Trang chủ Lịch sử - Triết học Bhimrao Ambedkar, người có công hồi sinh Phật giáo ở Ấn Độ

Bhimrao Ambedkar, người có công hồi sinh Phật giáo ở Ấn Độ

Sau cuộc cải đạo của Ambedkar, hàng nghìn người từ nhiều giai cấp khác nhau cũng lần lượt cải đạo theo Phật giáo, đã có những cuộc cải đạo tập thể vào các năm: 1957, 2001, 2006, 2007.. cho hàng ngàn người quy y theo Phật.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Sau cuộc cải đạo của Ambedkar, hàng nghìn người từ nhiều giai cấp khác nhau cũng lần lượt cải đạo theo Phật giáo, đã có những cuộc cải đạo tập thể vào các năm: 1957, 2001, 2006, 2007.. cho hàng ngàn người quy y theo Phật.

Nguyễn Võ Thị Ánh Tứ  (Thích Nữ Hòa Thảo)
Thiền viện Chơn Không, Vũng Tàu

Tóm tắt:

Ấn Độ ngay từ đầu đã là xã hội phân chia đẳng cấp rất khắc nghiệt. Đây chính là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng và đau khổ tại quốc gia đông dân này, kéo dài từ đời này sang đời khác. Bốn giai cấp chính và một giai cấp cùng đinh (dalit) gọi là tiện dân, bị đặt ngoài lề xã hội.

Sự phân biệt giai cấp từ tôn giáo, ngôn ngữ sinh hoạt từ nguồn nước uống, đến cách thức giao tiếp, ngôn ngữ, một cách tỷ mỉ khiến cho xã hội Ấn Độ hết sức ngột ngạt, tưởng chừng như không thể chịu đựng hơn được nữa.

Chính trên mảnh đất này đã xuất hiện Phật giáo ở thế kỷ thứ VI, trước công nguyên (TCN), với mục đích diệt khổ để cứu nguy cho mọi chúng sinh nhằm tới xã hội bình đẳng, nhân đạo. Sau một thời kỳ đầu phát triển rực rỡ, Phật giáo tưởng như lụi tàn tại quê hương nó phát khởi. Thật may mắn, người có công khôi phục Phật giáo, hướng tới xóa bỏ giai cấp để đạt đến hạnh phúc chính là Bhimrao Ambedkar.

Qua phân tích, đối sánh các giai cấp, tôn giáo ở Ấn Độ, Bhimrao Ambedkar rút ra chỉ có khôi phục lại Phật giáo mới có thể cải tạo xã hội bình đẳng hơn. Các hoạt động thực tiễn và lý luận của ông minh chứng cho sự nghiệp phấn đấu không ngừng nghỉ để xóa bỏ áp bức, hướng đến công bằng xã hội của ông. Điều đó đã được lịch sử ghi nhận. Bằng phương pháp lịch sử, lôgic, phân tích, tổng hợp, bài viết cố gắng mô tả nội dung này, như là sự suy tôn một con người kiệt xuất của đất Phật.

Từ khóa: Bhimrao Ambedkar, giai cấp, bình đẳng, hồi sinh, Phật giáo.

BHIMRAO AMBEDKAR, HUMAN RESEARCH OF BUDDHISM IN INDIA

Summary: India has been a very strict caste society from the very beginning. This is the root cause of inequality and suffering in this populous nation, lasting from generation to generation. The four main classes and one poor class – the Dalit – the untouchables, were marginalized in society. The class distinction from religion, language of daily life from drinking water, to the way of communication and language, meticulously made Indian society very stifling, seemingly unbearable. more. It was on this land that Buddhism appeared in the sixth century BC, with the aim of ending suffering to save all sentient beings towards an equal and humane society. After an early period of brilliant development, Buddhism seemed to be dying in the homeland where it arose. Fortunately, the person who is credited with restoring Buddhism, aiming to eliminate class to achieve happiness is Bhimrao Ambedkar.Through analysis and comparison of classes and religions in India, Bhimrao Ambedkar concludes that only restoring Buddhism can reform a more equal society. His theoretical and practical activities testify to his relentless struggle to eliminate oppression and towards social justice. That has been recorded in history. By method of history, logic, analysis, synthesis, the article tries to describe this content, as the homage to an outstanding person of Buddha land.

Keywords: Bhimrao Ambedkar, class; Equality; revival, Buddhism.

1. Mở đầu

Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày14 tháng 4 năm 1891 mất ngày– 6 tháng 12 năm 1956) là một luật gia, nhà kinh tế học, nhà cải cách xã hội và nhà lãnh đạo chính trị người Ấn Độ, người đứng đầu ủy ban soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ từ các cuộc tranh luận của Quốc hội Lập hiến, từng là Bộ trưởng Luật và Tư pháp trong nội các đầu tiên của Ấn Độ. Jawaharlal Nehru, và truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit sau khi từ bỏ Ấn Độ giáo. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, ông là một nhà kinh tế học, giáo sư và luật sư. Cuộc đời sau này của ông được đánh dấu bằng các hoạt động chính trị của ông; ông tham gia vận động và đàm phán để ủng hộ các quyền chính trị và tự do xã hội cho người Dalit (tiện dân) và góp phần thành lập nhà nước Ấn Độ. Năm 1956, ông chuyển sang Phật giáo, khởi xướng việc cải đạo hàng loạt người Dalit (tiện dân).

Năm 1990, tại quê hương Phật tổ, giải thưởng dân sự cao nhất của Ấn Độ Bharat Ratna được trao cho Ambedkar sau khi ông qua đời. Lời chào Jai Bhim (lit. “Hail Bhim”) được những người theo dõi sử dụng để tôn vinh ông. Ông được người dân Ấn Độ gọi bằng biệt danh Babasaheb (BAH -bə SAH-hayb), có nghĩa là “Người cha đáng kính”(Wikipedia). Sau đây là những đóng góp không mệt mỏi của ông trong việc góp phần xóa bỏ chế độ đẳng cấp và tiến tới hồi sinh Phật giáo, khiến ông trở nên con người vĩ đại ở đất nước giàu truyền thống văn hóa, tôn giáo và sử thi này[1].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua cu si Ambedkar cho su hoi sinh PG An Do 1

2. Bhimrao Ambedkar cố công hồi sinh Phật giáo ngay trên chính đất Phật tổ

Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, đức Phật đã xuất hiện ở Ấn Độ để làm công cuộc giải phóng con người, giải phóng giai cấp, đem lại tự do và bình đẳng cho bao tâm hồn khát khao chờ đợi. Sự xuất hiện của đức Phật như thổi vào tầng lớp Tiện dân một sức sống mới, làm dấy lên làn sóng đấu tranh giai cấp đã từ lâu bị dìm sâu dưới dáy bùn xã hội.

Từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII, đạo quân Hồi giáo tiến vào Ấn Độ, gieo cảnh lầm than và hủy diệt dị giáo. Phật giáo Ấn Độ gặp pháp nạn và hầu như bị tuyệt diệt cho đến năm 1891, Ngài Anagarika Dharmapala – một nhà Phật học Tích Lan – đến thành lập hội Maha Bodhi Society (Đại Bồ Đề) và chấn hưng trở lại.

Khoảng thời gian này thực sự là thời kỳ đen tối nhất của Phật giáo Ấn Độ. Rất nhiều chùa viện bị những người chống Phật giáo hủy diệt và cưỡng đoạt, và một số thì bị đổ nát do hoàn toàn không còn có người quan tâm đến. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở của Phật giáo bị chuyển đổi thành nơi thờ phụng của người Hindu và Hồi giáo, trong đó có cả Bồ-đề Đạo Tràng tại Godhgaya mà nó bị một tu sĩ Hindu chiếm lấy vào thế kỷ XVI. Như vậy, dấu vết Phật giáo dần bị xóa bỏ khỏi mảnh đất khai sinh ra nó [2].

Trong bối cảnh đó, B.R.Ambedkar đã xuất hiện như một cứu tinh cho tiện dân Ấn Độ, mang Phật giáo trở lại quê nhà và làm sống lại dòng máu khát vọng tự do bình đẳng trong huyết quản của người dân nghèo khắp xứ Ấn[3].

Trong nhiều năm, Ambedkar đã nghĩ về Karl Marx và cuộc đấu tranh giai cấp của những người Cộng sản, nhưng ông không đi theo con đường đó. Ông cũng không theo con đường bất bạo động của Gandhi.

Trong niềm thiết tha tự do, ông suy tư về đức Phật, và ông chọn đức Phật làm ngọn đèn dẫn đường cho tiến trình tìm cầu tự do và bình đẳng cho giai cấp mình. Ông nhận thấy rằng, con đường duy nhất đem lại tự do và bình đẳng cho Tiện dân chính là cải đạo theo Phật giáo. Ấn giáo chưa bao giờ nhìn nhận họ như những con người đúng nghĩa, nhưng với Phật giáo, họ sẽ trở thành huynh đệ của mọi người. Họ háo hức mong được thấy niềm vui ấy. Ambedkar đến với Phật giáo không phải theo lối mê tín trông chờ vào sự cứu rỗi hay được hưởng ân huệ mà bằng vào sự phân tích lý tính và niềm cảm phục sâu xa đối với những phẩm hạnh cao đẹp.

Ambedkar tin rằng xã hội loài người rất cần có sự hiện diện của tôn giáo, ông nói: “Một số người nghĩ rằng tôn giáo không cần thiết cho xã hội, nhưng tôi không nghĩ như thế. Tôi cho rằng tôn giáo có thể làm nền tảng cho cá nhân và các hoạt động xã hội. Tôn giáo có thể điều chỉnh hành vi con người và duy trì sự ổn định của xã hội”[4].

Ambedkar quan sát thấy rằng xã hội được duy trì bởi hai phương tiện là pháp luật và đạo đức. Trong đó pháp luật thật ra đóng một vai trò rất nhỏ, còn đạo đức tôn giáo thì giữ cho các hành vi của con người trong phạm vi có thể chấp nhận được. Tôn giáo phát triển ý thức đạo đức cho con người, nếu không muốn nói là nó có thể điều khiển tư tưởng và hành động của con người trong mọi xã hội. Ambedkar cho rằng xã hội cần tôn giáo, nhưng đó phải là tôn giáo đạo đức, lấy đạo đức làm nền tảng. Người ta thực hành đạo đức không phải để làm vui lòng một Đấng nào đó mà là từ sự tương thân tương ái giữa người và người với nhau.

Ông cho rằng giai cấp cùng đinh là hệ quả của chế độ giai cấp. Cho đến khi nào chế độ giai cấp còn tồn tại thì những người cùng đinh vẫn còn tồn tại. Vấn đề ở chổ là chúng ta không thể tiêu diệt chế độ giai cấp. Đạo Bà la môn – Hindu được xây dựng trên nền tảng giai cấp, nếu phá bỏ giai cấp thì toàn bộ lâu đài tôn giáo này sụp đổ. Ambedkar thấy được điều đó, ông nói: “Tôi không nghĩ rằng có thể bãi bỏ sự bất bình đẳng trong xã hội Hindu trừ khi nền tảng hiện tại bị loại bỏ và cái tốt hơn thay thế nó. Tuy nhiên tôi không tin xã hội Hindu có thể xây dựng lại trên nền tảng tốt hơn… Chế độ giai cấp và lớp người cùng đinh thực sự là cái khung thép của xã hội Hindu. Sự phân chia này không dễ bị xóa bỏ vì lý do đơn giản là nó không dựa trên cơ sở pháp lý, kinh tế và chủng tộc. Nó sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai chứ không thể được giải quyết một sớm một chiều như các nhà cải cách lạc quan nghĩ, vì nó dựa trên giáo điều tôn giáo” [5].

Ông nhận thấy, tầng lớp cùng đinh không thể bị xóa bỏ nếu như chế độ giai cấp chưa bị tiêu diệt. Từ đó, Ambedkar đặt ra câu hỏi như để khẳng định: “Một số người cho rằng chỉ cần bãi bỏ tầng lớp cùng đinh mà không cần tiêu diệt sự bất bình đẳng của chế độ giai cấp. Điều này là không thể được… Chúng ta hãy tìm ra nguồn gốc của căn bệnh để mà điều trị cho triệt để chứ không nên thỏa mãn với các loại thuốc giảm đau. Nếu bệnh không được chẩn đoán đúng, thì phương pháp điều trị sẽ không có hiệu quả hoặc bị trì hoãn. Mà giả sử ngay cả khi tầng lớp cùng đinh bị xóa bỏ thì họ sẽ như thế nào? Họ sẽ bị đối xử như giai cấp Thủ đà la. Và Thủ đà la là ai? Là nô lệ. Bạn có muốn bị đối xử như Thủ đà la không? Bạn có chấp nhận vị trí của nô lệ không?”[6].

Khi xác định đạo Hindu không thể cải cách và vấn đề của giai cấp cùng đinh không thể xóa bỏ, Ambedkar mới đi đến kết luận rằng, cải đạo là con đường duy nhất để giải phóng giai cấp cùng đinh khỏi sự phân biệt kỳ thị và áp bức của những người “đồng đạo” thuộc giai cấp cao của họ. Ông nói: “Chúng ta đã cố gắng mọi thứ để có được một địa vị bình đẳng trong xã hội Hindu, nhưng điều đó vô ích. Xã hội Hindu không có chỗ cho sự bình đẳng. Chỉ bằng cách bỏ đạo Hindu, tình trạng của chúng ta mới được cải thiện. Cải đạo là cách duy nhất để giải phóng”[7].  Khi xem xét các tôn giáo để lựa chọn cải đạo, Ambedkar thấy rằng người Hồi giáo rất là cực đoan. Ông nói: “Nếu có ai đó mà tình cảm và sự thực hành tôn giáo làm cho anh ta cực kỳ nguy hiểm, thì đó chính là người Hồi giáo”[8].

Theo Ambedkar, đạo đức của Phật giáo gắn liền với lòng từ bi. Ông thấy đức Phật: “cũng như một người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của mình bất chấp nguy hiểm của bản thân. Lòng từ bi của đức Phật bao trùm tất cả chúng sinh, tràn ngập khắp thế giới, trên, dưới, và ngang, không có chướng ngại, không có kẻ thù”[9].

Trả lời phóng viên của Ấn Độ Thời Báo (Times Of India) ngày 24/7/1936, Ambedkar cũng nói rằng: “trong vấn đề thay đổi niềm tin tôn giáo, nhìn từ góc độ của người Hindu, tôn giáo nào là tốt nhất, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, hay Sikh giáo? Rõ ràng đạo Sikh là tốt nhất. Nếu giai cấp cùng đinh theo người Hồi hay Thiên chúa thì họ sẽ không còn giữ được truyền thống văn hóa Ấn Độ. Còn nếu họ theo đạo Sikh thì họ vẫn còn giữ được truyền thống, và do đó đạo Hindu sẽ không bị tổn hại gì. Cải đạo là điều (mà chúng tôi) phải làm, nhưng cũng không thể không nghĩ đến quốc gia nói chung. Việc cải đạo sang Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sẽ làm mất đi tính dân tộc. Nếu cải đạo sang Hồi giáo thì dân số của họ sẽ tăng lên và như vậy là rất nguy hiểm. Còn cải đạo sang Thiên Chúa giáo thì sẽ làm tăng thêm sức mạnh của chính quyền Anh ở Ấn Độ”[10].

Ambedkar cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định theo tôn giáo nào, vì nó liên quan đến vận mệnh quốc gia và cuộc đời của hàng chục triệu người. May mắn thay, Phật giáo có thể thực hiện được hai nhiệm vụ này một cách hoàn hảo, vừa thoát khỏi sự áp bức của giai cấp, vừa không phương hại quốc gia. Ông nói rằng mặc dù ông và Gandhi bất đồng chính kiến về vấn đề giai cấp nhưng ông sẽ chọn cách ít thiệt hại cho Ấn Độ nhất. Và “bằng cách cải đạo sang Phật giáo”, Ambedkar nói, “Tôi đã làm điều tốt nhất cho đất nước này. Bởi vì Phật giáo là một phần không tách rời của văn hóa Ấn Độ. Chúng tôi cải đạo nhưng không làm hại đến truyền thống văn hóa và lịch sử của đất nước” [11].

Năm 1951, nhân kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật, Ambedkar đã nói lên mục đích của buổi lễ, mà cũng là vai trò của Phật giáo đối với Ấn Độ như sau: “Chúng ta có lý do đặc biệt để chào mừng ngày đức Phật Đản sinh hôm nay. Làm lễ kỷ niệm ngày đản sinh của đức Phật thì không có gì là lạ bởi vì bất cứ bật vĩ nhân nào cũng nên được vinh danh. Nhưng chúng ta làm lễ kỷ niệm của đức Phật, bởi vì bằng cách ấy, những tệ nạn đang lan tràn ở Ấn Độ sẽ được tẩy trừ… Để thoát khỏi chế độ giai cấp, và để tiêu diệt những tệ nạn xã hội, Ấn Độ phải theo Phật giáo như là một tôn giáo của đạo đức, bình đẳng và tình huynh đệ quốc tế. Tôi cho rằng, Phật giáo là phương thuốc hiệu quả nhất dành cho những căn bệnh trầm kha của Ấn Độ. Bao giờ chế độ giai cấp còn tồn tại thì bấy giờ Ấn Độ không bao giờ đạt được sự hùng mạnh và vinh quang mà một thời nó đã từng đạt được. Nhưng Ấn Độ sẽ khôi phục lại sự vinh quang ấy khi người Ấn quay về với Phật giáo, và làm theo những nguyên tắc cao thượng về tự do, bình đẳng và hữu ái được dạy bởi đức Phật. Tôi đã quyết định phục hưng lại tôn giáo vĩ đại của đức Phật và sẽ làm cho nó một lần nữa, được vinh danh ở Ấn Độ”[12].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua cu si Ambedkar cho su hoi sinh PG An Do 2

Trong tác phẩm Triết Lý Của Đạo Hindu, Ambedkar cho rằng đạo Phật có thể liên kết và thống nhất tất cả người Ấn lại thành một khối thống nhất bằng tinh thần và giáo lý bình đẳng. Ông dẫn chứng trường hợp của vua A Dục, cho rằng đó là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Ấn Độ mà đất nước được tự do, vĩ đại và vẻ vang. Vua A Dục làm được như vậy là vì ông trị vì đất nước theo giáo pháp của đức Phật.

Trong lời giới thiệu cho tác phẩm Bản Chất Của Phật Giáo (The Essence Of Buddhism), của tác giả Narasu, Ambedkar đã viết rằng: “Giáo sư Narasu là một chiến sĩ cang trường của thế kỷ XIX. Ông đã đấu tranh chống lại sự kiêu ngạo của người châu Âu bằng lòng nhiệt thành yêu nước, chống lại Ấn Độ giáo chính thống bằng sự hăng hái bày trừ mê tín, chống lại các giáo sĩ Bà la môn bảo thủ bằng quan điểm dân tộc, và chống lại đạo Thiên Chúa kiêu căng bằng nhãn quan trí tuệ. Tất cả những điều này đều được tiến hành bằng niềm tin không lay động của tác giả đối với những lời dạy của Đức Phật vĩ đại”[13].

Ambedkar đã trải qua một thời gian dài để nghiên cứu và tìm hiểu các tôn giáo. Ông không chấp nhận đạo Thiên Chúa và đạo Hồi trước nhất là vì hai tôn giáo này không thuộc văn hóa Ấn Độ. Ambedkar cho rằng nếu dân số của hai tôn giáo này mà tăng lên thì sẽ có hại cho dân tộc Ấn Độ nói chung. Kế đến là vì họ cũng phân biệt giai cấp như đạo Hindu. Đạo Sikh có lợi thế là tôn giáo của người Ấn, nhưng về phương tổ chức và thực hành thì không thỏa mãn Ambedkar.

Vì thế, “Trong quá trình chọn lựa tôn giáo để theo, Ambedkar cảm thấy rằng, trong các phương thức cổ điển, không có tôn giáo, triết học, hay truyền thống nào của Ấn Độ hay phương Tây có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu tinh thần và xã hội của các giai cấp cùng đinh [14]. Duy chỉ có đạo Phật là đáp ứng được mọi phương diện mà Ambedkar quan tâm. Nói về quá trình đến với đạo Phật của Ambedkar, học giả Kumar nhận xét rằng: “Sự cải đạo của Ambedkar không phải là một quyết định nhất thời mà là một quá trình cân nhắc lâu dài. Nó là một phần trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp của ông. Trong giai đoạn đầu, ông không muốn cắt đứt hoàn toàn với cộng đồng Hindu. Ông đã cho họ thời gian đủ dài để mà cải cách và xóa bỏ sự kỳ thị đối với giai cấp cùng đinh. Nhưng cuối cùng ông đã quyết định từ bỏ đạo Hindu mà theo Phật giáo bởi vì Phật giáo là một phần của văn hóa Ấn Độ và phù hợp với quan tâm của ông về vấn đề nhân quyền, tự do, bình đẳng và từ bi, v.v… Phật giáo đáp ứng được cả hai phương diện tâm linh và xã hội. Ambedkar cho rằng, bằng cách theo Phật giáo, những người cùng đinh sẽ không còn mặc cảm tự ty cũng như ý thức được giá trị của bản thân”[15].

Ambedkar đã giải thích rằng, việc đến với đạo Phật của ông được thúc đẩy bởi động cơ tinh thần hơn là vật chất. Ông khẳng định: “Không có động cơ nào khác ngoài giá trị tinh thần và tâm linh trong sự chuyển đổi tôn giáo của tôi. Tôi không tán thành một tôn giáo chủ trương nghèo đói, nhưng giá trị tinh thần quan trọng hơn lợi ích vật chất. Phật giáo là sự tiến bộ toàn diện, không chỉ có tiến bộ kinh tế”[16]

Với tư cách là người lãnh đạo của giai cấp cùng đinh và là một Phật tử, Ambedkar rất muốn phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng và tâm nguyện cả đời của ông.

Trong bài phát biểu của ông ở một ngôi chùa ở Bombay vào ngày 29/9/1950, ông nói rằng ông sẽ cống hiến phần còn lại của cuộc đời ông cho sứ mạng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Tháng Giêng năm sau, phát biểu với đại biểu của Hội Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Society) và Hội Phúc Lợi Giai Cấp Cùng Đinh  Delhi (Delhi Scheduled Castes Welfare Association), ông cũng nói rằng ông đã quyết định phục hưng lại tôn giáo vĩ đại của đức Phật và làm cho nó một lần nữa, vinh quang trên mảnh đất mà nó được sinh ra. Hầu như trong những lần có dịp nói chuyện với công chúng là Ambedkar đều nói lên nguyện vọng của ông về phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Và theo ông, Phật giáo hoàn toàn có thể được phục hưng và phát triển ở Ấn Độ. Ông cho rằng Ấn Độ đã sẵn sàng đón nhận thông điệp của đức Phật trở lại. Hơn nữa, Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới thích hợp nhất cho sự tồn tại và truyền bá đạo Phật. Bởi vì, theo Ambedkar, Ấn Độ là quê hương của đức Phật. Phật giáo đã từng một thời gian dài phát triển ở Ấn Độ. Tuy Phật giáo sau đó bị suy tàn, nhưng không ai có thể nói rằng nó đã chết tận gốc rễ. Chúng ta không phải thiết lập một tôn giáo mới mà chỉ là khôi phục lại tín ngưỡng sẵn có. Việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ có lợi thế là Đức Phật, Ngài trở lại đất nước mình mà không cần phải xin hộ chiếu hay Visa gì cả[17].

Hơn nữa, việc truyền bá Chính pháp là một việc làm cứu nhân độ thế, phù hợp với tinh thần từ bi của đạo Phật, vì theo ông: “Từ bi là căn bản của Phật pháp, trong đó mọi người phải biết yêu thương và phục vụ, và chư tăng phải là những tấm gương tốt về việc này”[18].  Ông cho rằng Đức Phật thành lập Tăng đoàn không phải để đào tạo những người thuần thiện nhưng vô ích, mà là với mục đích tạo ra một đoàn thể gương mẫu về từ bi và trí tuệ để hướng dẩn mọi người, và nhất là để phục vụ mọi người một cách tốt nhất[19]. Năm 1955, Ambedkar thành lập Hội Phật tử Ấn Độ (Buddhist Society of India) với mục đích:

1) Truyền bá kiến thức về Phật giáo ở Ấn Độ.

2) Xây dựng các cơ sở Phật giáo ở càng nhiều nơi càng tốt để củng cố niềm tin của những người mới cải đạo.

3) Thành lập các trường học để truyền bá văn học và triết học Phật giáo.

4) Thành lập các trại mồ côi, bệnh viện và các công tác xã hội khác.

5) Đào tạo các Như Lai sứ giả để mang thông điệp của Đức Phật đến với tất cả các vùng miền của đất nước.

6) Khuyến khích nghiên cứu so sánh các tôn giáo để thúc đẩy việc nghiên cứu Phật giáo trong quan điểm đúng.

7) Xuất bản các tài liệu để phổ biến Phật giáo, bao gồm các tờ rơi và tài liệu quảng cáo.

8) Thành lập Giáo hội Phật giáo Ấn Độ.

9) Tổ chức các hội nghị Phật giáo để bàn về việc thống nhất các nghi lễ tôn giáo[20].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bhimrao Ambedkar nguoi co cong hoi sinh Phat giao An Do 3

Để khẳng định đạo Phật, Ambedkar chỉ trích các văn bản và sử thi tôn giáo của đạo Hindu và đã viết một tác phẩm có tựa đề Những câu đố trong đạo Hindu trong thời gian 1954-1955, để chống lại tác hại đạo này. Tác phẩm đã được xuất bản sau khi ông qua đời[21]. Mặt khác, Ambedkar cũng coi Cơ đốc giáo không có khả năng chống lại những bất công xã hội. Ông viết rằng “Có một sự thật không thể chối cãi là Cơ đốc giáo không đủ để chấm dứt chế độ nô lệ của người da đen ở Hoa Kỳ. Một cuộc nội chiến là cần thiết để mang lại cho người da đen sự tự do mà những người theo đạo Thiên chúa đã từ chối cho anh ta”[22]. Ambedkar chỉ trích sự khác biệt trong Hồi giáo và mô tả tôn giáo này đã tạo ra sự khác biệt giữa người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi sự bất bình đẳng trong xã hội. Ông phản đối việc cải đạo của các tầng lớp tiện dân sang đạo Hồi hoặc Cơ đốc giáo và nói thêm rằng nếu họ cải sang đạo Hồi thì “nguy cơ bị người Hồi giáo thống trị cũng trở thành hiện thực” và nếu họ cải sang đạo Cơ đốc thì điều đó “sẽ giúp củng cố sự kìm kẹp của Anh đối với đất nước”. Ban đầu, Ambedkar dự định chuyển sang đạo Sikh nhưng ông bác bỏ ý tưởng này sau khi phát hiện ra rằng chính phủ Anh sẽ không đảm bảo các đặc quyền dành cho tầng lớp tiện dân trong các ghế quốc hội dành riêng[23].

Khoảng năm 1950, ông bắt đầu dành sự quan tâm của mình cho Phật giáo và đi đến Ceylon (nay là Sri Lanka) để tham dự một cuộc họp của Hiệp hội Phật tử Thế giới. Trong khi cung hiến một tịnh xá Phật giáo mới gần Pune, Ambedkar thông báo rằng ông đang viết một cuốn sách về Phật giáo, và khi nó hoàn thành, ông sẽ chính thức chuyển sang Phật giáo. Ông hai lần đến thăm Miến Điện vào năm 1954; lần thứ hai tham dự hội nghị lần thứ ba của Hội Liên hữu Phật tử Thế giới ở Rangoon. Năm 1955, ông thành lập Bharatiya Bauddha Mahasabha, hay Hội Phật giáo Ấn Độ. Năm 1956, ông hoàn thành tác phẩm cuối cùng của mình, Đức Phật và Giáo pháp của Ngài, được xuất bản sau khi tạ thế.

Sau cuộc gặp gỡ với nhà sư Phật giáo Sri Lanka Hammalawa Saddhatissa,  Ambedkar đã tổ chức một buổi lễ công khai chính thức cho chính mình và những người ủng hộ ông tại Nagpur vào ngày 14 tháng 10 năm 1956. Chấp nhận Tam quy và Ngũ giới từ một nhà sư Phật giáo theo cách thức truyền thống, Ambedkar đã hoàn thành sự cải đạo của chính mình, cùng với vợ của mình. Sau đó, ông tiếp tục chuyển đổi khoảng 500.000 người ủng hộ mình. Ông quy định 22 Lời nguyện cho những người cải đạo này, sau Tam bảo và Ngũ giới. Sau đó ông đi du lịch đến Kathmandu, Nepal để tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ tư[24].

Ngày 14 tháng 10 năm 1956, sau khi quy y xong, Ambedkar liền phát biểu rằng: “Bằng việc từ bỏ tôn giáo cũ và quy y Tam bảo, hôm nay tôi như được tái sinh. Sự quy y hôm nay đã làm tôi hết sức hài lòng và hạnh phúc không thể tưởng tượng. Tôi cảm thấy rằng mình như vừa được giải thoát từ địa ngục vậy. Từ nay tôi không còn thờ các vị thần đạo Hindu nữa mà thực hành theo Chính pháp. Tôi sẽ sống theo Bát chính đạo mà Đức Phật đã dạy. Phật giáo là một tôn giáo chân chính và tôi sẽ hướng cuộc đời mình dưới sự chỉ dẫn của từ bi, trí tuệ và lẽ phải[25]”.

Ba ngày sau khi hoàn thành bản thảo cuối cùng đức Phật và Giáo pháp của Ngài, Ambedkar qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 1956 tại nhà riêng ở Delhi. Lễ hỏa táng Phật giáo được tổ chức tại bãi biển Dadar Chowpatty vào ngày 7 tháng 12, với sự tham dự của nửa triệu người. Một sự kết thúc có hậu là sau này, cháu nội của Ambedkar, Prakash Yashwant Ambedkar, là cố vấn trưởng của Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ, lãnh đạo Vanchit Bahujan Aghadi và đã phục vụ trong cả hai viện của Quốc hội Ấn Độ [26].

Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm ngày 6 tháng 12 năm 1956 trong khi đang ngủ. Thủ tướng Nehru và các nhà lãnh đạo khác đã đến chia buồn cùng gia đình, trong khi hàng ngàn người dân tập hợp xung quanh nhà ông để đảnh lễ ông lần cuối. Thi thể của ông được đưa bằng máy bay về nhà ông ở Bombay. Tất cả các xí nghiệp và trường học ở Bombay và vùng phụ cận đều đóng cửa để chịu tang ông. Đám tang của Ambedkar được tiến hành theo nghi lễ Phật giáo. Đúng 7 giờ rưỡi chiều ngày 7 tháng 12, Yashwantrao Ambedkar con trai ông đã châm lửa dàn thiêu. Hơn 100 ngàn người đã quy y Tam bảo tại giàn thiêu để tỏ lòng tôn kính đối với ông, người đã suốt cuộc đời đấu tranh cho giai cấp cùng đinh Ấn Độ[27].

Với những hoạt động của Tiến sĩ Ambedkar, chư tăng và những nhà Phật học khác, Phật giáo ở Ấn Độ đã được hồi sinh và ngày càng phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Như chúng ta biết, phong trào phục hưng của Phật giáo Ấn Độ bắt đầu với những hoạt động của các phật tử (chỉ chung cho xuất gia và tại gia) ở trong và ngoài Ấn Độ từ cuối thế kỷ thứ XIX. Khi nhà sư Tích Lan Anagarika Dhammapala đến Ấn Độ năm 1891 thì chưa có tỳ kheo nào là người Ấn Độ.

Sau sự cải đạo của Tiến sĩ Ambedkar thì số lượng người tu được tăng lên đáng kể. Năm 1970, các nhà sư Ấn Độ đã trở nên đủ đông để thành lập một tổ chức Phật giáo, đó là Hội Tỳ Kheo Toàn Ấn Độ (All Indian Bhikkhu Sangha) vào tháng 7 năm 1970, do Tỳ kheo Jagdish Kashyap làm Chủ tịch. Đến năm 2008 thì số thành viên của Hội là 2000 tỳ kheo. Đây chỉ là những thành viên của Hội, ngoài ra còn có những tăng, ni nằm ngoài Hội nữa.

Theo số liệu điều tra thì năm 1991, đã có 3.000 tăng ni, sáu triệu tín đồ, 500 tu viện, 100 hội và tổ chức Phật giáo. Thành tựu này mặc dù khiêm tốn hơn so với vinh quang trong quá khứ của Phật giáo Ấn Độ, nhưng nó cũng đủ để nói lên một điều là tôn giáo của đức Phật đã được hồi sinh trên quê hương nơi nó sinh ra 2. 500 năm trước.

Nếu chúng ta so sánh tỷ lệ tăng trưởng giữa các tôn giáo ở Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2001, chúng ta thấy rằng tín đồ Phật giáo tăng 24.5%, Ấn giáo tăng 20, 3%, Hồi giáo tăng 29.5%, Thiên Chúa giáo tăng 22, 6%, đạo Sikh 18, 2% Kỳ na giáo 26, 0%, và 1% là các cộng đồng khác. Như vậy, tỷ lệ tăng dân số Phật giáo đứng thứ ba sau Hồi giáo và Kỳ na giáo. Tuy nhiên, dân số Phật giáo, thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo. Có khoảng 20-30 triệu người khác không đăng ký là Phật tử vì sợ mất trợ cấp của Chính phủ giành cho người giai cấp thấp của đạo Hindu.

Sau cuộc cải đạo của Ambedkar, hàng nghìn người từ nhiều giai cấp khác nhau cũng lần lượt cải đạo theo Phật giáo, Đã có những cuộc cải đạo tập thể vào các năm: 1957, 2001, 2006, 2007.. cho hàng ngàn người quy y theo Phật.

Những nỗ lực của Ambedkar đã mang lại kết quả to lớn cho Phật giáo Ấn Độ, tuy không được rực rỡ như xưa nhưng lượng Phật tử ngày càng tăng thêm rõ rệt. Năm 1891, Ambedkar sinh ra đời, cũng là năm ngài Anagarika Dharmapala đến Ấn Độ xậy dựng lại cơ sở Phật giáo đầu tiên, số lượng Phật tử ước chừng khoảng 50.000 người. Thế nhưng năm 2001, con số ấy đã lên tới 7.950.000, riêng tại quê hương ông có đến 5.830.000 người.

Các Phật tử Ấn Độ, tuy là mới quy y nhưng đã hiểu Phật pháp khá tốt, biết được thế nào là chính tín và mê tín. Họ cũng sáng tác những bài hát thể hiện niềm vui khi trở thành đệ tử của Đức Phật. Các phụ nữ bình dân Ấn Độ, trong tâm trạng háo hức chuẩn bị đi đến thành phố Nagpur để quy y Tam bảo theo lời kêu gọi của Ambedkar, đã hát như sau:

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Một cuộc hành hương vĩ đại vì Bhima (Ambedkar) của chúng ta đang ở đó

Hãy nghe những điều tôi nói, nghe tôi nói, hãy phụng sự Đức Phật của chúng ta

Bạn ơi, chúng ta hãy đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay nhé!

Chúng ta hãy thực hiện tâm nguyện của Bhima (Ambedkar)

Chúng ta hãy hoàn thành tâm nguyện của Bhima.

Không có ai là bà con ở đó

Thậm chí chúng ta rất nghèo, nhưng chúng ta sẽ san sẻ cùng nhau

Bạn ơi, chúng ta sẽ đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay[28].

 Và đây là cảnh họ kêu gọi nhau đi chùa:

Chúng ta hãy đi chùa, này bạn ơi

Đi chùa, đi chùa, đi chùa.

Hai đồng một lọn nhang, ba đồng một cây nến

Cột chúng vào sari. Chúng ta hãy đi chùa.

Bạn mặt sari trắng hay áo sơ mi trắng?

Bạn đã sẳn sàn để đi chưa?

Chúng ta hãy đi chùa.

Chúng ta đang đến gần vương quốc của Bhim (Ambedkar)

Tôi chắc rằng Narayanrao cũng đang chơi trống ở đó

Chúng ta hãy đi chùa, đi chùa, đi chùa.[29]

3. Ảnh hưởng của Bimrao Ramji Ambedkar

Để ghi nhận công lao to lớn của ông trong việc góp phần hồi sinh Phật giáo ngay trên đất Phật đã ra đời, phát sinh, phát triển, một đài tưởng niệm Ambedkar đã được lập ra tại ngôi nhà ở Delhi của ông tại 26 Đường Alipur.  Điều đó chứng minh một cách hùng hồn, danh tiếng và sự vĩ đại của ông đã được người Ấn Độ ghi nhận. Đến mức, ngày nay, ngày sinh của ông được gọi là Ambedkar Jayanti hoặc Bhim Jayanti và được coi là ngày nghỉ lễ ở nhiều bang của Ấn Độ. Hơn thế, ông đã được hậu thế truy tặng danh hiệu dân sự cao quý nhất của Ấn Độ, Bharat Ratna, vào năm 1990.

Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao của ông, một người đã bỏ không ít tâm sức cho sự hồi sinh của Phật giáo ngày trên chính đất Phật tổ, vào ngày kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông, tức là vào ngày Dhamma Chakra Pravartan Din (14 tháng 10) tại Nagpur, ít nhất nửa triệu người tụ tập để bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài tại đài tưởng niệm của Ngài ở Mumbai.  Hàng ngàn hiệu sách được thành lập và bán sách nhằm truyền đạt thông điệp nhân ái của ông với những người dân Ấn Độ.

Nhiều tổ chức và địa danh công cộng và của nhà nước, được đặt tên để vinh danh ông. Chẳng hạn sân bay Quốc tế Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar ở Nagpur, còn được gọi là Sân bay Sonegaon. Tiến sĩ BR Ambedkar Viện Công nghệ Quốc gia, Jalandhar, Đại học Ambedkar Delhi cũng được đặt tên để vinh danh ông[30].

Ambedkar đã được bình chọn là “Người Ấn Độ vĩ đại nhất” vào năm 2012 trong một cuộc thăm dò do History TV18 và CNN IBN tổ chức, trước Patel và Nehru. Ngày 2 tháng 4 năm 1967, một bức tượng Ambedkar bằng đồng cao 3,66 mét (12 foot) đã được lắp đặt tại Quốc hội Ấn Độ. Bức tượng do BV Wagh điêu khắc, đã được khánh thành bởi Tổng thống Ấn Độ lúc bấy giờ là Sarvepalli Radhakrishnan.  Ngày 12 tháng 4 năm 1990, một bức chân dung của Tiến sĩ BR Ambedkar được đặt tại Sảnh Trung tâm của Tòa nhà Quốc hội. Bức chân dung của Ambedkar, do Zeba Amrohawi vẽ, được Thủ tướng Ấn Độ khi đó là VP Singh công bố. Một bức chân dung khác của Ambedkar được đưa vào Bảo tàng Nghị viện và kho lưu trữ của Tòa nhà Quốc hội[31].

Hơn thế nữa, Triết lý chính trị của Ambedkar đã tạo ra một số lượng lớn các đảng chính trị, ấn phẩm và liên đoàn công nhân vẫn hoạt động trên khắp Ấn Độ, đặc biệt là ở Maharashtra theo những ý tưởng của ông. Việc quảng bá Phật giáo của ông đã làm hồi sinh mối quan tâm đến triết học Phật giáo trong các bộ phận dân cư ở Ấn Độ. Các buổi lễ chuyển đổi tôn giáo đã được tổ chức bởi các nhà hoạt động nhân quyền trong thời hiện đại, mô phỏng theo nghi lễ Nagpur của Ambedkar năm 1956.  Một số Phật tử Ấn Độ coi ông như một vị Bồ tát, mặc dù ông chưa bao giờ tự nhận điều đó.  Bên ngoài Ấn Độ, vào cuối những năm 1990, một số người Romani gốc Hungary đã hội họp thể hiện sự tán đồng của chính họ với hoàn cảnh của những người bị áp bức ở Ấn Độ. Được truyền cảm hứng bởi Ambedkar, họ bắt đầu chuyển sang Phật giáo[32].

Năm 1991, lễ kỷ niệm ngày sinh của Ambedkar được chính phủ Ấn Độ tổ chức tại thủ đô Delhi và nhiều nơi trên khắp Ấn Độ. Tại buổi lễ, Phó Tổng thống Ấn Độ, Shankar Daya Sharma, Thủ tướng Chandra Shekhar và các quan chức khác đã đặt vòng hoa lên tượng Ambedkar. Thủ tướng Chandra Shekhar đã tuyên bố trong dịp này rằng Ấn Độ phải đảm bảo công lý cho những người nghèo và giai cấp thấp bằng cách thay đổi toàn bộ hệ thống xã hội. Nếu không thay đổi thì không thể tạo ra một xã hội bình đẳng mà Ambedkar từng mơ ước[33].

Cống hiến của Ambedkar là sự hoạt động không mệt mỏi cho việc xóa bỏ chế độ đẳng cấp và phục hồi Phật giáo nhằm tạo ra bình đẳng trong xã hội. Những công lao đó của ông không những có giá trị với Ấn Độ, một nước đông dân nhất nhì thế giới mà còn có sức lan tỏa, lay động đến hàng tỷ sinh linh trên thế giới ở tính nhân văn cao cả của các tư tưởng đó.

Nguyễn Võ Thị Ánh Tứ (Thích Nữ Hòa Thảo)
Thiền viện Chơn Không, Tp.Vũng Tàu

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bhimrao Ambedkar nguoi co cong hoi sinh Phat giao An Do 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bhimrao Ambedkar nguoi co cong hoi sinh Phat giao An Do 2

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường