Trang chủ Chuyên đề Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Cách đây vài năm, trong đầu tôi không bao giờ có khái niệm báo hiếu cho chính cha ruột của mình. Tôi luôn nghĩ tại sao phải báo hiếu cho người không yêu thương mình, không nuôi dạy và chỉ cho mình những điều hay?

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2016 Cuoc thi sang tac cac tac pham ve Dao hieu Con da tung nghi khong bao gio tha thu cho ba 1 1

Tôi sinh ra ở thành phố vào đầu những năm 90. Lúc đó, bố tôi làm ở hợp tác xã. Sau này, khi hợp tác xã giải thể, bố tôi cũng có đi làm vài nơi nhưng sau đó thất nghiệp. Vấn đề cơm áo gạo tiền trong gia đình đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của mẹ tôi.

Bố tôi là người khá vô tâm, nên mọi việc trong gia đình, nếu mẹ không lo thì tôi sẽ là người chủ động làm. Tôi luôn cố gắng để mẹ hài lòng và tự hứa sẽ cố gắng báo hiếu cho mẹ, chỉ mình mẹ mà thôi.

Dù cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng không ít lần tôi cảm thấy tủi thân vì “những ông bố thiên thần” của bạn. Bố của Thương, bạn thân thời cấp 3 của tôi là người rất tuyệt vời. Ông ấy chu đáo hỏi thăm con gái khi nó đi học về, đèo hai đứa tôi đi mua sách hay xin cho bọn tôi vào lớp học thêm của thầy dạy có tiếng trong thành phố… Bố của Vân thì khá hào phóng. Lần nào nó được điểm cao cũng thưởng tiền, ngày lễ tết gì hai mẹ con nó cũng nhận được quà… Tôi rất ngưỡng mộ những ông bố đó!

Nhưng có lẽ, ông bố làm tôi cảm thấy tủi thân nhất là bố của Quỳnh. Năm nhất đại học, chúng tôi về nhà Quỳnh vào dịp Giáng sinh (cả gia đình Quỳnh là người theo đạo Thiên chúa). Trong bữa cơm hôm đó, bố của Quỳnh hỏi han từng người bọn tôi và căn dặn đủ điều, nhắc nhở chúng tôi phải yêu thương con người và giúp đỡ những người mình có duyên gặp gỡ trong cuộc sống. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi được nghe những điều này. Tôi luôn nghĩ, nếu bố không thể cho tôi món quà vật chất thì ít nhất ông cũng chỉ dạy những điều hay lẽ phải này cho tôi thì tốt biết mấy.

Trước đây, vì cảm thấy mình thiệt thòi, bất hạnh nên tôi luôn ghen tị, khó chịu với những ai có hoàn cảnh tốt đẹp, hạnh phúc hơn mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ cuộc sống thật bất công. Tại sao họ được sung sướng, hạnh phúc còn mình thì không?

Tôi tự mặc định mình là đứa trẻ bất hạnh nhất cho đến một ngày tôi gặp Trang. Khi kể về người bố vũ phu của mình, Trang luôn dùng những lời độc địa, oan nghiệt nhất. Không ít lần, cô gái 24 tuổi còn quay clip cảnh bạo lực của bố đẻ để làm bằng chứng tố cáo.

Khi kể cho tôi nghe về những “thủ đoạn” và cách thức để “tống cổ” bố đẻ ra khỏi cuộc đời mình, Trang hả hê lắm. Nhưng trong đôi mắt cô gái ấy, tôi cảm thấy có một khoảng trống và nỗi buồn không thể gọi tên.

Chắc tôi sẽ căm ghét và mong muốn bố đẻ biến mất khỏi cuộc sống của mình nếu như tôi không được gặp Phật Pháp. Biết Đạo có lẽ là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi. Tôi hiểu được tất cả mọi sự việc trên đời đều có Nhân quả, Nghiệp báo. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một nhân duyên thật đặc biệt. Tôi hiểu rằng các bạn Thương, Vân hay Quỳnh kiếp trước đã gieo duyên lành với bố nên kiếp này họ được yêu thương, chiều chuộng. Còn tôi và bố ít duyên hơn nên ông mới vô tâm, hời hợt. Trường hợp của Trang thì là một oan nghiệt nào đó chưa được hoá giải. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều đáng thương hơn là đáng trách. Ở đời này, cha mẹ, vợ chồng, con cái gặp nhau là để trả món nợ tình cảm xưa. Nếu không bình thản, khéo léo, chúng ta sẽ còn phải trả món nợ này nhiều kiếp nữa.

Thường thì tất cả mọi người sẽ không nhận ra mình yêu thương ai đó thật sự cho đến khi ta mất người đó. Ngày nghe tin bố tôi gặp tai nạn, người tôi đã run lên bật bật, nước mắt trào ra. Tôi cảm thấy mình là đứa con bất hiếu, đã lâu rồi kể từ ngày xa nhà đi học tôi không gọi điện hỏi thăm, mỗi lần về cũng chưa mua được cho ông món quà nào. Lúc ấy, những kỷ niệm đẹp giữa tôi và bố chợt hiện về trong ký ức.

Khi còn bé, tôi đã rất thích gối đầu lên tay bố để ngủ, tôi rất vui khi đi học về lại được bố mua kem cho ăn… Trong đầu tôi lúc ấy chỉ mong bố bình an, tai qua nạn khỏi, tôi hiểu mình đã sai và mong có cơ hội chuộc lỗi. May mắn đã mỉm cười với tôi, bố tôi được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch…

Trong cuộc sống, không phải ai cũng may mắn có cơ hội chuộc lỗi như vậy, Đức bạn tôi là một ví dụ. Mẹ của Đức qua đời cách đây 2 năm trước vì bệnh tiểu đường. Khi còn sống, căn bệnh quái ác khiến bác bị mù một mắt và phải cưa một chân. Mọi sinh hoạt hầu như diễn ra trên giường. Bạn tôi ngày đi làm, tối chăm mẹ, nhiều đêm thức trắng vì mẹ phải nhập viện cấp cứu. Tôi thấy Đức mệt mỏi và vất vả lắm nhưng cậu ấy vẫn đầy sức sống, hăng hái và nhiệt tình.

Điều này biến mất khi mẹ Đức qua đời. Bạn tôi không còn phải thức đêm, mệt nhọc như xưa nhưng đôi mắt thì ủ rũ, như người vô hồn. Đức bảo khi mẹ còn sống, dù nằm giường bệnh nhưng cũng có người nói chuyện, chia sẻ buồn vui. Giờ mẹ mất rồi, căn nhà bỗng dưng vắng lạnh, không còn ai hỏi han, tâm sự, bạn tôi buồn lắm. Đức nói chỉ mong mẹ sống thêm vài năm nữa để báo hiếu công sinh thành, nuôi nấng mà cũng không được.

Mỗi mùa Vu Lan, cài lên ngực bông hoa hồng trắng, bạn tôi lại nức nở!

Cha mẹ cũng là con người nên vẫn còn có những sai lầm, khuyết điểm. Phận con cái không nên phán xét, thù hằn mà hãy yêu thương và tha thứ. Nhiều người đã nói rằng, chỉ khi bạn có con, bạn mới biết yêu thương bố mẹ của mình. Vì sao vậy? Vì lúc đó bạn mới hiểu cảm giác chờ mong đứa con lọt lòng, bón cho con từng ly sữa, chén cơm, lo lắng khi con đau, con bệnh… Nếu chưa đền đáp, báo hiếu cho cha mẹ được ngày nào thì cũng đừng giận hờn, trách cứ, thù ghét cha mẹ mình nhé, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa.

“Đừng trách mẹ Đừng trách cha
Đừng trách người ta sao thay lòng đổi dạ
Đừng trách cuộc đời không đủ rộng bao la.
Đừng trách gió mùa xa
Đừng trách lá nơi này sao cứ hoài rớt vội
Đừng trách những con người đã một lần lầm lỗi
Hãy tự trách mình sao không đủ thứ tha”.

Tác giả: Huệ Liễu Chân
Địa chỉ: Số 513 đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn, Tp.Thanh Hóa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường