Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Bình đẳng giới trong Phẩm Đề Bà Đạt Đa kinh Pháp Hoa

Bình đẳng giới trong Phẩm Đề Bà Đạt Đa kinh Pháp Hoa

Bình đẳng giới có thể nói là một vấn đề hết sức xa lạ đối với phụ nữ, mọi giai tầng đẳng cấp trong thời kỳ chế độ phong kiến tồn tại...Thông qua phẩm Đề Bà Đạt Đa, đã phản ánh giữa “cái cũ” và “cái mới” trong nhận thức về con người và sự bất bình đẳng giới trong xã hội, trong tôn giáo đối với người phụ nữ lúc bấy giờ.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bình đẳng giới có thể nói là một vấn đề hết sức xa lạ đối với phụ nữ, mọi giai tầng đẳng cấp trong thời kỳ chế độ phong kiến tồn tại…Thông qua phẩm Đề Bà Đạt Đa, đã phản ánh giữa “cái cũ” và “cái mới” trong nhận thức về con người và sự bất bình đẳng giới trong xã hội, trong tôn giáo đối với người phụ nữ lúc bấy giờ.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

TÓM TẮT: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa chứa đựng triết lý cao siêu, mầu nhiệm, trong hệ thống các kinh điển Đại thừa của Phật giáo Bắc truyền. Nó thể hiện một tâm huyết, một tầm nhìn về mục đích cuối cùng của sứ mệnh độ sinh là đem đến sự hạnh phúc cho chư thiên và loài người; đồng thời mở ra một “tri kiến Phật” cho mỗi chúng sinh.

Kinh Pháp Hoa không những khai mở cho chúng ta về trí tuệ, Phật tính nơi tâm con người, mà nó còn cho chúng ta thấy được giá trị sống của con người, đó là sự bình đẳng giới trong xã hội. Đặc biệt, trong phẩm Đề Bà Đạt Đa của kinh Pháp Hoa, đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về quyền bình đẳng, không phân biệt đối tượng trong tiến trình tu tập và chứng quả, cũng như tư tưởng bình đẳng của Phật giáo trong xã hội.

Bài viết tập trung trình bày về khái niệm bình đẳng giới, bình đẳng giới trong phẩm Đề Bà Đạt Đa của kinh Pháp Hoa. Nhằm góp phần làm sâu sắc hơn về tính bình đẳng của con người qua lăng kính kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Từ khoá: Bình đẳng giới, kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa.

Sau khi đức Phật diệt độ, các trường phái Đại thừa Phật giáo và Tiểu thừa Phật giáo, ngày càng phát triển mạnh mẽ, không ngừng lan rộng khắp xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, đó lại là điểm khởi đầu của một quá trình dẫn đến mâu thuẫn trong tư tưởng, quan điểm, triết lý của các trường phái, từ đó đưa đến sự khích bác, luận chiến với nhau, đẩy Phật giáo vào sự suy thoái và trở nên phức tạp.

Các trường phái Đại thừa Phật giáo công kích trường phái Tiểu thừa là “tiêu nha, bại chủng”, xem những người tu theo hạnh Thanh văn, Duyên giác không phải là đệ tử chính thống của Phật. Chính sự mâu thuẫn và bất đồng về quan điểm, tư tưởng của các trường phái, đã tạo cơ hội cho sự chê cười, phỉ báng của ngoại đạo và cũng chính vì thế, Phật giáo trở nên yếu thế trước sự phát triển lớn mạnh của Ấn Độ giáo đương thời.

Đứng trước vận mệnh suy tàn và bất đồng giữa các quan điểm của các trường phái Phật giáo, kinh Diệu Pháp Liên Hoa (妙法蓮華經) đã ra đời, nhưng một “vì sao sáng” giữa bầu trời tối tăm, phá tan mọi bất đồng, mâu thuẫn, luận chiến giữa các luận thuyết của các luồng tư tưởng đương thời. Nó dung hợp một cách hài hòa và xoa dịu mọi bất đồng về quan điểm truyền thống và quan điểm tiến bộ của các trường phái Phật giáo trong xã hội.

Kinh Pháp Hoa trình bày quan điểm của đức Phật về sự thống nhất và dung hợp các thừa pháp, chấp nhận tất cả các pháp môn trong một thể đại đồng; đồng thời lấy nhất thừa pháp làm hệ quy chiếu cho tất cả các thừa pháp khác của Phật giáo.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật nói: “Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác” [1]. Song, để hiện thực hoá lộ trình độ sinh và hướng dẫn con người thực hiện chính giáo, nó biểu hiện ra bên ngoài bằng nhiều phương thức khác nhau để phù hợp với căn cơ, trình độ, nhận thức của con người.

Do đó, kinh Pháp Hoa đóng một vai trò hết sức to lớn, quan trọng trong hệ thống kinh điển của Phật giáo nói chung, Phật giáo Đại thừa nói riêng, nó khai mở cho con người thấy được một chân trời mới trong cách tiếp cận về lối sống, đạo đức, văn hoá, tư tưởng, quan niệm của con người mới trong một xã hội ngày càng tiến bộ, phát triển về mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, lối sống… hết sức phức tạp và đa dạng.

Kinh Pháp Hoa không những chỉ ra con đường đưa đến “nhất Phật thừa”, mà nó còn thể hiện một quan điểm mới hết sức tiến bộ, phù hợp với đời sống nhân sinh của con người, đó là tính bình đẳng giới trong Phật giáo. Đó cũng là mục tiêu mà con người luôn luôn hướng đến để cân bằng sự bình đẳng trong xã hội.

1. Khái niệm về bình đẳng giới

Bình đẳng giới có nghĩa là quyền bình đẳng của người phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau về mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, hôn nhân, gia đình…; đồng thời thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội để đóng góp sức lực, tài năng của mình cho xã hội cũng như được thụ hưởng những thành tựu phát triển của xã hội.

Bình đẳng giới là một trong những chiến lược quan trọng, mà Liên Hiệp Quốc theo đuổi, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng của việc tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa nam giới và nữ giới về mặt pháp lý.

Khái niệm về bình đẳng giới đã được đề cập trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, một văn kiện hết sức quan trọng và có một tầm nhìn, ý nghĩa sâu sắc đối với lịch sử quyền con người trên toàn thế giới, được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, tại Chaillot, Paris của nước Pháp.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người sinh ra tự do, bình đằng về quyền lợi”, không phân biệt “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc kiến giải khác, quốc tịch hoặc xuất thân xã hội, tài sản, xuất sinh hoặc thân phận khác” [2]. Đây là nền tảng của luật quốc tế về nhân quyền, là văn kiện mang tính phổ quát nhất trong lịch sử nhân loại và được 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc phê chuẩn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Binh dang gioi trong Pham De Ba Dat Da kinh Phap Hoa 2

Song, tại Việt Nam, luật bình đẳng giới đã được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Hướng đến mục tiêu: “Xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” (Luật số 73/2006/QH11).

Do vậy, Việt Nam luôn luôn đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội; đồng thời thực thi những nguyên tắc cơ bản về quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội, gia đình, nhằm tạo ra cơ hội ngang nhau với nam giới về sự phát triển năng lực sáng tạo của phụ nữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển.

Điều 6 – Luật bình đẳng giới nêu rõ việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân; không ai được phép phá bỏ những nguyên tắc cơ bản về sự bình đẳng giới trong xã hội.

Tuy nhiên, sự ra đời của quyền con người trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, không phải là một sự kiện ngẫu nhiên trong xã hội, mà đó là sản phẩm của phong trào đấu tranh lâu dài và rộng khắp trên toàn thế giới về quyền bình đẳng của phụ nữ. Đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa nữ quyền là các phong trào cách mạng tư sản cận đại với mục đích đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ được hưởng các quyền và lợi ích như nam giới như: quyền bầu cử, quyền hưởng lương bình đẳng trong công việc như nam giới…

Có thể nói, từ khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời, cho đến sự hình thành nhà nước phong kiến và kéo dài cho đến tận lúc “cáo chung” của nó, nữ giới đã có những bước đi để tranh đấu, nhằm mục đích xác lập quyền bình đẳng như nam giới, nó đã làm thay đổi cấu trúc của xã hội.

Nhà triết học, nhà văn và nữ quyền người Anh Mary Wollstonecraft, được mệnh danh là “người mẹ” của thuyết nữ quyền, bà nổi tiếng với tác phẩm “Minh chứng về quyền của phụ nữ (1792)” (A Vindication of the Rights of Woman, 1792); trong đó, bà phản đối thẩm quyền xác lập nữ tính của các tác giả nam, rằng phụ nữ không phải tự nhiên thấp kém so với nam giới, mà đó là do sự thiếu giáo dục.

Bà đề cao các nhà văn nữ là người có lý trí, đạo đức, nhân hậu; đồng thời về bản chất, giới tính được kiến tạo như một lợi thế: viết và nghĩ không thể vượt khỏi thân xác, không thể loại phụ nữ ra khỏi vị trí xã hội. Do đó, đàn ông hay đàn bà đều phải được đối xử bình đằng, trật tự xã hội trong tương lai cũng phải dựa trên những nguyên lý đó.

Tiếp nối “ngọn lửa” của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới, các nhà văn, nhà phê bình văn học nữ như Virginia Woolf, Simone de Beauvoir…đã gợi mở về những khái niệm, tư tưởng, quan điểm lý thuyết mâu thuẫn của tư tưởng nữ quyền đương đại.

Đặc biệt là định nghĩa xác quyết của Beauvoir: “Chúng ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ” (On ne naît pas femme: on le devient), trong tác phẩm triết học: Giới tính hạng hai, được xuất bản năm 1949. Beauvoir phản bác luận điểm cho rằng con người phải tuân theo những số phận đã định trước, nữ tính không phải là một thứ “tự nhiên”, mà đó là thứ học được trong quá trình xã hội hoá, giới nữ là một kiến tạo của xã hội.

Trích dẫn này đã trở thành khuôn mẫu cho nghiên cứu về nữ giới sâu rộng và những yêu sách của phụ nữ về quyền bình đẳng với nam giới trong tương lai.

Cùng với đó, là sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” được C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo xong vào tháng 02-1848 và xuất bản lần đầu tiên vào trung tuần tháng 3 năm 1848, nó đánh dấu bước ngoặt căn bản của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập, đấu tranh giải phóng mình, đồng thời giải phóng toàn thể nhân loại.

Một trong mười biện pháp cải cách xã hội, được C. Mác và Ph. Ăngghen trình bày, đó là: “Xác lập quyền bình đẳng của mọi người đối với nghĩa vụ lao động. Đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt dành cho sản xuất nông nghiệp”.

Vì vậy, chủ nghĩa nữ quyền mác-xít lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1930, khi một số nhà Mác-xít đã gắn lý luận Mác-xít với lý luận về nữ quyền và tên tuổi của một số nhà nữ quyền Mác-xít như A.M. Kolontai ở Nga, Clara Zetkin ở Đức và Emma Goldman ở Mỹ.

Họ cho rằng chủ nghĩa cộng sản là giải pháp hoàn hảo để xóa bỏ tệ nạn xã hội, mở đường cho bình đẳng giới. Họ tin rằng phân biệt đối xử giới tính, chủng tộc, văn hóa, giáo dục… gây ra những khốn khổ cho phụ nữ trên khắp thế giới. Vì vậy, những người mác-xít đề nghị mở đường cho chủ nghĩa cộng sản là một con đường để đạt được quyền bình đẳng cho phụ nữ, giải phóng phụ nữ với cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc cách mạng để xây dựng một trật tự xã hội mới.

Tuy nhiên, quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ được xã hội ngày nay đề cao, xem trọng trong đời sống nhân sinh, mà cách đây hàng ngàn năm, đức Phật đã đánh giá cao vai trò của người nữ trong đời sống xã hội.

Trong các hệ thống kinh tạng Đại thừa Phật giáo, tư tưởng về quyền bình đẳng của nữ giới đã được tôn trọng, đề cao về vai trò của nữ giới và đặc biệt là bộ kinh Pháp Hoa, với những chủ trương hết sức tiến bộ và dung hoà giữa các trường phái cũ và mới trong Phật giáo, đã cho chúng ta thấy rõ về giá trị tu chứng của Ni giới so với Tăng giới, trong cách tiếp cận về sự giác ngộ Phật tính, đời sống tu tập và quyền bình đẳng trong sinh hoạt giáo đoàn.

Đức Phật đã phá tan mọi thành kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội phong kiến về vai trò, địa vị của nữ giới trong xã hội; mà cụ thể là thông qua phẩm Đề Bà Đạt Đa, đức Phật đã chỉ ra nữ giới và nam giới đều bình đẳng như nhau, đều có khả năng thành Phật quả, cũng như chịu trách nhiệm về những hành động của chính con người.

2. Bình đẳng giới trong phẩm Đề Bà Đạt Đa của kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh quan trọng của Đại thừa Phật giáo, nó thể hiện tư tưởng, triết lý hết sức cao siêu của các nhà tư tưởng Đại thừa về một tầm nhìn chiến lược của sứ mệnh độ sinh trong tương lai.

Bộ kinh không những phản ánh về vai trò, mục đích, nguyên nhân của sự xuất hiện bậc “Vô thượng sư” trong đời sống nhân sinh, đó là “vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” [3], mà còn thể hiện tư tưởng của các nhà Đại thừa Phật giáo về giá trị nhân văn hết sức sâu sắc, về quyền sống bình đẳng của con người trong Phật giáo nói riêng, trong đời sống xã hội nói chung.

Một thông điệp hết sức tiến bộ, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới về tương lai của Phật giáo trong cách tiếp cận về sự bình đẳng của con người, trong một môi trường xã hội hết sức khắt khe về người phụ nữ.

Bình đẳng giới có thể nói là một vấn đề hết sức xa lạ đối với phụ nữ, mọi giai tầng đẳng cấp trong thời kỳ chế độ phong kiến tồn tại, mà ở đó mọi quyền lực, thống trị xã hội đều nằm trong tay của đàn ông, giai cấp thượng lưu, quý tộc. Các bộ luật ra đời lúc này cũng chỉ là dựa trên sự phân biệt đẳng cấp xã hội để định thang hình phạt, như bộ luật Hammourabi, được xem là bộ luật cổ xưa nhất còn lại và hoàn chỉnh nhất trong khu vực Lưỡng Hà, do vị vua thứ sáu của Babylon là Hammurabi ban hành (1793-1750 TCN).

Cùng với đó, tại Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ II – TCN cũng xuất hiện bộ luật Manu và thiết lập tòa án để xét xử những hành vi phạm tội. Tuy nhiên bộ luật dựa trên các đẳng cấp trong xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của đẳng cấp bề trên, đối xử bất bình đẳng đối với giai cấp dưới. Đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong xã hội, họ không có tiếng nói, bị khinh khi, không được học hành, trình độ văn hoá thấp kém, bị chà đạp, là món đồ tiêu khiển của các đàn ông thuộc giới quý tộc.

Do thực tiễn của điều kiện lịch sử xã hội quy định đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những quan điểm, tư tưởng của con người về sự bất bình đẳng trong xã hội lúc bấy giờ. Nó phản ánh quan niệm “trọng nam khinh nữ” không những của xã hội lúc này, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của những người trong Phật giáo về vai trò của người phụ nữ trong việc hướng đến bình đẳng trong tu tập để đạt đến mục đích cuối cùng của quả vị Phật.

Cụ thể trong phẩm Đề Bà Đạt Đa, chúng ta thấy rằng ngài Xá Lợi Phất đã có những quan điểm, tư tưởng và không chấp nhận về thân phận của một người phụ nữ và cho rằng người phụ nữ là thân nhơ uế, thiếu trong sạch, còn nhiều khiếm khích thì không thể thành Phật được. Ngài Xá Lợi Phất nói: “…Lại thân gái có năm điều chướng: một chẳng đặng làm Phạm Thiên Vương; hai, chẳng đặng làm Đế Thích; ba, chẳng đặng làm Ma Vương; bốn, chẳng đặng làm Chuyển luân Thánh vương; năm, chẳng đặng làm Phật. Thế nào thân gái đặng mau thành Phật?” [4].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Binh dang gioi trong Pham De Ba Dat Da kinh Phap Hoa 3

Phải chăng, đây là tư tưởng của ngài Xá Lợi Phất hay là tư tưởng đại diện cho con người về cách nghĩ, lối tư duy bị tác động, ảnh hưởng của một hệ tư tưởng thiếu sự công bằng và bất bình đẳng của xã hội phong kiến? Mà ở đó, mọi quyền lực đều nằm trong tay của đàn ông.

Nói khác hơn, đàn ông có quyền được làm tất cả, kể cả tu tập chứng quả so với đàn bà; việc “định danh cho người nam giới có quyền được làm Phật, có nghĩa là họ đã tước đoạt “quyền tự do, quyền bình đẳng giới, quyền hoạt động sống, quyền làm Phật của người phụ nữ” trong tương lai.

Song, điều đó đối với đức Phật không bao giờ chấp nhận một quan điểm bất bình đẳng trong truyền thống của đạo Bà la môn khi quan niệm cho rằng đàn ông có giới tính ưu việt hơn phụ nữ. Trong kinh Tiện dân, câu 136, đức Phật đã phản bác lại luận điểm đó: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà la môn.

Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà la môn”. Do đó, chúng ta thấy rằng vì sao Bồ tát Văn Thù giáo hoá chúng sinh rất nhiều mà chỉ có “Long nữ” mới 8 tuổi đã có khả năng chứng quả Vô thượng Bồ đề. Ngài Văn Thù nói:

“Có con gái vua rồng Ta Kiệt La mới tám tuổi mà căn tính lanh lẹ, có trí tuệ, khéo biết các căn tính hành nghiệp của chúng sinh, đặng pháp tổng trì, các tạng pháp kín rất sâu của các đức Phật nói đều có thể thọ trì, sâu vào Thiền định, rõ thấu các pháp…nàng ấy có thể đến Bồ đề” [5].

Có hai vấn đề được đặt ra: Thứ nhất, thân phận phụ nữ không thể thành Phật; thứ hai, tu hành cần trải qua vô lượng vô số kiếp mới có thể thành Phật. Đây là vấn đề mà trước kia các nhà tư tưởng Phật giáo thường bị mắc kẹt khi nhận thức về tư tưởng của đức Phật, hiểu lời dạy của đức Phật một cách máy móc, giáo điều và thường bị chi phối bởi những yếu tố của xã hội, đưa đến một lối suy nghĩ chủ quan khi xem xét, đánh giá, nhận định triết lý của đức Phật.

Do đó, để giải quyết vấn đề được đặt ra và xác lập tư tưởng chủ đạo của đức Phật, Ngài và Bồ tát Văn Thù cho phép Long nữ xuất hiện và trình kiến giải của mình trước hội chúng; đồng thời cho phép Long nữ đem “hột châu báu, giá trị bằng cõi Tam thiên Đại thiên” [6] dưng lên đức Phật.

Tuy nhiên, hột châu báu đó là vật báu gì mà có giá trị bằng “cõi Tam thiên Đại thiên”? Hiện nay trong các loại kim loại quý hiếm, như vàng, kim cương, platin, rhodium…là những thứ có giá trị nhất hiện nay, là biểu tượng danh giá nhất cho danh dự và sự giàu có của con người, trong đó kim loại được xem là quý nhất thế giới về giá trị và độ hiếm của nó, đó là rhodium.

Trong thời điểm vàng dao động khoảng 1.850 USD/ounce, nhưng so với rhodium thì còn cách xa, giá mỗi ounce rhodium là khoảng 10.300 USD/ounce. Nhưng, hạt châu báu này lại là thứ “vô giá”, không ai có thể mua được bằng Đô la, euro, nhân dân tệ…

Phải chăng “hột châu báu” đó chính là “chân tâm”, “phật tính” ở mỗi con người của chúng ta. Nó tròn sáng như viên minh châu, là thể tính tròn đầy, thanh tịnh, mà đức Phật muốn nói cho chúng ta về giá trị bình đẳng của con người, không phân biệt đối tượng là nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà, phụ nữ, trẻ em, trời, thần, rồng… đều có “viên minh châu” sáng ngời trong tâm.

Nếu chúng ta biết lau chùi, tu dưỡng đạo đức, phát triển tuệ giác đến điểm cuối cùng của nó, thì chúng ta sẽ khai mở chân trí sáng ngời, như thiền sư Bách Trượng nói “tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu”. Mặt khác, việc thành Phật không phải là vấn đề thời gian đặt ra cho con người, thời gian vô lượng kiếp tu tập hay chỉ trong khoảng sát na là ngộ được chân lý; điều đó không phải là trọng tâm của câu chuyện mà đức Phật muốn truyền tải cho đệ tử.

Do đó, Long nữ nói với ngài Xá Lợi Phất: “Tôi hiến châu báu, đức Thế Tôn nạp thọ, việc đó có mau chăng? Xá Lợi Phất, đáp rất mau. Tuy nhiên việc thành Phật của Long nữ lại nhanh hơn là Xá Lợi Phất tưởng tượng: “Lấy sức thần của ông xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó” [7].

Do vậy, vấn đề thành Phật không cho phép chúng ta ước lượng, đo đếm bằng thời gian, bằng công thức toán học để xác định thời gian bao lâu và khi nào một con người mới chứng đắc đạo quả. Điều đó, nói lên rằng khi chúng ta thoả mãn được những điều kiện “cần và đủ” trong tâm thức và phương thức tu tập làm cho “hột minh châu” trong tâm xuất hiện, là con người đã đạt được những mục đích của lý tưởng mà chúng ta hướng đến.

Cho nên, nếu chúng ta còn có tâm phân biệt đối tượng và định danh cho người đàn ông mới có khả năng thành tựu một lý tưởng tối cao, còn nữ giới không thể đạt được Phật quả, dù là chỉ trong mơ ước, là đã đi ngược lại quan điểm của đức Phật về giá trị bình đẳng của con người “không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Đó là một thông điệp sâu sắc về giá trị nhân văn của đạo Phật nhằm xoá bỏ sự phân biệt giai cấp, địa vị, thân phận, giới tính con người trong xã hội.

Do đó, các nhà tư tưởng Đại thừa đã tiếp cận giáo lý của đức Phật trên một tinh thần sáng tạo, một tầm nhìn mới, một phong cách tiến bộ trong môi trường xã hội ngày càng phát triển và phức tạp về trình độ, nhận thức, tri thức của con người. Nhờ sự đổi mới trong nhận thức, lối tư duy tiến bộ của các nhà truyền giáo Đại thừa đã làm cho giáo lý Phật giáo phát triển lên một tầm cao mới, cập nhật được xu hướng phát triển tri thức và hội nhập văn hoá của thời đại.

Có thể thấy, việc mở ra chương mới về quyền bình đẳng của người phụ nữ nói chung, Ni giới nói riêng trong sinh hoạt Tăng đoàn và bình đẳng về tu chứng, có tiếng nói chung trong Giáo hội, là một hướng đi đúng đắn của các nhà tư tưởng Đại thừa Phật giáo, phù hợp với lợi ích của con người trong xã hội ngày nay. Mặc dù vậy, trên thực tế việc bình đẳng của người phụ nữ trong đời sống xã hội, trong tôn giáo vẫn còn là một câu chuyện để bàn luận.

Tóm lại, Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh ẩn chứa nhiều triết lý, ý nghĩa thậm thâm của Đại thừa Phật giáo. Kinh Pháp Hoa không những đóng một vai trò hết sức to lớn trong công cuộc hàn gắn sự đổ vỡ của các trường phái Phật giáo, mà nó còn phản ánh bức tranh sinh động về sự thống nhất của tam thừa Phật giáo về nhất thừa Phật giáo; đồng thời thiết lập lại giá trị của mọi con đường tu tập, hướng thiện của chúng sinh.

Cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, các nhà tư tưởng Đại thừa Phật giáo đã cập nhật và hiện thực hoá lý tưởng của đức Phật về quyền bình đẳng con người hết sức sâu sắc, phù hợp với sự tiến bộ của xã hội về quyền bình đẳng giới. Thông qua phẩm Đề Bà Đạt Đa, đã phản ánh giữa “cái cũ” và “cái mới” trong nhận thức về con người và sự bất bình đẳng giới trong xã hội, trong tôn giáo đối với người phụ nữ lúc bấy giờ.

Nếu nhận thức giáo lý đức Phật bằng một “nguyên lý cố định” nhưng các nhà tư tưởng truyền thống cho rằng “thân phận người phụ nữ có năm đều chướng ngại, không thể thành Phật” là chính chúng ta tự đưa Phật giáo vào “hố đen” (black hole) của vũ trụ, là tự mình đi theo gót chân “Achilles”, sẽ bị đào thải khỏi hệ thống tri thức của thế giới. Vì vậy, nhận thức về Phật giáo tất yếu phải căn cứ trên nền tảng của triết lý, khoa học. Phật giáo không phải là một tôn giáo chịu sự “mặc khải” từ Thượng đế.

Tuy nhiên, hiện nay trong Phật giáo có không ít những người đã bẻ cong niềm tin vào đức Phật bằng những “niềm tin mê tín”, với nhiều mục tiêu, mục đích cá nhân, nhằm thoả mãn những nhu cầu, lợi ích và phát huy lớn mạnh cái riêng của bản thân.

Do đó, sự xuất hiện của kinh Pháp Hoa là một luồng gió mới, mang đến cho con người một lối sống tư duy mới và cũng là giải thoát người phụ nữ về quyền sống, quyền tiếp cận với bầu trời chân lý, mang đến cho họ những cơ hội bình đẳng về sinh hoạt, tu tập và quyền được chứng quả như nam giới trong đời sống tu hành.

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Binh dang gioi trong Pham De Ba Dat Da kinh Phap Hoa 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường