Tấm bia đá chùa Vân La ghi tên nước Việt Nam ở chùa làng Phù Lưu là nguồn tư liệu quý giá minh chứng cho danh từ “Việt Nam” được sử dụng khá phổ biến dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Ngoài ra tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Tấm bia hiện dựng bên cạnh Tam quan chùa làng Phù Lưu tên chữ là 雲羅寺“Vân La tự” xưa thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc địa phận xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Điều đặc biệt giá trị nhất ở tấm bia này là tại bài minh khắc trên văn bia có ghi tên nước Việt Nam - danh từ xuất hiện khá phổ biến dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).
Tấm bia hình chữ nhật đặt trên bệ xây bằng gạch tạo dáng kiểu sập chân quỳ dạ cá, bề mặt phủ sơn màu xanh lam nhạt xung quanh trang trí dây lá cách điệu. Bia được tạo tác từ đá xanh nguyên khối kích thước cao 135cm, rộng 90cm, dầy 17cm. Đề tài trang trí chạm khắc ở cả hai mặt bia giống nhau, trán bia chạm nổi một đôi rồng chầu mặt trời, rồng uốn khúc với đầy đủ các bộ phận như râu, tóc, sừng, chân 4 móng, thân có vảy gấp khúc hình “sin”, đuôi hướng thẳng lên phía trên.
Mặt trời ở giữa hình tròn mỗi bên có 5 đao lửa tỏa đều về hai phía. Diềm bia phía trên đỉnh và hai bên trang trí hoa cúc dây, phía dưới chạm hình cánh sen đứng bên trong tạc vân mây xoắn. Lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt theo thể chân phương còn khá rõ nét ghi chép về việc con cháu cùng nhau bỏ tiền mua ruộng lập hậu cho ông bà, cha mẹ vào chùa Vân La giai đoạn giữa thế kỷ XVII. Nội dung cụ thể của hai mặt bia như sau:
Mặt trước có tiêu đề 雲羅寺“Vân La tự” (Bia chùa Vân La) tất cả gồm 30 dòng khoảng gần 1000 chữ, nội dung chính cho biết “...Chánh Vương phủ thị nội giám Tham tri giám sự quý quan Trà lân hầu Trần Văn Lương tôn phong là Nam mô Phổ huệ Bồ tát, vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Đính và các con trai Triều liệt đại phu Nhuận lĩnh tử Trần Văn Thư, Hoằng tín đại phu Lễ tuyền bá Trần Văn Thời cùng nhau bỏ tiền ra mua hai mẫu hai sào ruộng tại xứ đồng Cửa Chùa cúng vào chùa Vân La làm ruộng hương hỏa lập hậu cho ông bà, cha mẹ là Hiển khảo tặng Thái bảo An nghĩa hầu tiền tôn phong Bảo ứng Bồ tát, Từ mẫu chính đương thời trường kiến tại phong Diệu trí tiên nhân...”. Tiếp đến là bài minh gồm 42 câu, tên nước Việt Nam xuất hiện ở câu thứ 3:
“...Việt Nam chi quý
Kinh Bắc thừa tuyên
Từ An Tiên hảo...”
Nghĩa là:
(... Ấy quý Việt Nam
Thừa tuyên Kinh Bắc
Từ An Tiên(1) đất đẹp...)
Phần cuối là dòng lạc khoản “Thịnh Đức vạn vạn niên chi tam, trọng Xuân tiết, cốc nhật” (Bia được khắc vào ngày tốt, tháng 2, năm Thịnh Đức 3 - 1655). Soạn văn bia là Tiến sĩ Dương Cảo (1586 - ?) người xã Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10, đời vua Lê Thần Tông (1628), làm quan tới chức Lễ khoa cấp sự trung được phong tước Hầu.
Mặt sau có tiêu đề 供惠田碑記 “Cúng huệ điền bi kí” (Bia ghi chép việc cúng ruộng) tất cả gồm 20 dòng khoảng hơn 400 chữ, đoạn đầu ghi chép các vị Quan viên, Sắc mục, Trưởng thôn trong xã, đoạn sau cho biết việc Chánh Vương phủ thị nội giám Tham tri giám sự quý quan Trà lân hầu Trần Văn Lương tôn phong là Nam mô Phổ huệ Bồ tát cúng ruộng huệ điền gồm 12 thửa tại xứ đồng Cửa Chùa giao cho bản thôn canh tác lưu truyền lâu dài về sau. Hàng năm việc tế tự cho cha mẹ ông vào dịp ngày giỗ mồng 3 tháng 3 và các ngày tuần, rằm. Đoạn cuối cho biết người viết chữ văn bia là nhà sư Nguyễn Văn Chủ, pháp hiệu Huyền Thông trụ trì chùa Vân La, người khắc chữ trên bia họ Nguyễn thuộc ngọc châu Ngọc thạch cục xã Đoan Bái, huyện Gia Định (nay thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình).
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tổng số gần 20 tấm bia đá ghi khắc tên nước Việt Nam tập trung trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn. Tính đến thời điểm hiện nay riêng tỉnh Bắc Ninh có 5 tấm bia đá ghi khắc tên nước “Việt Nam” phân bố chủ yếu trên địa bàn hai huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ đều có niên đại vào thế kỷ XVII gồm: bia 雲羅寺“Vân La tự” chùa Vân La xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong dựng năm Thịnh Đức 3 (1655) đời vua Lê Thần Tông, bia 天福寺碑“Thiên Phúc tự bi” chùa Thiên Phúc, xã Tam Đa, huyện Yên Phong dựng năm Phúc Thái 6 (1648) đời vua Lê Chân Tông, bia下?長官碑記“Hạ trùm trưởng quan bi kí” khắc năm Khánh Đức 1 (1649) đời vua Lê Thần Tông ở nhà thờ họ Nguyễn xã Long Châu, huyện Yên Phong, bia 福聖寺碑“Phúc Thánh tự bi” chùa Phúc Khánh, xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ dựng năm Cảnh Trị 4 (1664) đời vua Lê Huyền Tông, bia 後神碑記“Hậu thần bi kí” đặt tại đình Từ Phong, phường Cách Bi, thị xã Quế Võ dựng năm Chính Hòa 11 (1690) đời vua Lê Hy Tông.
Tóm lại, tấm bia đá ghi tên nước Việt Nam ở chùa làng Phù Lưu là nguồn tư liệu quý giá minh chứng cho danh từ “Việt Nam” được sử dụng khá phổ biến dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Ngoài ra tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Tấm bia là di văn quý hiếm của Tiến sĩ Dương Cảo còn lại đến ngày nay, nội dung văn bia cung cấp nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước của ông so với một số tài liệu đăng khoa lục biên soạn sau này.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
*** Chú thích: (1): Ý nói thôn Phù Lưu vào thời Hậu Lê thuộc xã Tiên Trừ, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Bình luận (0)