Phương”, đem Diệu để giải thích “Tiện”. Nêu pháp thiên lệch để giải thích “phương tiện”, là vì chúng sinh ham muốn chứ chẳng phải bản hoài của Phật. Như kinh dạy: “khiến lìa các chấp đắm vượt khổ trong ba cõi”. Lại phương tiện là môn vậy. Môn gọi là năng thông, thông các sở thông. Phương tiện quyền lược đều là giả dẫn. Vì chân thật mà làm môn, để chân thật được hiển bày, thế thì công do phương tiện. Từ năng hiển mà được tên, cho nên dùng môn mà giải thích phương tiện. Như kinh “khai phương tiện môn, chỉ bày tướng chân thật”, nghĩa này có thể giải thích các kinh khác, chẳng phải ý phẩm này. Lại, “Phương” là bí mật, “Tiện” là diệu. Diệu đạt nơi phương, tức là chân thật bí mật. Cho nên, dùng nghĩa Bí mật để giải thích “Phương”, dùng nghĩa Diệu để giải thích “Tiện”, cho nên nói “phẩm Phương Tiện”[13]. Cuộc đời đức Phật, kể từ khi giáng sinh nơi cõi Diêm Phù với bản tuyên ngôn “Thiên thượng thiện hạ...” cho đến khi nhập Niết Bàn nơi rừng cây Sala đều là những phương tiện. Chính bởi giáo pháp quá thậm thâm vi diệu nên sự ngộ nhập cũng cần nhiều cửa để vào. Điều này, chứng minh lòng từ bi và trí tuệ của Bậc giác ngộ khó có thể nghĩ bàn, cũng nhân đây mà có tam tạng giáo điển. Kinh Pháp Hoa, từ những ví dụ dẫn dắt những chúng sinh còn sót lại mà độ thoát, người trí tự có thể thông tỏ ba thừa cho đến Nhất thừa cũng chỉ là trạm dừng chân nghỉ dưỡng, đều là những bậc thềm đưa tới cửa giải thoát. Toàn bộ bản kinh gồm hai tám phẩm thì có vài quan điểm cho rằng phẩm Phổ Môn thứ hai mươi lăm thuộc tín ngưỡng, nhưng thực tế, nếu có thể nghiệm suy, sẽ thấy Nhất Phật thừa là bước cuối cùng, Thế Tôn đưa ra để chúng sinh hướng tới đồng như Phật không khác. Đến Đại thừa thì giáo lý cũng có những biến chuyển mang màu sắc mới, cũng vẫn mục đích chỉ cho chúng sinh đến được quả vị rốt ráo. Nên hình thành học thuyết Bồ Tát, chỉ chung cho chư vị Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Quán Âm, cho đến vô số. Đây là những nhân vật được xây dựng giữa quả vị A La Hán và Phật, từ đó cũng sẽ hình thành nên hệ thống tu tập và sự chứng đắc đa dạng hơn như thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng.. đồng thời mỗi vị Bồ Tát lại mang những hạnh nguyện khác nhau. Đức Thế Chí với nhất hạnh niệm Phật “nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con... nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật, cách Phật chẳng xa”, Bồ Tát Phổ Hiền với mười hạnh nguyện, Địa Tạng Bồ Tát vì chúng sinh trong địa ngục chưa hết mà chưa thành Phật...Chúng sinh khi được nhiếp phục trong những hạnh nguyện này của chư Bồ Tát sẽ tín tâm kiên cố giống Long nữ thành Phật nhờ thành tựu tam muội. Nhắc tới việc có thể thành Phật thì hẳn nhiên phải nói về ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai. Từ những nhân duyên thiện lành trong quá khứ, hiện tại lại được hạnh ngộ giáo pháp, thiện tri thức, cùng với những tu tập tinh tấn, của bản thân sẽ thành Phật không xa. Trở lại phẩm Phổ Môn ở phần cuối kinh Pháp Hoa, với phát nguyện “Viên thông”, “Vô úy thí” của Bồ Tát Quán Âm, thị hiện các thân hình vì chúng sinh không nghỉ. Bất cứ, mọi hiểm nguy chỉ cần xưng tên gọi mà được độ thoát, đã trở thành hình tượng gần gũi nhất đối với chúng sinh cõi Ta Bà tức Bất thoái Bồ Tát. Sự nghiệp độ sinh của Bồ Tát có thể không bao giờ hết, bởi chúng sinh cang cường, mê muội như được miêu tả trong Kinh Địa Tạng nên giờ Bồ Tát vẫn chưa thành Phật, nhưng điều chắc chắn là chúng sinh đó nhân được sự nhiếp thủ của chư Bồ Tát mà có thể phát tâm và tu tập thành Phật ở một thời điểm tương lai: “Người này chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá mọi lũ ma, được đạo Vô thượng Chính đẳng chính giác”[14]. Đó cũng là câu giải đáp khi nói về phẩm Phổ Môn chắc chắn thuộc Nhất thừa “Chư Phật hiện ra đời, chỉ có một sự thật, nhưng chẳng dùng tiểu thừa, mà tế độ chúng sinh, Phật trụ nơi Đại thừa...lấy đó độ chúng sinh”[15]. Trong giáo điển Nikaya thì Nhất thừa được trình bày đưa đến quả vị cao nhất A La Hán chính là Tứ niệm xứ nhưng sang giai đoạn Phật giáo phát triển thì Nhất thừa là sự quy tụ ba thừa. Mặc dù quan điểm về sự tu chứng, quả vị có phần bổ sung, nhưng tựu chung lại thì tất cả lời Phật dạy từ Nguyên thủy đến Đại thừa tạng đều gọi là phương tiện “Xá Lợi Phất! Từ ta thành Phật đến nay các món nhân duyên, các món thí dụ rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sinh”[16]. Giáo nghĩa vi diệu của đức Như Lai, suốt sự nghiệp độ sinh đều mang tính chân thực không dối, nếu có chia thứ bậc, phương tiện khác nhau là bởi chúng sinh, phiền não, nghiệp chướng sai khác, tùy theo từng thời gian khác nhau mà sự ngộ nhập Phật pháp cũng sẽ có sai biệt. Qua một số trích dẫn kinh điển Đại thừa, cho thấy, “phương tiện” sang thời kỳ này cũng tới sự hoàn thiện, và hiển bày hết thảy những bí áo của Phật nhằm đưa chúng sinh đến quả vị Phật. Suy cho cùng, nếu hết thảy những gì Phật chỉ dạy đều là phương tiện, tạm gọi hóa thành thì Bảo sở chính thành “Phật”. Duy chỉ bởi muốn cho chúng sinh thành “Phật” mà có vô số phương tiện khác nhau ra đời, cũng từ đó mà giáo lý Phật đà thêm một lần được chứng minh là nền giáo dục vĩ đại, kiện toàn nhất, dành cho muôn loài chúng sinh không phân biệt. Đại thừa và Tiểu thừa cũng nhân đây mà biền biệt ý nghĩa thay vì phân chia, tranh đấu kém hơn.

3. Phật giáo nhập thế và sự ứng dụng “Phương tiện”

Sự ứng dụng “phương tiện” trong Tam tạng đều là phương hạnh của Bồ Tát và chư Phật, chẳng phải chỗ mà phàm phu có thể tùy tiện “Đức Như Lai tùy theo các tập tục ở thế gian mà giáo hóa họ, người ứng hợp với giới luật thì Đức Như Lai dạy giới luật… tùy theo đối tượng mà Đức Như Lai đều giáo hóa tất cả, Như Lai thị hiện phương tiện khiến cho chúng sinh không ai bị các nạn đói khát, ốm gầy, không còn bỏn sẻn, ganh ghét, không còn các điều ác và Như Lai giải quyết mọi nghi ngờ cho họ. Vì vô lượng phương tiện để cứu độ chúng sinh nên Như Lai đi khất thực, giúp cho chúng sinh vượt qua tăm tối và thấy được ánh sáng chính đạo…Rồi cô gái lại thưa Tôn giả Tu-bồ-đề: Thưa Tôn giả! Xin Tôn giả hãy tạo phương tiện tùy thời để khất thực như vậy, giống như Đức Như Lai kiến lập sự tu hành thanh tịnh nên Như Lai đi khất thực. Tôn giả Tu-bồ-đề nói: Tôi không thể làm được. Giống như tất cả những chồn, cáo, thỏ, nai, côn trùng… ở nơi đồng trống không thể dám đi một mình như sư tử chúa. Cũng vậy, tất cả các thừa Thanh văn, Duyên giác đều không thể thực hiện được phương tiện thiện xảo, đầy đủ oai thần như Đức Như Lai, làm an ổn cho tất cả chúng sinh bằng tâm đại Từ, đại Bi”[17]. Mọi giáo pháp đức Phật tuyên bày, đều có thể khiến chúng sinh lợi ích, đâu khác chi, cơn mưa mà ba cây tùy khả năng thấm nhuần. Cứ mang tính giải thoát, đủ điều kiện là trí tuệ giải thoát, thấy rõ định luật các pháp vốn vô thường, vô ngã, Tứ đế, nhân duyên, tâm từ bi vì người ở cả ba đoạn đầu, giữa và cuối trong hiện tại và vị lai mới đạt được khả năng mang phương tiện độ chúng sinh. Ví thử, người lái đò phải xem xét, thuyền ta chịu được trọng lượng bao nhiêu để có quy định cụ thể, đảm bảo đưa người và vật sang bờ an toàn, không ai phải tổn thất. Dù vậy, thì phương tiện cũng được giới nghiên cứu chia ra làm hai: “Phương tiện thiện xảo thế gian và Phương tiện thiện xảo xuất thế gian”[18] tuy nhiên, Phật pháp tu tập khác với những giáo phái khác bởi giải thoát vẫn đặt hàng đầu. Không thể dùng hai chữ “phương tiện” mà phủ mờ đi mục đích rốt ráo, như nói học theo bản hoài của đức Phật nhưng lại lần quên đi ý dụng ban đầu. Đã chia ra thế gian và xuất thế gian thì đệ tử Phật vẫn là chọn theo con đường bội trần hợp giác. “Ai dùng phương tiện không chính đáng, vì lý do sai lạc, đem lại sự giàu sang cho chính mình rồi cũng bị diệt vong như thầy chúng ta vậy... Qua chủ đề “Phật giáo đối mặt với thế giới hiện đại” chúng ta bắt gặp lại những tranh luận dai dẳng hằng bao thế kỷ của lịch sử tư tưởng Phật giáo. Thế giới hiện đại là tất cả những vấn đề đang đối diện với chúng ta hay phải kể, cả những gì đã đi vào quá khứ và những gì chờ đợi ở tương lai? Đối mặt với thế giới hiện đại là nhận chịu sự đè nặng của truy ức quá khứ và chịu sức thu hút của khát vọng tương lai, hay là gì? Người ta hiểu hiện đại như là cập nhật; những gì ta có trong sự đè nặng của truy ức quá khứ và sức thu hút của khát vọng tương lai, ta phải thích ứng chúng với điều kiện hoàn cảnh để sinh tồn và tiến bộ. Ngày nay, người ta hiểu như thế nào về những câu: “vì sự giải thoát của mọi người”, “vì hạnh phúc của mọi người”? Chúng chỉ là những khẩu hiệu, nghĩa là phương tiện. Nhưng là phương tiện cho cứu cánh nào, cả đến người sử dụng nó cũng không hiểu rõ”[19].

Riêng trích đoạn trong tư tưởng của những bậc tiền bối đi trước của tư tưởng Vạn Hạnh, cũng cho thấy, việc lạm bàn của người viết về đề tài phương tiện là dư thừa, những thực tế, trong xã hội ngày nay, vốn dĩ sự hiểu biết phương tiện còn chưa đủ chứ nói chi đến ứng dụng. Tất nhiên, hậu quả của việc làm ngu mê chính là kẻ mù dẫn đứa đui mà rơi lọt xuống hố sâu, số phận chết nhiều hơn được cứu. Để chính những người đệ tử mang danh Thích tử, làm bại hoại Phật pháp thay vì kế thừa đã là trái lời Phật dạy, như những đứa con ngu si, uống lầm thuốc độc, được người Cha chữa bệnh mà nhất định không chịu. Chúng con hôm nay cũng vậy, tuy kế thừa cả một gia nghiệp Phật pháp, nhưng cứ đi riêng một con đường tự chọn theo thế thường, ham đuổi bắt những tàn dư của thế tục. Dù có trải qua bao nhiêu thời gian nữa, thì đứa con cùng tử trong Pháp Hoa vẫn luôn có hình bóng của chúng sinh là vậy. Khi bàn về tính nhập thế của Phật giáo, không thể không nói đến biến tướng của việc sử dụng “phương tiện”, chủ yếu luôn lạc về phía thế tục hơn là xuất thế. Ví giáo pháp như trái táo, mùi vị trái táo không thể biết bằng mắt, và chân lý của Dharma, không thể biết biết được bằng tai, mà phải hành thiền, chứng thực. Tu sĩ trong xã hội tiên tiến, ỷ y nơi trí tuệ nhân tạo nên ý chí tự cho là đủ, không cầu đạo pháp, không biết giá trị vĩ đại của nền giáo dục Phật Đà, nên chịu ngu muội, chẳng mong cầu thêm. Những suy nghĩ hạ liệt đó đã vô tình giết chết những mầm chủng tử Bồ đề, “tuy đã dạy bảo, chúng chẳng tin theo, vì chúng đắm sâu, vào nơi dục nhiễm, phải dùng phương tiện, nói ra ba thừa..”[20]. Nhận biết được mối nguy hiểm của một ý nghĩa kém hèn kéo theo bao hệ lụy về tư tưởng tương lai đã khai thông tảng đá chướng ngại đường tu đề tìm về bản tánh Phật bỏ quên hơn nửa đời người (cùng tử bỏ Cha hơn năm mươi năm). Từ đó, qua đề tài về hai chữ “phương tiện”, chúng con cần nhận định sâu sắc hơn về tính nhất quán trong hệ thống kinh điển trải qua các thời kỳ lịch sử, trang bị cho bản thân về sở tu, sở học chính kiến, trước khi có thể vào đời độ sinh. Dòng tư tưởng mang tính bình đẳng, giải thoát cần được dựng đứng thay vì mải buộc mình trong ngôn ngữ, hay thiên kiến chấp thủ vào một khoảng thời gian mà cho là tất cả, sẽ thật sai lầm. Điều này, gợi nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của những người mù sờ voi. Người trí nhờ thí dụ mà nhận chân được giáo pháp chính là ý này, lại nhờ đó, thấy được cả cuộc đời giáo hóa của Phật Thích Ca đều chỉ là phương tiện đều không đáng kể “Phật thuyết pháp 49 năm, mà rốt cuộc Phật nói:Ta không nói một chữ”[21]. Cũng trong Kim Cương, Phật cũng dạy: “Nếu lấy sắc thấy Ta, lấy âm thanh cầu Ta, người ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai”[22]. Nên có cái nhìn tổng quan về giáo pháp Như Lai trong sự kiện toàn, thống nhất để nhân đó dẫn dắt chúng sinh không sai lạc và bản thân là hành giả có thể tiến bước trên con đường đến sự giải thoát. Đây chính là nhiệm vụ và trọng trách của Tăng Ni sinh thời hiện đại, trước những biến hoại của đạo đức, nhân sinh trong xã hội. Đừng để những lợi ích cá nhân, nhỏ nhoi, tầm thường mà lạm xưng phương tiện, đưa chân vào thế tục mà vẫn biện minh cho mình, đánh mất tính giải thoát. Ngày nay, trong cách thờ phụng Tam bảo, người xuất gia, do học hành không tới, đã lầm nhận “phương tiện” là rốt ráo, tự cho là đủ, không cầu thêm nữa. Tự xưng xuất gia mà quên đi nghĩa thật của xuất thế tục, xuất phiền não gia rồi lại trở lại đời, như dứt bỏ đờm dãi vào nhà giải thoát nhưng ăn lại đồ nhơ uế. Cũng như việc từ bỏ gia đình, sống không gia đình thì lại kết nghĩa cha mẹ nuôi với thế tục để cầu được đầy đủ, cung phụng. Thay vì học hành tu tập thoát ly ba cõi thì thờ phụng kinh điển trong rương hòm chạm khảm, chấp tụng ngàn cuốn kinh, chấp ngôn từ mà quên lý giải thoát. Mượn lấy việc từ thiện, cứu khổ cho người già, lập trại trẻ mồ côi, mong nghĩa giúp đời, hành phương tiện không rốt ráo, lại vô tình quên đi mục đích ban đầu, bước chân vào chốn danh lợi không hay không biết. Đến như việc sử dụng từ ngữ trong Phật giáo cũng đã sai trái vô cùng khi mọi việc như cúng, đám, ma, chay đều gọi chung là “Phật sự”, từ việc chính chệch sang việc đời, từ tà lại nhận lầm là chính, nhân lầm lạc thế gian sao mong quả xuất thế. Đấy chỉ bởi ngu muội, không chịu học lấy căn bản giáo pháp đã vội muốn lên làm Thầy, không thông tỏ pháp học và hành mà chỉ mong độ sinh, mới nên nông nỗi này. Nếu có trách chỉ có trách tự thân không tự thực tu, cầu mong cao xa, nhuốm mình trong lợi danh, được mất, đua tranh với thế tục, khi lấy tiền quyên góp từ thiện của trăm họ giúp người mà khoe đầy trên mạng, tạo áp phích nhãn hiệu rồi so sánh với hội này, tổ chức kia. Cứ thế, vốn mượn phương tiện tu mình, tích công lũy đức, vun bồi thiện căn, góp thành quả Phật lại thành lạc đường chấp trước, dừng nơi Hóa Thành, cũng sẽ có ngày bị chi phối bởi tiền bạc lợi danh như tự mang dây buộc mình. Qua những quan điểm về “phương tiện” mà hiển bày ý nghĩa sâu rộng về giáo Pháp, chính là ngón tay chỉ trăng mà thôi.

III. KẾT LUẬN

Đứng trước nguy cơ dịch bệnh Covid, thực sự giáo Pháp như chiếc phao cứu người qua những biến động tâm lý. Cũng trong tâm dịch này, lời Phật dạy về sự nương tựa cũng dần được khẳng định hoàn toàn khác biệt với Ấn độ khi vứt bỏ hết sự tôn thờ kính ngưỡng với thần linh bởi không cứu giúp họ qua nguy cơ lây nhiễm và chết chóc. Phật giáo, tự thân vốn đã thanh tịnh, sáng soi, lại nhờ lời giảng dạy của Tăng Ni mà lưu truyền khắp nhân gian nên người và lời giảng cũng phải được hội tụ những điều kiện về nhân quả, vô thường, vô ngã, tứ đế, nhân duyên, giới - định - tuệ và có khả năng hướng thượng, cho thính chúng được phát khởi tín tâm, bồ đề kiến cố, không phân rẽ bè phái, không tạo hội chúng riêng. Có được tất cả những yêu cầu trên chính là có con mắt tuệ, thấy rõ “phương tiện” không sai lệch, để ứng dụng giữa đạo đời thông tỏ, không nhầm lẫn với mục đích rốt ráo để khỏi phụ lòng đức Thế Tôn xuất thế vì đại sự nhân duyên: “khai - thị - ngộ - nhập”.

Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khóa IV, Học viện PGVN tại TP.HCM ***

[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 4”, Chương I. Phẩm Lợi Ái 50. Chuyện Những Kẻ Vô Trí, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, Trang 338. [2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 4”, Chương I. Phẩm Giới 20. Chuyện Hồ Nalakapàna, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, Trang 151. [3] HT. Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ”, Kinh Phúng Tụng, Viện nghiên cứu Phật học VIệt Nam, Tp Hồ Chí Minh, 1991, tr 651. [4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 1”, 27. Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 236. [5] Hòa Thượng Thích Minh Châu, “Kinh Tăng Chi Bộ Tập I”, VI. Phẩm Các Bà-La-Môn, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Trang 205. [6] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 8 - Bộ A-Hàm VIII” - Kinh Tạp A-Hàm Số 125 (Q1->30), Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Quyển 25 - Phẩm 33: Năm Vua, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 684. [7] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 8 - Bộ A-Hàm VIII” - Kinh Tạp A-Hàm Số 125 (Q1->30), Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Quyển 18 - Phẩm 26: Bốn Ý Đoạn (1), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 444. [8] Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ, “Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Tập II”, XXVII. Phẩm Tứ Đế, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Trang 9. [9] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A-Hàm Tập 1”, 95. Kinh Trụ Pháp, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, Trang 726. [10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn”, Chương I Tương Ưng Uẩn C. Năm Mươi Kinh Sau I. Phẩm Biên, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 288. [11] Nguyên bản: Pali - Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, “Kinh Tương Ưng Bộ Tập II”, IV. Phẩm Rắn Độc, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 255. [12] Hòa thượng - Thích Minh Châu, “Kinh Tiểu Bộ - Tập III”, Phẩm Lợi Ái, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Trang 204. [13] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 119, “Bộ Kinh Sớ V”, Số 1718- 1719, Văn Cú Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển 3 (Phần Thượng), Phẩm Thứ 2: Phẩm Phương Tiện, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Trang 116. [14] Thích Tuệ Hải dịch, “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1999, tr 558. [15] Sdd, tr 68. [16] Hòa Thượng Pháp Sư - Thích Thiện Trí, “Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa - Giảng Nghĩa”, Phẩm Phương Tiện - Thứ Hai, Huyền Trang Tịnh Thất - Hồ Chí Minh, 2016, Trang 12. [17] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 57 –“Bộ Kinh Tập IV” - Số 490->584, Số 565 –Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Quyển Thượng - Phẩm 1: Pháp Sa-Môn, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 826, 827. [18] Hạnh Cơ, “Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản”, Hai phương tiện, Hai sự bảo trì, Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Trang 55. [19] Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 3  (Năm 1970), Lời Tòa Soạn, In tại Đăng Quang -  Phan Thanh Giản - Sài Gòn, 1970, Trang 7, 8. [20] Sdd, tr 130. [21] Hòa thượng Thích Thiện Hoa, “Phật học phổ thông 3”, Khóa XII. Kinh Kim Cang. Bài Thứ Ba. Phần Chánh Tôn(Tiếp Theo), Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 492. [22]Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến việt dịch và chú giải, “Kinh Kim Cang - Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh”, Phần Dịch Nghĩa, Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, Trang 81.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hạnh Cơ (2009), “Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản”, Hai phương tiện, Hai sự bảo trì, Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh. 2. Thích Minh Châu (2015), “Kinh Tiểu Bộ” - Tập III, Phẩm Lợi Ái, Tôn Giáo, Hà Nội. 3. Thích Minh Châu dịch (2012), “Kinh Trung Bộ 1”, 27. Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Tôn Giáo, Hà Nội. 4. Thích Minh Châu dịch (2013), “Kinh Trường Bộ” - Kinh Phạm Võng, Tôn Giáo, Hà Nội. 5. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 57 - “Bộ Kinh Tập IV” - Số 490->584, Số 565 - Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Quyển Thượng - Phẩm 1: Pháp Sa-Môn, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan. 6. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 119, “Bộ Kinh Sớ V”, Số 1718- 1719, Văn Cú Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển 3 (Phần Thượng), Phẩm Thứ 2: Phẩm Phương Tiện, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc. 7. Thích Tuệ Hải dịch (1999), “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Nxb Tp Hồ Chí Minh. 8. Thích Thiện Hoa (2012), “Phật học phổ thông 3”, Khóa XII. Kinh Kim Cang. Bài Thứ Ba. Phần Chánh Tôn(Tiếp Theo), Tôn Giáo, Hà Nội. 9. Thích Thiện Siêu (2001), “Luận Đại Trí Độ 5”, Giải Thích Phẩm Phương Tiện Thứ 69, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 10. Thích Thiện Siêu (1999), “Kinh Pháp Hoa Giữa Các Kinh Điển Đại Thừa”, Giải Thích Phẩm Phương Tiện, Thành Phố Hồ Chí Minh. 11. KUMĀRAJĪVA - Người Dịch: Tuệ Sỹ (2008), “Duy-Ma-Cật Sở Thuyết”, Chương Hai: Phương Tiện Quyền Xảo, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 12. Tuệ Sỹ, “Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, III” (2007), Vận Dụng Phương Tiện, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 13. Thích Trí Tịnh dịch (1999), “Kinh Đại Bảo Tích”, Pháp Hội Đại Thừa Phương Tiện, Nxb. Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh. 14. Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến việt dịch và chú giải (2010), “Kinh Kim Cang - Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh”, Phần Dịch Nghĩa, Tôn Giáo, Hà Nội. 15. Thích Thiện Trí (2016), “Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa - Giảng Nghĩa”, Phẩm Phương Tiện - Thứ Hai, Huyền Trang Tịnh Thất - Hồ Chí Minh. 16. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 3 (Năm 1970), Lời Tòa Soạn, In tại Đăng Quang - Phan Thanh Giản - Sài Gòn. 17. Pháp Sư Thích Từ Thông (2011), “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh”, Chương Thứ Hai : Phương Tiện, Tôn Giáo, Hà Nội.