Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Bao giờ ông Bụt hiện lên?

Bao giờ ông Bụt hiện lên?

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

Pháp Vương Tử

1.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam rất sớm, trên 2.000 năm trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha – Bậc giác ngộ, được phiên âm, nói trại (tức các âm tiết gần giống nhau) thành Bụt. Danh xưng Bụt được dùng nhiều trong các tích truyện dân gian, trong đó phải kể đến TẤM CÁM, một truyện cổ tích đặc sắc của nước ta nói về lẽ THIỆN – ÁC. Sau này, vào thế kỷ thứ 4 do ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa nên danh từ Bụt được phiên âm theo tiếng Hán, là Phật (Phật đà, Phật đồ). Vì thế ở Việt Nam ta, việc xưng tụng Bậc giác ngộ là Bụt hay Phật cũng đều đúng cả. Và cứ mỗi năm Tết đến xuân về thì xuất hành đầu năm không gì bằng thăm chùa lễ Bụt và đó cũng là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa từ xưa của dân tộc ta. Vào chùa là chúng ta đã được tiếp cận với thế giới quan tỏa ngời đạo đức từ bi của Bụt, là dịp chúng ta giải tỏa tâm linh và hướng thiện – Hướng thiện là một kinh nghiệm về lối sống đầy trí tuệ, là mẫu số chung những ước vọng cao đẹp của nhân loại, mà chỉ những ai biết làm việc thiện mới là người giàu lâu bền, bởi CHÂN LÝ không phải là điều để mang ra tuyên bố một cách ồn ào, hời hợt mà chỉ có thể kinh nghiệm được mà thôi.

Ẩn hiện trong khói hương chùa mông lung huyền ảo là pho tượng Phật mà dân gian ta vẫn thường gọi là Ông Bụt. Ông Bụt dẫu được sơn son thiếp vàng trong ngôi chùa khang trang lộng lẫy hay ông Bụt đất trong gian chùa vẫn còn dột nát đơn sơ thì vẫn là một thôi! Đó là niềm tin son sắt của một cộng đồng vào một cái gì thiêng liêng, siêu việt, một hành vi hướng thiện trong đời sống tâm linh con người, một di sản văn hóa tinh thần của nhân loại từ gần 3.000 năm nay… Ông Bụt đó, Ngài đang oai nghiêm ngồi trên tòa sen, hai tay xếp vào nhau theo Đại-tam-muội ấn. Chúng ta kính lễ Bụt hôm nay, khi mà cả nhân loại trên hành tinh xanh đang phải gồng mình trước một đại dịch chưa từng có với sự xuất hiện của loại virut mới là SARS-COV-2 ở Vũ Hán – Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau đó bùng phát thành đại dịch toàn cầu với hàng trăm nghìn người bỏ mạng mỗi ngày. Tại Ấn Độ quê hương của đức Phật, nơi hình thành giáo pháp từ bi của Ngài, trong tháng 4/2021 được ví như một “Hỏa ngục” bởi đại dịch, và “hỏa ngục” đau thương ấy đã lan nhanh tới tới Indonexia vào trung tuần tháng 7 với số người chết về dịch là… không đếm xuể. Mỹ, Anh và các nước trong EU, châu Phi và Trung Đông, các nước Trung Á và Đông Nam Á – nạn dịch như vết dầu loang.

Không còn nghi ngờ gì, rõ ràng đây là một nạn dịch lịch sử xẩy ra thình lình, như một trận sóng thần giữa trời quang mây tạnh. Thế giới hoảng loạn chưa từng thấy. Xin được nhắc lại lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel “… biến cố này được xem là kinh hoàng nhất kể từ ngày chấm dứt thế chiến thứ hai vào năm 1945”.

Và trong cơn nguy khốn về đại dịch toàn cầu ấy, nhân loại vẫn nhớ về đức Phật. Tại đại lễ VESAK – 2021 (Phật lịch 2565), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, Ngài Antonio Guterres, đã truyền đi thông điệp rằng: “… khi tôn vinh sự kiện Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt của đức Phật. Tất cả chúng ta cùng đồng thời được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Ngài.

Nhân ngày đại lễ Vesak, chúng ta hãy tôn vinh trí tuệ của đức Phật bằng cách hành động vì người khác trên tinh thần từ bi và hòa hợp, cũng như đổi mới cam kết của chúng ta nhằm xây dựng một thế giới hòa bình”.

Tổng thống Mỹ, Ngài Binden cũng phát biểu tôn vinh những lời dạy của đức Phật về giá trị của lòng từ bi, vô ngã và và vị tha nhân đại lễ Vesak. Khi lần đầu tiên đại lễ này được tổ chức tại Nhà Trắng vào ngày 26/5/2021, đánh dấu một thời khắc lịch sử đối với các phật tử trên thế giới và tại Hoa Kỳ.

Rồi tại mỗi quốc gia, đồng hành với chính phủ trong việc chống lại đại dịch Covid-19, các tổ chức Phật giáo trên thế giới đã bắt tay vào hành động.

Một hoạt động tiềm năng có thể kể đến là dự án mang tên Felatten the Curve được giới thiệu bởi một chi nhánh tại Mỹ của tổ chức TỪ TẾ – một tổ chức nhân đạo Phật giáo có trụ sở tại Đài Loan với hơn 10 triệu thành viên và 45 chi nhánh trên toàn cầu. Một tổ chức quy mô nữa phải kể đến là Soka Gakkai (SGI) trụ sở tại Tokyo – Nhật Bản, với khoảng 12 triệu thành viên, tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong một thông điệp ngày 10/4/2021, Chủ tịch của tổ chức SGI là Minoru Harada cho biết: các chi nhánh của tổ chức này tại Ý, Malayxia và Mỹ đang quyên góp khẩu trang và gây quỹ để giúp đỡ các nhân viên y tế tuyến đầu. Cũng vào đầu tháng 4, tổ chức Dhammakya của Thái Lan đã đăng trên Youtube lời kêu gọi khoảng 3 triệu thành viên trên toàn cầu cùng nhau “Thực hành THIỀN để chống lại dịch Covid-19”… với buổi thực hành thiền tập thể vào ngày 22/4, mục tiêu chính là để “Chữa lành thế giới”… Một vấn đề nữa là hỗ trợ cho việc ứng phó với đại dịch là: Thiền – Từ thiện và bảo tồn nghi lễ. Đức Dalai Lama 14 cũng truyền đi các thông điệp của mình về Covid-19 dựa vào nguyên lý Duyên sinh, Vô thường và khổ đau để giải thích cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang đối mặt và khuyên mọi người nên cầu nguyện hàng ngày và việc tụng thần chú TARA. Đây là mối quan tâm chung của các phật tử từ xa xưa, khi các ghi chép về lịch sử của các truyền thống được viết ra, và giờ đây tiếp tục là điều quan trọng đối với hầu hết các phật tử trên toàn thế giới để chữa lành THÂN – TÂM trong đại dịch.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bao gio ong But hien len 1 2

Chư tăng, ni tình nguyện tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Tp.HCM.

Ở nước ta, trong truyền thống nghìn năm, đạo Phật ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc; sự hòa quyện này từng được ví “như nước với sữa” vậy. Tại đại hội thống nhất Phật giáo, tháng 11/1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng: “Trong mỗi người Việt Nam ta đều có một ông Phật”… và khi đại dịch tràn tới nước ta thì đạo Phật ở Việt Nam đã dũng mãnh gióng lên hồi trống Bát nhã trang nghiêm như một thông điệp về sự đoàn kết và phụng sự tha nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết: “Bởi vì tất cả chúng sinh đang bệnh, nên TA cũng bệnh!” – Ấy là lời đức Phật vẫn sáng tỏ tới tận hôm nay. Rồi những trưởng tử của Như Lai một lần nữa lại hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ “Chống dịch như chống giặc” để “Cởi áo Cà sa khoác áo blouse”, kế thừa truyền thống của những người đi trước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bây giờ họ đang là những chiến sỹ cảm tử trong vùng dịch; họ vẫn mang “đầu tròn áo vuông” cùng với tấm lòng từ bi “thương người như thể thương thân”, là bởi, ai cũng hiểu sâu sắc rằng: Đạo Phật từ khởi nguyên đến giờ, không “đề xuất” một sự cứu rỗi nào cả mà chỉ khai mở cho con người hai tia sáng Từ bi – Trí tuệ để tự cứu mình, như người thừa ăn, cho kẻ thiếu ăn một bát cơm thế là con người đã tạo ra hạnh phúc cho con người rồi, thật dễ hiểu và dễ tin. Như thế đủ biết, đạo Phật mầu nhiệm, linh nghiệm mà không có điều gì là… bí mật cả! Khi đại dịch lần thứ 4 tràn vào nước ta, các biện pháp chống dịch rất hiệu quả năm 2020 đã không còn tác dụng bởi sự biến thể của nó; dịch lan như cơn cuồng phong. Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố sôi động và đông dân nhất nước ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội (cũng gọi là phong tỏa) từ 0 giờ ngày 9/7/2021. Nỗi lo lắng phủ trùm lên hàng vạn mảnh đời sống khó khăn, vô gia cư, chạy cơm từng bữa. Số lây nhiễm không ngừng tăng kèm theo là con số tử vong vì dịch. Rồi ít ngày sau, nhiều tỉnh phía Nam được lệnh giãn cách. Thủ đô Hà Nội cũng nhận được “Chỉ thị 16” không mong muốn này: Áp dụng giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 24/7 với 2 đợt liền kề là 30 ngày.

Cả nước cùng Chính phủ chung sức chung lòng chăm lo chống “giặc dịch”, nhiều hoạt động từ thiện tự phát, các nguồn tài trợ chống dịch được động viên tối đa: Từ 10 nghìn đồng cho một tin nhắn của điện thoại di động đến 500 tỷ đồng của một doanh nhân là cựu chiến binh đang ở tuổi gần 80.

Trong tâm thư của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ có nhắc nhở chúng ta trong đại dịch cần “tỉnh giác, đừng vì bất cứ lý do gì mà quên các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh đã được ngành y tế phổ biến”.

Với cái nhìn Duyên khởi, tất cả hiện hữu đều có nguyên nhân và liên đới với nhau, trách nhiệm và kết quả của bất kỳ một công việc nào không chỉ do các nhà lãnh đạo mà còn tùy thuộc vào mỗi người dân. Trong nỗi hiểm nguy của đại dịch, giữ được sự hài hòa lợi mình ích người, những cũng chớ quên tinh thần Phật dạy, đó là hiến tặng sự KHÔNG SỢ HÃY, mà đạo Phật gọi là “Vô úy thí”.

Cầu mong những nỗ lực hành động của chúng ta với tâm Từ bi – Trí tuệ cùng những năng lượng cầu nguyện sẽ sớm được thành tựu.

2.

Liên hệ đến đại dịch Covid-19 hiện nay, tôi chợt nhớ tới kinh CHÂU BÁU, thuộc tiểu bộ kinh. Đây là một trong bản kinh cầu an nổi tiếng trong truyền thống Phật giáo Theravada nói đến việc đức Phật đã hóa giải bệnh dịch thành công ở thành Tý-xá-ly (Vesali), kinh đô xứ Bạt Kỳ (Vaiji) là trung tâm nạn dịch khi ấy.
Rồi tôi bỗng liên tưởng tới truyện Tấm Cám: Cứ mỗi lần bị mẹ con Cám rắp tâm hãm hại, Tấm chỉ còn biết bưng mặt khóc… là mỗi lần Bụt lại hiện lên hỏi: Làm sao con khóc?

Một chút tò mò thành kính chợt lóe trong tôi: Vậy bao giờ Ông Bụt hiện lên?

Dĩ nhiên, chúng ta không thể đi ngược thời gian và càng không thể hóa thân thành cô Tấm để gặp Bụt, để thưa với Bụt hóa giải đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới này được!

Vậy mà Bụt vẫn luôn ở quanh ta đấy! Đó không phải là chuyện hoang đường đâu!

Ta biết rằng đức Phật là Như Lai, có nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu (vô sở tùng lai – diệc vô sở khứ). Bởi ở đâu cũng có thì làm gì có đến và có đi. Đó chính là Pháp thân Phật, Pháp thân là một trong ba thân Phật. Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân (nhục thân). Pháp thân – chỉ có ở Đức Phật, phàm phu chưa thành tự được thân này. Pháp thân, tiếng Phạn là Tỳ-lô-giá-na, dịch là Biến nhất thiết xứ, có nghĩa là, có mặt ở khắp nơi. Pháp thân là một dạng năng lượng giống như sóng điện thoại, radio vậy, đúng tần số là bắt được sóng này. Thế nên Phật pháp mới có câu “Hữu cầu tất ứng” – Tâm chúng sinh nào tương ứng với Phật thì nhận được nặng lượng gia hộ của Ngài – “ngàn sông ngàn nước ngàn trăng hiện/Vạn dặm không mây vạn dặm trời” (Thiên gian hữu thủy thiên gian nguyệt/Vạn ký vô vân vạn lý thiên). Vì sao Pháp thân lại chỉ có ở đức Phật – vì đó là thành tựu, là kết quả của quá trình tu tập, thực hành vô ngã vị tha, quên đi bản thân mình vì chúng sinh, hòa cái riêng của mình vào hoàn cảnh của chúng sinh để thấu hiểu cảm thông họ – như đã dẫn lời đức Phật: “Bởi vì tất cả chúng sinh đang bệnh, nên Ta cũng bệnh”. Khi pháp tu này thành tựu (đắc pháp) thành Phật thì sẽ mất đi khoảng cách giữa Phật và và các Pháp (Năng lễ sở lễ tánh không tịch) – tức, Phật ở trong các Pháp và các Pháp ở trong Phật vậy.

Như thế chúng ta chả đã được “gặp Phật” đó thôi – Ấy là Pháp thân Phật thị hiện trong Kinh Châu Báu. Khi được thỉnh mời tới thành Tỳ xá lỵ để hóa giải bệnh dịch, trước hết đức Phật tìm nguyên nhân chính gây ra tai ách này và xác định do “loài phi nhân” gây ra. Vì thế muốn đẩy lùi, dập dịch thì phải xác định được nguyên nhân chính đã. Vâng, đó là “loài phi nhân” mới có tên là Covid-19. Co là viết tắt của Corona; Vi là vi rút (Virus); D – là bệnh (disease) – và 19, là năm nó được phát hiện (2019). Khi mới xuất hiện nó chính là SARS-COV-2 vào năm 2002. Nó chính là hội chứng hô hấp cấp (gây viên đường hô hấp – phổi) được truyền từ người này sang người khác qua không khí và giọt bắn; nó biến thể liên tục, và bây giờ là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến thể Delta, xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ, lây truyền nhanh theo cấp số nhân, nhưng cách thức lây truyền không đổi. Vì thế, việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách… nghĩa là thực hiện khuyến cáo “5.K” của Bộ Y tế nước ta là biện pháp hiệu quả nhất để CẮT ĐỨT NGUỒN LÂY trong phòng ngừa. Đây là kinh nghiệm mà Bộ Y tế Việt Nam đã sớm tích lũy được. Rồi nội dung khuyến cáo “5K” ấy đã truyền cảm hứng để Việt Nam chúng ta cho ra đời một ca khúc rất hay, giàu trí tuệ là lạc quan, khiến các quốc gia trên thế giới ngưỡng phục.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bao gio ong But hien len 1 1

Chư tăng, ni và tình nguyện viên phục vụ tại các bệnh viện dã chiến Tp.HCM

3.

Điều lưu tâm tiếp theo trong đại dịch được nói tới trong Kinh Châu Báu đó là giáo lý NGHIỆP nhất là Cộng nghiệp. Theo thuyết nghiệp của Phật giáo thì mọi biểu hiện bất lợi như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh đe dọa sự sống của cá nhân và cộng đồng có liên hệ mật thiết tới đạo đức. Khi đạo đức sa sút thì phước báo suy giảm. Khi phước đã cạn thì tại họa phát sinh. Dân thành Tỳ xá ly khi ấy, chịu một lúc ba tai ương. Đó chính là nạn đói hoành hành, nạn ma quỷ, (phi nhân, dạ xoa) quấy phá và bệnh dịch lây lan khiến cho rất nhiều người chết. Theo chú giải dân chúng thành Tỳ Xá Ly lâm vào nạn đói có nguyên nhân sâu xa từ đường lối sai lầm của những người lãnh đạo thuộc bộ tộc Licchavi. Nạn ma quỷ quấy phá do đạo đức dân chúng xuống cấp (không giữ giới hạnh) nên Chư Thiên không ủng hộ, bảo vệ khiến loài phi nhân mặc sức quấy phá gây bệnh đến nỗi người chết tăng lên không kịp chôn cất, tử khí bao trùm – điều ấy khiến chúng ta liên tưởng tới “hỏa ngục” đã hiện hữu tại Ấn Độ trong tháng 4 vừa rồi, và mới đây là Indonexia. Các nước phát triển như Mỹ, Nga, Do Thái… gần như cũng không cản nổi sự lây lan của dịch bệnh ngay cả khi các loại vắc-xin phòng ngừa được cho là hiệu quả nhất được nhanh chóng tiêm phòng.

…Từ triết lý đời sống thu lượm được, quy chiếu về lịch sử mà suy ngẫm luận giải những giá trị trường tồn biến đổi của thế kỷ 20 đã qua mà chợt giật mình. Vâng, chúng ta đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới và cả các cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Sự ra đời của Liên bang Xô Viết sau cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, sự diệt vong của chủ nghĩa phát xít sau thế chiến thứ II (1939 – 1945)… Một thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại đã từng cướp đi sinh mạng của hơn 160 triệu người đã đi qua; rồi những thập niên đầu của thế kỷ 21, dẫu nạn “khủng bố quốc tế” có phần thuyên giảm nhưng các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, lãnh hải lại gia tăng đáng kể, bất chấp cả luật pháp quốc tế mà chính quốc gia đó đã đặt bút ký. Những muốn “phi hạt nhân hóa toàn cầu” nhưng không hủy kho hạt nhân của nước mình. Ai có thể nghĩ rằng, một kiểu như “Nhà nước IS” vẫn có thể xuất hiện trong thế giới hiện đại mà nó… vẫn có người theo. Một sự thật nữa là: mọi phát kiến quan trọng trong thế gian LOÀI NGƯỜI này, với suốt chiều dài lịch sử của nó đều như bắt đầu phục vụ cho sự hủy diệt: cạnh tranh, khống chế, chiến tranh, trên – dưới… chứ không phải vì sự phúc lạc, thái hòa cho nhân loại? Và kể từ khi bùng phát nạn Covid-19 vào cuối năm 2019 đến nay, một số quốc gia, một số các tổ chức quốc tế – trong đó có cả Liên hiệp quốc đã lên tiếng cảnh báo: Đây có phải là một cuộc chiến tranh sinh học? Và nếu vậy thì “loài phi nhân” nào đội lốt con người trong cuộc “hành trình làm người” đã biến thể thành loài Ngạ qủy, Dạ xoa vậy?

Phật pháp hay những giáo huấn không phải là tri thức khó hiểu cần nghiên cứu tỷ mỉ mà nó cần ĐƯỢC SỐNG như trong đại dịch Covid-19 này, một quốc gia được cho là nghèo nhất châu Á là quốc gia Bhutan đã đặt niềm hạnh phúc của người dân lên trên sự thịnh vượng (GDP) từ những năm 1972 đến nay: Để đo mức độ thành công của quốc gia minh, Bhutan đã thay thế tổng sản phẩm quốc nội (tức sự giàu có vật chất) GDP bằng tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) với 4 chỉ số: phát triển bền vững – Giữ gìn giá trị văn hóa – Chăm sóc tốt môi trường và xã hội thanh bình. Ngày 17/4/2021, quốc gia mà niềm hạnh phúc của người dân được đặt lên trên hết đã có hơn 479.000 người được tim chủng vắc-xin Covid-19 mũi thứ nhất chiếm khoảng 60% dân số. Bộ Y tế Bhutan cho biết vào tháng này sẽ có hơn 93% người trưởng thành đủ điều kiện đã nhận được mũi tiêm đầu tiên. Khởi xướng cho chương trình tiêm ngừa văc-xin này do Chư Tăng hệ phái DRUKPA KAGYU và NYINGMA thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa và cũng theo lời Bộ trưởng Y tế Bhutan, Ngài Dash Dechen Wangmo thì: sự thành công trên nhờ thực hiện hiệu quả “sự lãnh đạo và chỉ đạo từ đức Vua”.

Sự thật ấy ở Bhutan đã khiến các quốc gia phát triển như Mỹ, Nga, Anh… và cả thế giới quan tâm.

Những mầu nhiệm của Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Bụt là thế đó. Bụt không chỉ hiện lên từ trong cổ tích đâu, vì thế, bạn đừng hỏi: Bao giờ ông Bụt hiện lên? Ông Bụt đang ở trong ta đó!

Pháp Vương Tử

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường