Trang chủ Hệ phái Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 2

Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 2

Khi có Bốn Như Ý Túc thì mới nhập được Tứ Thánh Định, còn chưa có Bốn Như Ý Túc thì không bao giờ nhập Tứ Thánh Định được. Do đó ai nói nhập thiền định bảy tám ngày, hay sáu bảy tháng là nhập thiền định tưởng.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Khi có Bốn Như Ý Túc thì mới nhập được Tứ Thánh Định, còn chưa có Bốn Như Ý Túc thì không bao giờ nhập Tứ Thánh Định được. Do đó ai nói nhập thiền định bảy tám ngày, hay sáu bảy tháng là nhập thiền định tưởng.

Tiếp theo: Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – Phần 1

BÀI PHÁP THỨ BA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Tứ Vô Lượng Tâm gồm có:

1- Từ vô lượng tâm

2- Bi vô lượng tâm

3- Hỷ vô lượng tâm

4- Xả vô lượng tâm

Trên đây là bốn pháp của Tứ Vô Lượng Tâm, pháp thứ ba của Phật giáo trong Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo. Khi tu tập bốn pháp này giúp cho tâm chúng ta mở rộng LÒNG YÊU THƯƠNG đến với muôn loài. Nhờ lòng yêu thương ấy, mà không có một ác pháp nào tác động vào thân tâm chúng ta được, tức là chúng ta biết buông  xả  mọi  ác  pháp  bằng  LÒNG  YÊU THƯƠNG. Cho nên gọi nó là Tứ Vô Lượng Tâm, nghĩa là pháp môn dạy chúng ta mở rộng lòng thương yêu rộng lớn như đất trời.

Tứ Vô Lượng Tâm chỉ có Phật giáo mới có mà thôi, nó còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy cho đến ngày nay. Nếu quý vị không đủ lòng tin, thì hãy tìm ngay kinh tạng Pali do Hòa Thượng Minh Châu dịch.

Bắt đầu tu tập Tứ Vô Lượng Tâm thì nên tu tập tâm từ. Từ Vô Lượng Tâm có nghĩa là lòng yêu thương rộng lớn như đất trời, phủ trùm vạn vật, không chỗ nào là không có LÒNG THƯƠNG YÊU ấy.

Lòng yêu thương ấy không có một vật gì mà không thương yêu, thương yêu từ cây cỏ, đất đá, núi sông; từ không khí, ánh sáng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, ngày, đêm đều thương yêu cả.

TỪ VÔ LƯỢNG TÂM có nghĩa là lòng yêu thương tất cả muôn loài còn đang sống, còn đang hít thở không khí, còn đang hoạt động, rung động theo không gian và thời gian.

Người tu tập lòng Từ Vô Lượng Tâm là người tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác; nhờ có TĨNH GIÁC, nên chúng ta mới thực hiện Từ Vô Lượng Tâm; nhờ có Từ Tâm Vô Lượng, chúng ta mới buông xả tất cả ác pháp một cách dễ dàng.

Khi thực hiện được TỪ TÂM VÔ LƯỢNG, thì đồng thời là BI TÂM VÔ LƯỢNG, HỶ TÂM VÔ LƯỢNG và XẢ TÂM VÔ LƯỢNG cũng xuất hiện một lượt.

Tứ Vô Lượng Tâm tuy nói là bốn pháp, nhưng chỉ tu tập thành tựu một pháp là ba pháp kia đều xuất hiện đủ. Đây gọi là một chùm pháp, chúng ta nên chọn một trong bốn pháp này, pháp nào mà mình ưa thích nhất là pháp đó đúng đặc tính của mình.

Nếu chúng ta có duyên với pháp môn Từ Vô Lượng Tâm thì tu tập rất thích thú, và kết quả tu tập đâu là đạt được ngay liền. Còn nếu chúng ta tu tập mà không có kết quả, tức là chúng ta không có duyên với pháp môn, này thì chúng ta nên thay đổi pháp tu tập. Chúng ta nên chuyển qua tu tập pháp môn NIỆM PHẬT TỨ BẤT HOẠI TỊNH. Niệm Phật Tứ Bất Hoại Tịnh là pháp thứ tư trong ba mươi bảy pháp tu tập của Phật giáo.

Pháp môn Niệm Phật Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn mà người ta lầm tưởng là pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn niệm danh hiệu Phật Di Đà, dùng câu Di Đà ức chế ý thức để tưởng thức xuất hiện hoạt động, nên trong kinh Di Đà dạy: “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền”. Câu này có nghĩa là niệm Phật

Di Đà bảy ngày đêm tâm không loạn thì sẽ thấy cảnh giới Cực Lạc Tây Phương và Thánh chúng. Khi chúng ta ức chế ý thức không hoạt động, thì liền ngay đó tưởng thức hoạt động; khi tưởng thức hoạt động, thì một thế giới ảo xuất hiện như cảnh giới trong giấc chiêm bao.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Tứ Bất Hoại Tịnh gồm có:

1- Niệm Phật

2- Niệm Pháp

3- Niệm Tăng

4- Niệm Giới

Trên đây là bốn pháp Bất Hoại Tịnh, pháp thứ tư của Phật giáo, theo lời dạy của Phật

còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy. Bốn pháp niệm Phật này không giống pháp môn niệm Phật trong kinh sách Đại thừa. Bốn pháp môn niệm Phật này dạy chúng ta sống như Phật, sống như các Pháp, sống như chúng Thánh tăng đệ tử của Phật và sống như Giới luật.

Chữ niệm ở đây không có nghĩa là niệm lầm thầm trong miệng, mà chữ niệm ở đây có nghĩa là bắt chước, làm theo từng hành động cho đúng những oai nghi chánh hạnh của những bậc chân tu.

Trong bốn pháp môn này cũng là một chùm pháp, nếu chúng ta chỉ cần tu một pháp trong bốn pháp này thì cũng thành tựu luôn cả ba pháp kia, vì một pháp là cả bốn pháp.

Ví dụ: Tu tập pháp thứ nhất là NIỆM PHẬT trong pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh, thì cũng giống như tu tập NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG và NIỆM GIỚI. Cho nên tuy nói là bốn pháp, có bốn tên khác nhau, nhưng khi thực hành thì trong bốn pháp này không khác nhau. Niệm Phật cũng giống như Niệm Pháp, Niệm Pháp cũng giống như Niệm Tăng, Niệm Tăng cũng giống như Niệm Giới, vì Phật sống như Pháp, như Giới và như chúng Thánh tăng. Cho nên người sống giống như Phật là người sống không sai Pháp, người sống không sai Pháp là người sống không sai khác chúng Thánh tăng; sống không sai khác chúng Thánh tăng là sống đúng Giới luật.

Muốn tu tập pháp môn Niệm Phật Tứ Bất Hoại Tịnh thì chỉ tu một pháp môn NIỆM PHẬT mà thành tựu bốn pháp: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới.

Khi tu tập Niệm Phật Tứ Bất Hoại Tịnh không hợp với đặc tướng của mình nên thường bị niệm vọng tưởng khởi, hay bị hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không tấn công, thì chúng ta nên thay đổi pháp tu tập. Thay đổi pháp tu tập thì chúng ta tu tập ngay pháp môn TỨ CHÁNH CẦN.

Tuy pháp môn Tứ Chánh Cần có bốn pháp tu tập, nhưng kỳ thực chỉ tu tập một pháp mà thôi.

Dưới đây là pháp môn tu tập Tứ Chánh Cần. Pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp thứ năm trong Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo của Phật giáo.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ NĂM TỨ CHÁNH CẦN

Tứ Chánh Cần gồm có:

1- Ngăn ác pháp

2- Diệt ác pháp

3- Sinh thiện pháp

4- Tăng trưởng thiện pháp

Trên đây là bốn pháp tu tập của pháp môn Tứ Chánh Cần. Pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp môn thứ năm của Phật giáo, theo lời dạy của đức Phật còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy.

Bốn pháp này rất quan trọng trong sự tu tập theo Phật giáo. Đây là một phương pháp giúp cho người tu sĩ Phật giáo hằng ngày sống trong thiện pháp, sống trong tâm BẤT ĐỘNG.

Ai cũng biết mục đích của Phật giáo là sống trong tâm Bất Động. Muốn tâm Bất Động thì hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày phải siêng năng tu tập NGĂN ÁC. Ngăn ác pháp tức là ngăn từng tâm niệm THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI, khi có niệm khởi lên trong tâm thì hãy mau mau dùng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý làm cho niệm đó dừng lại và tan biến mất. Khi niệm đó dừng lại và tan biến mất thì để lại một khoảng thời gian ngắn trong tâm Bất Động rồi có niệm khác khởi lên, khi có niệm khác khởi lên như vậy thì chúng ta lại tác ý ngăn chặn niệm ấy, thì niệm ấy dừng lại và tan biến mất, lúc bấy giờ để lại cho tâm chúng ta Bất Động một khoảng thời gian ngắn nữa.

Hằng ngày chúng ta chỉ cần tu tập một pháp Ngăn Ác, là có đủ ba pháp DIỆT ÁC, SINH THIỆN, TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP. Cho nên tu tập Tứ Chánh Cần không phải tu cả bốn pháp, mà chỉ tu tập một pháp mà thôi.

Khi vào tu tập, chúng ta nên lấy pháp môn đầu tiên của Tứ Chánh Cần mà tu tập, đó là pháp môn NGĂN ÁC.

Ngăn Ác tức là ngăn các niệm khởi, nhưng trong tâm chúng ta có niệm thiện khởi thì chúng ta phải làm sao?

Dù niệm đó thiện, nhưng vì tâm chúng ta chưa ly dục, ly ác pháp hết, nên thiện đó vẫn còn là ác pháp, chớ không phải là thiện pháp thật sự.

Hiện giờ trong tâm chúng ta có một niệm thiện duy nhất, đó là niệm thiện TÂM BẤT ĐỘNG. Cho nên trong pháp môn Tứ Chánh Cần dạy SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN, tức là niệm thiện Tâm Bất Động. Niệm này thì không nên diệt, mà phải tăng trưởng sống cho được với Tâm Bất Động này, còn tất cả niệm thiện khác đều diệt sạch. Nhưng khi tâm khởi ra niệm thì phải mau mau đình chỉ không cho chúng hoạt động, do ngăn các niệm khởi nên tâm sẽ Bất Động.

Tâm sẽ Bất Động là chúng ta đã đạt được mục đích giải thoát của Phật giáo. Vì thế, chúng ta chỉ cần tu một pháp mà thôi, pháp Ngăn Ác là đủ rồi. Cho nên nói tu tập Tứ Chánh Cần, chớ thực ra chỉ có tu tập pháp NGĂN ÁC. Pháp Ngăn Ác là pháp đầu tiên trong bốn pháp của pháp môn Tứ Chánh Cần. Xin quý vị lưu ý trong khi tu tập pháp môn này.

Con đường tu tập theo Phật giáo, nếu không tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần thì không bao giờ tu tập pháp nào có giải thoát cả, vì pháp môn Tứ Chánh Cần rất quan trọng, nó là đệ nhất pháp XẢ TÂM của Phật giáo. Cho nên những ai không tu tập Tứ Chánh Cần, mà tu tập các pháp môn khác là không biết đường lối tu tập của Phật giáo. Không biết đường lối của Phật giáo, mà tu tập thì tu tập sai, làm mất căn bản con đường tu tập của mình.

Pháp môn Tứ Chánh Cần như đội quân tiền phong, luôn luôn đi trước, khai sơn, phá thạch để cho cả một quân đoàn thiện chiến tiến sâu vào căn cứ giặc, nhờ đó nó mới san bằng những căn cứ của giặc để TỨ NIỆM XỨ đến thành lập chánh quyền cai trị.

Cho nên những ai tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ, mà chưa tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần là không biết đường lối tu tập. Tu như vậy là sai, chẳng bao giờ có giải thoát, vì tu lộn ngược pháp, pháp trước ra sau, pháp sau ra trước.

Xin lưu ý quý vị, pháp môn Tứ Chánh Cần bao giờ cũng tu tập trước pháp môn Tứ Niệm Xứ.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ SÁU TỨ NIỆM XỨ

Tứ Niệm Xứ gồm có:

1- Quán thân trên thân

2- Quán thọ trên thọ

3- Quán tâm trên tâm

4- Quán pháp trên pháp

Pháp môn Tứ Niệm Xứ là một pháp môn tu tập để chứng đạo. Pháp môn này là một pháp môn rất quan trọng cho sự chứng đạo, nếu ai không tu tập pháp môn này thì không bao giờ chứng đạo, cho nên chúng ta cần phải thông suốt đường lối tu tập như thế nào đúng và như thế nào sai.

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc quý vị: phải tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN, rồi sau mới tu tập đến pháp môn TỨ NIỆM XỨ, nếu không biết thì đừng tu tập, kẻo có tu tập thì chỉ uổng công mà thôi.

Đừng nghe nói pháp môn Tứ Niệm Xứ mà ham tu cao. Pháp môn Tứ Niệm Xứ dành cho những bậc giới luật nghiêm túc, dành cho những bậc tâm đã BẤT ĐỘNG trước các ác pháp và các cảm thọ, chớ không phải pháp môn này ai muốn tu tập là cũng tu tập được. Nếu quý vị tu tập mà không biết khả năng trình độ của mình thì đó là tu tập sai pháp, xin quý vị cần quan tâm.

Dưới đây là pháp môn Tứ Niệm Xứ, một pháp môn dành cho những người đã tu tập xong NGŨ CĂN, NGỮ LỰC và TỨ CHÁNH CẦN.

Tứ Niệm Xứ là pháp môn thứ sáu của Phật giáo, theo lời dạy của đức Phật còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy. Tứ Niệm Xứ theo BÁT CHÁNH ĐẠO thì nó là CHÁNH NIỆM. Vậy trạng thái Chánh Niệm như thế nào?

Trạng thái Chánh Niệm là một trạng thái tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ, tâm luôn luôn tỉnh giác trên bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Cho nên Tứ Niệm Xứ gọi là TRÊN THÂN QUÁN THÂN. Tuy nói rằng trên thân quán thân, nhưng sự thật là trên THÂN quán cả bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Tuy nói bốn pháp, chớ khi tu tập chỉ có tu tập một pháp TRÊN THÂN QUÁN THÂN mà thôi.

Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn nhiếp tâm Bất Động cuối cùng của Phật giáo, vì chính người tu tập sống được với tâm Bất Động là đã chứng đạo. Ở đây không còn tu pháp môn nào khác nữa. Cho nên pháp môn Tứ Niệm Xứ được xem là pháp môn tu tập cuối cùng của Phật giáo gọi là CHÁNH NIỆM. Nơi đây tất cả năng lực làm chủ thân tâm sẽ được xuất hiện trên mảnh đất BẤT ĐỘNG. BẢY GIÁC CHI cũng xuất hiện đầy đủ trên tâm Bất Động này. Vì thế quý vị đừng vội vàng tu tập Tứ Niệm Xứ mà nên xét lại tâm mình đã Bất Động chưa, nếu tâm BẤT ĐỘNG thì mới tu tập TỨ NIỆM XỨ, còn chưa thì nên trở lại tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ BẢY THẤT GIÁC CHI

Thất Giác Chi gồm có:

1- Niệm Giác Chi

2- Tinh Tấn Giác Chi

3- Khinh An Giác Chi

4- Hỷ Giác Chi

5- Định Giác Chi

6- Xả Giác Chi

7- Trạch pháp Giác Chi

Trên đây là bảy pháp của Thất Giác Chi, pháp thứ bảy của Phật giáo, theo lời dạy

của đức Phật còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy.

Khi chúng ta tu tập tác ý tâm BẤT ĐỘNG, mà chỉ còn có một tâm BẤT ĐỘNG từ giờ này đến giờ khác, mà không có một niệm nào xen vào chỗ tâm BẤT ĐỘNG, là chúng ta đã đạt được NIỆM GIÁC CHI. NIỆM GIÁC CHI tức là tâm BẤT ĐỘNG trên TỨ NIỆM XỨ (trên thân quán thân).

Lúc nào chúng ta cũng thấy siêng năng trong trạng thái thân tâm BẤT ĐỘNG trên TỨ NIỆM XỨ thì đó là TINH TẤN GIÁC CHI xuất hiện. Trên trạng thái TINH TẤN GIÁC CHI xuất hiện tâm BẤT ĐỘNG, AN LẠC, NHẸ NHÀNG thì đó là

KHINH AN GIÁC CHI xuất hiện. Trên trạng thái KHINH AN GIÁC CHI có một niềm vui hoan hỷ thì đó là HỶ GIÁC CHI xuất hiện. Trên trạng thái HỶ GIÁC CHI kéo dài từ ngày này sang ngày khác mà không mất trạng thái này là ĐỊNH GIÁC CHI xuất hiện. Trên trạng thái ĐỊNH GIÁC CHI này kéo dài mãi suốt bảy ngày đêm, không có một niệm nào xen vô, xen ra thì đó là XẢ GIÁC CHI. Khi XẢ GIÁC CHI xuất hiện thì tâm ly dục, ly ác pháp hoàn toàn, lúc bấy giờ tâm không còn ngũ triền cái và bảy kiết sử nữa. Khi NGŨ TRIỀN CÁI và THẤT KIẾT SỬ bị diệt trừ tận gốc thì TRẠCH PHÁP GIÁC CHI xuất hiện. Khi TRẠCH PHÁP GIÁC CHI xuất hiện thì tâm chúng ta đầy đủ TỨ NHƯ Ý TÚC.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ TÁM TỨ NHƯ Ý TÚC

Tứ Như Ý Túc gồm có:

1- Định Như Ý Túc

2- Tinh Tấn Như Ý Túc

3- Tuệ Như Ý Túc

4- Dục Như Ý Túc

Trên đây là bốn pháp của Tứ Như Ý Túc. Pháp môn này là pháp môn thứ tám của Phật giáo, theo lời dạy của đức Phật còn ghi lại trong kinh Nguyên Thủy.

Tổng cộng lại tất cả các pháp tu tập của đạo Phật, là chúng ta có đúng BA MƯƠI BẢY PHÁP MÔN. Ngoài ba mươi bảy pháp môn này, để thực hiện trọn đủ trong chương trình BÁT CHÁNH ĐẠO thì không còn pháp môn nào khác nữa, xin quý vị lưu ý, đừng để giáo pháp ngoại đạo lừa đảo.

Đạo Phật chỉ có ba mươi bảy pháp môn tu tập này mà thôi, nó không còn một pháp môn nào khác nữa. Nếu còn có pháp môn nào ngoài ba mươi bảy pháp pháp môn này thì đó là pháp môn của ngoại đạo.

Bởi vậy Phật giáo có pháp môn riêng của Phật giáo mà ngoại đạo không bao giờ có những pháp môn ấy, cho nên ngoại đạo không thể nào mạo nhận pháp môn của mình là pháp môn của Phật giáo được. Kinh sách Đại thừa và kinh sách Thiền tông muốn mạo nhận những kinh sách này là của Phật thuyết, nhưng không làm sao được, nên Đại thừa và Thiền tông mới nghĩ ra phương cách gạt tín đồ bằng cách dựng lên những trang Thiền sử có 33 vị tổ sư thiền Ấn Độ và Trung Quốc. Kinh sách Đại thừa và Thiền tông làm trái ngược lại với lời di chúc của đức Phật trước khi nhập Niết Bàn: “Này các thầy tỳ kheo, sau khi Ta nhập diệt, các thầy tỳ kheo hãy lấy GIỚI LUẬT và giáo pháp (TỨ NIỆM XỨ) của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc, không nương tựa một điều gì khác, đừng lấy ai làm thầy cả”. Kinh sách phát triển làm sao gạt được, khi kinh sách Nguyên Thủy còn ghi lại lời di chúc đó. Ba mươi bảy pháp môn của Phật còn kia, thì bộ mặt dối trá bị lật tẩy quý vị có thấy không?

Quý vị cũng biết, kinh sách phát triển Đại thừa và kinh sách Tối Thượng thừa của Thiền tông Trung Hoa cố ý mạo nhận là Phật thuyết, nên xếp kinh A Hàm – những lời đức Phật dạy vào hàng Tiểu thừa để lừa đảo mọi người. Nhưng khi đọc kinh Nikaya nguyên gốc của Phật, mới biết Đại thừa và Tối Thượng thừa là kinh sách của Phật giáo Trung Quốc, chịu ảnh Khổng giáo và Lão giáo rất nặng, cho nên kinh sách phát triển và kinh sách Tối Thượng thừa không còn là Phật giáo nguyên thủy.

Kinh sách phát triển và kinh sách Tối Thượng thừa tu hành không bao giờ làm chủ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Cho nên kinh sách này không bao giờ dám đả động đến việc tu tập làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi.

✿✿✿

BÀI PHÁP THỨ CHÍN

Căn Cứ Vào Đâu Mà Biết Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo Là Của Phật Giáo?

Do đâu chúng tôi căn cứ mà biết Ba Mươi Bảy Pháp Môn này là của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng? Do từ các kinh sách Nguyên Thủy, xin quý vị hãy nghiên cứu tạng kinh Nikaya do HT Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang Việt ngữ. Nhất là chúng tôi căn cứ vào bài pháp “THỨC ĂN” trong kinh Nikaya để giải nghĩa rõ ràng. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Cái gì là thức ăn cho Minh Giải Thoát (Tam Minh)? Bảy Giác Chi, cần phải trả lời như vậy”.

Minh Giải Thoát tức là BA MINH:

1- Túc Mạng Minh

2- Thiên Nhãn Minh

3- Lậu Tận Minh

Túc Mạng Minh là một trí tuệ siêu việt của Phật giáo. Ai tu hành có được trí tuệ này thì nhìn về quá khứ biết rõ nhiều đời, nhiều kiếp của mình và của những người khác; biết kiếp trước chúng ta sinh ở nước nào, làng nào, xã nào, huyện nào, tỉnh nào, tên gì họ gì, nghèo giàu đều biết rất rõ. Nhờ trí tuệ này mới biết người chết đây sinh kia, chứ không có linh hồn đi đầu thai xuống địa ngục hay lên thiên đàng; hay sống theo con cháu bốn mươi chín ngày để làm tuần, làm tự rồi mới tái sanh kiếp khác. Đó là sự tưởng tượng của các tôn giáo còn lạc hậu mê tín.

Thiên Nhãn Minh là một trí tuệ thứ hai, nó quan sát không gian vũ trụ không chỗ nào là không thấy. Không có một vật gì trong không gian vũ trụ mà nó bỏ sót, dù vật ấy rất nhỏ như hạt vi trần. Xưa, đức Phật dùng Thiên Nhãn Minh nhìn vào một ly nước và tuyên bố rằng trong ly nước có vô lượng trùng. Thời gian đó ít ai tin, nhưng thời đại khoa học có kính hiển vi và thiên văn kính, họ bảo rằng đức Phật nói không sai.

Lậu Tận Minh là một trí tuệ thứ ba thấu suốt mọi vật, mọi pháp trên thế gian này, không có pháp nào thường còn, toàn là vô thường; không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta, chỉ là theo các duyên hợp mà thành ra vạn vật. Vạn pháp rồi cũng theo các duyên tan mà vạn vật, vạn pháp hoại diệt, chứ không có một đấng Vạn Năng nào sinh thành và cũng không có một đấng Sa Tăng nào diệt vạn vật.

Cho nên, không ai làm khổ mình và mình cũng không làm khổ ai, chỉ có 12 duyên tan hợp mà khổ đau trùng trùng diễn tiếp khổ này đến khổ khác. Do trí tuệ Lậu Tận Minh mà đức Phật thấy con người sống trong lậu hoặc nên chịu đau khổ vô vàn.

Người tu hành muốn có được ba trí tuệ này thì phải thực hiện TÂM BẤT ĐỘNG trên Tứ Niệm Xứ bảy ngày đêm. Khi sống được bảy ngày đêm tâm bất động thì BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI lần lượt xuất hiện.

✿✿✿

THẤT GIÁC CHI

1- Niệm Giác Chi

2- Tinh Tấn Giác Chi

3- Khinh An Giác Chi

4- Hỷ Giác Chi

5- Định Giác Chi

6- Xả Giác Chi

7- Trạch pháp Giác Chi

Khi BẢY GIÁC CHI xuất hiện đầy đủ thì chúng ta có đủ TỨ THẦN TÚC:

1- Tinh Tấn Như Ý Túc

2- Định Như Ý Túc

3- Tuệ Như Ý Túc

4- Dục Như Ý Túc

Khi có Bốn Như Ý Túc thì mới nhập được Tứ Thánh Định, còn chưa có Bốn Như Ý Túc thì không bao giờ nhập Tứ Thánh Định được. Do đó ai nói nhập thiền định bảy tám ngày, hay sáu bảy tháng là nhập thiền định tưởng.

Cho nên khi người nào nói về thiền mà nói không đúng lời dạy của Phật thì biết ngay họ là những người chịu ảnh hưởng pháp thiền của ngoại đạo, còn không là những người nghiên cứu kinh sách rồi nói ra thì chúng ta cũng biết ngay họ là những người sống trong kiến giải tưởng, chớ không biết cách thức nhập thiền định nào cả.

Như đức Phật dạy, khi nào chúng ta tu chứng thì mới dám dạy người tu, còn chưa chứng thì đừng dạy, nếu dạy sẽ đưa người ta vào con đường thiền tưởng như hiện giờ các sư các thầy từ Nam tông đến Bắc tông tu chưa xong mà dạy người tu. Nên thầy trò tu thiền mà vào bệnh viện trị bệnh, thật là xấu hổ vô cùng.

Thiền sư dạy người tu thiền là phải làm chủ bệnh, chớ thiền sư gì mà chết trong bệnh ung thư như thiền sư ni Ayya Khema. Thiền sư đã viết 25 tác phẩm nói về thiền và Phật giáo, nhưng cái chết của thiền sư thì sách của thiền sư không còn giá trị nữa. Vì thiền còn bệnh tật là thiền ngoại đạo.

Nếu người nào tu theo đúng pháp của Phật, TÂM BẤT ĐỘNG trên TỨ NIỆM XỨ như trên đã dạy, thì nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền nên tất cả bệnh đau trên thân đều đuổi ra khỏi thân. Và chính Tứ Thiền là pháp môn làm chủ sự sống chết, có nghĩa hành giả nhập được Tứ Thiền thì tịnh chỉ được hơi thở, nhờ đó muốn sống chết hồi nào thì cũng rất tự tại, chết là chết ngay liền. Thiền định như vậy mới thật sự là thiền định của Phật giáo.

Nhìn lại từ Đông sang Tây biết bao nhiêu là thiền sư. Ông thì bị xe đụng chết, ông thì đi nằm bệnh viện rồi chết, những bệnh của quý vị thiền sư đều thuộc về loại bệnh nan y.

Khi được làm thiền sư dạy đạo thì phật tử dâng cúng những thực phẩm ngon bổ, càng ngon bổ thì càng độc, do đó “thích” ăn ngon bổ nên không có vị nào thoát khỏi những bệnh nan y.

Đạo Phật ly dục, ly bất thiện pháp, thế mà thiền sư còn thích ăn ngon bổ vậy mà cũng xưng là thiền của Phật giáo! Phật giáo làm sao có thứ thiền như vậy được.

Tu hành chưa nhiếp được tâm bao nhiêu mà đi dạy người khác tu, thật là những người đang “háo danh” muốn mình làm thầy thiên hạ. Thật đáng chê trách.

Muốn làm thầy dạy người tu tập thì phải có đủ Bảy Năng Lực Giác Chi, nếu chưa có thì nên im hơi, lặng tiếng để lo tu tập cứu mình ra khỏi biển khổ. Đó là điều duy nhất quý vị nên làm, đừng nghĩ đến ai cả mà hãy nghĩ đến mình.

Muốn tu tập có Bảy Năng Lực Giác Chi thì phải tìm hiểu pháp nào tu tập mà có Bảy Năng Lực Giác Chi, chớ không phải từ trên pháp môn Bảy Giác Chi tu tập mà có Bảy Giác Chi. Quý vị nên nhớ kỹ bài pháp các “THỨC ĂN”. Nếu quý vị không biết pháp nào tu tập có Bảy Năng Lực Giác Chi thì hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Cái gì là thức ăn cho Năng Lực Bảy Giác Chi? Bốn Niệm Xứ, cần phải trả lời như vậy”.

Theo như lời dạy trên đây của đức Phật, thì Bốn Niệm Xứ là pháp môn tu hành sinh ra Bảy Năng Lực Giác Chi. Vậy cách thức tu tập BỐN NIỆM XỨ như thế nào?

✿✿✿

(còn tiếp)

Trích từ sách: Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo – tác giả Trưởng lão Thích Thông Lạc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường