Mở đầu

Trung Quốc được coi là chiếc nôi của văn hóa thế giới với một kho tàng văn học cổ điển phong phú. Nổi bật trong số đó là “Tứ đại kỳ thư” như: Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng đó là bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng bậc nhất của Trung Quốc. Mỗi tác phẩm nhìn từ nhiều góc độ đều có giá trị hết sức độc đáo bởi tài nghệ và kiến thức uyên bác của tác giả, đặc biệt thông qua bối cảnh câu chuyện phản ánh xã hội hiện thực đương thời và thế giới nội tâm phong phú.
Trong đó, tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ XIV kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280), theo phương pháp “bảy phần thực ba phần hư”. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, với những thể loại độc đáo, mang tính sử thi anh hùng.
Tag: Tam Quốc Diễn nghĩa, tam quốc chí, văn hóa, văn học Trung Quốc, phật giáo, tiểu thuyết, lịch sử Trung Quốc,…

I. Nguồn gốc lịch sử

“Tam quốc diễn nghĩa” về phương diện biên soạn chủ yếu là công lao của La Quán Trung, nhưng thực ra bộ tiểu thuyết này trước sau đã trải qua một quá trình tập thể sáng tác lâu dài của rất nhiều người.
Trước La Quán Trung, từ lâu chuyện Tam quốc đã lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng, các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, diễn kịch, đều không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật phong phú thêm. Từ đầu thời Nguyên, các câu chuyện Tam quốc đã được thu thập thành một cốt truyện hoàn chỉnh có đầu có cuối, gọi là Tam quốc chí bình thoại.
Cuối đời Nguyên đầu đời Minh, nhà văn La Quán Trung đã viết bộ “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa” chính là đã dựa trên cơ sở sáng tác tập thể rất hùng hậu đó của nhân dân quần chúng. Dĩ nhiên trong khi viết ông có tham khảo những bản ghi chép của các nhà viết sử và các nhà văn khác (Tam quốc chí của Trần Thọ, Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi), nhưng quan trọng hơn là phần thể nghiệm cuộc sống phong phú của bản thân ông và tài năng văn học kiệt xuất của ông.

II. Sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của tác giả

La Quán Trung (1330- 1400), tên thật là La Bản, hiệu là “Hồ Hải Tản Nhân”, người huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ông sinh vào đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh. Thời đại ông sống là thời đại mà mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp cực kì gay gắt và phức tạp. Vì thế mà cuộc sống của bản thân ông cũng không ổn định, phải nay đây mai đó. Viết về một thời kỳ lịch sử đầy biến động, tác giả đồng thời muốn gửi gắm vào đó những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống hoà bình của nhân dân Trung Hoa nói riêng, của nhân loại nói chung. Đồng thời tác giả cũng đã có được một số ảnh hưởng của Phật giáo và được vận dụng vào tác phẩm giúp người đọc hiểu rõ hơn về kiếp nhân sinh qua chân lý Phật.
La Quán Trung xuất thân từ một gia đình quý tộc. Tuổi thanh niên ông nuôi chí phò vua giúp nước. Ông rất có tài văn chương, rất giỏi về từ khúc, câu đối, lại viết cả các loại kịch, nhưng nổi tiếng nhất là về tiểu thuyết[1].
Các tác phẩm chính của ông:
.Tam quốc diễn nghĩa
.Tùy Đường lưỡng triều chỉ truyện
.Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa
.Tam toại bình yêu truyện
. Tác phẩm: Tống Thái Tổ long hổ phong vân hội
“Tam quốc diễn nghĩa” là một bộ tiểu thuyết dài và được sáng tác vào đầu thời Minh (1368 – 1644), dựa theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết có sẵn. Nội dung chủ yếu của “Tam quốc diễn nghĩa” đúng như tên gọi là miêu tả tình hình phức tạp của cuộc đấu tranh chính trị và quân sự kéo dài suốt một thế kỉ (từ năm 184 đời Linh đế thời Đông Hán đến năm 280 đời Vũ đế thời Tây Tấn).
Toàn bộ tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” gồm 120 hồi, kể về sự kiện lớn đó là một nước chia ba. Đó là một cuộc phân tranh dữ dội không cân sức giữa ba tập đoàn phong kiến quân phiệt: Ngụy – do Tào Tháo cầm đầu, chiếm giữ phía Bắc từ Trường Giang trở lên (Bắc Ngụy); Thục – do Lưu Bị cầm đầu, chiếm giữ Tây Nam (Tây Thục); Ngô – do Tôn Quyền cầm đầu, chiếm giữ phía Đông Nam (Đông Ngô)[2].

III. Sơ lược cốt truyện

Tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” tuy có nhiều phần hư cấu, nhưng được xây dựng trên cơ sở của sự thật lịch sử thời tam Quốc (220-280)[3]. Kể về câu chuyện kéo dài hơn hơn một trăm năm từ cuối đời Đông Hán đến đầu đời Tấn thống nhất Sơ lược qua cốt truyện cho thấy sự yêu mến của tác giả, ủng hộ Lưu Bị và căm ghét, phản đối với Tào Tháo. Tác giả miêu tả Tào Tháo bằng ngòi bút rất sắc lạnh có cả thái độ của mình bên trong y là kẻ gian hùng, tàn bạo; vì mục đích vị kỉ cá nhân mà dám làm tất cả, bất chấp đạo lí nhân nghĩa ở đời như giết hoàng hậu, áp bức nhà vua, dối trên lừa dưới… Hình tượng Tào Tháo dường như đã có ý nghĩa điển hình và phổ biến trong giai cấp phong kiến thống trị thời đó. Và thông qua nhân vật này, La Quán Trung như đã vạch trần đanh thép bản chất tham bạo của giai cấp bóc lột. Câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”, đã đúc kết phương châm xử thế và được coi là triết lý sống của phần lớn giai cấp thống trị phong kiến[4].

IV. Phân tích tác phầm

La Quán Trung đã tái hiện lại thật ấn tượng toàn cảnh bức tranh quân sự – chính trị rộng lớn của Trung Quốc vào thế kỉ II, III. Câu chuyện Tam Quốc lấy bối cảnh vào thời suy vi của nhà Hán, chính quyền tranh giành quyền lực, dẫn đến chiến tranh tàn khốc giữa mười quân phiệt (190-200), trận chiến tiền hậu Xích Bích lịch sử với nhiều chiến thuật mưu trí, ba nước Ngụy Thục Ngô cùng xưng đế chế cho đến nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa [5].
Đặc biệt là tác giả như đã đi sâu vào việc thể hiện mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ giai cấp thống trị thời đó. Những nhân vật và tình tiết trong tác phẩm đã được hư cấu để tô đậm nét sự cá biệt nhưng vẫn dựa trên sự chân thực của lịch sử, phản ánh được những bản chất của con người và xã hội Tam quốc bấy giờ.
Tuy nhiên, tác phẩm vẫn hớ ra những chỗ không được chí tình, không tự nhiên: “muốn tỏ ra Lưu Bị là người có nhân đức, mà hình như giả dối, muốn hình dung Gia Cát Lượng là người nhiều mưu trí mà gần như yêu quái”[6].
Thông qua việc phân tích văn bản đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khâm phục về chiến lược, sách lựơc các bên tham chiến, trong gần 100 năm đã có biết bao trận chiến xảy ra có những trận chiến đẫm máu nhưng cũng có những trận chiến không tốn một giọt máu nào. Từ điểm này cho thấy có thể chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Vì trong tác phẩm đã nói lên như; thuyết nhân quả báo ứng ở mức độ xen tạp Nho- đạo phù hợp để nhận thức dân gian chưa đầy đủ tính biệt lý, cho đến thuyết vô thường để phản ánh xã hội loạn lạc bất ổn vì chưa nhận ra bản chất của vô thường [7].

V. Những ảnh hưởng của Phật giáo

Đến đây, có một sự kiện được phân tích mà giới học giả chỉ nhận ra việc lợi dụng sự hiển thánh của Quan Vũ để bảo vệ giai cấp thống trị trong chế độ phong kiến[8] lại không chú ý tới chi tiết câu nói của sư Phổ Tĩnh khiến linh hồn oán hận của Quan Vũ thức tỉnh cúi đầu lạy tạ rồi biến mất. Thông qua lời của nhân vật nhà sư Phổ Tĩnh, ta thấy tác giả đã xác định được: “Xưa trái nay phải, tất cả không bàn, nhân trước quả sau bao giờ vẫn thế, nay Tướng quân một mực đòi đầu thế thì đầu của Nhan Lương, Văn Xú cùng những đầu của 6 tướng ở 5 cửa ải và biết bao đầu khác biết đòi vào đâu.” [9] Có thể nói ở đây tác giả đã có một nhận thức tiến bộ để hóa giải nỗi oan khiên nhiều đời sa trường trận mạc, mà cũng là giúp quần chúng nhờ nhận ra đạo lý này mà thay đổi tư tưởng căm phẫn kẻ gian hại người trung nghĩa. Ở điểm này cho thấy La quán Trung đã tiến bộ hơn tác phẩm Nhạc Phi-Tần Cuối đời Tống[10] về mặt tư tưởng nhận thức. Xu hướng yêu Nhạc Phi ghét Tần Cối đã làm cho chúng ta không nhận thức được toàn diện khách quan nguyên nhân cái chết của Nhạc Phi một phần quan trọng là do chính tính cách hành xử của ông nữa.
“Nói về sự việc này người viết cho rằng, có thể đây chỉ là một chi tiết nhỏ bị lu mờ giữa khuynh hướng tư tưởng Nho-Đạo xen tạp vào thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo bởi bối cảnh khách quan của nó hay chính khí chất của tác giả đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng tác phẩm”[11], thì giá trị nhận thức tiến bộ này cũng là một dấu hiệu đáng khen vì nỗi oan khiên đã có lối thoát.
Sau đó có những chi tiết cũng còn nhiều mâu thuẫn chúng ta bắt gặp như; Quan Vũ từ lúc bị chặt đầu “linh hồn không tan, cứ là là bay trên không”[12] và gọi to lên “đem trả đầu ta đây”. Điều này cho thấy đứng từ góc độ Phật giáo thì đã rõ vì người sống chấp thân này là ta, là của ta, một mai thình lình thân mạng mất đi không chấp nhận được, nên cứ loay hoay đi tìm thân thể bị mất đó, nhất là bị lấy mất[13].
Đến đây chúng ta thấy lời cảnh tỉnh của Sư Phổ Tĩnh lẽ ra còn có thể hiểu thêm là: “Oan oan tương báo biết giờ dứt. Nhân quả tự có quy luật vận hành của nó nên đường đi của nghiệp cũng là bất khả tư nghì”[14]. Thế nên trong kinh đức Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp; nghiệp là thai tạng. Nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu”[15]. Nghiệp ở đây cũng có hai ý nghĩa, “Nghiệp thiện và Nghiệp ác. Nghiệp thiện là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm không tham không sân và không si; Nghiệp ác là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm có tham có sân và có si”[16]. Tác giả đã tạo ra cho linh hồn Quan Vũ còn có tính sân hận, không thể siêu thoát, phải chăng nếu không có nhân tương ưng thì quả không thành tựu. “Nếu đọc giả nhận ra được bản chất của vấn đề thì có thể ngăn ngừa ngộ nhận lầm lạc mà không rơi vào hoang tưởng, miêu tả quá sự thật”[17]
Phải chăng tác giả đã thấm nhuần tư tưởng Phật dạy trong sự thay đổi chi phối của vô thường. Thế gian đều chịu sự tác động của quy luật thành, trụ, hoại, không, có thịnh ắt có suy, có thành có bại. Nguyên lý duyên khởi sinh diệt của vạn pháp đã được đức Phật soi sáng vào trong từng ngõ ngách của vũ trụ nhân sinh với nguyên lý: “Như vậy do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt”[18]. Do đó Duyên khởi là chân lý khẳng định một sụ thật hùng hồn “Các pháp đều do Duyên sinh”[19], do đó không thể có một cái ngã tính nào, không có sự thường hằng nào bất biến.
Bao nhân vật kiệt xuất rồi cũng chỉ còn trên trang sử, vạn vật thay đổi không lường.Và hơn thế nữa, tất cả những thành bại đó đều xuất phát từ con người chứ không phải là sự cầu xin thần thánh hay dựa vào người khác, và chính bản thân của mình cũng không thể hoàn toàn giúp người khác được. Chính bản thân của mỗi người đều chịu trách nhiệm trước hành vi của chính mình.

KẾT LUẬN

Đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa” chúng ta thấy sự kiện như trùng trùng điệp điệp diễn ra, mưu kế, tranh chấp, giết chóc mọi thứ cứ tưởng chừng nối kết với nhau không dứt. Tác giả như muốn cho chúng ta thấy trong thế giới tranh chấp hơn thua thì dù có tài năng giảo quyệt đến đâu cũng có kết cuộc không gì tốt đẹp, hận thù chồng chất lên nhau mãi không có điểm dừng, chỉ có tình thương là chất liệu chữa lành mọi vết thương đau khổ cuộc đời. Đạo đức nhân nghĩa luôn tồn tại thiên thu. Ngụy, Thục, Ngô luôn cấu xé với nhau gần 100 năm dài rồi cũng để vào tay của triều đình nhà Tấn. Tất cả cũng chỉ là một chút hư danh nhưng đã làm cho biết bao nhiêu người vùi thân xác nơi sa trường lạnh lẽo
Thông qua tác phẩm ngoài những nhận xét đã được giới nghiên cứu phân tích đánh giá về trình độ tư tưởng Phật học trong “Tam quốc diễn nghĩa” dừng lại ở Tam giáo hợp lưu, đáp ứng tín ngưỡng của quần chúng thì nhìn tổng thể bức tranh thời chiến loạn thay ngôi đổi vị trong lịch sử cũng cho ta một cảm khái về thế sự vô thường. Nhìn thấy được lẽ thịnh suy thay đổi này, khi đối diện với những được mất, thành bại, hơn thua tâm thái dễ chấp nhận hơn nhiều.
Chính điều này có sức thuyết phục rằng: La Quán Trung đã tạo ra được một tác phẩm như một thực thể sống động, mà qua đó tùy theo người xem mang cặp kính màu gì sẽ nhìn ra màu đó. Đây cũng chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công của “Tam quốc diễn nghĩa”.
Thích Nữ Huệ Hằng
-----------------------
CHÚ THÍCH
[1] http://doc.edu.vn/tai-lieu/tieu-luan-tac-pham-tam-quoc-dien-nghia-la-quan-trung-40272/ [2] http://onthivanhoc.com/gioi-thieu-tac-gia-la-quan-trung-va-tam-quoc-dien-nghia-van-10/, truy cập 11/4/2021. [3] http://doc.edu.vn/tai-lieu/tieu-luan-tac-pham-tam-quoc-dien-nghia-la-quan-trung-40272/ [4] http://onthivanhoc.com/gioi-thieu-tac-gia-la-quan-trung-va-tam-quoc-dien-nghia-van-10/ [5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_quốc_diễn_nghĩa [6] “Tam quốc diễn nghĩa” Nxb Văn Học, tập 1, tr. 29 [7] 《三国演义》与佛教- 赵晓晖 [8] TQDN, sđd, tr. 33-34 [9] TQDN, sđd, tập 10, tr. 88-89 [10] http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung_KC/TruyenNgan/NhanQuaCuaNhacPhi.htm [11]TQDN, sđd, tập 1, tr. 32 và 《三国演义》与佛教- 赵晓晖… [12] TQDN, sđd, tập 1, t.87-88 [13] https://quangduc.com/a54490/05-tam-thuc-cua-nguoi-mat-sau-49-ngay [14] https://vi.wikipedia.org/wiki/Bất_khả_tư_nghì [15] HT. Thích Minh Châu dịch, (1992), “ Kinh Trung Bộ” Tập III, “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.474. [16] Thích Hạnh Bình, Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb Phương Đông, 2007, tr. 99 [17] Nhiều tác giả, Giá trị văn học trong kinh Phật, Nxb Hồng Đức, 2016, tr. 12 [18] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 2 Thiên Nhân Duyên, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.56. [19] Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr.209.
THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Thích Hạnh Bình (2007), “Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy”,Nxb Phương Đông. 2. HT. Thích Minh Châu dịch, (1992), “ Kinh Trung Bộ” Tập III, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành. 3. Nhiều tác giả (2016) “Giá trị văn học trong kinh Phật”, Nxb Hồng Đức. 4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_quốc_diễn_nghĩa 5. http://doc.edu.vn/tai-lieu/tieu-luan-tac-pham-tam-quoc-dien-nghia-la-quan-trung-40272/ 6. http://onthivanhoc.com/gioi-thieu-tac-gia-la-quan-trung-va-tam-quoc-dien-nghia-van-10/ 7. https://123doc.org/document/3871156-tom-tat-tam-quoc-dien-nghia-la-quan-trung.htm 8. http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung_KC/TruyenNgan/NhanQuaCuaNhacPhi.htm 9. https://quangduc.com/a54490/05-tam-thuc-cua-nguoi-mat-sau-49-ngay 10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Bất_khả_tư_nghì 11. “Tam quốc diễn nghĩa” Nxb Văn Học, tập 1 12. 《三国演义》与佛教- 赵晓晖