Trang chủ Hệ phái Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 4

Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 4

Bài kinh có điều đáng lưu ý là sự sống của ba vị Tôn giả luôn luôn giữ hạnh Độc Cư trọn vẹn, nhất là tu tập được cái gì cũng không khoe khoang nói cho người khác biết. Đó là điều cần phải ghi nhớ.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Bài kinh có điều đáng lưu ý là sự sống của ba vị Tôn giả luôn luôn giữ hạnh Độc Cư trọn vẹn, nhất là tu tập được cái gì cũng không khoe khoang nói cho người khác biết. Đó là điều cần phải ghi nhớ.

Tiếp theo: Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 3

Ông A Na Luật Thực Hiện Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo

Trên đây là ba mươi bảy pháp tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết rất thực tế và cụ thể. Cho nên trong thời đức Phật, có nhiều Vương Tử con các nhà quý tộc bỏ gia đình, nhà cửa đi tu theo Phật như:

1- Nhóm Anuruddha (A Na Luật Đà)

2- Nhóm Nandiya

3- Nhóm Kimbila

4- Nhóm Bhagu

5- Nhóm Kundadhana

6- Nhóm Revata

7- Nhóm Ananda

Và còn nhiều nhóm con nhà quý tộc khác nữa. Vì các nhóm Vương Tử này muốn xuất gia tu theo Phật, nên đức Phật bảo: “Này các Vương Tử, các ông vì lòng tin Ta đã xuất gia làm chủ sinh tử, nên các ông mới từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Như vậy các ông có hoan hỷ sống trong Phạm hạnh này không?”.

Ba lần hỏi như vậy, nhưng các nhóm Vương Tử không có nhóm nào dám trả lời. Đức Phật mới suy nghĩ: Ta phải hỏi từng nhóm một, chứ họ không đại diện chung cho các nhóm trả lời. Vì thế, đức Phật gọi tên từng nhóm một mà hỏi: “Này Anuruddha, các Vương Tử có hoan hỷ trong Phạm hạnh này không?”.

Ông A Na Luật thay mặt nhóm của mình mà trả lời Phật: “Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con hoan hỷ sống trong Phạm hạnh”.

Khi nghe Anuruddha trả lời như vậy, đức Phật ca ngợi ý chí tìm cầu sự giải thoát: “Lành thay, lành thay, này nhóm Anuruddha, các Vương Tử thật xứng đáng là những Thiện gia nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống trong Phạm hạnh này, các ông có hoan hỷ sống trong Phạm hạnh này không?

Trong khi các Vương Tử với tuổi trẻ tốt đẹp, trong tuổi thanh xuân, với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, cớ sao lại xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình?”

Các Vương Tử tuổi còn thanh niên, nên đức Phật cẩn thận nhắc đi, nhắc lại vì một lý do gì, có phải vì mệnh lệnh của vua hay vì mệnh lệnh của kẻ trộm cướp, hay vì nợ nần, hay vì sợ hãi, hay vì mất nghề nghiệp sinh sống? Muốn biết rõ những điều này, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật hỏi:

“Này nhóm Anuruddha, các Vương Tử không vì mệnh lệnh của vua mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Hay vì mệnh lệnh của kẻ ăn trộm mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Hay vì nợ nần mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Hay vì sợ hãi mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Hay vì mất nghề sinh sống mà xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời: “Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn”.

Nghe các Vương Tử thuộc nhóm Anuruddha trả lời như vậy, nên đức Phật hỏi tiếp:

“Hay các Vương Tử có những tư tưởng như sau: “Vì bị sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, não áp bức, chi phối, nên các Vương Tử nhóm Anuruddha, chỉ mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này mà đặt trọn lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, có phải vậy không?”

Các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời: “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Đoạn kinh trên đây đức Phật dạy rất rõ: “Chỉ vì SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, mà các Vương Tử con vua, cháu chúa bỏ đi tu, chấp nhận sống không gia đình, không nhà cửa”. Các Vương Tử đều là những người giàu sang phú quý, thế mà họ hiểu được Phật pháp, sẵn sàng buông bỏ tất cả, không hề tiếc hối một điều gì. Đối với đời sống của các Vương Tử, thì đời sống của chúng ta làm sao bằng các Vương Tử này đâu, thế mà chúng ta lại bỏ không được.

Sinh, già, bệnh, chết sẽ không chờ chúng ta đâu, một khi nó đã đến thì không còn cách nào thương lượng, điều đình được. Cho nên ngay từ phút này, phải lo cứu mình ra khỏi biển sinh tử.

Giặc sinh tử đang cai trị đất nước của chúng ta. Chúng ta đang là những người dân bị nô lệ, nếu chúng ta chấp nhận làm người dân nô lệ thì đời đời, kiếp kiếp không bao giờ làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

Nếu chúng ta không đứng lên đòi quyền làm chủ sinh, già, bệnh, chết, thì muôn đời ngàn kiếp của chúng ta chỉ là người dân nô lệ, làm tay sai cho giặc sinh tử mà thôi.

Khi nổi lên chống giặc sinh tử, chúng ta phải có chiến thuật, chiến lược đấu tranh, thì mới mong thắng giặc. Nếu trong tay không có bản đồ chiến thuật, chiến lược, thì chúng ta có nổi lên chống giặc sinh tử thì cũng chỉ hy sinh vô ích mà thôi.

Cho nên trước khi muốn đánh giặc sinh tử, thì chúng ta nên theo một chiến thuật, chiến lược của một người đã chiến thắng giặc sinh tử, nhờ đó nó là một kinh nghiệm sống, hay nói một cách khác là chúng ta có bản đồ chiến lược, chiến thuật.

Muốn có bản đồ tu Phật, thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Và xuất gia như vậy, này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các người Thiện gia nam tử cần phải làm gì?”.

Trước khi thuyết pháp, đức Phật thường hay đặt ra câu hỏi để khiến mọi người chú ý lời dạy của Ngài nhiều hơn.

Cho nên khi xuất gia đi theo Phật giáo tu hành chỉ có từ bỏ gia đình, sống không gia đình là đủ, hay còn phải tu tập những pháp môn nào nữa?

Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình thì tiếp tục tu tập Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp”.

Theo như lời đức Phật dạy trên đây, khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình xong, thì chúng ta phải tiếp tục tu tập ly dục, ly bất thiện pháp. Vậy cách thức ly dục, ly bất thiện pháp như thế nào?

LY DỤC có nghĩa là lìa tất cả lòng ham muốn của chúng ta, hễ trong tâm chúng khởi lên niệm ham muốn nào thì chúng ta nhất định không làm theo, không chạy theo, như vậy gọi là lìa.

LY BẤT THIỆN PHÁP có nghĩa là lìa tất cả các ác pháp làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Người tu theo Phật giáo nhất định thà chết chớ không làm theo những điều ác. Cho nên người tu sĩ Phật giáo thường tĩnh giác sáng suốt nhận ra từng hoàn cảnh, từng đối tượng, từng hành động việc làm, từng ý niệm khởi lên, nếu xét thấy làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì nhất định không làm và còn tránh xa. Đó là ly bất thiện pháp.

Muốn ly dục, ly bất thiện pháp cho có kết quả tốt, thì chúng ta nên SỐNG MỘT MÌNH để phòng hộ sáu căn. Lúc bấy giờ trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta đều lưu ý chú tâm vào chỗ tâm Bất Động. Khi tâm hoàn toàn Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp thì tâm Bất Động. Trong tâm Bất Động có một sự an lạc, nhờ tâm BẤT ĐỘNG AN LẠC đó mà các niệm tham, sân, si, mạn, nghi không khởi ra được. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, khi ly dục, ly bất thiện pháp, nếu không chứng được hỷ lạc hay một trạng thái khác an tịnh hơn, thời dục tham xâm chiếm tâm và an trú, sân xâm chiếm tâm và an trú, hôn trầm thùy miên… trạo cử, hối quá… nghi hoặc… bất lạc… giải đãi xâm chiếm tâm và an trú”.

Quý vị có nghe lời dạy của đức Phật tu tập Ba Mươi Bảy Pháp Vào Đạo không? Khi chúng ta TÁC Ý, đó là một pháp trong Ba Mươi Bảy Pháp Vào Đạo để giữ tâm BẤT ĐỘNG, khi giữ gìn tâm Bất Động thì chúng ta có một sự cảm nhận an lạc trong Tâm Bất Động, nếu chưa có sự an lạc là do chúng ta vận dụng công phu tu tập để không niệm khởi vọng tưởng. Để không niệm khởi vọng tưởng đó là một sự tu tập sai, chịu ảnh hưởng những giáo pháp của ngoại đạo như Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông Tây Tạng, v.v… Tu tập phải để tâm BẤT ĐỘNG TỰ NHIÊN thì mới có an lạc. Chính nhờ sự an lạc đó mà niệm vọng tham, sân, si, mạn, nghi không khởi lên được, cho nên Tâm Bất Động mới kéo dài từ giờ này đến giờ khác; từ ngày này sang ngày khác một cách dễ dàng.

Do tâm Bất Động từ giờ này đến giờ khác, từ ngày này sang ngày khác, nên đức Phật mới hỏi các Vương Tử để phá tâm nghi về TÂM BẤT ĐỘNG của Phật: “Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ông có nghĩ về Ta như thế nào? Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp, có đúng như vậy không?”.

Đó là đức Phật nêu ra những nghi ngờ có thể có của các Vương Tử nhóm Anuruddha, đối với các lậu hoặc Phật chưa diệt sạch.

Chúng ta hãy lắng nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha trả lời: “Bạch Thế Tôn, chúng con không có nghĩ như vậy về Thế Tôn: “Các lậu hoặc nào liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy chưa được Như Lai đoạn trừ. Do vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp”.

Khi nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha không còn nghi ngờ lậu hoặc của đức Phật, nên đức Phật biết chắc đó là lòng tin không gì lay chuyển, nên đức Phật ca ngợi lòng tin ấy, và vạch rõ cho các Vương Tử nhóm Anuruddha hiểu sâu hơn con đường tu tập của Phật giáo: “Lành thay! Lành thay! này các Vương Tử nhóm Anuruddha! Các lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai đã được Như Lai đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la không thể sanh lại; không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như này, các Vương Tử nhóm Anuruddha, cây Ta-la đầu đã bị chặt đứt, không thể lớn lên nữa, cũng vậy, này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các lậu hoặc liên hệ đến phiền não… (như trên)… không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai sau khi suy tư phân tích, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư phân tích, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư phân tích, từ bỏ một pháp; sau khi suy tư phân tích, đoạn trừ một pháp”.

Khi tu tập sống trong tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi đã bị diệt trừ, như cây Ta-la bị chặt đứt ngọn, không thể sống lại được. Một sự xác định rất rõ ràng, mà chính kim khẩu đức Phật nói ra.

Khi tu tập đạt được tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ, thì có một trí tuệ hiểu biết rất đặc biệt, mà người thế gian không thể nào ngờ được. Cho nên trước khi nói ra điều này, đức Phật dè dặt, sợ người thế gian không hiểu, cho mình lường gạt họ: “Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ông nghĩ thế nào? Do thấy mục đích đặc biệt nào, Như Lai giải thích sự tái sanh của các đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng: “Vị này tái sanh ở chỗ này, vị này tái sanh ở chỗ kia”. Các Vương Tử nhóm Anuruddha có lòng tin không?”.

Khi nghe đức Phật hỏi như vậy, các Vương Tử nhóm Anuruddha khẳng định trả lời: “Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa vào Thế Tôn làm căn bản, hướng đến Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các tỳ kheo sẽ y giáo thọ trì”.

Sau khi nghe các Vương Tử nhóm Anuruddha tin tưởng vào đức Phật, không có chút lòng nghi ngờ gì cả, nên đức Phật dạy tiếp: “Này các Vương Tử nhóm Anuruddha, Như Lai không vì mục đích lường gạt quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích lợi lộc, trọng vọng, danh xưng, quyền lợi vật chất, không vì với ý nghĩa: “Như vậy quần chúng sẽ biết ta”, mà Như Lai giải thích sự tái sanh các vị đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, nói rằng: “Vị này tái sanh ở chỗ này hoặc vị này tái sanh ở chỗ kia”. Và này các Vương Tử nhóm Anuruddha, có những Thiện gia nam tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm nghe như thật. Như vậy, này các Vương Tử nhóm Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu đời cho các vị ấy”.

Khi tu tập tâm BẤT ĐỘNG, đó là sự giải thoát cho riêng mình, nhưng trong TÂM BẤT ĐỘNG, nó có một sự hiểu biết ngoài tri kiến của mình. Ở đây, đức Phật nói ra những điều này không phải vì khoe khoang, không phải làm cho người ta kính phục mình, không phải nói ra để được mọi người cúng dường nhiều vật chất, không phải nói ra để mọi người biết đến mình. Ở đây, nói ra để mọi người hiểu trong TÂM BẤT ĐỘNG có nhiều điều siêu việt, mà không thể lấy trí thế gian nghĩ bàn.

Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Ở đây, này các Vương Tử nhóm Anuruddha, các ngươi có nghe: “Tỳ kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế Tôn có tuyên bố về vị này: “Vị ấy an trú chánh trí. Vị tôn giả ấy đã được thấy, hay được nghe: Tôn giả này có giới hạnh như vậy; tôn giả này có trí tuệ như vậy; tôn giả này có an trú như vậy; tôn giả này có giải thoát như vậy. Tỳ kheo khi nhớ đến lòng tin, giới hạnh, đa văn, bố thí và trí tuệ của vị kia, an trú tâm trên như thật”.

Khi chúng ta tu tập, chỉ cần diệt trừ được Năm Hạ Phần Kiết Sử. Năm Hạ Phần Kiết Sử gồm có:

1- Tham kiết sử

2- Sân kiết sử

3- Thân kiến kiết sử (Mạn kiết sử)

4- Giới thủ kiến kiết sử

5- Nghi kiến kiết sử

Đúng như lời đức Phật dạy, diệt NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ, lúc chết liền được hóa sinh vào Niết Bàn, không còn tái sinh làm người nữa: “Như vậy, này các Anuruddha, tỳ kheo có nghe: “Tỳ kheo với tên như thế này đã mệnh chung. Thế tôn có tuyên bố về vị này: “Sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hoá sanh, nhập Niết Bàn tại chỗ ấy, không còn phải trở lui ở đời này nữa”.

Khi còn sống, giữ gìn được tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự tức là tâm Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp. Tâm Ly Dục, Ly Bất Thiện Pháp là Niết Bàn. Cho nên, sống với tâm Bất

Động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự là đã diệt trừ Năm Hạ Phần Kiết Sử, thì chết cũng ở chỗ Bất Động đó, nên gọi là nhập Niết Bàn. Như lời đức Phật đã dạy ở trên.

✿✿✿

CHỨNG ĐẠO MỚI ĐƯỢC DẠY NGƯỜI TU TẬP

Đối với đạo Phật, một người tu tập làm chủ sinh già, bệnh, chết, mới có quyền làm

thầy dạy người khác tu tập. Còn khi tu tập chưa chứng đạo thì không được phép dạy ai tu tập cả, vì dạy như vậy sẽ nói sai, không đúng pháp. Bởi vậy hiện giờ, kinh sách Phật giáo đều do những người tu chưa chứng đạo viết, nên viết sai, không đúng lời Phật dạy, khiến cho người sau không biết đường lối tu tập.

Đức Phật đưa ra một ví dụ, như một người chưa từng biết lõi cây mà không chịu thưa hỏi, tự mình đi vào rừng tìm lõi cây rồi chặt mang về một số cành lá, nhưng trong trí cứ đinh ninh rằng mình đem lõi cây về nhà. Có một người hiểu biết lõi cây mới bảo rằng đây không phải lõi cây, mà đây chỉ là cành lá của cây, nó không dùng được: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Đạo Phật tu hành không phải khó, nhưng khó ở chỗ người dạy tu chưa chứng đạo, vì tu chưa chứng đạo nên dạy tu sai pháp. Người tu chưa chứng đạo cũng giống người chưa biết lõi cây mà đi tìm lõi cây thì làm sao tìm được. Những ví dụ trên đây của đức Phật dạy quá thực tế, rõ ràng và cụ thể, không còn chỗ nào nghi ngờ.

Một người mới nghe được pháp xả tâm ly dục, ly ác pháp bằng pháp như lý tác ý giữ tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ là tuyệt vời, về nhà tập thử thấy có kết quả xả được tâm dục và các ác pháp chút ít, liền gặp ai cũng đem pháp này ra dạy đạo, làm như mình đã chứng đạo. Đó là một điều sai hết sức. Mình tu chưa xong mà đi dạy đạo là một việc làm cấm kỵ nhất trong Phật giáo.

Đạo Phật là đạo vô ngã, thế mà đi dạy đạo lúc tu hành chưa xong thì chỉ có nuôi ngã, làm cho ngã lớn hơn, thì đó là đi ngược lại đạo Phật. Cũng giống như các sư thầy Đại thừa, dạy người cúng dường Tam Bảo sẽ được phước báu lớn. Đây cũng giống như người chặt lấy cành lá mà tưởng là lõi cây. Thật là vô minh mà không biết.

Lần thứ hai, đức Phật lại nhắc nhở muốn tu hành chứng đạo thì chỉ có người tu chứng đạo mới dẫn đắt đi đến chứng đạo, còn những người chưa chứng đạo mà hướng dẫn tu chứng đạo thì cũng giống như người không biết lõi cây mà vào rừng chặt một miếng vỏ cây ngoài, mang về và bảo đó là lõi cây. Người hiểu biết lõi cây bảo rằng đó chỉ là vỏ ngoài cây chớ không phải lõi cây. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt võ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Qua lời dạy trên đây của đức Phật, chúng ta có thể nhận xét và biết rõ các sư thầy dạy người tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết, trong khi chính các sư thầy cũng chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Vì vậy các sư thầy biết pháp gì làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà dạy người tu.

Nhìn những tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ lấy cái học bằng tiến sĩ này, bằng tiến sĩ khác rồi dạy tín đồ tu tập. Các ông sư thầy tiến sĩ này cũng giống như những người đi tìm lõi cây mà chẳng biết lõi cây, chặt lấy vỏ cây trong mà cho đó là lõi cây.

Trong kinh sách Phật dạy mọi người phải cân nhắc, khi muốn làm thầy dạy người tu thì phải tu chứng đạo, có nghĩa là làm chủ được bốn sự khổ đau của kiếp người: sinh, già, bệnh, chết.

Người không hiểu biết lõi cây, chặt lấy vỏ trong cây, tưởng là lõi cây mang về, bảo với mọi người là lõi cây. Việc làm đó cũng giống như các sư thầy Đại thừa tu hành chưa chứng đạo, lên tòa thuyết pháp dạy tín đồ lạy sám hối hồng danh chư Phật để tiêu tai giải nạn và được nhiều công đức, nhờ chư Phật gia hộ hoặc dạy niệm Phật cầu vãng sinh để khi chết được sinh về cõi Cực Lạc Tây Phương. Dạy đạo như vậy làm sao người tu hành làm chủ được sinh, già, bệnh, chết.

Một người không biết lõi cây, bỏ lõi, bỏ cành lá, bỏ vỏ ngoài, bỏ vỏ trong của cây, mà chỉ lấy giác cây cho đó là lõi cây, hành động vậy làm sao làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.

Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt lấy giác cây, mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Một lần nữa đức Phật dạy: Người không biết lõi cây mà đi tìm lõi cây, cũng giống như người chưa biết pháp tu mà nghe người ta dạy tu thì liền tu, không cần tư duy suy nghĩ cho chín chắn nên đã tu sai pháp, vì thế mà tu không chứng đạo, uổng công sức và phí một đời tu tập.

Muốn tu chứng đạo thì nên tìm người tu chứng đạo. Người tu chứng đạo sẽ dạy như thế nào thì tu như thế nấy nên sẽ chứng đạo.

Cho nên trong cuộc đời tu hành phải tìm một người tu chứng, nhưng tìm một người tu chứng đạo là khó vô cùng.

Người tu không chứng đạo cũng giống như người không biết lõi cây. Các sư thầy Đại thừa và các Thiền sư Đông Độ không biết phương pháp tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết, mà dạy tín đồ kiến tánh thành Phật hay dạy chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền, biết vọng liền buông của Thiền tông, thì cũng giống như người lấy giác cây mà cho đó là lõi cây. Cho nên đức Phật dạy rất cụ thể: Một người không biết lõi cây, bỏ lõi, bỏ cành lá, bỏ vỏ ngoài, bỏ vỏ trong, chỉ lấy giác cây mà cho đó là lõi cây.

Do biết đời là đau khổ nên mới xuất gia tu hành, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa, chỉ ngày ngày đi xin ăn mà thôi, nhờ đó đời sống không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì, nên mới gọi đó là giải thoát. Chúng ta hãy lắng nghe lời Phật dạy: “Cũng vậy, này Bà-la-môn, ở đây, có người do lòng tin, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Do ta bị trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ, rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”.

Nhưng khi đã xuất gia, làm một tu sĩ thọ giới cụ túc đầy đủ, thì được phật tử cung kính cúng dường; do cung kính cúng dường, nên lợi dưỡng nhiều, vì vậy, vị tu sĩ này chìm đắm trong danh vọng. Do chìm đắm trong danh vọng, vị này không còn lo tu hành gì cả, nên cuộc đời vẫn bị trôi lăn trong vòng sáu nẻo luân hồi khổ đau. Đức Phật biết rõ điều này, nên cảnh giác các vị tu sĩ đã xuất gia thọ cụ túc giới: “Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy, còn các tỳ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người ấy sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.

Người xuất gia chỉ mới được sự cung kính cúng dường mà đã tự mãn, thì cũng giống như người tìm lõi cây mới chặt được cành lá mà hân hoan cho mình đã được lõi cây, thì đó là tự giết mình trên đường tu tập, vì con đường tu còn dài, chừng nào tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết xong thì mới không còn tu tập nữa.

“Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, mà hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Giới đức. Vì thành tựu Giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Vì thành tựu Giới đức này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta trì giới, theo thiện pháp. Các tỳ-kheo khác phá giới, theo ác pháp”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt lấy vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.

Người tu sĩ mới giữ được Giới luật nghiêm chỉnh mà đã tự mãn, thì cũng giống như người đi tìm lõi cây, chỉ lấy vỏ ngoài cây mà cho là lõi cây thì thật là vô minh. Giữ giới nghiêm túc đâu phải là cứu cánh ở đây.

Mỗi chặng đường tu tập, đức Phật thường cảnh giác để chúng ta lưu ý mà không bị dính mắc. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp:

“Vì thành tựu Giới đức này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu Giới đức này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Thiền định. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu Thiền định này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta có Thiền định, nhất tâm. Các tỳ-kheo khác không có Thiền định, tâm bị phân tán”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong cây, lấy vỏ trong mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.

Người tu sĩ mới đạt được nhiếp tâm Bất Động một hai giờ mà đã tự mãn, cho mình hơn người, không ai bằng mình, đi ra khoe khoang nói với người này, người khác ta đã Bất Động Tâm, người tu hành như vậy thì cũng giống như người đi tìm lõi cây, chỉ lấy vỏ trong cây mà đã hân hoan la lối cho là lõi cây. Thật là ngu si, mê mờ không sáng suốt. Thấy được điều này, đức Phật đã cảnh giác như lời dạy trên đây.

“Vị ấy thành tựu Thiền định. Vì thành tựu Thiền định này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự thành tựu Thiền định. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu Tri kiến. Vị ấy, do Tri kiến này, hoan hỷ tự mãn. Vị ấy, do Tri kiến này, khen mình, chê người: “Ta sống, thấy và biết. Các tỳ-kheo khác sống không thấy và không biết”. Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động. Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này sẽ không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.

Người tu sĩ mới thành tựu Tri kiến giải thoát mà đã tự mãn, cho mình hơn người, không ai bằng mình, nhưng không ngờ Tri kiến giải thoát của mình chỉ là tưởng giải, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì cũng giống như người đi tìm lõi cây, chỉ lấy giác cây mà đã hân hoan cho là lõi cây. Thật là ngu si, mê mờ không sáng suốt. Thấy được điều này, đức Phật đã cảnh giác như lời dạy trên đây.

“Vị ấy thành tựu Tri kiến. Vị ấy do Tri kiến này hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do Tri kiến này, khen mình, chê người. Vị ấy phát khởi lòng ao ước, cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động.

Và này Bà-la-môn, những pháp gì cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến? Ở đây, này Bà-la-môn, tỳ kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, tỳ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, Tỳ-kheo vượt mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn Tri kiến. Lại nữa, này Bà-la-môn, tỳ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ. Này Bà-la-môn, pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến. Này Bà-la-môn, các pháp này cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến.

Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, lấy và mang đi, và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy”.

Chừng nào người tu sĩ nhập BỐN THIỀN, thực hiện TAM MINH làm chủ sinh, già, bệnh, chết, thì đó mới là lõi cây. Vì thế đức Phật kết luận để

chúng ta thấy rõ con đường tu tập phải qua nhiều chặng đường, nhưng mục đích cuối cùng là TÂM BẤT ĐỘNG. Chỉ có TÂM BẤT ĐỘNG mới làm chủ sinh, già, bệnh, chết, đó mới chính là lõi cây.

“Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu Giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích Tri kiến. Và này Bà-la-môn, TÂM GIẢI THOÁT BẤT ĐỘNG chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”.

Bài thuyết pháp của đức Phật đến đây chấm dứt, nhưng nó xác định cho chúng ta biết các pháp tu tập không ngoài Ba Bảy Phẩm Trợ Đạo. Khi ấy, các vị Bà La Môn được nghe bài pháp này, và đại diện cho tất cả các Bà La Môn khác, Bà La Môn Pingalakoccha tán thán ca ngợi Phật:

“Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Pingalakoccha bạch Thế Tôn:

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh

Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y tỳ kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!”.

Đúng vậy, chỉ có con đường của Phật giáo mới đưa loài người qua biển khổ luân hồi sinh tử. Chúng ta may mắn thay, được sinh lên làm người và gặp được chánh pháp của Phật! Thật là phước báu nhiều đời đã có gieo trồng. Nếu không gieo trồng, làm sao đời này có duyên gặp lại?

Nhân nào quả nấy, trước không gieo trồng với chánh pháp thì kiếp này khó gặp chánh pháp. Phải không quý vị?

✿✿✿

SỐNG ĐỘC CƯ SỐNG MỘT MÌNH

Rừng Núi là nơi yên tịnh cho người tu tập xả tâm ly dục, ly bất thiện pháp. Vậy ai là

người tu sĩ thì tìm nơi này, ngồi kiết già lưng thẳng, giữ tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự.

Độc cư là một đức hạnh phòng hộ sáu căn mà người tu sĩ Phật giáo trong thời nào cũng phải giữ gìn cho tròn đủ. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện của ba vị tôn giả cùng nhập thất tu tập trong khu rừng Sừng Bò đã giữ gìn hạnh độc cư như thế nào?

Một hôm, đức Phật đến thăm ba vị đệ tử của mình đang tu tập trong khu rừng Sừng Bò. Khi đức Phật bước vào khu rừng Sừng Bò, thì người giữ rừng ra ngăn cản, thấy Thế Tôn từ xa đi đến, liền bạch Thế Tôn:

“Bạch Sa-môn, chớ có vào khu vườn này. Có ba Thiện nam tử đang trú tại đây, họ giữ hạnh Độc Cư miên mật tu hành. Ngài chớ có phiền nhiễu các vị ấy”.

Lúc bấy giờ, ngài A Na Luật nghe thấy thế mới bảo người giữ rừng rằng: Đức Phật là thầy của chúng tôi: “Tôn giả Anuruddha nghe người giữ rừng nói chuyện với Thế Tôn như vậy, liền nói với người giữ rừng:

– Này người giữ rừng, chớ có ngăn chặn Thế Tôn. Thế Tôn là bậc Đạo Sư của chúng tôi đã đến thăm”.

Ngài A Na Luật mới đi gọi các bạn đồng tu của mình đến đón đức Phật: “Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Nandiya, Tôn giả Kimbila và nói:

– Chư Tôn giả hãy đến! Chư Tôn giả hãy đến!

Thế Tôn, bậc đạo sư của chúng ta đã đến thăm.

Rồi Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila ra đón Thế Tôn, một người cầm y bát của Thế Tôn; một người sửa soạn chỗ ngồi; một người đặt sẵn nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn, sau khi ngồi, các Tôn giả ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi xuống một bên:”

Khi ngồi xong vào chỗ ngồi, đức Phật liền hỏi A Na Luật sự công phu tu tập của ba vị như thế nào?

“Này các Anuruddha, các ông có được an lành không? Có được sống yên vui không? Đi khất thực có khỏi mệt nhọc không?”.

Câu trên đây, đức Phật hỏi: Này A Na Luật các ông nhiếp tâm có an trú được không? Khi xả ra có thấy yên vui không? Và đi xin ăn có mệt nhọc không?

Khi được hỏi như vậy, ông A Na Luật thay các bạn trả lời: “Bạch Thế Tôn, chúng con được an lành; bạch Thế Tôn, chúng con sống yên vui; bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực khỏi có mệt nhọc”.

Nghe đệ tử của mình trả lời như vậy, đức Phật hỏi tiếp:

“Này các Anuruddha, các ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không?”.

Ông A Na Luật thay hai bạn đồng tu trả lời tiếp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm”.

Khi nghe ông A Na Luật trả lời chung chung như vậy, đức Phật mới hỏi cặn kẽ, để người sau khi đọc đoạn kinh này phải thông suốt, chớ không phải đức Phật không hiểu ý các đệ tử của mình.

“Này các Anuruddha, như thế nào các ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?”.

Ông A Na Luật trả lời Phật, nhưng chính là giải thích cho người đời sau nghe để hiểu biết thế nào là sống ĐỘC CƯ:

“Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con nghe như sau: “Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta! Khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy”.

Rất hạnh phúc khi cùng tu tập với những người quyết tâm tu tập thì luôn luôn giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm và hạnh độc cư trọn vẹn, nên không làm động người khác, nên không nói chuyện, không ngó nhìn người khác, chờ người khác đi khất thực rồi mình mới đi, chớ không đồng thời đi một lượt. Ông A Na Luật trả lời tiếp:

“Bạch Thế Tôn, do vậy, đối với các vị đồng phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng”.

Chúng con sống hòa hợp như nước với sữa, vì chúng con trước mặt cũng như sau lưng đều khởi LÒNG YÊU THƯƠNG bạn đồng tu của mình, vì thế chúng con không có gì tranh cãi gây trở ngại trong sự tu tập của mình và các bạn. Đó là chúng con sống ĐỘC CƯ. Sống cùng ba người ở chung nhau trong một khu rừng, nhưng tưởng chừng như mình sống một mình, vì sống ba người mà không ai nói chuyện với ai. Ông A Na Luật trả lời tiếp theo:

“Bạch Thế Tôn, do vậy, chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này.

Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy.

Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân, nhưng giống như đồng một tâm.

Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm”.

Đúng vậy, sống ĐỘC CƯ là sống biết TÙY THUẬN, sống theo ý của người khác, thì đó là sống hòa hợp như nước với sữa. Sống hòa hợp như nước với sữa là sống với LÒNG YÊU THƯƠNG, chỉ có lòng yêu thương mới sống trọn vẹn với bạn đồng tu. Bởi vậy, muốn sống với lòng yêu thương trọn vẹn, thì không có cách nào khác hơn phải từ bỏ sống theo tâm mình, mà sống theo tâm các bạn. Ý kiến thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG bằng cách bỏ tâm mình, sống theo tâm bạn, tức là tùy thuận tâm bạn mà sống, thì làm sao có xung đột tranh cãi, thì làm sao có chướng ngại pháp, và như vậy mới gọi là SỐNG ĐỘC CƯ.

Rồi tôn giả Nandiya (Nan Đà) cũng nói như tôn giả A Na Luật, kế Tôn giả Kimbila cũng nói như tôn giả A Na Luật.

Tôn giả Nan Đà và tôn giả Kimbila cùng nói như tôn giả A Na Luật, vì thế đức Phật rất tán thán, ca ngợi hạnh ĐỘC CƯ của ba vị tôn giả này và hỏi:

“Lành thay! Lành thay! này Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không?”.

Được đức Phật hỏi vậy, ông A Na Luật thay các bạn trả lời: “Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.

Đức Phật bảo ông hãy giải thích như thế nào là không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?

“Này các Anuruddha, như thế nào, các ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?”.

Ông A Na Luật giải thích lối sống ĐỘC CƯ của ba người cho đức Phật nghe, để có sai chỗ nào thì đức Phật dạy sửa lại cho đúng hạnh độc cư của người tu.

“Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, ai đi vào làng khất thực về trước, thì người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi vào làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa nếu muốn ăn thì ăn, nếu không muốn ăn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng, và người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không, thì người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu ai làm không nổi với sức bàn tay của mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: “Chúng ta hãy lo liệu (nước)”. Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy mà gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả đêm, chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp bằng cách im lặng. Như vậy, bạch Thế Tôn chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.

Sống Độc Cư như ba vị tôn giả này thật là tuyệt vời. Trong cuộc đời tu hành, chúng ta khó thấy ai tu hành sống ĐỘC CƯ được như ba vị tôn giả này. Đời nay tu hành kỳ lạ, tu sĩ hay cư sĩ vào thất tu tập cứ sống ít hôm thì viết thư hỏi Thầy điều này, thế kia, hoặc hỏi xin cái này, cái khác. Tâm họ luôn luôn phóng dật, phá hạnh độc cư mà không biết.

Đức Phật hỏi tiếp, các ông sống độc cư trọn vẹn như vậy, các ông có làm chủ sinh, già, bệnh, chết chưa?

“Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, các ông có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc không?”.

Ông A Na Luật trình bày kết quả sự tu tập của mình trong khi sống trọn vẹn hạnh ĐỘC CƯ như vậy:

“Bạch Thế Tôn, sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, đã lâu lắm rồi cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ, có hỷ, có lạc, có nhất tâm. Như vậy, bạch Thế Tôn, đối với chúng con, là pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; chúng con chứng được và sống thoải mái, an lạc, nhờ chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần”.

Đức Phật khen ngợi các ông tu tập vậy là đúng pháp, các ông có chứng được các pháp khác cao hơn chăng?

“Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc không?”.

Ông A Na Luật trả lời thay cho hai bạn đồng tu: “Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc”.

Nghe xong, đức Phật lại ca ngợi và khen tặng sự tu tập của ba vị tôn giả:

“Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc không?”.

Ông A Na Luật trả lời tiếp:

“Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly hỷ, trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc.”

Nghe xong, đức Phật lại ca ngợi, khen tặng và hỏi tiếp:

“Lành thay! Lành thay! Này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc không?”.

Mỗi lần hỏi, là mỗi lần ông A Na Luật trả lời một cách phân minh rõ ràng:

“Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái an lạc”.

Nghe xong, đức Phật rất hoan hỷ ca ngợi sự siêng năng tu tập của các các vị tôn giả:

“Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc không?”.

Sau khi ông A Na Luật trình bày nhập các định hữu sắc xong, thì đức Phật muốn trắc nghiệm xem các đệ tử của mình có thể nhập được các định vô sắc không? Tức là các loại định tưởng. Một khi đã nhập được các định hữu sắc, thì các định vô sắc đối với các vị như A Na Luật đâu còn khó khăn, vì thế, ông A Na Luật trình bày cách thức nhập KHÔNG VÔ BIÊN XỨ:

“Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn, chúng con vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng; chúng con nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ”.

Kế tiếp, A Na Luật trình bày cách thức nhập

THỨC VÔ BIÊN XỨ:

“Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc… (như trên)… Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ… (như trên)…”.

Kế tiếp, A Na Luật trình bày cách thức nhập VÔ SỞ HỮU XỨ:

“Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ… (như trên)…”.

Kế tiếp, A Na Luật trình bày cách thức nhập

PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ:

“Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.

Kế tiếp, A Na Luật trình bày cách thức nhập DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH:

“Ở đây, lâu nay cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi đã thấy nhờ trí tuệ, các lậu hoặc của chúng con được đoạn trừ”.

Kế tiếp A Na Luật trình bày khi nhập xong các loại tưởng định thì mới thấy trí tuệ vô lậu. Đoạn kinh này chịu ảnh hưởng kinh sách phát triển, cho rằng khi nhập xong Diệt Thọ Tưởng Định thì mới có trí tuệ Vô Lậu. Thật ra, trí tuệ VÔ LẬU xuất hiện khi TÂM BẤT ĐỘNG trên TỨ NIỆM XỨ bảy ngày đêm thì có TỨ THẦN TÚC. Trong TỨ THẦN TÚC có TUỆ NHƯ Ý TÚC. Trong TUỆ NHƯ Ý TÚC có LẬU TẬN MINH. LẬU TẬN

MINH là trí tuệ VÔ LẬU. Cho nên kinh phát triển dạy sai, không đáng tin cậy. Kinh phát triển dạy theo kiến giải, sắp xếp theo thứ lớp từ định hữu sắc đến định vô sắc (định tưởng). Đạo Phật chỉ cần nhập được các định hữu sắc là đã tu tập xong. Còn các loại định tưởng là các loại định của ngoại đạo.

Chúng ta nên nhớ kỹ lại, khi đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc đi tu thì gặp hai vị thầy ngoại đạo dạy đức Phật nhập các loại định tưởng, từ KHÔNG VÔ BIÊN XỨ TƯỞNG đến PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ. Khi nhập xong, đức Phật thấy không làm chủ sinh, già, bệnh, chết, nên Ngài đã ném bỏ như ném chiếc giày rách.

“Chúng tôi không bao giờ nói với Tôn giả Anuruddha như sau: “Chúng tôi là người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”, và nhờ vậy, Tôn giả Anuruddha, trước mặt Thế Tôn, đã nêu rõ (các quả chứng) cho đến sự đoạn trừ các lậu hoặc.

Chư Tôn giả không nói với tôi như sau: “Chúng tôi là người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”, nhưng với tâm của tôi, tôi biết được tâm của các Tôn giả: “Chư Tôn này là người đã chứng và an trú quả này, an trú quả này”.

Bài kinh có điều đáng lưu ý là sự sống của ba vị Tôn giả luôn luôn giữ hạnh Độc Cư trọn vẹn, nhất là tu tập được cái gì cũng không khoe khoang nói cho người khác biết. Đó là điều cần phải ghi nhớ.

Bài kinh này được đem ra đây để mọi người thấu rõ biết cách ứng dụng Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo vào đời sống tu tập của mình, nhất là những gương hạnh sống ĐỘC CƯ và thực hiện các pháp làm chủ sinh, già, bệnh, chết của ba vị Tôn giả một cách thiết thực, cụ thể.

✿✿✿

(còn tiếp)

Trích từ sách: Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – tác giả Trưởng lão Thích Thông Lạc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường