I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang san nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước thống nhất là yếu tố hết sức thuận lợi, là động lực để Chư tôn Giáo phẩm, tăng ni, phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước thống nhất trong một tổ chức. Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước:

1. Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

4. Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp.Hồ Chí Minh.

5. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

6. Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán.

7. Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

8. Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ.

9. Hội Phật học Nam Việt.

Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, đến nay đã tròn 35 năm, trải qua 07 nhiệm kỳ.

Từ nhiệm kỳ đầu là thời kỳ xây dựng, với số lượng 50 thành viên Hội đồng Chứng minh, 50 thành viên Hội đồng Trị sự, 06 Ban ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoạt động. Từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ V là thời kỳ củng cố và phát triển. Hiện nay, nhiệm kỳ VII, là nhiệm kỳ kế thừa, ổn định và phát triển, với số lượng 89 thành viên HĐCM, 199 Ủy viên Hội đồng Trị sự và 66 Ủy viên dự khuyết, 13 Ban Viện Trung ương, 63 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh thành cùng hàng trăm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 08 Chi hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA GHPGVN

A. VỀ MẶT TỔ CHỨC:

- Đã có 63/63 đơn vị hành chính tỉnh, thành thành lập Giáo hội cấp địa phương. Thành viên Ban Trị sự là đại diện của các tổ chức, Hệ phái Phật giáo, tăng ni, cư sĩ có phẩm chất đạo đức và năng lực điều hành phật sự.

- Thực hiện Nghị quyết các kỳ Hội nghị Trung ương GHPGVN, tại 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội và Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành.

B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH:

1. Tăng sự:

Theo báo cáo của Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, số lượng tăng, ni và cơ sở Tự viện trong cả nước được tóm tắt như sau:

- Về tăng, ni có 49.493 vị

- Về Tự viện có 17.287 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

- Về công tác cấp giấy Chứng nhận tăng, ni (CNTN), Ban Tăng sự Trung ương đã duyệt cấp 29.231 CNTN, đổi 2.904 CNTN, 8.444 Chứng nhận Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, 75 chứng nhận Tu nữ.

- Về truyền giới cho tăng ni, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành đã tổ chức 315 Đại Giới đàn, truyền giới cho 47.791 giới tử; đã duyệt cấp 46.544 chứng điệp thọ giới.

- Tổ chức An cư Kiết hạ:

Mỗi năm, trung bình có khoảng 28.000 tăng, ni an cư tập trung và gần 3000 tăng, ni an cư tại chỗ; 8000 Chư tăng Nam tông an cư theo truyền thống Hệ phái. Trung ương Giáo hội đã duyệt cấp 20.128 sổ Chứng điệp An cư Kiết hạ cho tăng, ni An cư lần đầu.

- Tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì và tập huấn Hành chính:

- Bổ nhiệm trụ trì, chuyển vùng tu học và sinh hoạt phật sự:

Để điều hành sinh hoạt cơ sở tín ngưỡng đơn vị của Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã bổ nhiệm 15.140 tăng, ni trụ trì cơ sở, công nhận hàng ngàn tăng, ni là trụ trì cơ sở của Giáo hội, đồng thời đã chấp thuận cho hàng trăm cơ sở tự viện được gia nhập và sinh hoạt hợp pháp trong Giáo hội.

Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã giới thiệu, thuyên chuyển hàng trăm tăng, ni chuyển vùng tu học, sinh hoạt phật sự và hướng dẫn phật tử tu học tại cơ sở tự viện của Giáo hội tại địa phương.

- Phật giáo Nam tông Khmer:

Từ năm 2004 đến năm 2016, nhằm hỗ trợ cho các hoạt động phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer, được sự hỗ trợ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương GHPGVN đã tổ chức 07 kỳ Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang.

2. Giáo dục tăng, ni:

Giáo dục và đào tạo tăng, ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao là một trong những phật sự trọng tâm của Giáo hội. Công tác Giáo dục luôn được lãnh đạo các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng tạo điều kiện.

Các phật sự chuyên ngành giáo dục đã thực hiện như: Tổ chức thành công nhiều Hội nghị, hội thảo chuyên đề Giáo dục Phật giáo; đã biên soạn và phổ biến giáo trình giảng dạy Trung cấp Phật học.

- Chương trình Cao học: Khóa I (2012 - 2014) có 60 tăng, ni sinh đã hoàn tất chương trình.

- Hệ thống Học viện: có 04 Học viện, gồm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam Nam tông Khmer tại Tp.Cần Thơ. Đã đào tạo 6.881 tăng, ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo trên 1.818 tăng, ni sinh.

+ Cao đẳng Phật học: Có 08 Lớp Cao đẳng Phật học. Đã đào tạo 2.125 tăng, ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo 1.111 tăng ni sinh.

+ Trung cấp Phật học: Có 31 Trường Trung cấp Phật học: Đã đào tạo 9.484 tăng, ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo 4.811 tăng, ni sinh.

+ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, đào tạo được 03 khóa có 98 vị sư sãi tốt nghiệp Cử nhân Phật học; 15 vị đang học khóa 4.

+ Du học:

Giáo hội đã cử 476 tăng, ni du học tại các nước. Đã có khoảng 150 tăng, ni tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành Phật học và các chuyên ngành khác, hiện đang tham gia các công tác của Ban Viện Trung ương Giáo hội.

3. Hoằng pháp:

Ban Hoằng pháp Trung ương và địa phương đã thực hiện có hiệu quả nhiều công tác phật sự có tính qui mô, trọng đại như tổ chức thành công các khóa Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, khu vực các tỉnh phía Bắc, miền Tây, miền Trung và Tây nguyên; tổ chức thăm viếng, cúng dường và thuyết giảng các Trường hạ nhân mùa An cư Kiết hạ hằng năm.

- Công tác đào tạo Giảng sư: Đã đào tạo 10 khóa, với 890 tăng, ni tốt nghiệp,

- Sinh hoạt tại các đạo tràng: Chương trình thuyết giảng, sinh hoạt giáo lý tại hơn 200 đơn vị đạo tràng,

- Hội thi giáo lý dành cho cư sĩ, phật tử: Để tạo điều kiện cho phật tử tìm hiểu giáo lý, Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh thành đã tổ chức nhiều Hội thi giáo lý cho phật tử tại Trung ương và địa phương.

Các thành quả hoạt động của công tác hoằng pháp đã góp phần truyền bá giáo pháp đức Phật đến mọi tầng lớp đồng bào phật tử, tăng trưởng đạo tâm, phát huy chính tín, tạo nguồn an lạc, giải thoát, ổn định trong cuộc sống và sự tu tập theo Chính pháp của người phật tử tại gia.

4. Hướng dẫn phật tử:

- Theo số lượng thống kê của Phân ban Gia đình Phật tử, hiện có 1003 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt trong Giáo hội; 8.560 Huynh trưởng và 65.650 Đoàn sinh.

- Về các Đạo tràng, hiện có 907 đạo tràng tu Bát Quan trai, 81 đạo tràng tu thiền, 163 đạo tràng Pháp Hoa, 91 đạo tràng Đại Bi, Dược Sư, Niệm Phật, 82 đơn vị tổ chức khóa tu một ngày an lạc, và hàng trăm lớp giáo lý. Có khoảng 194.694.000 phật tử tham dự.

- Tổ chức thành công 02 cuộc Hội thảo Hướng dẫn phật tử toàn quốc; 12 lần hội nghị Huynh trưởng toàn quốc;

- Tổ chức các khóa Huấn luyện Kiên, Trì, Định, Lực; các trại huấn luyện Anoma, Ni Liên, Tuyết Sơn, Lộc Uyển, A Dục, trại Vạn Hạnh… và hàng trăm Hội trại, trại hè, với sự tham dự của hàng ngàn các Huynh trưởng và đoàn sinh.

- Tổ chức nhiều Đại lễ Quy y cho đồng bào dân tộc tại tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước… và nhiều Lễ Quy y cho đồng bào phật tử

- Tiểu ban Thanh Thiếu nhi Phật tử Trung ương phối hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức 11 Hội trại tuổi trẻ Phật giáo. Mỗi hội trại có hàng ngàn lượt trại sinh từ 14 đến 30 tuổi tham dự.

Ngoài ra, tại các khóa Hội thảo, Hội nghị, hay tổ chức Đại lễ Quy y cho đồng bào phật tử, nhất là phật tử các vùng dân tộc, Tây Nguyên, Ban Hướng dẫn Phật tử đều kết hợp với Ban Hoằng pháp để thuyết giảng Phật pháp và Ban Từ thiện Xã hội để thực hiện các công tác từ thiện, thể hiện trọn vẹn tinh thần và bổn phận của người phật tử tại gia đối với đạo pháp và xã hội.

5. Nghi lễ:

- Tổ chức thành công 02 cuộc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc và nhiều cuộc Hội nghị để tổng kết công tác phật sự hằng năm.

- Đại Lễ Phật Đản.

- Đại lễ Vu Lan báo hiếu.

- Lễ Tưởng niệm, Lễ tang: như Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, Đại lễ Kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Lễ Kỷ niệm 1000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, tổ chức tang lễ Chư tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội trang nghiêm và trọng thể.

- Trên tinh thần tri ân Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trong công cuộc vệ quốc vĩ đại, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều Đại lễ Tưởng niệm cầu siêu Anh linh Anh hùng Liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đại lễ tưởng niệm các bậc tiền nhân có công trong việc mở mang bờ cõi Việt Nam đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của đạo Phật.

6. Văn hóa:

Ban Văn hóa Trung ương đã thực hiện một số công tác văn hóa trọng tâm như:

- Tổ chức đoàn thăm viếng, làm việc với Ban Trị sự, Ban Văn hóa Phật giáo tại các tỉnh, thành phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây.

- Tổ chức thành công nhiều hội thảo Văn hóa Phật giáo toàn quốc và triển lãm Văn hóa Phật giáo.

- Ban Văn hóa Trung ương đã từng bước triển khai thực hiện 04 đề án: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam và Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam.

- Tạp chí Văn hóa Phật giáo; Tạp chí Nghiên cứu Phật học của Phân viện NCPH; Tạp chí Khuông Việt; Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy của Phật giáo Nam tông; Tuần báo Giác ngộ, Nguyệt san Giác ngộ, các số báo đặc biệt như báo Xuân, báo Phật đản, Vu Lan, Thành đạo được đọc giả đánh giá cao về mặt nội dung và hình thức.

Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận nhiều kỷ lục cho Phật giáo Việt Nam như:

- Kỷ lục người dịch kinh nhiều nhất cho HT.Thích Trí Tịnh và HT.Thích Minh Châu.

- Kỷ lục cung nghinh Xá Lợi Phật và Thánh Tăng tại Tp.Hà Nội và chùa Bái Đính, có số lượng tăng ni, phật tử đông nhất và trang trọng nhất.

- Nhiều kỷ lục liên quan đến công tác tôn tạo Kim thân đức Phật, và các công trình văn hóa Phật giáo khác.

Nhiều công trình lớn được trùng tu xây dựng và khánh thành như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, công trình xây dựng trụ sở Văn phòng như Trụ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội - chùa Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng 2 T.Ư Giáo hội

– Thiền viện Quảng Đức; nhiều trụ sở Ban Trị sự các tỉnh thành

7. Kinh tế Tài chính:

Hằng năm, Ban Kinh tế Tài chính Trung ương đều có thông bạch vận động các Ban Trị sự Phật giác các tỉnh thành, tăng, ni, phật tử, các doanh nghiệp cúng dường công đức phí cho các hoạt động của Giáo hội.

8. Từ thiện Xã hội:

- Có 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.

- Các phòng tư vấn HIV/AIDS trong cả nước, như tại Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh và một số tỉnh đều hoạt động có hiệu quả, tham gia nhiều chương trình đặc biệt trong nước và nước ngoài do MTTQVN phát động.

- Công tác cứu trợ quốc tế như cứu trợ nhân dân các nước Đông Nam Á bị sóng thần, đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị thiệt hại tài sản và nhân mạng do động đất và sóng thần, trận động đất tại Nepal.

Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như: Xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, trao quà tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa v.v… đều được các thành viên Ban Từ thiện xã hội Trung ương, các tỉnh, các cơ sở tự viện, tăng, ni, phật tử tích cực tham gia.

Công tác từ thiện xã hội trong 35 năm qua đạt số liệu, ước tính khoảng 7.523.502.920.000 đồng (Bảy ngàn năm trăm hai ba tỷ năm trăm lẻ hai triệu chín trăm hai mươi ngàn đồng).

9. Phật giáo Quốc tế:

- Tiếp đón hàng trăm phái đoàn Phật giáo Quốc tế, các tổ chức Phật giáo Quốc tế, phái đoàn Đại sứ quán các nước, tiếp đón quý phái đoàn Vua sãi Tép Vong, Bộ trưởng Bộ Nghi lễ Tôn giáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia, phái đoàn Hòa thượng Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào, phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, phái đoàn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (Nhật bản), phái đoàn Hội quán Đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn Pakistan, phái đoàn Phật giáo Ấn Độ (Kim Cang Thừa), phái đoàn Phật giáo Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, phái đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo Toàn cầu Hoa Kỳ, phái đoàn Nữ giới Hội Sakyadhita v.v…

- Tham dự hàng trăm cuộc hội nghị Quốc tế tại Mông Cổ, Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore, Srilanka, Myanmar, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Italia, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… với các chủ đề về văn hóa, đạo đức, giáo dục Phật giáo, môi trường, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân v.v…

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên thành lập Tổ chức Liên minh Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ; Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chính pháp tại Nhật; Ủy ban Tổ chức Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (ICDV) v.v...

Nhìn chung, công tác Phật giáo giao lưu quốc tế trong thời gian qua tương đối đều đặn, tăng cường số lượng và chất lượng, đạt những thành quả rất khả quan.

10. Pháp chế, Kiểm soát:

Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát là hai trong ba Ban mới được thành lập tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (năm 2012). Với chức năng chuyên ngành, Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự, tăng, ni, tự viện.

Góp phần ổn định tình hình sinh hoạt tăng, ni, tự viện tại địa phương, nhất là công tác tổ chức Đại hội Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.

11. Thông tin Truyền thông:

Ban Thông tin Truyền thông được thành lập tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII năm 2012. Tuy mới được thành lập, nhưng các hoạt động thông tin truyền thông của Giáo hội rất thường xuyên, liên tục cập nhật đưa các thông tin phật sự kịp thời và rộng khắp trên các phương tiện thông tin Phật giáo và đại chúng.

Nét nổi bật trong công tác phật sự của Ban TTTT T.Ư là sự kiện tổ chức 02 khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông toàn quốc tại Quảng Ninh và tại Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2015 và 2016, với sự tham dự của các học viên học tập các Chuyên đề “Truyền thông và những tác động của truyền thông tới dư luận xã hội; Chuyên đề các tôn giáo tại Việt Nam; Chuyên đề Truyền thông & những đặc thù trong truyền thông Phật giáo”.

Phân Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức lớp nghiệp vụ báo chí truyền thông Phật giáo tại chùa Candaransi Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của chư tăng phụ trách thông tin truyền thông tại 14 tỉnh thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt.

Nhiều sự kiện liên quan đến các cơ sở tự viện, tăng , ni được đăng tải trên các nhật báo, báo điện tử hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình, Ban Thông tin truyền thông đã có những cuộc trao đổi, những phản ánh, đề nghị quý báo, quý đài sử dụng từ đúng mực, tránh việc câu khách, giật gân ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành và có những định hướng để các báo thực hiện tác nghiệp.

Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp với các báo, tạp chí Phật giáo, các trang báo mạng và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong việc truyền thông các sự kiện của Giáo hội và tham gia hoằng truyền chính pháp.

Ban có trang tin điện tử www.phatgiao.org.vn được Bộ TT&TT cấp Giấy phép số 09/GP-TTĐT ngày 04/04/2014. Trang tin với nội dung phong phú, thông tin sinh động, nghiêm túc và tin cậy, thông tin phật sự chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phản ánh sinh động các mặt hoạt động phật sự trong nước và quốc tế được cập nhật liên tục 24/7 qua các tin, bài, hình ảnh, video...

12. Nghiên cứu Phật học Việt Nam:

Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức thực hiện các công tác như:

- Công tác in ấn, dịch thuật: Công tác in ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam đã hoàn tất 5 bộ Nikaya, 4 bộ A Hàm và một số Kinh thuộc Tiểu Bộ. Tổng cộng 33 tập, trên dưới khoảng 200 ngàn trang, và đang hiệu đính các bộ Đại Thừa thuộc Hán Tạng.

- In và phát hành hàng trăm đầu sách thuộc các thể loại như Kinh, Luật, Luận, Sử Phật giáo Việt Nam và Sử Phật giáo thế giới; các tác phẩm dịch thuật, biên soạn của Chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả.

- Viện Nghiên cứu sẽ tiếp tục biên soạn, phiên dịch các tác phẩm Phật giáo; dịch và biên sọan lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Hàn Quốc và Campuchia… Ban Phật giáo Nam tông tiếp tục sưu tầm một số kinh sách do cố Hòa thượng Giới Nghiêm dịch hoặc viết; sưu tầm, giới thiệu tiểu sử và hành trạng của chư vị tôn túc trưởng lão của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; giới thiệu quá trình thành lập và phát triển Phật giáo Nam tông Việt Nam và Phật giáo Nam tông Khmer.

- Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội hoạt động theo chức năng chuyên môn và nhiệm vụ, phục vụ sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội. Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản đều đặn theo định kỳ, góp phần phát huy tinh thần trong sáng, tích cực của đạo Phật, đáp ứng như cầu tu học Phật pháp của tăng, ni, phật tử cũng như các nhà nghiên cứu Phật học.

C. CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC:

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật, tăng, ni và phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư; tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa; tham gia ủng hộ công tác xây dựng trường học, lớp học, phòng học tại các vùng sâu vùng xa, đắp lộ hàng chục km, xây hàng trăm cây cầu, hàng trăm giếng nước sạch. Nổi bật nhất là bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện được các tự viện, các nhóm phật tử thực hiện thường xuyên; động viên con em gia đình phật tử thi hành nghĩa vụ quân sự, làm tròn bổn phận công dân đối với đất nước và xã hội.

Tham gia góp ý dự thảo xây dựng dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo; Tham gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Liên kết với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trong việc vận động tăng, ni, phật tử thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo trong các Lễ hội tôn giáo tại địa phương.

Nhìn chung, tăng, ni và phật tử luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, gương người tốt việc tốt, bàn tay vàng giàu lòng nhân đạo v.v… nên đã được nhà nước trao tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen và Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

III. KẾT LUẬN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua 35 năm thành lập, ổn định và phát triển, với tinh thần đoàn kết hòa hợp của tăng, ni, phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đã được đề ra một cách nhất quán trong các bản Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập cho đến nay. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là do sự chung sức chung lòng, nhất tâm đoàn kết của cả hệ thống Giáo hội từ trung ương đến địa phương, sự đồng tình, tủng hộ của tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.

Truyền thống phụng đạo, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc đã được tăng, ni, phật tử kế tục thực hiện như các bậc tiền bối, Tổ sư đã thực hiện trong quá khứ, nhất là tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt nam thân yêu. Trong mọi lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng …. đều có bóng dáng của tăng, ni, phật tử, trong số đó không hiếm những cống hiến xuất sắc cho tổ quốc và dân tộc.

(Trích báo cáo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2016