ThS. Nguyễn Đắc Tùng,
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
ThS. Nguyễn Thị Doan,
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
Tóm tắt: Khi đề cập đến sự tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì không thể không nói đến Phật giáo. Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, được truyền bá vào Việt Nam từ khá sớm, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người Việt.
Phật giáo ở nước ta phát triển mạnh trong các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê đặc biệt là thời Lý (1009 - 1225). Đây là thời kỳ hoàng kim trong quá trình phát triển của Phật giáo ở nước ta. Bài viết phân tích về ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt.
Từ khóa: Phật giáo, thời Lý, giáo dục, văn học, phong tục tập quán, người Việt.
Mở đầu
Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, đặc biệt là dưới thời Lý. Sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý có liên quan đến nguyên nhân xây dựng nền văn minh Đại Việt. Sự nghiệp xây dựng nền văn minh Đại Việt này đã góp phần đưa đất nước ta đạt được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và hệ tư tưởng. Phật giáo trở thành quốc giáo ở thời Lý và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng nền văn minh Đại Việt.
1. Khái quát về sự du nhập của Phật giáo vào nước ta
Phật giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI TCN, du nhập vào Giao Chỉ từ rất sớm bởi các nhà sư Ấn Độ. Những vết tích đầu tiên được được ghi nhận với truyện Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Theo đó, giai đoạn Phật giáo du nhập vào nước ta vào thế kỷ thứ III TCN dưới thời Hùng Vương thứ XVIII, các câu chuyện dân gian có tích truyện, công chúa Tiên Dung - con của Hùng Vương thứ XVIII và Chử Đồng Tử được học đạo Phật của một nhà sư Ấn Ðộ tên là Phật Quang ở trên núi Quỳnh Viên (Quỳnh Vi)(1).
Đến đầu Công nguyên, với sự viếng thăm của thương gia và nhà sư Ấn Độ để truyền bá Phật giáo ở Trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) là thủ phủ của quận Giao Chỉ, sau đó Luy Lâu đã phát triển mạnh và trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng “Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Độ tới bằng đường biển. Đạo Phật tại Giao Chỉ là từ Ấn Độ truyền sang trực tiếp, không phải từ Trung Hoa truyền xuống”(2).
Các dấu tích của Phật giáo tại Luy Lâu cũng được ghi nhận qua các truyền thuyết như Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của nhà sư đến từ Ấn Độ là Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168- 189(3). Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái: “Vào thời Hiến Đế nhà Hán, có người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nghèo khổ vô cùng, cũng tới đó dốc lòng theo học Phật. Vì có tật nói lắp, không thể cùng chúng tụng kinh, thường ở dưới bếp, vo gạo, nhặt rau, nấu nướng cho các vị tăng trong chùa và khách tứ phương”(4).
Do Phật giáo đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta nên từ Buddha (bậc giác ngộ) tiếng Phạn đã được phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt thành “Bụt” và “Bụt Đà”, từ đó chữ “Bụt” được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Đến thế kỷ thứ IV - V, do ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Hoa mà từ “Bụt” bị thay thế dần bởi từ “Phật”(5) (Phiên âm từ chữ 佛 (Fú) trong tiếng Hán).
Từ thế kỷ thế VI đến thế kỷ thứ X là thời kỳ Phật giáo đặt nền móng xây dựng và phát triển. Với hai thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang màu sắc Ấn Độ và Vô Ngôn Thông mang màu sắc Trung Hoa đã khẳng định sự hiện hữu của Phật giáo như là một tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc(6).
2. Một số ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đến các lĩnh vực giáo dục, văn học, phong tục tập quán của người Việt.
2.1. Giáo dục
Thứ nhất, chùa chiền trở thành trường học.
Các vua nhà Lý đều chú trọng xây dựng chùa chiền để phát triển nền giáo dục nước nhà. Vì chùa chiền là những trung tâm văn hóa nên chức năng đầu tiên của nó là giáo dục. Chùa chiền trở thành trường học dưới thời nhà Lý. Mỗi ngôi chùa thời ấy là một trường học với tầng lớp người theo học không riêng gì thường dân mà cả bộ phận quý tộc. Chùa chiền không chỉ phổ biến kinh sách đạo Phật mà còn là diễn đàn của các nhà thơ và tầng lớp trí thức Nho giáo bấy giờ. Tiêu biểu là chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh.
Với mục đích phổ biến, giáo dục rộng rãi những tư tưởng đạo đức Phật giáo cho các phật tử, vì vậy lệnh sửa chùa trên toàn quốc là một chính sách văn hóa, giáo dục hết sức cơ bản. Cả một loạt trí thức xuất thân từ nhà chùa đã ra phục vụ đất nước trong những ngày tháng bộn bề công việc ấy.
Trong những ngôi chùa này, yêu cầu về sách vở càng trở nên cấp thiết. Vua Lý Thái Tổ kế thừa chính sách của vua Lê Đại Hành đã cử phái bộ Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc qua Tống để xin Đại Tạng kinh năm 1018. Năm 1020 vua Lý Thái Tổ cho Tăng thống Phí Trí qua Quảng Châu, Trung Hoa để đón về(7).
Thứ hai, chùa chiền trở thành trung tâm văn hóa.
Chùa chiền không chỉ là trường học mà còn là những trung tâm văn hóa. Hầu hết các lễ hội dân gian đều ít nhiều gắn bó với chùa. Ba lễ hội lớn của thời nhà Lý là hội Khám, hội Dâu và hội Gióng đều xoay quanh ngày Phật đản, tức ngày mùng 8 tháng 4 (Âm lịch)(8). Bên cạnh đó, những lễ hội Phật giáo cũng được tổ chức khá thường xuyên, như lễ tắm Phật được thực hiện hàng năm, rước các vị Phật Tứ Pháp về kinh(9).
2.2. Văn học
Ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý đối với văn học được thể hiện rõ nét. Văn học thời Lý là một bước tiến trong lịch sử văn học nước ta. So với các triều đại trước, văn học thời Lý đa dạng và phong phú hơn. Các tác phẩm văn học có chiều sâu tư tưởng. Các bài thơ, các tác phẩm của tăng sĩ đã góp phần phát triển văn học thời Lý.
Thứ nhất, văn học Phật giáo đã trở thành dòng văn học chủ đạo.
Thơ văn thời Lý có thể nói là một mảng văn chương rất đặc sắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, gắn liền cuộc sống đạo và đời, thể hiện triết lý thực tại của Phật giáo thông qua các nhà sư, danh tăng, cư sĩ, vua, quan và cả những trí thức nho sĩ. Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng như Chiếu rời đô của vua Lý Thái Tổ, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Lâm chung di chiếu của vua Lý Nhân Tông,...đều thể hiện những quan điểm căn bản về thế giới quan, nhân sinh quan của triết học Phật giáo.
Thứ hai, hầu hết các nhà thơ và nhà văn thời Lý đều là thiền sư.
Trong văn học có rất nhiều bài thơ Thiền của thời Lý. Hầu hết các bài thơ nổi tiếng thời Lý như bài thơ Thị đệ tử Bản Tịch của nhà sư Đào Thuần Chân, bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác, hay bài thơ Sinh lão bệnh tử của Ni sư Diệu Nhân,... đều đề cập đến các triết lý Thiền Phật giáo. Các triết lý Thiền về vấn đề sinh - lão - bệnh - tử chi phối cảm xúc văn học và quan niệm thẩm mỹ của các thiền sư, nhưng các Thiền sư thời Lý là những người yêu nước chân chính và có trách nhiệm xây dựng nền văn minh Đại Việt. Nội dung thơ Thiền đã làm cho văn học thời Lý có những nét độc đáo khác biệt so với các giai đoạn khác trong lịch sử văn học nước ta.
2.3. Phong tục tập quán
Thứ nhất, Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian có sự hỗn dung và vay mượn lẫn nhau.
Vào thời Lý, người Việt vẫn duy trì và phổ biến những phong tục, tập quán của các thời đại và tín ngưỡng trước đây của cư dân nông nghiệp trong cuộc sống của họ. Đó là phong tục tín ngưỡng tự nhiên và thờ tự thiên nhiên như: cây, đá, sông suối thờ cúng,... phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Sau này khi Phật giáo du nhập vào, các tín ngưỡng này có sự hỗn dung và vay mượn lẫn nhau. Dưới thời Lý bên cạnh sự phát triển của tập tục, tín ngưỡng trong tâm thức người Việt đã được lưu truyền phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân từ thấp đến cao trong xã hội, thì nay với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo nên Phật giáo đã ảnh hưởng và làm biến dạng hệ thống giáo dục tín ngưỡng của người Việt một cách sâu sắc. Ở nhiều ngôi chùa thời Lý có những cột đá thờ - biểu tượng của Linga.
Tục thờ các hiện tượng thiên nhiên liên quan đến nông nghiệp từ xa xưa dưới thời Lý đã được duy trì từ triều đình đến dân gian quê hương. Ví dụ, để tránh hạn hán, mất mùa, người dân tôn thờ hiện tượng mưa, mặt trời, sấm sét,... và sau này, đặc biệt là ở thời Lý.
Thời kỳ này, nó chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo vào tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng. Các nhà sư lập bàn thờ để cầu nguyện hòa bình, thịnh vượng và thời tiết thuận lợi. Trong dân gian, phổ biến thờ bốn vị nữ thần: Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Sau đó, dưới ảnh hưởng của Phật giáo với sự pha trộn của tín ngưỡng dân gian, bốn nữ thần trở thành bốn vị Phật Bà và hình thành nên hệ thống Tứ Pháp: Mây (nữ thần Mây) đổi thành Pháp Mây (Pháp Vân), Mưa (nữ thần Mưa) đổi thành Pháp Mưa (Pháp Vũ), Sấm (nữ thần Sấm Sét) hóa thành Pháp Sấm (Pháp Lôi) và Chớp (Nữ thần Ánh Sáng) trở thành Pháp Chiếu (Pháp Điện). Các vua, các tướng đều phải thờ Tứ Pháp này để có được thời tiết thuận lợi.
Thứ hai, Phật giáo không chỉ gắn với quý tộc mà còn gắn với dân chúng.
Phật giáo là niềm tin của người Việt Nam, Phật giáo đã có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và tín ngưỡng của con người. Những nhu cầu cấp bách là những biện pháp chống thiên tai để thu hoạch tốt và chữa bệnh cho cây trồng duy trì sức khỏe. Vì vậy, nhiều ngôi chùa thời Lý trở thành nơi vua hay người dân cầu mưa, nối dõi và cầu trường thọ. Các nhà sư cũng giỏi chữa bệnh như Không Lộ, Đạo Tuệ, Nguyệt Học,… họ được vua, hoàng tộc và các quan văn võ xem trọng như bậc thầy(10).
3. Một số đánh giá về ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý.
Như vậy, có thể thấy Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt. Vào thời Lý chùa chiền vừa là trường học vừa là những trung tâm văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa, giáo dục dân tộc.
Văn học Phật giáo thời Lý đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, góp phần làm thay đổi diện mạo văn học nước nhà và cũng mang lại những tác động quan trọng cả về nội dung và hình thức. Về mặt hình thức, văn học Phật giáo đã giới thiệu những câu kinh Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, dùng để nói, hát, tụng niệm hoặc ca ngợi, ca tụng trình độ hiểu biết về thực hành thiền. Về nội dung, văn học Phật giáo thời Lý đề cao vai trò của con người (phật tính), hiện hữu trong sự hòa hợp với thiên nhiên, miêu tả cảnh quan thiên nhiên để thể hiện tư tưởng thiền, hòa quyện với lời dạy của đức Phật như: chân lý của đời người, khổ đau vì vô thường, sự thay đổi không ngừng của vũ trụ,...
Kết luận
Có thể thấy, thời Lý là thời đại hoàng kim của lịch sử Phật giáo ở nước ta. Sự phát triển của Phật giáo vào thời Lý với tinh thần nhập thế thể hiện ở những mức độ khác nhau, không hề đứng trên tư tưởng thống trị, quyền lực và quyền lợi, Phật giáo đã thực thi một tinh thần khoan dung, bình đẳng. Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì.
ThS. Nguyễn Đắc Tùng,
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
ThS. Nguyễn Thị Doan,
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 418, 419.
2. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập I, tr. 157, 425.
3. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, tr. 602, 603.
4. Nguyễn Hữu Vinh, Trần Đình Hoành (2015), Lĩnh Nam Chích Quái Bình giải, tr. 73.
5. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, tr. 19, 23, 40, 41.
6. Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat- giao-trong-thoi-ly-tran.html, truy cập ngày 5/9/2024.
7. Thích Bảo Nghiêm (2013), Vị trí của Phật giáo thời Lý trong tiến trình văn hóa Thăng Long - Hà Nội, http://lichsu.tnus.edu.vn/ chi-tiet/369-Vi-tri-cua-Phat-giao-thoi-Ly-trong-tien-trinh-van-hoa-Thang-Long---Ha-Noi, truy cập ngày 17/9/2024.
Chú thích:
(1) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, tr. 40-41.
(2) Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, tr.19, 23.
(3) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập I, tr. 157.
(4) Nguyễn Hữu Vinh, Trần Đình Hoành (2015), Lĩnh Nam Chích Quái Bình giải, tr. 73.
(5) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập I, tr. 425.
(6) Thích Nữ Hạnh Thuận (2018), Cái đẹp của Phật giáo trong thời Lý Trần, https://nigioikhatsi.net/luan-van/cai-dep-cua-phat- giao-trong-thoi-ly-tran.html, truy cập ngày 5/9/2024.
(7) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, tr. 602-603.
(8) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, tr. 603.
(9) Thích Bảo Nghiêm (2013), Vị trí của Phật giáo thời Lý trong tiến trình văn hóa Thăng Long - Hà Nội, http://lichsu.tnus.edu.vn/ chi-tiet/369-Vi-tri-cua-Phat-giao-thoi-Ly-trong-tien-trinh-van-hoa-Thang-Long---Ha-Noi, truy cập ngày 17/9/2024.
(10) Hoàng Xuân Hãn (1996), Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nhà xuất bản Hà Nội, tr. 418-419.
Bình luận (0)