Tín ngưỡng, tôn giáo và tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống con người không nằm ở bản chất của nó mà cốt yếu là được chi phối từ chính văn hóa nhìn nhận, văn hóa thực hành ở chính mỗi cá nhân trong xã hội.
Tác giả: Thích Đồng Niệm
A. DẪN NHẬP
Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia với hơn năm mươi tư dân tộc anh em sinh sống trên khắp mọi miền đất nước. Lẽ dĩ nhiên, chính những bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc đó tạo nên một quốc gia Việt Nam giàu sắc màu về tín ngưỡng và tôn giáo các vùng miền. Tuy nhiên, sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, không những mang đến những mặt tích cực mà vô hình chung luôn chứa đựng trong nó những mặt hạn chế khiến xã hội cần nên nhìn nhận lại.
Như chúng ta đã biết, tín ngưỡng, tôn giáo là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ lâu cùng với xã hội loài người. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, trong từng khu vực cụ thể, tín ngưỡng, tôn giáo có những vai trò và ảnh hưởng khác nhau đối với đời sống xã hội. Sự tồn tại của các tín ngưỡng, tôn giáo và những quan hệ nội tại của các tôn giáo cũng như giữa tôn giáo với đời sống xã hội không bất biến, chúng phát triển, biến động tương ứng với những biến động của đời sống vật chất và nhu cầu tinh thần của con người, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định.
Xưa nay, ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống con người; nguồn gốc, bản chất, chức năng cũng như cơ chế tác động, sự tồn tại, xu hướng vận động, phát triển và vai trò, sự tác động nhiều mặt của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội, luôn là những vấn đề hết sức phức tạp.
B. NỘI DUNG:
1. Những ảnh hưởng tích cực của tôn giáo lên xã hội
Tôn giáo có sự đồng hành lâu dài với con người trong lịch sử, nên có thể xem nó như một phần tài sản văn hóa của nhân loại. Trong quá trình phát triển, lan truyền trên bình điện thế giới, tôn giáo không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin của con người, mà còn có vai trò chuyển tải, hòa nhập văn hóa và văn minh, góp phần duy trì đạo đức xã hội nơi trần thế. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của con người.
Tôn giáo đã đem lại cho cộng đồng xã hội, cho mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc những biểu hiện độc đáo thể hiện trong cách ứng xử, lối sống, phong tục, tập quán, trong các yếu tố văn hóa vật chất cũng như tinh thần.
Điều dễ nhận thấy là, những hệ thống đạo đức của tôn giáo rất khác nhau về niềm tin, rất xa nhau về địa lý vẫn có một mẫu số chung là nội dung khuyến thiện. Điểm mạnh trong truyền thụ đạo đức tôn giáo là, ngoài những điều phù hợp với tình cảm đạo đức của nhân dân, nó được thực hiện thông qua tình cảm tín ngưỡng, niềm tin vào giáo lý. Do đó, tình cảm đạo đức tôn giáo được tín đồ tiếp thu, tạo thành đức tin thiêng liêng bên trong và chi phối hành vi ứng xử của họ trong các quan hệ cộng đồng. Hoạt động hướng thiện của con người được tôn giáo hóa sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nhiệt thành hơn, góp phần làm cho xã hội ngày càng thuần khiết.
Tôn giáo hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề cập đến tình yêu. Tinh thần “từ bi” trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương và bảo vệ sự sống. Đặc biệt, trong quan hệ giữa con người với con người, Phật giáo muốn tình yêu thương ấy phải biến thành hành động “bố thí”, cứu giúp những người đau khổ hoặc “nhẫn nhục” để giữ gìn đoàn kết.
Muốn giải thoát khỏi đau khổ, con người phải tự hoàn thiện đạo đức cá nhân, diệt trừ tham, sân, si, xoá bỏ vô minh, chặt đứt cây “nghiệp” để vượt qua biển khổ luân hồi. Kitô giáo cũng đề cập đến tình yêu: yêu thương bản thân mình, yêu tha nhân và yêu thiên nhiên, trong đó, yêu tha nhân là trọng tâm của quan niệm đạo đức về tình yêu. Những chuẩn mực của đạo đức Kitô giáo giúp con người hoàn thiện đạo đức cá nhân trong quan hệ với cộng đồng. Tình yêu tha nhân ở đây không đơn thuần là tình yêu trong tâm tưởng mà được cụ thể hóa: cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách mặc, chăm sóc người ốm đau, bệnh họan, khuyên can người lầm lỗi…
Tóm lại, tôn giáo mang lại nhiều ích lợi cho con người và xã hội như sau.
- Tôn giáo giúp con người cảm thấy bớt lẽ loi nhỏ bé và bất lực trong cái vũ trụ bao la đáng sợ chung quanh họ.
- Tôn giáo đáp ứng nhu cầu "chinh phục sự chết" cần thiết trong bản năng sinh tồn tự nhiên của con người.
- Tôn giáo cung cấp phương tiện và cơ hội để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người
- Tôn giáo là một phương tiện giúp con người dễ bột phát những thiện tính đã có sẵn tự nhiên trong mỗi người và áp dụng những thiện tính này vào đời sống hàng ngày.
- Tôn giáo cung cấp một phương tiện khá hữu hiệu để truyền bá các tiêu chuẩn đạo đức và gìn giữ con người nằm trong khuôn khổ của các tiêu chuẩn đạo đức.
- Tôn giáo giúp con người đoàn kết mạnh mẽ hơn khi cùng đứng với nhau trong một tập thể dưới một danh nghĩa cao cả chung.
Như vậy, giáo lý tôn giáo chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
2. Những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo lên xã hội
Chúng ta thấy rằng hiện nay có một số tôn giáo mang nhiều tư tưởng tiêu cực. Một khi đã thâm nhập vào ý thức con người (các tín đồ, các giáo dân và quần chúng chịu ảnh hưởng của tôn giáo), nó sẽ làm cho con người lãng quên hiện thực, đặt tất cả tinh thần, tâm tưởng vào thần thánh hư ảo mà họ tin đó là giá trị đích thực. Như vậy, tôn giáo có nhiều lãnh vực tiêu cực về phương diện trí tuệ và tâm linh lẫn xã hội và nhân văn như sau:
- Tôn giáo nào cũng cho rằng chỉ có họ là chính giáo, chỉ có giáo điều của họ là chân lý và tối thượng. Có những tôn giáo cho rằng tất cả tôn giáo khác đều là tà giáo. Sự tranh chấp này đưa đến hiềm khích và chiến tranh liên tục ở mọi tầng lớp trong lịch sử nhân loại. Đã và đang có vô số cuộc thảm sát, giết chóc xảy ra vì lý do trực tiếp liên quan đến tôn giáo.
- Tôn giáo được xây dựng dựa trên sự sợ hãi của con người. Từ đó tôn giáo trở thành một công cụ hữu hiệu của thiểu số cầm quyền dùng để cai trị và kiểm soát quần chúng ở mọi tầng lớp, từ thời xưa cổ cho đến ngay cả chính ngày hôm nay.
- Nhiều tôn giáo khuyến khích con người từ bỏ trí óc lý luận và suy xét để chấp nhập những đức tin huyễn hoặc, vô căn cứ.
- Nhiều tôn giáo khuyến khích con người tráo chuyển trách nhiệm trong quyết định, hành vi và hậu quả của cá nhân họ ra thành trách nhiệm của “Thượng Đế”.
- Nhiều tôn giáo phủ nhận giá trị và khả năng đạo đức cơ bản tự nhiên của con người.
- Nhiều Tôn giáo không biến đổi kịp với sự tiến hóa về mặt khoa học, xã hội lẫn cả về mặt tâm linh của con người do đó trở thành chướng ngại vật trên đường tiến hóa của nhân loại.
- Nhiều tôn giáo tiếp tục gìn giữ và truyền dạy những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức.
- Các tín đồ cực đoan dùng những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức trong tôn giáo họ để làm căn bản và lý do cho các hành động độc ác. Tùy vị thế và khả năng của các thành phần cực đoan này, các hành động độc ác của họ có thể có tai hại rộng lớn, lâu dài và sâu xa đến vô số người vô can khác.
- Bản chất mơ hồ, phức tạp và chuyển đổi không ngừng của tôn giáo làm cho đại đa số tín đồ không thể nhận ra được những bản chất tiêu cực cơ bản và quan trọng của nó. Các tổ chức tôn giáo nếu có nhận ra được các bản chất tiêu cực này đi nữa thì cũng vì quyền lợi riêng mà ém dấu hay không truyền bá chúng đến cho tín đồ.
Về mặt nào đó, có một số tôn giáo đã tạo cho con người thế giới quan và nhân sinh quan sai lệch, làm hạn chế tính tích cực, chủ động và sáng tạo của con người. Đồng thời hướng con người tới khát vọng hạnh phúc, song đó là thứ hạnh phúc hư ảo, hão huyền. Có thể nói, trong điều kiện hiện nay, việc phân tích vai trò của tôn giáo để khẳng định một cách khách quan, khoa học những đóng góp, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong đời sống xã hội là điều cần thiết. Chúng ta hy vọng rằng, những giá trị nhân văn, hướng thiện, những chuẩn mực đạo đức tiến bộ trong tôn giáo sẽ góp phần làm phong phú hệ giá trị đạo đức của dân tộc và hữu ích trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
C. KẾT LUẬN
Cuối cùng thì vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống con người không nằm ở bản chất của nó mà cốt yếu là được chi phối từ chính văn hóa nhìn nhận, văn hóa thực hành ở chính mỗi cá nhân trong xã hội này. Cũng như triết lý nhà Phật luôn lấy con người làm bản thể và việc giải quyết khổ đau do chính con người gây ra làm mục đích giải thoát, sự ảnh hưởng tích cực hay hạn chế của tín ngưỡng,tôn giáo đối với đời sống, thực tiễn nằm ở thái độ đến với tôn giáo cũng chính chúng ta.
Bài viết này một lần nữa tổng hợp cái nhìn về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo một cách tổng thể. Với tâm huyết đưa đến một nhận định sáng suốt, khoa học trong lĩnh vực văn hóa tinh thân của đời sống xã hội con người.
Tác giả: Thích Đồng Niệm ***
Bình luận (0)