Tác giả: Thích Nữ Thuần Hiếu Học viên Cao học khóa II tại Học viện PGVN tại Huế
Tóm tắt: Giáo lý đạo Phật có nhiều pháp môn cho mỗi người lựa chọn, trong đó niệm Phật được xem dễ thực tập trong mọi hoàn cảnh đi, đứng, nằm, ngồi gì chúng ta cũng nhớ nghĩ và đều niệm Phật được, khi chính niệm chuyên chú hành trì sẽ đạt được trạng thái nhất tâm thì tâm của chúng ta rất nhẹ nhàng, an vui “tâm an vạn sự an, tâm bình thế giới bình”. Pháp môn Tịnh độ đang trở thành một phong trào và trong ý nghĩa tìm hiểu ý nghĩa về pháp môn này ảnh hưởng tới người học Phật như thế nào?
Từ khóa: Tịnh độ tông, xã hội Việt Nam, ảnh hưởng, …
MỞ ĐẦU
Phật giáo đã hình thành, phát triển hơn 2500 năm và trải dài xuyên suốt từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Trong suốt quá trình ấy, đã có những lúc Phật giáo rất hưng thịnh nhưng cũng không ít lần suy yếu. Chính sự thăng trầm thịnh suy đó đã làm cho Phật giáo luôn biết chuyển mình trong mọi tình huống, mọi thời cuộc để rồi có vị thế đứng là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại. Để được sự tồn tại và phát triển đó cần phải có những người con Phật biết áp dụng theo lời đức Bổn sư chỉ dạy và thực hành đúng theo giáo pháp. Từ Phật giáo Nguyên Thủy đến Phật giáo Đại thừa đã thể hiện được tinh thần nhập thế của đạo Phật, với vô lượng pháp môn tu tập tùy căn cơ trình độ của chúng sinh mà tùy duyên hóa độ. Phật giáo không những xây dựng mẫu người đạo đức trên nhân gian: “tin nhân quả, làm lành lánh dữ,...” mà còn gọi là Tịnh độ nhân gian.
1. Nguồn gốc Tịnh độ tông
Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài quán thấy pháp do Ngài chứng thâm sâu vi diệu chỉ có bậc trí mới hiểu, mới cảm nhận được. Còn chúng sinh ham muốn dục lạc nên khó để thấu hiểu được nghĩ lý sâu xa nên Ngài quyết định nhập Niết Bàn. Trong lúc ấy, có Phạm thiên Sahampati hiểu được tâm tư của đức Phật và bộc bạch thỉnh cầu Ngài chuyển bánh xe pháp. Đức Phật hiểu được lời thỉnh cầu của Phạm thiên vì thương chúng sinh nên Ngài đã quán thấy chúng sinh có nhiều hạng căn tính khác nhau như trong kinh Tương Ưng diễn tả: “Ví như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước, không bị nước làm dẫm ướt!”[1] Ngài quán thấy căn cơ của chúng sinh căn tính khác nhau giống như hoa sen trong bùn thì có hoa ngoi lên khỏi mặt nước hoa thì còn trong bùn,... thì chúng sinh cũng vậy. Sau trận mưa thì có nơi ướt nhiều có nơi khô, thì giáo pháp được Như Lai thuyết giảng cũng tùy căn cơ của từng chúng sinh mà tiếp nhận. Chia ra từng cấp bậc nên Ngài cũng nương vào đó mà ban bố tám vạn bốn ngàn sáu trăm pháp lành để chúng sinh nương theo tu tập.
Đại đa số các bài pháp đều phải có người thưa thỉnh đức Phật mới thuyết giảng như: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết Bàn,... riêng Kinh A Di Đà thì được đức Phật tự thuyết cho đại chúng nghe, nhằm giới thiệu cảnh giới Tây Phương Cực Lạc cho mọi người. Như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có ghi lại rằng: Hoàng hậu Vy Đề Hy là một bậc mẫu nghi thiên hạ, được mọi người kính nể. Ấy thế mà cuộc sống của bà rơi vào cảnh éo le do đứa con bất hiếu gây nên. Tuy sống trong cung vàng điện ngọc có người hầu hạ nhưng thân tâm người rất buồn khổ, bởi đứa con bất hiếu vì lòng ham muốn địa vị danh vọng mà bắt giam vua cha trong ngục tối, chịu đủ mọi sự thống khổ bức bách, đói khát,... nhưng vì một lòng hướng Phật nên nhà vua rất bình thản trước nghịch cảnh đó. Đâu cũng là nghiệp duyên. Khó khăn lắm bà mới đến thăm nhà vua, thấy nhà vua hình hài tiều tụy, thương chồng nên mỗi lần vào thăm bằng mọi cách bà bôi mật lên thân mình cho nhà vua dùng. Sau vài lần như vậy thì bị nghịch tử A Xà Thế ngăn cấm không cho bà vào thăm vua cho đến lúc vua băng hà. Hoàng hậu hằng ngày buồn rầu, tuyệt vọng... nhưng nhờ có niềm tin Tam bảo nên bà đã quy hướng về núi Kì Xà Quật ngưỡng vọng đảnh lễ đức Thế Tôn, mong Thế Tôn chỉ ra con đường an vui giải thoát. Cuối cùng, nhân sự kiện này đức Phật giới thiệu cảnh giới Cực Lạc. Như vậy, có thể nói Hoàng hậu Vy Đề Hy là người đang trong đau khổ tuyệt vọng cả mong sự giải thoát an vui, đây cũng là nguyên nhân Phật giới thiệu cõi Cực Lạc và pháp môn niệm Phật.
Qua đây, cho chúng ta thấy quá trình hình thành những tư tưởng về Tịnh độ phương Tây đầu tiên tại Ấn Độ tuy không nổi bật và hệ thống như các quốc gia khác nhưng cũng được xem là nơi khởi nguồn cho một khuynh hướng tín ngưỡng mới trong Phật giáo, làm nền tảng chính thức để hình thành Tịnh độ tông dựa trên hai phương diện chính: kinh tạng và kiến giải của các luận sư Phật giáo.
Ngài Long Thọ được xem là nhà tiên phong trong các luận sư Phật giáo tại Ấn đưa ra những kiến giải về tư tưởng Tịnh độ dựa vào hai bộ kinh chính là Bát Nhã và Pháp Hoa. Ngoài ra còn có một số kinh không phải là thuần túy của tông Tịnh độ nhưng cũng góp phần quan trọng cho sự ra đời trong hệ tư tưởng tịnh độ: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Chu Tam Muội,... bản kinh Quán Vô Lượng Thọ được xem khởi nguyên của Tịnh độ tông. Như vậy pháp môn niệm Phật do chính kim khẩu đức Phật nói ra. Dù rằng khi Phật còn tại thế pháp môn này chưa được thịnh hành, mãi về sau các Tổ xiển dương nên mọi người biết đến và tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Với thuyết tự lực và tha lực được ẩn dụ trong kinh Na Tiên tỳ kheo qua hình ảnh “hòn đá to lớn nương vào thuyền qua sông mà không bị chìm”[2] nhằm nhấn mạnh đến tính thiết yếu, vi diệu của pháp môn này. Ngoài tự lực chúng ta cần nương vào tha lực hay Phật lực để định hướng giúp con người biết quay đầu là bờ, đi đúng chính pháp. Đã đi vào tâm con người một cách thầm lặng, không phô trương, cầu kỳ hợp với bản sắc phong tục Việt nên được đã được mọi người tiếp nhận tu tập, chuyên tu rốt ráo theo con đường chuyển hóa tự thân, chuyển hóa biệt nghiệp để xây dựng cộng nghiệp thanh tịnh, hướng đến thiết lập một thế giới trang nghiêm và an lạc.
2. Ảnh hưởng của giáo lý Tịnh độ tông đối với xã hội Việt Nam
Trong suốt quá trình hoằng dương chính pháp, hội nhập và phát triển đạo pháp ngày càng ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt như từ thời Lý - Trần đạo Phật cũng từng được xem là quốc giáo. Tịnh độ tông được phát triển mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277) có một đề mục “Niệm Phật luận” và “Lục thời sám hối khoa nghi” để nói lên tầm quan trọng và lợi ích của phương pháp niệm Phật; tu Tịnh độ là nhờ vào nguyện lực chứ không phải do nghiệp lực, tu có thể chuyển hóa thân tâm, sám hối để tiêu tan nghiệp chướng báo chướng. Như thiền sư Tánh Nhiên có viết trong khuyến phát niệm Phật có câu:
“Niệm Phật tội nghiệp tiêu khô, Như sương tan nắng như hồ nước trong Niệm Phật để đặng tấm lòng Kéo mà trắc ẩn mắc vòng gian nan. Niệm Phật Cực Lạc hân hoan, Ta bà khổ não giàu sang mấy hồi”
Và được thể hiện ngay hiện trong đời sống hiện tại này, trong tâm của mỗi chúng ta chứ không phải thuộc một quốc độ khác tồn tại ngoài thế gian này. Với ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của đạo pháp ngày càng có xu hướng lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, thích ứng mọi hoàn cảnh và điều kiện sống trong thời đại công nghệ 4.0 ngày càng phát triển không ngừng nghỉ. Điều đó giúp chúng ta nhận biết rằng đạo Phật không hể cổ hủ cứng nhắc, bảo thủ, nhàm chán mà là nhanh nhẹn, uyển chuyển tùy duyên hóa độ, thích nghỉ cùng sự thay đổi phong tục tập quán, vùng miền, địa lý từng nơi. Vì vậy, đạo Phật được xem là nguồn sống tâm linh, hơi thở của dân tộc. Pháp môn niệm Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của đệ tử Phật. Ngay từ đầu du nhập, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam, đã phần nào nói lên được tấm lòng từ bi bao la, vị tha vô ngã bao dung độ lượng của người đệ tử Phật, rất gần gủi với nếp sống hiền lương của người dân Việt.
Pháp môn này phát triển khá là phổ biến tại Việt Nam từ những thập niên đầu mới du nhập cho đến thời cận hiện đại ngày nay nhằm khẳng định sự vi diệu thù thắng của tông Tịnh độ. Đó là các vị chư tôn đức hòa thượng luôn xiển dương pháp môn dễ tu dễ chứng, phù hợp mọi thành phần trong xã hội một cách linh hoạt, phổ biến, ứng dụng nhiều trong thực tiễn: HT.Phước Huệ, HT.Khánh Anh, HT.Thiên Hoa, HT.Trí Tịnh, HT.Thiền Tâm,... các Ngài đều là những bậc chân tu khả kính, tung làm thạch trụ, hết lòng phụng sự đạo pháp, suốt đời chuyên tu Tịnh độ và khuyên người niệm Phật. Vào thời Lý - Trần, xã hội rất chú trọng vào pháp môn Thiền học “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Còn xã hội ngày nay, cũng có nhiều pháp môn tu học nhưng pháp môn Tịnh độ được xem là tất yếu, dễ tu dễ chứng, phù hợp với mọi người “Thiền sư Tánh Thiên, Khuyến phát niệm Phật hoàn cảnh “niệm Phật tức niệm Tâm” đạt đến thể quán “sinh không”. Chính là “Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh độ”. Nên ở các tự viện, chùa chiền,... thường xuyên tổ chức các khóa tu như khóa tu Phật thất, tam thời hệ niệm, tam bộ nhất bái, niệm Phật, khóa tu dành cho mọi đối tượng trong xã hội hay trong thời khóa tu học hằng ngày đều có thực hành Thiền - Tịnh - Mật. Đặc biệt, pháp môn niệm Phật được mọi người tin và thực hành; không chỉ là dành riêng cho người xuất gia và tại gia mà còn cho cả người không tôn giáo đều nhớ danh hiệu Phật và thực hành. Như khi vào chùa mọi người củi đầu chào nhau bằng câu niệm Phật “A Di Đà Phật”. Trước lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn niệm một niệm đến mười niệm thì liền được vãng sinh. Ngoài tự lực thì cũng có trợ duyên bởi tha lực để giúp con người ta giữ vững lòng tin, ý chí chiến thắng mọi ma chướng gây nên, để không bị ràng buộc níu kém trước lúc nhắm mắt xuôi tay lìa cõi trần thế này. Nên đã thành lập ra nhiều đạo tràng hộ niệm, ở đâu cần thì mọi người sẽ đến trợ duyên.
Mặt khác, Tịnh độ tông được thực hiện trên nhiều phương diện khác nhau như hướng dẫn mọi người tu niệm Phật, giữ tâm yên tĩnh trước mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, khuyến khích mọi người nghe giảng, học Phật, tu Phật để hiểu hơn về giáo lý Phật thừa, đi đúng chính pháp để không rơi vào cảnh mê tín dị đoan. Vào thời kỳ du nhập, Phật giáo Việt Nam nhuốm màu sắc quyền năng. Mật giáo trở thành phương tiện hóa đạo hữu hiệu. Ở thời đại hưng thịnh của Phật giáo, sông núi thanh bình, người người hít thở không khí bình yên sâu lắng của đất trời để tìm về cội nguồn tâm thức, Thiền tông hưng thịnh. Còn giai đoạn hiện nay, chiến tranh lan tràn thế giới, bệnh dịch hoành hành, môi trường nhiễm độc,... người ta thích mơ tưởng đến một thế giới thanh tịnh, bình yên, không chiến tranh chết chóc và Tịnh độ Cựu Lạc được giới thiệu như một cõi lý tưởng nên người người hưởng ứng tin tưởng và hướng về. Điều này chúng ta từng thấy rõ nét nhất là vào thời của Hư Vân hòa thượng ở Trung Quốc, chiến tranh xảy ra liên tục, các tăng sĩ bắt hoàn tục, bệnh dịch xảy ra khắp nơi, dân chúng đói khát, kẻ thì lợi dụng áo tu sĩ làm danh 6 chốn thiền môn, ăn mặn, bóc lộc thuế... nên đời sống nhân dân rất khốn đốn. Chính Ngài Hư Vân đã quật dậy tinh thần từ bi bác ái yêu thương nhân dân, được sự trọng dụng của hoàng hậu Từ Hy Ngài đã đưa ra những đường lối chính sách yêu nước để cứu nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than; cải cách lại những ngôi chùa bị kẻ xấu làm loạn; cứu nhân độ thế giúp chúng sinh biết quay đầu hướng thiện, đi đúng con đường chân chính, xa lánh sự mê tín dị đoan, làm từ thiện cứu dân thoát cảnh nạn đói, bệnh tật,... Phật không ở đâu xa, mà Phật thị hiện ngay trước mặt. Ngài được người kính trọng và tôn sùng là vị Phật sống. Trong giai đoạn này, Ngài không thể hướng dẫn mọi người tu thiền, vì sẽ không hiệu quả nên Ngài đã linh động đưa pháp môn niệm Phật đến gần với quần chúng, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ chính là mục đích hướng đến quả vị chứng đắc tam vô lậu học đi trên con đường trung đạo; phương pháp nhập thế đưa đạo vào đời; đồng hành và hướng dẫn mọi người biết yêu thương chia sẻ, bố thí cúng dường, tu phước tu tuệ,... những việc làm này gọi chung là Phật giáo tại nhân gian chứ không xa vời nơi vô hình không ai trong thấy. Ở đây, ngoài thời gian tu học miên mật rốt ráo thì cũng đem đạo pháp đến gần với mọi người, giảng pháp độ sinh, an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Chứ nếu chúng ta chỉ cần buông lung, xao lãng chạy theo những danh vọng lợi dưỡng, cám dỗ của tài, danh, sắc, thực, thụy,... không nhớ nghĩ và thực hành đúng những lời di huấn của Phật Đà thì chúng ta tự chuốt lấy khổ đau, xa đọa không biết quay đầu, trầm luân trong vòng sinh tử. Chúng ta giống như chiếc thuyền rách ở giữa sóng to gió lớn nhưng vẫn không bị chìm đắm là nhờ Phật pháp hằng ngày nhắc nhở, khuyến khích, sách tấn chúng ta “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Cho nên, ngày nay tông Tịnh độ ngày càng phát triển về mọi mặt cho đến tâm linh. Thiền - Tịnh luôn đồng hành cùng nhau, không tông phái nào bác bỏ tông phái nào. Thiền tông không bác bỏ Tịnh độ, trong các thời khóa tụng kinh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng mà chính là phá chấp tà kiến, vọng tâm điên đảo hiểu sai chính pháp. Nay nhờ có thiền định nên luôn tỉnh táo phát huy chính kiến và chính tư duy để thực hành đúng giáo lý Phật thừa với tông chỉ “chỉ thẳng lòng người, thấy tính thành Phật”. Tịnh độ tông cũng không bác bỏ tông phái nào đó là điểm đặc sắc thiết yếu của bản môn với tông chỉ “một đời vãng sinh, được bất thối chuyển”. Hay Hoa Nghiêm “Lìa thế gian, nhập pháp giới”. Tuy khác nhau về tông chỉ nhưng phương tiện đều dẫn dắt con người quay về bản lai diện mộc của chính mình. Tịnh độ tông phù hợp với mọi căn cơ quốc độ của chúng sinh: Bậc thượng, bậc trung, bậc hạ; Thiền tông thích ứng bậc trung, bậc thượng. Cho nên, diệu dụng của pháp môn không phải danh xưng, lời nói suông mà là pháp môn được mọi người thích ứng và thực hành đúng chính pháp như Cổ nhân từng nói rằng: “Thuốc không quý tiện lành bệnh là thuốc hay, pháp chẳng cao thấp, hợp cơ là diệu pháp”. Pháp môn của đức Phật dạy là vô lượng vô biên, thậm thâm vi diệu, không phân biệt cao thấp vì giáo lý rất thù thắng, phù hợp với mỗi chúng sinh được xem diệu dụng, tối thắng vô cùng. Kinh Đại Tập: “Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát luân hồi”. Chiếu theo bề dày lịch sử của dân tộc Việt Nam, các tông phái phát triển rất nhiều và Tịnh độ tông cũng nương theo đó mà hình thành phát triển rất vững mạnh. Nhằm xây dựng một thế giới Tịnh độ tại nhân gian thanh tịnh, trang nghiêm và mẫu người lý tưởng đối với xã hội nên khuyến khích mọi người quay về đời sống nội tâm: “Khởi thức bồ đề giác tính, cả cả viên thành; tranh tri Bát nhã thiện căn, nhân nhân cụ túc” (dịch: Há lại không biết mầm giác ngộ, ai ai cũng có tròn đầy; sao lại không hay trí tuệ Bát nhã, người người đều đầy đủ). Nhằm giúp con người sống có ý thức tốt giúp đời đẹp đao, an vui, giải thoát.
KẾT LUẬN
Tư tưởng Tịnh độ tông cũng đánh dấu được bước ngoặt lớn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Thời khóa tụng niệm hằng ngày bao gồm có cả Thiền - Tịnh - Mật được dung hòa với nhau. Đặc biệt sự truyền thừa tiếp nối tại Việt Nam về thiền tông của Trúc Lâm Yên Tử có ngài Thanh Từ; Hòa thượng Trí Quảng khởi xướng và truyền bá Pháp Hoa tông và khi nói về Tịnh độ thì nếu ở Trung Hoa có ngài Huệ Viễn làm sơ tổ thành lập “Bạch Liên Xã” thì ở Việt Nam Hòa thượng Trí Tịnh được xem là sơ tổ Tịnh độ tông Việt Nam thành lập “Cực Lạc Liên Hữu" vậy. Đó là tất cả công lao to lớn, bảo bối trận quý mà các Ngài đã để lại cho chúng ta nương theo tu học, pháp môn mà người người đều có thể thực hành đó là ai ai cũng thuộc hồng danh 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật”. Giống như Ngài Phổ Hiền có 10 hạnh nguyện độ sinh, Ngài A Di Đà 48 lời nguyện hay Ngài Quán Thế Âm có 12 lời nguyện... và tất cả các Ngài tùy theo sở nguyện của chúng sinh mà hiện thân thuyết pháp. Các Ngài có thể hiện làm thân Phật, làm vua trời Đế Thích, làm vua chúa quan lại, tỳ nữ,… cho đến loài súc sinh để phổ độ chúng sinh. Và được ví như là đám mây mưa để thấm nhuần muôn vật, trời quang mây tạnh không để lại dấu vết gì nhưng cỏ, cây, hoa, lá, chim, muôn thú, muôn vật được thấm nhuần sinh sôi nảy nở. Cho nên chúng ta cần phải nỗ lực tinh tấn tu học tốt, đi theo con đường “trung đạo”, tu trì thực hành “Giới - Định - Tuệ”, làm rường cột của Phật giáo, đem đạo vào đời để làm lợi ích chúng hữu tình, đền ơn báo ơn đối với chư Phật, chư Tổ cùng các bậc tiền bối đã đem đạo pháp đến gần với quần chúng nhân dân. Giúp mọi người tu tập để hóa giải nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống: “Tỉnh mê trong một sát na, Thánh phàm chỉ một nụ cười tử sinh”. Qua đây, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cõi Tịnh độ do chính kim khẩu đức Thế Tôn giới thiệu cảnh giới trang nghiêm, thanh tịnh và có y báo và chính báo đầy đủ. Xét về lý sự, nương theo cảnh giới tùy hạnh nguyện mà tu tập độ sinh thì tất cả pháp đều bình đẳng viên dụng. Cho nên, cõi Tịnh độ được các hành giả xem là mục tiêu chính tập trung năng lực, tư tưởng để tu tập. Ngài Ấn Quang đại sư nói: “Thời mạt pháp nếu bỏ pháp môn Tịnh Độ trên thời chẳng viên thành Phật quả, dưới thời chẳng thể độ khắp chúng sinh”. Đại lão Hoà thượng pháp sự Tịnh Không cũng nói: “Thời mạt pháp này nhìn khắp thế gian tuyệt nhiên chẳng thấy một vị xuất gia nào chứng được quả vị A La Hán”. Nay thời mạt pháp, cách xa thời Phật nhưng giáo lý của Ngài vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Chung quy Tịnh độ tông ngày nay có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và lớn mạnh từ trong những năm đầu của thế kỉ XIX - XX, đây được xem là một phong trào Phật giáo Tịnh độ tại nhân gian.
Tác giả: Thích Nữ Thuần Hiếu Học viên Cao học khóa II tại Học viện PGVN tại Huế *** CHÚ THÍCH [1] Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tương Ưng bộ I, Nxb Tôn giáo. [2] Đoàn Trung Còn dịch (2015), Kinh Na Tiên Tỳ - kheo, Nxb Tôn giáo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đoàn Trung Còn dịch (2015), Kinh Na Tiên Tỳ - kheo, Nxb Tôn giáo. 2. Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tương Ưng bộ I, Nxb Tôn giáo. 3. Thích Thiện Hoa (2005), Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo. 4. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Hồng Đức. 5. Thích Minh Thời (2012), Kinh nhật tụng, Nxb Tôn giáo. 6. Thích Thanh Từ dịch (1997), Kinh Tăng nhất A - hàm, Nxb Tôn giáo. 7. Thích Thanh Từ soạn dịch (1990), Thiền sư Trung Hoa, Nxb Tôn giáo. 8. https://giacngo.vn/phap-mon-tinh-do-o-nam-bo-viet-nam-post35279.html truy cập: ngày 1/9/2022.
Bình luận (0)