Đạo Phật hướng đến sự giác ngộ, giải thoát thông qua sự thực hành “Bát chính đạo”. Tám con đường chân chính thể hiện rõ trong từng vấn đề, trạng thái của cuộc sống, trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và đạo đức con người.
Thích nữ Thông Thành NCS Ngành Triết học Phật giáo K.II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
Phật giáo kiến tạo xã hội bình đẳng, bác ái.
Đức Phật dạy rằng hạnh phúc tối thượng là an lạc, và không thể có hạnh phúc chân thật, nếu không có an lạc. Đạo Phật chủ trương bình đẳng, Phật là đức Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, bình đẳng trước Phật. Với Phật, không có ai là tiểu nhân, không có ai là quân tử, cũng không có quan, không có dân, chia cắt nhau bằng các hàng rào cấp bậc giai cấp một cách cố định, bất di bất dịch. Mọi vai trò chỉ là sự phân công xã hội.
Đức Phật đặt nặng về trách nhiệm đạo đức của một người cai trị sử dụng sức mạch cộng đồng để nâng cao phúc lợi của người dân.
Sử sách Việt Nam ghi lại, khi vua Lê Đại Hành hỏi thiền sư Pháp Thuận: Làm thế nào để cho vận mệnh quốc gia được lâu dài? Thiền sư đáp bằng một bài thơ:
“Quốc tộ như đằng lạc Nam thiên lý thái bình Vô vi cư điện các Xứ xứ tức đao binh”
Dịch:
Vận nước như mây quấn Trời nam mở thái bình Vô vi trên điện các Xứ xứ hết đao binh.
Vận nước như mây cuốn, nghĩa là biết giữ gìn đất nước như thế quấn của dây mây. Dây mây một loại dây dẻo dai nhưng cũng rất dễ đứt khi biết cách để cắt. Nhiều dây mây kết lại thì tạo thành một bó mây vô cùng chắc chắn, khó có thể bẻ gãy được. Nhân dân hướng về vua với một lòng thành kính, vua lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, thương dân như thương con ruột của mình, nỗi khổ của dân cũng là nỗi khổ của mình. Tìm cách hóa giải những xung đột nội bộ, liên kết nhân tâm lại với nhau như mây quấn thành bó lớn thì không có một thế lực nào có thể xô ngã chúng được. Như vậy, đất nước sẽ thái bình, nền độc lập dân tộc sẽ vững bền mãi mãi.
“Vận nước như mây quấn Trời nam mở thái bình”.
Thiền sư Pháp Thuận ngầm nêu lên mẫu người có trí, có đức. Người lãnh đạo phải sở hữu những phẩm chất tài, đức thì đất nước mới thái bình và thịnh trị.
“Vô vi trên điện các Xứ xứ hết đao binh”
Tuy không trả lời trực tiếp cho câu hỏi vận nước ngắn dài của vua Lê Đại Hành, nhưng câu trả lời của thiền sư thể hiện một trực cảm chính trị sắc bén. Sự đoàn kết là sức mạnh của toàn dân mà ngoại xâm khó có thể phá vỡ được. Vận nước ngắn dài nằm ở trong tay dân, nhà lãnh đạo phải biết nắm lấy dân, làm tăng sức mạnh đoàn kết của toàn dân thì vận nước mãi bền lâu.
Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, những triều đại mà lịch sử đã chứng minh, triều đại nào mà các nhà lãnh đạo quy hướng về Tam Bảo, áp dụng lời Phật dạy, ủng hộ Phật pháp thì đất nước đó luôn an bình thịnh trị lâu dài. Những đóng góp của Phật giáo trong việc định hướng chính trị rất ý nghĩa, góp một phần lớn trong công cuộc kiến tạo một xã hội bình đẳng, bác ái.
Phật giáo góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc
Theo chiều dài lịch sử dân tộc, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm, Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, đã có nhiều đóng góp cho văn hóa Việt Nam. Phật giáo tồn tại và phát triển cùng làng xã bằng nhiều hoạt động cụ thể có tổ chức, văn hóa Phật giáo kết hợp với văn hóa tín ngưỡng bản địa, và các sinh hoạt lễ hội dân gian.
Nhà sư và ngôi chùa có vai trò quan trọng trong đời sống dân gian cổ truyền. Ở Bắc Bộ trước đây hầu như làng nào cũng có chùa, ngoài chức năng thờ Phật, ngôi chùa còn là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, thờ thần tiên, thờ các vị tướng có công với dân với nước. Ngôi chùa trở thành một trung tâm văn hóa ở nông thôn, có thể nói văn hóa Phật giáo đã góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc.
Nho giáo về mặt nào đó làm cho tư tưởng văn hoá khô cứng, ở yếu tố này Phật giáo góp phần làm mềm đi cách ứng xử, cách hiểu trong tương tác văn hóa giữa con người với con người, cộng đồng với cộng đồng.
Hội chùa, hội làng là cơ hội để các thành viên của cộng đồng được giải phóng tư duy, tương tác đời sống tâm linh, đời sống tình cảm, hòa cái ta vào văn hóa làng xã, không bị sự cứng nhắc của giáo lý, từ đó đời sống tâm linh được khai phóng một cách bản địa và dân gian hóa.
Theo thời cuộc thịnh suy, giáo lý đạo Phật có thể bị phai mờ phần nào như mọi hiện tượng xã hội và theo quy luật vô thường. Song nét tinh tuý của văn hoá Phật giáo đã được dân tộc hoá và dân gian hóa thì mãi trường tồn.
Phật giáo xây dựng đời sống văn hóa đạo đức
Văn hoá đạo đức là tiêu chuẩn để đánh giá về các giá trị sống của con người và cộng đồng xã hội. Khi con người biết trân quý và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống thì đời sống ngày càng được nâng cao và các tập tục lạc hậu dần được loại bỏ. Đạo đức hay luân lý là một chuẩn mực sống do con người đặt ra, được xã hội thừa nhận. Nói cách khác, đạo đức chính là các mối liên hệ giữa con người với con người trong xã hội. Đạo Phật góp phần thay đổi cục diện xã hội trên phương diện đạo đức. Mong muốn một xã hội thuần lương, con người sống với nhau cần có một tấm lòng chân thành, tình thương, chia sẻ và cảm thông. Dó đó, muốn xã hội được thuần lương thì trước tiên phải giáo dục đạo đức gia đình.
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, mỗi thành viên giữ những vai trò, nhiệm vụ giống và khác nhau, giữa các thành viên có mối quan hệ mật thiết với nhau, sinh hoạt gia đình tuân thủ theo một nền nếp trật tự nhất định. Các mối quan hệ chính trong một gia đình là quan hệ giữa chồng và vợ, giữa ông bà cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau. Ngoài trách nhiệm đối với bản thân, mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm đối với những thành viên khác và có trách nhiệm xây dựng, phát triển cuộc sống chung của gia đình. Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định, bền vững thì xã hội, quốc gia mới hưng thịnh. Vì thế vai trò của mọi cá nhân trong việc nỗ lực xây dựng gia đình vô cùng quan trọng.
Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo có nhiều bộ kinh đề cập đến việc thực hành đạo đức, làm tròn bổn phận xã hội cho hàng phật tử tại gia. Điều này thể hiện rõ tinh thần nhập thế và sự đóng góp của đạo Phật vào sự ổn định xã hội, hướng đến xây dựng một cuộc sống an lạc, hòa bình và mỗi thành viên đều có trách nhiệm với nhau.
Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt là một thông điệp quí báu về đạo đức xã hội của Phật giáo trong việc xây dựng cuộc sống và đời sống xã hội.
Chàng Singālaka được đức Phật khai thị luận lý quan trọng về hai mặt tích cực và tiêu cực của đời sống cũng như các mối tương hệ đúng đắn giữa người với người trong gia đình và xã hội. Đây cũng là “nghệ thuật sống”, mỗi thành viên trong gia đình và xã hội là những người “nghệ sĩ”. Người nghệ sĩ phải thật khéo léo cẩn trọng, kính trọng, tin tưởng, cảm thông, yêu thương, quan tâm chia sẻ, giúp đỡ nhau vì hạnh phúc chung.
Với “ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm sợ hãi” mà tạo ra các “...nghiệp phiền não sát sinh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo”. Để rồi tán gia bại sản do phóng túng, đam mê với các thú vui dục lạc, cờ bạc, ca kỹ, biếng nhác...(1) đó là ác nghiệp, là thú vui tạm bợ của thế gian, chúng ta hãy nhận ra, mau chóng trở về với bản tâm, trở về với chính mình, hãy là con người thuần lương với những đạo đức tốt đẹp.
Bài kinh đã khơi dậy, đánh thức bổn phận của mỗi con người đồng thời nhắc nhở sự tương quan, đồng sự, gắn bó khăng khít của mỗi cá nhân. Sự thành công của chúng ta hôm nay là nhờ sự thành công của cả một tập thể, cả một cộng đồng. Xã hội có được sự bình an là từ nơi đạo đức hành vi của mỗi thành viên trong xã hội ấy. Do đó để thành công trong đời, mỗi người phải có đạo đức, khiêm tốn, nhu hòa, quả cảm, quyết đoán thông tuệ, tự tại, vị tha, bình đẳng, quảng đại...
Đức Phật dạy như sau:
- Với quan hệ cha mẹ: Phàm làm con phải lấy năm điều để kính thuận với cha mẹ. Đó là: Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu thốn, phàm làm điều gì trước phải thưa cho cha mẹ biết, cha mẹ làm điều gì mình phải kính thuận không được chống báng, không trái với việc làm của cha mẹ, không ngăn cản việc lành của cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ cũng phải chăm sóc, quan tâm con cái với năm điều sau đây: Ngăn con không cho nghe, xem và làm điều ác, chỉ dạy cho con điều lành, thương yêu thắm thiết tận xương tủy, thường lấy tâm bình đẳng đối xử với các con, tùy thời mà phân chia tài sản, cung cấp cho con những điều cần dùng. “Này Gia chủ tử, có năm trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Đông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”(2).
- Với quan hệ sư trưởng: Đệ tử kính thuận sư trưởng lại có năm điều, chính là hầu hạ, cung cấp điều cần thiết, cung kính cúng dường, tôn trọng quí mến, thầy dạy bảo điều gì phải kính thuận không chống trái, theo thầy nghe pháp nhớ kĩ không quên. Tương tự, bậc sư trưởng lấy năm điều sau để săn sóc đệ tử: Dạy dỗ có phương pháp, dạy những điều chưa biết, giới thiệu bạn lành cho đệ tử, làm sáng tỏ những gì đệ tử chưa hiểu, đem hết sự hiểu biết của mình truyền dạy không tiếc. “...có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”(3).
- Với quan hệ vợ chồng: Chồng đối với vợ có năm điều căn bản, bao gồm: Lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đĩnh đạc, ăn mặc tùy thời, trang sức hợp thời, giao phó việc nhà. Mặt khác, vợ cũng phải lấy năm điều sau đây để cung kính với chồng: Dậy trước, ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm nhận lãnh ý chồng. “...có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”(4).
- Với quan hệ bạn bè: Bạn bè với nhau, ta hãy trân trọng và giữ gìn, nói lời hòa nhã, san sẻ, có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu. Và bạn bè cũng sẽ bảo vệ chúng ta, sát cánh cùng ta mỗi khi khó khăn, là chỗ nương tựa khi gặp nguy hiểm. “Có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử. Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.”(5)
- Với quan hệ chủ tớ: Chủ đối với tớ có năm điều dạy bảo là tùy khả năng mà sai khiến, tùy thời mà cho ăn uống, tùy thời mà thưởng công lao, khi bệnh thì lo thuốc thang điều trị, để tôi tớ có thì giờ nghỉ ngơi. Mặt khác, tôi tớ phải lấy năm điều sau để phụng sự chủ mình: Dậy sớm, làm việc cẩn thận, của không cho thì không lấy, làm việc có thứ tự, khen ngợi danh đức của chủ. “Có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách, có lòng thương tưởng đối với Thánh chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”(6).
- Về quan hệ với những người đức hạnh: Người tín đồ phải thực hiện năm điều sau đây: Thân làm từ thiện, miệng nói từ thiện, ý nghĩ từ thiện, đúng thời cúng thí, không ngăn cản khi thấy người đến nhà thọ thí. Trái lại, các bậc Sa-môn, Bà-la-môn phải lấy sáu điều sau để dạy bảo tín đồ: Phòng hộ không cho làm ác, chỉ dạy điều lành, dạy giữ tâm lành, làm cho họ nghe điều chưa nghe, điều đã nghe làm cho họ hiểu rõ, mở bày con đường sinh thiện. “Có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la- môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Bà-la-môn, Sa- môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời. Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được thiện nam tử đối xử như phương Trên với năm cách và các vị Sa-môn, Bà- la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”(7).
Sáu mối quan hệ là những giềng mối căn bản xã hội của con người, hướng con người phải có một lối sống đạo đức, nhân văn nhân bản và biết tôn trọng lẫn nhau.
Ở giữa cảnh thác loạn với bao chủ thuyết cực đoan mâu thuẫn, xã hội phân chia đẳng cấp bất công khắc nghiệt, có hạng người được tôn như thần thánh, có hạng người bị coi như thú vật. Với những giáo lý khác nhau vào những trường hợp cụ thể (chiết trung), những điều thái quá cực đoan. Đạo Phật ra đời đã góp phần xây dựng và cải hóa xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ từ cảnh hỗn tạp rối ren, hoang mang không định hướng lấy trung đạo thực tiễn làm chủ đích, “không ép xác khổ hạnh cũng không đam mê khoái lạc” làm con đường tu dưỡng tinh thần.
Giáo lý của đạo Phật là pháp cứu cánh, là phương tiện rốt ráo đưa người thoát khổ đến nơi bình yên. Xây dựng một xã hội ổn định tươi sáng, mọi người có thể nắm tay nhau sống một cuộc sống an lành trên nền tảng đạo lý Từ bi bình đẳng của đức Phật.
Cứu cánh của đạo Phật là nhổ tận gốc rễ khổ đau, thành tựu Niết bàn an lạc. Vì mục tiêu chủ yếu là giác ngộ, giải thoát, cho nên trọng tâm của giáo lý đạo Phật là con đường, là phương pháp tu tập chứng đạt tri kiến thấy biết như thật về bản chất đời sống và cội nguồn an lạc. Nhưng không vì thế mà đạo Phật không có những giáo lý lợi lạc nhân sinh về phương diện đời sống thế tục, tức các vấn đề có liên quan đến xã hội, quốc gia. Đạo Phật tùy duyên bất biến, đối với những chúng sanh căn cơ trình độ không đồng đều, với lòng từ mẫn đức Phật dùng nhiều phương tiện giáo hóa.
Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập cho đến ngày nay, là tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “hộ quốc an dân”. Phật giáo đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, cũng trải qua bao thăng trầm, luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước hùng mạnh thì Phật giáo hưng thịnh, khi tổ quốc lâm nguy, phật tử sẵn sàng tham gia chống giặc góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, phật tử cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống thông qua các hoạt động thể hiện truyền thống yêu nước thương dân, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Vì sao đạo Phật làm được điều đó? Bởi vì Phật giáo là tôn giáo “Từ bi” và “Trí tuệ” hướng nhân loại đến Chân - Thiện - Mỹ. Cho nên “giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn”(8). Trên phương diện tuệ giác, đức Phật đã tìm ra giải pháp tối ưu trong vấn đề độ sinh. Đó là tiến trình tu tập Giới-Định-Tuệ của mỗi người. Khi một cá nhân trở thành người hoàn thiện, người tốt sống lợi ích cho mình cho người thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng. Một người thiện, nhiều người thiện thì cả xã hội đều thiện.
Thích nữ Thông Thành NCS Ngành Triết học Phật giáo K.II, Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Minh Châu (1992), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ-thi-ca-la-việt, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo. 3. Thích Minh Châu dịch (2001), Trung Bộ Kinh III, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo. 4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn Tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1991), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Thích Nguyên Toàn (2013), Tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
CHÚ THÍCH: (1) Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ-thi-ca-la-việt, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo, tr. 622- 623. (2) Sđd, tr. 627- 628. (3) Sđd, tr. 628. (4) Sđd, tr. 628. (5) Sđd, tr. 628-629. (6) Sđd, tr. 629. (7) Sđd, tr. 629. (8) Thích Minh Châu (1992), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 112.
Bình luận (0)