Tác giả: Thích Nữ Chơn Khương

Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) là một trong hai vị Thánh Tối thượng thinh văn (Aggasāvaka) đứng đầu trong các bậc Thánh đệ tử của đức Phật Gotama.

Ngài là bậc thầy của nhiều thế hệ không phải chỉ riêng tri kiến thù thắng mà còn để lại những tấm gương sáng cho Đạo và đời. Hiếm ai trong cuộc đời được một pháp lữ đa văn quảng kiến như Tôn giả Ananda cũng không tiếc lời ca ngợi, chẳng những vậy mà Thiên chúng các cõi Trời cũng một lòng kính ngưỡng phủ phục.

Đặc biệt, ngài được đức Phật ca ngợi với những mỹ từ đẹp nhất để tán thán về mười sáu phẩm hạnh cao quý mà không phải ai cũng có được ở trong Kinh Susima.

“Này Ānanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Sāriputta? Này Ānanda, hiền trí là Sāriputta. Này Ānanda, đại tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, quảng tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, hỷ tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, tiệp tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, lợi tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, quyết trạch tuệ là Sāriputta. Này Ānanda, thiểu dục là Sāriputta. Này Ānanda, tri túc là Sāriputta. Này Ānanda, viễn ly là Sāriputta. Này Ānanda, bất liên hệ là Sāriputta. Này Ānanda, tin tấn là Sāriputta. Này Ānanda, dạy dỗ là Sāriputta. Này Ānanda, chấp nhận lời dạy là Sāriputta. Này Ānanda, khiển trách là Sāriputta. Này Ānanda, chỉ trích điều ác là Sāriputta. Này Ānanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm, lại có thể không hoan hỷ đối với Sāriputta?”[1]

1. Hiền trí (paṇḍito)

Ngài được gọi là bậc hiền trí vì ngài có trí tuệ thù thắng lão luyện trong các pháp như trong Kinh Đa Giới (Trung bộ kinh, Kinh 115) mà đức Phật đã dạy cho tôn giả Ānanda về cách hiểu đúng nghĩa của từ “người hiền trí” là bậc cần phải hội đủ 4 sự thiện xảo:

(1) Thiện xảo về giới (dhātu) theo 6 phương diện như 18 giới, 6 giới, 3 giới…,

(2) Thiện xảo về xứ (āyatana) gồm 6 nội và ngoại xứ,

(3) Thiện xảo về duyên khởi (paṭiccasamuppāda) gồm 12 chi từ ‘vô minh’ đến ‘sầu, bi, khổ, ưu, não’.

Thiện xảo về xứ phi xứ (ṭhānāṭhāna), tức những sự kiện có thể và không thể xảy ra như người có chính kiến thì không bao giờ xem các hành là thường được…

2. Đại tuệ (mahā-pañño)

Đây là ám chỉ cho sự thành tựu nhiều loại trí cao tột như có được trí tuệ sâu sắc về các khía cạnh của Giới, của Định, của Tuệ, của giải thoát, và của giải thoát tri kiến. Hoặc trí tuệ sâu sắc về xứ và phi xứ, về các sự chứng đạt, về Thánh đế, và về 37 Yếu tố trợ cho sự giác ngộ. Liên quan đến trí tuệ toàn diện của ngài, đức Phật đã nói như sau: “Này các Tỳ-kheo, nếu Ta hỏi vị ấy về điều đó trong một ngày... cho đến bảy ngày đêm bằng những từ và những cụm từ khác nhau, thì Sāriputta sẽ giải thích vấn đề trong cùng một khoảng thời gian trong các từ và cụm từ khác nhau”.

3. Quảng tuệ (puthu-pañño)

Là trí tuệ sắc bén và lão luyện ở nhiều phương diện các uẩn, giới, xứ, duyên khởi, tánh không, nhân quả, trí tuệ phân tích quán chiếu về nhân quả.

4. Hỷ tuệ (hāsa-pañño)

Tức trí tuệ phát sinh kèm nhiều niềm hoan hỷ, hài lòng, hân hoan khi làm kiện toàn các giới, khi thúc liễm các căn, khi có sự chừng mực trong việc ăn, khi luôn có tỉnh giác, hoặc khi thành tựu Giới, Định, Tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

5. Tiệp tuệ (javana-pañño)

Đây là khả năng tốc trí nhanh nhạy của Ngài về các pháp trong cả thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Chính do nhờ có được loại trí tuệ thù thắng này, nên Tôn Giả Sāriputta nhanh chóng hiểu và phân biệt rõ ràng trong danh sắc, 5 uẩn, 18 giới, 12 xứ, v.v., trong hiện tại, quá khứ và vị lai dù xa hay gần như thực tại của chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Với trí tuệ nhanh nhạy của mình, ngài dễ dàng hiểu được lời dạy ngắn gọn của ngài Assaji về nguyên nhân và sự chấm dứt của mọi sự vật có điều kiện theo hàng trăm hoặc hàng nghìn cách khác nhau. Và liền sau đó, vị ấy đã chứng quả Thánh quả đầu tiên (Sotāpanna) khi nghe hai dòng đầu của bài kệ.

“Các pháp do nhân-duyên sinh,cũng do nhân-duyên diệt,

Đức Phật của chúng ta, thường dạy nói như vậy.”

Với trí tuệ đã chín muồi, khi nghe xong bài kệ, tôn giả Sāriputta liền tỏ ngộ chân lý Tứ thánh đế và chứng đắc Nhập lưu thánh Đạo - thánh Quả ngay tức thì.

Kể từ đó trở đi, ngài vẫn luôn giữ sự khiêm cung và tôn kính với Đại đức Assajivì- người đã trợ duyên cho ngài thấy được cánh cửa bất tử khi liễu ngộ được chính Pháp mà đức Phật đã chỉ dạy. Vì vậy, suốt cả cuộc đời, ngài Sāriputta luôn luôn tỏ rõ lòng kính ngưỡng, tri ân Trưởng lão Assaji.

Trong Chú giải Nāvā Sutta và Chú giải Pháp Cú Kinh (kệ 392) có ghi lại rằng, bất cứ lúc nào mà ngài Sāriputta cùng ngụ trong một tinh xá với Trưởng lão Assaji, ngay sau khi đảnh lễ Thế Tôn, ngài luôn luôn đến viếng thăm và lễ bái Trưởng lão Assaji, và tự nhủ: “Vị Đại đức này là vị thầy đầu tiên của ta. Nhờ người mà ta biết được giáo Pháp của đức Phật.”

Tôn giả Assaji đọc bài kệ hướng dẫn cho ngài Xá-lợi-phất để đạt được Sơ Quả trong giáo Pháp của đức Phật.

6. Lợi tuệ (tikkha-pañño)

Ngài sở hữu được một trí tuệ sắc bén có cắt đứt rất nhanh những điều bất thiện như năm triền cái, mười phiền não… hay nói cách khác, bất cứ trạng thái bất thiện tâm nào xảy ra thì Ngài có thể loại bỏ và nhổ sạch chúng trong 3 loại tâm: dục tư duy (kāmavitakka), sân tư duy (byāpādavitakka) và hại tư duy (vihiṃsavitakka).

Với tuệ này, một người có thể nhanh chóng đoạn trừ được tất cả phiền não, không bao giờ để chúng phát sinh ở trong tâm mình. Bất cứ trạng thái bất thiện tâm nào cũng không làm cho vị ấy trở nên bất tịnh. Về trí tuệ này, trong chú giải kinh Pháp cú (Dhammapada-aṭṭhakathā) nói rằng Ngài có thể đếm giọt mưa rơi xuống sông. Qua đó chúng ta thấy rằng Ngài đã sở hữu trí tuệ nhanh nhạy như thế nào và đây là lý do vì sao mà đức Phật thường tán thán trí tuệ của ngài trước Hội chúng.

7. Quyết trạch tuệ (nibbedhika-pañño)

Tức trí tuệ thấu suốt theo nghĩa đâm thủng hoặc phá vỡ khối tham, khối sân, khối si… mà đã che án từ bấy lâu nay với nhiều hiện tướng trước đó như thương ghét, sợ hãi, oán thù.

8. Thiểu dục (appiccho)

Là sự ít ham muốn với 2 mục đích:

(1) Santaguṇa-niguhatā: giấu kín hoặc không khoe khoang những đức lành hiện có của chính mình cho người khác.

(2) Paccaya-paṭiggahaṇe mattaññutā: có sự điều độ trong khi thọ nhận và sử dụng 4 nhu yếu phẩm của đời sống (chổ ở, vật thực, thuốc men và y phục).

9. Tri túc (santuṭṭho)

Tức sự hài lòng, mãn nguyện, biết đủ trong lúc tìm kiếm, thọ nhận và sử dụng 4 nhu yếu phẩm của đời sống qua 3 phương diện:

(1) Sự biết đủ với điều mà mình đã có được (yathālābhasantosa)

(2) Sự biết đủ với khả năng mà mình có được (yathābalasantosa)

(3) Sự biết đủ với điều hợp lý, đúng pháp (yathāsāruppasantosa)

Một lần nọ, đức Phật dẫn chúng tăng đi hành hóa. Lúc về đến thành Xá-Vệ, thì nhóm tỳ-kheo thường được đại chúng gọi là “lục quần tỳ-kheo”, đã cố đi thật lẹ để về tinh xá Kỳ-Viên trước mọi người. Họ tranh nhau chiếm hết các chỗ ngủ nghỉ tương đối tốt trong chúng, kể cả tịnh thất của tôn giả Xá-lợi-phất. Họ bảo: “Đây là chỗ của đức Phật, thầy ta, ta có quyền cư trú”. Hôm đó ngài Xá-lợi-phất lại về rất trễ. Khi về đến tu viện, trông thấy tịnh thất của mình đã bị nhóm “lục quần tỳ-kheo” chiếm ngụ, tôn giả không phiền hà gì cả, bèn hoan hỷ ra gốc cây tĩnh tọa suốt đêm đó mà không hề khó chịu hay bực tức gì.

10. Viễn ly (pavivitto)

Ngài hài lòng và thích thú với ba loại ẩn dật, đó là:

(1) Thân viễn ly (kāyaviveka): ẩn dật về thân, vị ấy không dính mắc vào các dục lạc.

(2) Tâm viễn ly (cittaviveka): giải thoát tâm khỏi các phiền não và

(3) Sinh y viễn ly (upadhiviveka): ẩn dật khỏi những yếu tố thiết yếu của cuộc sống và đạt được Niết Bàn.

Về phẩm chất này, trong Tương ưng Sāriputta, Tôn giả Sāriputta trả lời câu hỏi của Ānanda về việc Ngài đã trải qua một ngày như thế nào, thì Ngài đáp rằng đã dành cả ngày để an trú trong các giai đoạn thiền định khác nhau.

11. Bất liên hệ (asaṃsaṭṭho)

Tức ngài không có liên hệ hay tiếp xúc với những phiền não xuyên qua 5 sự tiếp xúc:

(1) Dasana-saṃsagga: tiếp xúc do thấy

(2) Sevana-saṃsagga: tiếp xúc do nghe

(3) Samullapana-saṃsagga: tiếp xúc do nói chuyện

(4) Paribhoga-saṃsagga: tiếp xúc do sự thụ hưởng

(5) Kāya-saṃsagga: tiếp xúc do sự xúc chạm.

Vị hành giả nào không liên kết với 5 sự tiếp xúc này thì được gọi là bất liên hệ.

12. Tinh tấn (āraddhavīriyo)

Tức sự cố gắng tinh cần sống theo Pháp để ngăn ngừa những phiền não chưa sinh thì không cho khởi sinh, hoặc để đoạn trừ những phiền não đã sinh, hoặc để phát triển các thiện pháp chưa sinh, hoặc gìn giữ các thiện pháp đã sinh trong cả 4 oai nghi.

13. Dạy dỗ (vattā)

Tôn giả luôn đưa ra những lời khuyên khi thấy một vị tỳ- kheo nào đó phạm những điều sai trái, và ngài không bao giờ chậm trễ khi đưa ra những lời khuyên răn đó để giúp cho họ tu sữa và gội sạch những phiền não ngủ ngầm trong tâm.

14. Chấp nhận lời dạy (vacanakkhamo)

Ngài sẵn sàng ghi nhận mọi lời khuyên, sự phê bình hay sửa sai từ bất kỳ ai cho dù tuổi đời hay tuổi hạ nhỏ đến đâu đi chăng nữa thì ngài vẫn lắng nghe và giữ được sự khiêm cung đối với người khác, không những thế mà ngài Sāriputa còn có một tấm lòng tri ân chân thành đến họ. Chú giải Susīma Sutta (SN 2:29) thuật rằng trong một trường hợp nọ do sơ ý nhất thời, mà một góc chéo y nội (antaravāsaka) của Ngài bị lệch xuống và chạm đất. Một vị sa di bảy tuổi đã trông thấy và chỉ cho ngài rằng: “Bạch ngài, y phải được quấn ngay thẳng quanh thân ạ.”

“Lành thay!”. Ngài hoan hỷ đáp lời.

Rồi ngài liền bước sang một bên, cẩn thận chấn chỉnh y áo, rồi tiến lại vị sa-di và bảo rằng: “Bây giờ đã tề chỉnh rồi, thưa thầy!”

15. Khiển trách (codako)

Tức Ngài luôn vì lòng bi mẫn mà khiển trách những vị tỳ-khưu vi phạm giới và khuyến dạy họ trở nên tốt đẹp hơn như chớ nên làm điều này hoặc nên làm điều kia… dựa đúng theo tinh thần giới luật mà đức Phật đã ban hành.

Một hôm đức Phật và Tăng chúng đang tụ họp tại giảng đường, tỳ-kheo Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) đến yêu cầu đức Phật trao quyền lãnh đạo Tăng đoàn lại cho ông ta, đức Phật không chấp thuận nên ông ta đã lôi kéo và dụ dỗ rất nhiều vị tỳ-kheo đi theo mình. Sau đó, ngài Sāriputta đã đến chỗ của tỳ-kheo Devadatta cùng đồ chúng đang tụ họp, xuất hiện với vẻ đầy uy nghi và thuyết giảng cho họ hiểu những việc làm sai trái của mình và khiến cho họ đã quy phục và quay trở về sám hối với đức Phật. Đức Phật đã tán thán và ngợi khen ngài Sāriputta vì đã đem lại sự hoà hợp cho tăng đoàn.

16. Chỉ trích điều ác (Pāpagarahī)

Ngài phát nguyện không gặp người ngu, không nghe lời nói của họ, không cộng trú với họ trong vũ trụ này, không gặp người lười biếng, không có đạo đức, người không có trí và người chỉ nhìn vào lợi ích trong đời sống hiện tại.

Tóm lại, trên đây là 16 phẩm chất đặc biệt của ngài Sāriputta mà được đức Phật, Tăng chúng và chúng chư Thiên tán thán Ngài. Trong đó, phẩm chất từ số 1-7 thuộc về trí tuệ, từ số 8-11 thuộc tính cách, số 12 thuộc thân hành, từ số 13-16 thuộc khẩu hành.

Mọi thời pháp của Đức Thế Tôn đều được tôn giả Sàriputta lãnh hội một cách trọn vẹn, sự đa văn thông tuệ của Tôn giả ngày càng siêu việt hơn. Có những lúc, Đức Thế Tôn vừa thuyết pháp cho nhóm Tỳ-kheo này xong, thì những đoàn Tỳ-kheo khác đến. Những lúc như vậy, Đức Thế Tôn thường bảo tôn giả Sàriputta thuyết lại thời pháp của Ngài cho những vị Tỳ-kheo mới đến, để Ngài đi kinh hành một lát. Hay có những khi vì sự bất hòa của thân tứ đại, những lúc như vậy đức Phật liền bảo ngài Sàriputta thuyết hết bài pháp còn lại mà Ngài chưa thuyết xong, hay thuyết toàn bộ những thời pháp để giáo giới, khuyến khích sự tu tập của hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, hàng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di… Những thời pháp của tôn giả Sàriputta vừa dứt thì cả đại chúng bao giờ cũng vang lên tiếng “Sādhu” (lành thay) để ngợi khen ngài. Những lúc ấy, Đức Thế Tôn cũng đã có mặt trên pháp tòa và tán thán tôn giả Sàriputta trước hội chúng. Cho nên chúng ta cần phải noi theo những hạnh lành của Ngài để tu tập, lấy đó làm tấm gương sáng cho đời sống của người xuất gia.

Tác giả: Thích Nữ Chơn Khương ***

[1] Kinh Susima, Chương 2, Tương ưng Thiên tử, phẩm Các ngoại đạo.