Trang chủ Chuyên đề Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhân văn trong hoạt động từ thiện tại chùa Liên Phái

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhân văn trong hoạt động từ thiện tại chùa Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS.Lê Việt Liên
Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

1. Vài nét về lịch sử văn hóa chùa Liên Phái

Chùa Liên Phái được xây dựng từ năm Bảo Thái thứ 7 (1726), đời Lê Dụ Tông. Tổ khai sáng ra chàu Liên Phái là Tổ Cứu Sinh (1696-1733), pháp hiệu Như Trừng Lân Giác (khi chưa xuất gia là Thế tử Trịnh Thập), vốn dòng dõi chúa Trịnh, được cấp đất lập tư dinh ở vùng này. Tương truyền khi cho gia nhân xây dựng dinh thự ở đây, thấy xuất hiện ngó sen, Ngài cho rằng có duyên với Phật nên đã xuất gia và xây chùa thờ Phật, đặt tên chùa là Liên Hoa (hoa sen). Đến đời Nguyễn, thực hiện lệnh kiêng húy của triều đình, chùa Liên Tông lại đổi thành chùa Liên Phái như ngày nay. Hướng chùa quay theo hướng đông đông nam. Trước chùa là một chiếc hồ lớn hình tròn trồng sen, bên trong là các tòa tiền đường, đại hùng bảo điện, nhà tổ, kho chứa ván kinh, trai phòng, trù táo, nhà khách nối tiếp nhau. Mặc dù quy mô của chùa hiện nay đã bị thu hẹp song vẫn giữ được kiến trúc hoành tráng. Đặc biệt trong chùa còn giữ được tòa tháp 9 tầng. Tòa tiền đường gồm 5 gian tường hồi bít đốc, ba hàng cột liên tiếp theo kiểu lòng thuyền chắc chắn. Phía trước là ba chiếc cửa lớn thông ra các gian bên ngoài. Bên ngoài tiền đường là sân chùa. Bên ngoài tiền đường có thêm hai dãy tiền đường nhỏ nữa để tiếp đón các Phật tử chiêm bái. Hai khu nhà tiền đường kế tiếp đó đặt bia thờ, bia kí, bia Hậu Phật. Chùa Liên Phái là nơi lưu giữ nhiều bia đá nhất hiện nay ở Hà Nội, gồm 64 bia. Tòa nhỏ phía ngoài dung làm nhà giảng trong các kỳ An cư kiết hạ. Tòa thượng điện có kết cấu bộ vì theo kiểu chồng rường giá chiêng kết hợp kẻ chuyền. Hai hàng cột cái chạy dọc theo nhà. Cả ba gian thượng điện đều có các bức cửa võng, hoành phi trang trí nối giữa hai cây cột cái. Gian giữa là hệ thống tượng Phật trang nghiêm. Từ ngoài vào bên phải khu tiền đường là tượng Đức ông trưởng giả cấp cô độc và hại vị thị giả giúp việc. Bên trái tiền đường là tượng thánh Tăng An Nan và Diệm Niên và Đại Sĩ. Khu chính giữa là hệ thống tượng Phật thể hiện quá trình tu tập thành đạo của Phật. Khu nhà Tổ ở ngay sau tòa Thượng điện. Tòa này đặc biệt lớn gồm 11 gian. Gian giữa thờ bộ Di Đà Tam Thánh với tượng đức Phật A Di Đà to lớn. Hai gian bên thờ tượng tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và lịch đại các Tổ sư. Trong nhà thờ Tổ cũng lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công đức các chư Tổ. Bảo tháp Cửu phẩm liên hoa 9 tầng ở sân ngoài nhà bia trước chùa. Tháp được xây bằng vôi gạch, bên ngoài trát vữa trộn vôi đá. Gần đây, tháp đã được tu bổ lại. Ngoài tòa bảo tháp, sau khu vực nhà tổ còn có khu vườn tháp lăng mộ các sư. Nhà bia là tòa nhà hình chữ nhật, xây hai tầng tám mái, đặt trước sân chùa. Nhà lưu giữ ván kinh nằm bên trái khu tam bảo, hiện còn đặt 10 kệ cất giữ ván in của hàng chục bộ kinh sách nhà Phật. Ngoài ra chùa còn có một số công trình phụ trợ khác như cổng chùa, nhà khách, tăng phòng, nhà bếp. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ được thì chùa Liên phái có 13 vị cao tăng trụ trì. Tổ đời thứ nhất là Như Trừng Lân Giác Thượng Sĩ, tổ đời thứ hai là Hòa thượng Trạm Công Tính Truyền, tổ đời thứ ba là Bảo Sơn Tính Dược Hòa thượng, tổ đời thứ tư là Từ Phong Hải Quýnh Hòa thượng, tổ đời thứ năm là Kim Liên Tịch Truyền Hòa thượng, tổ đời thứ sáu là Phổ Tính đại sư, tổ đời thứ bảy là Hòa thượng Phúc Điền, tổ đời thứ tám là Hòa thượng Thích Thông Bính, tổ đời thứ chín là Thiền sư Thanh Duyên, tổ đời thứ mười một là Hòa thượng Thanh Dụng, tổ đời thứ 12 là Hòa thượng Thích Thanh Tuệ, và hiện nay tổ đời thứ mười ba là Hòa thượng Thích Gia Quang. Các vị cao tăng đều có những đóng góp nhất định trong lịch sử truyền thừa tại chùa Liên Phái

2. Cơ sở lý luận về hoạt động từ thiện của Phật giáo

Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn thể hiện được tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu khổ, cứu nạn, và tinh thần nhập thế cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trong Lục độ của nhà Phật thì độ đầu tiên là thực hành bố thí. Có nhiều Phật tử không hiểu từ bố thí trong Đạo Phật, họ quan niệm bố thí là sự ban ơn, không chỉ Phật tử mà nhiều người trong xã hội vẫn hiểu theo nghĩa đó. Hệ thống kinh sách nhà Phật không đề cập đến khái niệm từ thiện mà chỉ đề cập đến khái niệm bố thí. Bố thí được xem là một trong các phẩm hạnh mà người tu hành theo đạo Phật cần tuân theo. Bố thí không chỉ là sự cho, tặng về tiền bạc, của cải theo nghĩa hàm ơn, làm phúc theo cách hiểu thông thường mà còn bao gồm cả những hành động, nỗ lực trợ giúp về mặt tinh thần đối với người nhận, khiến cho đời sống của học có những chuyển biến tích cực (Hoàng Thu Hương, Bùi Phương Thanh, 2016). Như vậy trong đạo Phật, từ thiện có nguồn gốc từ sự bố thí. Với những người theo đạo Phật, sự tham gia các hoạt động từ thiện chính là sự thực hành phẩm hạnh bố thí theo quan niệm của Phật giáo. Đạo pháp nhìn “bố thí” không theo chiều hướng “kẻ cả”, “ban ân” mà theo chiều hướng tâm linh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bao Ton Phat Huy Gia Tri Nhan Van Hoat Dong Tu Thien Chua Lien Phai 1

Theo Phật giáo, con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả (Tứ vô lượng tâm), đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, đưa đến việc định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo là vì chúng sinh, đặc biệt là vì con người. Đức Phật khuyên con người có tinh thần vô ngã, vị tha, hành thiện, yêu thương đồng loại. Hành thiện là bước đầu để đưa con người đến giải thoát. Tư tưởng trung tâm của Phật giáo là làm điều thiện, tránh làm điều ác. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, thường xuyên bị chiến tranh tàn phá. Do vậy, đời sống con người phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thường xuyên gồng mình chống chọi với sự tàn phá của thiên tai, sự xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang. Nên khi vào Việt Nam, tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo nhanh chóng hòa quyện cùng những triết lý sống của người dân: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,…. “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Sự tương đồng này là một trong những cơ sở quan trọng, là cơ duyên để Phật giáo tồn tại, phát triển, đồng hành cùng với dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử. Hoạt động từ thiện không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở đây, chức năng này của tôn giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần, mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất trong hoạt động hành đạo, góp phần trong công tác an sinh xã hội. Phật giáo, một tổ chức xã hội lớn và có uy tín ở Việt Nam, trước nay đã cung cấp cho xã hội một nguồn vốn quan trọng, đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức khác trong các hoạt động từ thiện để hỗ trợ người dân, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội; bởi lẽ không phải tất cả mọi công việc của xã hội, Nhà nước đều có thể đảm đương gánh vác.

Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tham gia tích cực vào công tác từ thiện như không chỉ chữa bệnh về tinh thần, mà còn chữa bệnh về thể xác thể hiện ở việc bốc thuốc không lấy tiền của các nhà sư; làm đường, sửa cầu; dạy học; giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; tham gia chống thiên tai như hạn hán, lũ lụt; thậm chí còn cởi áo cà sa khoác chiến bào, cùng toàn dân ra trận chống quân xâm lược bảo vệ non sông đất nước.

Về mặt lý luận, điểm đặc biệt đáng lưu ý nhất của Phật giáo Việt Nam là đã đưa ra được một con đường mới đi đến giác ngộ bằng hành động thực tiễn hàng ngày của các vị tu hành.

Năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, các tổ chức Phật giáo cũng đã có sự tham gia tích cực đối với với các hoạt động cứu trợ xã hội, từ thiện xã hội. Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II năm 1987, Ban kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội chính thức được thành lập và đến năm 1992, vào kì đại hội lần thứ 3, Ban Từ thiện xã hội mới được tách riêng thành một ban ngành độc lập. Về phía nhà nước cũng ngày càng ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội của cac tôn giáo. Pháp lện tính ngưỡng, tôn giáo (2004) cho phép các tôn giáo được tham gia hoạt động nhân đạo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng ban hành nội quy cụ thể cho Ban từ thiên xã hội. Mục đích của Ban từ thiên xã hội được triển khai ở bốn nội dung. Thứ nhất là triển khia các chương trình hoạt động cảu Ban thường trực Hội đồng Trị sự trong công tác từ thiện xã hội theo tinh thần “Cứu khổ ban vui, vô ngã vị tha” của đạo Phật. Thứ hai là tham mưu và đề xướng các chương trình hoạt động từ thiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban từ thiện xã hội các cấp. Thứ ba là vận động Tăng ni, Phật tử chia sẻ những khó khăn đối với người bất hạnh. Thứ tư là khơi dậy lòng nhân ái của các giới, các ngành, các hoạt động xã hội, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, tạo sự cảm thông xây dựng và phát triển cộng đồng theo tinh thần Đạo Pháp- Dân tộc (theo Văn phòng Giáo hội 2014). Cũng theo nội dung này, Ban từ thiên được phân chia cụ thể thành các phân ban với các lĩnh vực khác nhau. Ban Đông y với nhiệm vụ phát triển hệ thống y tế chẩn đoán, điều trị đông y kết hợp hài hòa với Phật Pháp; Ban Tây y xây dựng và phát triển phòng khám bênh, phát thuốc cho người nghèo, thành lập dưỡng đường cho Tăng ni, Phật tử; Ban Giáo dục tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của ngành, mở lớp học tình thương, xóa mù chữ, gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; Ban Tài chính đối ngoại và quan hệ quốc tế tổ chức các hoạt động vận động tài chính trong và ngoài nước; Ban cứ trợ nhằm cứu giúp nạn nhân trong thiên tai, hoạn nạn; Ban Xã hội thành lập và phát triển các trại chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật…; Ban Huấn nghệ và phát triển cộng đồng.

3. Các hoạt động từ thiện của chùa Liên Phái: gắn đạo với đời

Chùa Liên Phái dưới sự dẫn dắt, trụ trì của Hòa thượng Thích Gia Quang, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động gắn kết xã hội. Trong dịp đầu năm, nhà chùa thường làm lễ dược sư cầu sức khỏe, binh an, giải trừ bệnh tật, tăng duyên phúc lộc thọ cho nhân dân có nhu cầu. Đây chính là một việc từ thiện đầu tiên của một năm mới âm lịch theo giáo lý nhà Phật với chúng sinh. Đối với từ thiện gắn với công tác xã hội đời thường, theo một vị sư ở chùa cho biết, chùa thường làm từ thiện vào những dịp lễ, tết. Chùa đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng tặng quà Tết tới các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn quận vào ngày 9 tháng 1 năm 2022. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng quà gồm 10kg gạo và 400.000 đồng cho đại diện 32 hộ gia đình trong tổng số 80 hộ gia đình khó khăn của quận được nhận quà, phần quà còn lại sẽ được Mặt trận Tổ quốc phường trao trực tiếp đến các hộ gia đình. Tại đây Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ, thời gian qua, các chư tăng, Phật tử của chùa Liên Phái đã có những đóng góp tích cực phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, phát tâm tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những món quà không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn khẳng định truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của người Việt Nam và giáo lý của nhà Phật. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng Vũ Ngọc Hòa cảm ơn Hòa thượng Thích Gia Quang cùng các chư tăng, Phật tử chùa Liên Phái đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận thời gian qua đồng thời, tin tưởng rằng, tiếp tục nhận được sự đồng hành của nhà chùa với các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc.

Bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng các tăng ni, Phật tử chùa Liên Phái, bà Hoàng Thị Thu, tổ dân phố số 9 phường Bách Khoa chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi làm nghề phụ thợ may, chồng thì ốm đau suốt không thể làm việc được, trong khi đang nuôi một cháu học lớp 9. Do dịch bệnh nên công việc không có, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Những phần quà này sẽ giúp các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn có một cái Tết an vui, đầm ấm hơn”.

Hòa thượng Thích Gia Quang trụ trì chùa Liên Phái, đồng thời cũng kiêm nhiệm trụ trì chùa Linh Thông, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ở đây, Ngài cũng đã phát tâm đức, kêu gọi Phật tử kết hợp với xã phát 200 suất quà cho người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cũng trong dịp tháng Chạp, chùa dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng trụ trì cũng đã đi từ thiện các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn,…Mỗi tỉnh sẽ được 1000 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn. Nguồn kinh phí được nhà chùa kêu gọi xã hội hóa, hoặc từ sự đóng góp tâm đức của các Phật tử. Trong mỗi chuyến đi từ thiện đều có sự góp mặt của các Phật tử.

Phật tử là những người đóng một phần không nhỏ trong các hoạt động từ thiện của chùa. Họ tham gia cũng nhà chủa trong các công việc từ thiện xã hội, nấu cơm, nấu cháo cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn cư trú. Cô M, một giáo viên về hưu, tham gia công tác từ thiện ở chùa đã lâu năm. Cô cho biết, từ khi tham gia các hoạt động từ thiện ở chùa, bản thân cô cảm thấy tinh thần thanh thản, sống hoan hỉ, yêu thương mọi người hơn. Cô thường xuyên tham gia vào các hoạt động như đóng gói các suất quà, trao quà từ thiện tại chùa. Phật tử tham gia từ thiện ở đây chủ yếu là nữ giới trung niên và cao niên. Phần lớn họ làm nghề tự do hoặc đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian hơn cho công tác từ thiện tại chùa. Theo phỏng vấn, nhiều Phật tử cho rằng từ thiện là sự tự nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn. Quan niệm về từ thiện của đa số Phật tử không có sự khác biệt so với quan niệm của đa số người dân về từ thiện, mới dừng lại ở cách hiểu về sự trợ giúp trước mắt, chưa đi vào bề sâu của triết lý Phật giáo. Điều này cần được các vị Hòa thượng, cao tăng giảng giải thêm để Phật tử có thể hành thiện sâu hơn theo đúng tinh thần Phật pháp.

Ở chùa Liên Phái còn có Phòng khám chữa bệnh từ thiện bằng y học cổ tuyển. Trên biển hiệu ghi gười phụ trách chuyên môn là lương y Trần Cường. Phòng khám đặt tại chùa Liên Phái dưới sự điều hành của Quận Ủy, UBND Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân quận Hai Bà Trưng. Giờ hoạt động của phòng khám là từ 13h30 đến 17h30 các ngày thứ 2,4,6 và chủ nhật hàng tuần. Phòng khám trong phạm vi chuyên môn là khám chữa bệnh bằng đông y (dùng thuốc và không dùng thuốc). Phòng khám phát huy vai trò của Phật giáo trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với tôn chỉ “Từ bi trong hành động”, phòng khám đông y chùa Liên Phái phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng gồm: các Tăng, Ni, phật tử xa gần, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các thương bệnh binh, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi và những đối tượng khác có nhu cầu, nên đã đáp ứng được yêu cầu xã hội hóa trong công tác y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân phù hợp với chủ trương của Giáo hội Phật giáo tham gia công tác xã hội từ thiện, với tấm lòng từ bi, phù hợp với chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Phòng khám đông y từ thiện chùa Liên Phái đã góp phần cùng với quận Hai Bà Trưng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như quá trình từng bước thực hiện xã hội hóa Y tế của quận. Với tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” của Phật tổ, những hoạt động “ích đời, lợi đạo” của Phật giáo chùa Liên Phái đã tạo được niềm tin tưởng, nể trọng của cấp ủy, chính quyền; lòng thành kính, phát thiện tâm của đông đảo nhân dân, phật tử đối với đạo Phật, trong đó có vai trò hạt nhân quan trọng của các chư tôn đức giáo phẩm của chùa Liên Phái.

4. Kết luận

Các hoạt động từ thiện của chùa Liên Phái dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thích Gia Quang cùng các tăng ni, Phật tử là sự kế thừa những giá trị nhân văn tốt đẹp của đạo Phật. Chính vì những hoạt động có ý nghĩa với xã hội như vậy, nên đích thân Hòa thượng Thích Gia Quang đã nhận được rất nhiều bằng khen của các đơn vị, tổ chức trao tặng. Hoạt động từ thiện là thể hiện sự hòa quện giữa đời và Đạo. Bố thí – từ thiện không chỉ là vật chất tiền bạc mà cần cả sự dẫn dắt về tâm tưởng, tinh thần giúp người khác thoát khỏi khổ đau phiền não một cách triệt để. Giúp đỡ con người từ vật chất đơn thuần để chăm sóc thân xác thịt, chăm sóc thân xã hội với những nhận thức đúng đắn đến chăm sóc thân tâm lý – bớt sợ hãi…. đạt tới trạng thái tâm linh an lạc hay tâm linh cao siêu. Phật giáo với nền tảng là lòng thương yêu, từ bi và giúp đỡ người khác đã thể hiện rõ tinh thần nhập thế góp phần xây dựng, phát triển an sinh xã hội cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Đúng như lời Hồ Chủ Tịch đã nhận định “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.

TS.Lê Việt Liên
Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***
Tài liệu tham khảo:
1. TT. Thích Gia Quang, GS. Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái-Danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
2. Thu Giang – Nguyễn Duy Cần (2017), Phật học tinh hoa, Nxb Trẻ, Hà Nội
3. Lê Cung chủ biên (2018), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945-1975), Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
4. Lama Surya Das (2010), Đánh thức tâm Phật, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
5. Thích Nhất Hạnh (2022), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nộih
6. Thích Nhất Hạnh (2017), Đạo Phật ngày nay, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội
7. Hoàng Thị Thu Hương, Bùi Phương Thanh (2016), “ Tâm thế tham gia hoạt động từ thiện của Phật tử Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 389
8. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
9. Walpola Rahula (2011), Những điều đức Phật đã dạy, Lê Kim Kha dịch, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường