Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Phật giáo Trúc Lâm) do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã trải qua hơn 700 năm xây dựng và phát triển với tinh thần “Hòa quang đồng trần” và tinh thần “Cư Trần Lạc Đạo” đã luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ nét qua các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ, trao truyền lại hôm nay. Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động “lợi đạo ích đời” của những người con đất Việt, đã hội tụ và lan tỏa vào dòng chảy văn hóa của nhân loại. Sớm xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa nói chung, di sản Phật giáo Trúc Lâm nói riêng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngay từ khi mới thành lập nước, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam”. Từ đó đến nay, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; đồng thời ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Có thể khẳng định, là một thành tố quan trọng trong chỉnh thể di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm (VHPGTL) là di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể gồm toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc đã được sáng tạo, lưu giữ, truyền lại từ triều đại Nhà Trần (thế kỷ XIII) qua nhiều thế hệ đến ngày nay(1); bao gồm di sản văn hóa vật thể như: Chùa, thiền viện, tĩnh, am, các pho tượng, di vật…và di sản văn hóa phi vật thể như: Các lễ hội, diễn xướng, giáo lý, phương pháp tu tập của Phật giáo Trúc Lâm…và di sản tự nhiên. Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XIII, Vua Trần Nhân Tông, vị minh quân của dân tộc ta sau khi làm tròn trách nhiệm với đất nước, Ngài quyết chí xuất gia lên Yên Tử tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, từ đây dòng thiền Việt Nam chính thức được khai mở và phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Trúc Lâm đã dễ dàng thâm nhập vào đời sống xã hội, trở thành tôn giáo vừa gánh vác việc đời vừa hoàn thành tốt chức năng với đạo và chúng sinh. Phật giáo Trúc Lâm giáo dục và khuyến khích con người hướng thiện bằng cứu nhân độ thế, trọng nghĩa tình, xem thường danh lợi, biết cách kiềm chế mình, biết xây dựng cuộc sống hạnh phúc; sống bao dung, hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng phẩm chất và trí tuệ sáng tạo, đề cao nhân tố con người. Phật giáo nhập thế không phải vì danh lợi hay giáo quyền, mà là vì lợi ích chung của quốc gia và hạnh phúc của nhân dân, làm cho con người được sống trong hòa bình, an lạc. Người tu hành sống vì đời, hòa nhập với đời nhưng vẫn có thể giác ngộ được Niết bàn. Chính di sản văn hóa quý giá đó đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh Đại Việt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng giặc, xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng mạnh mà không có thế lực nào ngăn cản được. Khi nói đến Phật giáo Trúc Lâm là nói đến những ngôi chùa cổ kính như Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Hoa Yên và hệ thống các trường đào tạo quy củ như Yên Tử, Quỳnh Lâm, Thanh Mai… và hệ thống kinh, sách, mộc bản cổ. Trong đó, Mộc bản Kinh Phật Trúc Lâm (chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang) là mộc bản gốc duy nhất của Phật giáo Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được. Với giá trị văn hóa vô giá của Mộc bản, ngày 16/05/2012, tại hội nghị của Ủy ban UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận là Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm còn được thể hiện rõ nét trong không gian truyền thống của ngôi chùa, thiền viện; từng bộ phận kiến trúc, từng hiện vật, đồ thờ tự đều là những tác phẩm đạt tới đỉnh cao của giá trị nghệ thuật. Ngôi chùa cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt Phật giáo như: Đại lễ Phật Đản, Lễ cúng Phật, bái Tổ, Lễ khai ấn, Đại lễ Vu lan, lễ cầu an, chạy đàn cầu mưa… và những nghi thức tôn giáo mang đặc trưng của Thiền phái. Di sản VHPGTL là minh chứng sống động cho khả năng tồn tại và phát triển của nền văn hóa dân tộc ta, trở thành "Tâm thức Trúc Lâm" trong lòng mỗi người thuộc mọi thế hệ bất chấp thời gian và thăng trầm lịch sử(2). Ngày nay, hệ thống thiền viện Trúc Lâm đã được xây dựng và phát triển nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Ý... cho thấy sức sống mãnh liệt của Thiền phái khi đã đạt tới đỉnh cao giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập vào đời sống tinh thần của nhân loại. Thông qua hệ thống di sản VHPGTL, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về các phương thức "yên lòng người, khoan sức dân, khơi dậy truyền thống, dùng tín ngưỡng làm đòn bẩy nâng cao tinh thần tự lực tự cường của toàn dân"(3). Giá trị vô giá của di sản VHPGTL không chỉ là tinh hoa Phật giáo Việt Nam, mà còn là tinh hoa văn hóa của cả dân tộc và nhân loại. Chính vì lẽ đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPGTL vừa là quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả của toàn xã hội và các tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo nói chung và di sản VHPGTL nói riêng, nhằm làm sống dậy tiềm lực nội sinh mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Nghị quyết T.Ư Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) đã khẳng định: "Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng việc bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể". Thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác này. Nhiều di tích chùa, thiền viện đã được công nhận, tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới, điển hình như: Khu di tích, danh thắng Yên Tử (Uông Bí), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều)…Đặc biệt với chủ trương phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, sau ngày đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đứng ra vận động xây dựng nhiều thiền viện trong cả nước như: Trúc Lâm Trí Đức (Đồng Nai), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội), Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế)…Ở đó, hoạt động tu tập, tọa thiền được phục hồi và tổ chức nghiêm trang, hình thức giảng đạo cũng như thực hành phật sự tuy giản lược nhưng vẫn sâu sắc và gần gũi với văn hóa Việt Nam. Hội nhập quốc tế là quy luật tất yếu của sự phát triển, do vậy, chúng ta phải chủ động hội nhập để tận dụng cơ hội, thuận lợi mà nó đem lại nhằm phát triển đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản VHPGTL. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều hiện tượng gây bức xúc xã hội liên quan đến công tác này. Đó là tình trạng xâm hại, phá hoại di tích, lấy cắp cổ vật và đồ thờ tự; vai trò định hướng, phân cấp quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhiều nơi còn sơ hở, chồng chéo; việc bảo tồn, tu tạo di sản chưa có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan chức năng; ở một số nơi còn diễn ra tình trạng trùng tu tuỳ tiện, làm sai lệch yếu tố gốc. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thiếu chính sách cụ thể để khuyến khích, kêu gọi rộng rãi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân; thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong điều kiện ngân sách dành cho công tác này còn khiêm tốn. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, bảo tồn không có nghĩa chỉ quan tâm đến quá khứ quên đi hiện tại và tương lai mà trái lại, phải làm tăng thêm và phát triển giá trị di sản VHPGTL một cách bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cần nắm vững bản chất, đặc trưng và đặc điểm lịch sử ra đời của từng di sản mới đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy đúng hướng, giúp cho những giá trị vốn có của chúng được tôn vinh, tỏa sáng. Việc bảo tồn, trùng tu di sản cần vận dụng linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, môi trường và nét đặc thù của các di sản; phải xử lý hài hòa các mối quan hệ tương tác giữa sức ép toàn cầu hóa trong bảo vệ di sản theo hướng vừa tăng cường giao lưu vừa giữ được bản sắc, vừa phải tận dụng được ưu thế để vượt qua tác động tiêu cực của việc hội nhập. Trong đó, yếu tố kế thừa và cách tân, vừa truyền thống vừa hiện đại, nội sinh và ngoại sinh, giao lưu và tiếp biến văn hóa… cần được nhìn nhận, xem xét một cách thấu đáo, toàn diện. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản VHPGTL ở nước ta hiện nay, tác giả xin đưa ra một số giải pháp, kiến nghị như sau: Một là, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam; trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn di sản phải kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường và ngược lại, phát triển phải kết hợp chặt chẽ với bảo tồn. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn, tu tạo, xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Hai là, áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị các di sản VHPGTL như: Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu, ứng dụng hoá chất vào việc bảo quản di sản, sử dụng vật liệu hiện đại trong tu bổ, xây mới các hạng mục trong quần thể di sản; ứng dụng công nghệ 3D trong việc phục dựng không gian di sản; xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá đối với di sản tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân. Ba là, mỗi di sản VHPGTL đều gắn với một địa phương hay một cộng đồng nhất định. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chức sắc, tín đồ và nhân dân ý thức tự giác trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, lòng tự hào đối với di sản VHPGTL; vận động nhân dân học tập, thực hành giá trị tinh thần, đạo đức của Phật giáo Trúc Lâm. Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, tu tạo, quản lý di sản VHPGTL nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật của bạn bè quốc tế; mở rộng cơ hội khai thác tiềm năng đầu tư trong nước và quốc tế trong bảo tồn và phát huy di sản. Có chính sách thu hút rộng rãi sự đóng góp, công đức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm và của toàn xã hội trong công tác này. Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di sản; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm hành vi phá hoại giá trị di sản VHPGTL; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ quản lý, làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản. Sáu là, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Phật giáo Trúc Lâm là di sản thế giới và Phật Hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế nền văn hóa nước ta trên trường quốc tế. Di sản VHPGTL chính là sức mạnh nội sinh quan trọng của dân tộc ta trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc bảo tồn, phát huy di sản VHPGTL cũng chính là góp phần đưa “tâm thế Phật giáo Trúc Lâm” ngày càng thêm tỏa sáng trên toàn thế giới, trở thành dòng chảy văn hóa chính của nhân loại trong thời đại mới. Tác giả: Nguyễn Đức Quỳnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2019 (Số 155) ----------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_s%E1%BA%A3n_v%C4%83n_h%C3%B3a 2. La Văn Sơn, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và văn hóa Việt Nam, Báo Nhân Dân Online số ra ngày 03/03/2008; 3. Đặng Văn Bài, Phật giáo Việt Nam từ góc nhìn di sản văn hóa, Báo VHNT số 1/2006;