Tác giả: Nguyễn Như Bình - Thông tấn xã Việt Nam
 
Tóm tắt
 
Hiện nay ở Đông Nam Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung, du lịch văn hoá tâm linh đang trở thành một loại hình du lịch hấp dẫn. Loại hình du lịch tâm linh này bước đầu đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với một số loại hình du lịch khác, đồng thời nó cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định, song không phải vì thế mà nó không có những yếu kém, hạn chế.
 
Nhằm góp phần vào việc đẩy mạnh việc phát triển bền vững du lịch văn hóa tâm linh ở Đông Nam Bộ trong thời gian tới, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần của người dân thông qua các cuộc tham quan, hành hương về các thánh tích, bài viết này chủ yếu đi vào tìm hiểu và đưa ra một vài giải pháp mang tính định hướng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tâm linh thông qua du lịch như một ý kiến đóng góp.
 
Từ khoá: Phát triển bền vững, du lịch, văn hóa tâm linh, Đông Nam Bộ.
 
Summary
 
Spiritual heritage tourism in the South – East Vietnam,
Recently, spiritual heritage tourism has been becoming a more and more interesting type of tourism in Vietnam, especially in the Southeast. The spiritual heritage tourism gains its first step to show its critical advantages compared to other types of tourism, and achieves some initial achievements. However, spiritual heritage tourism also has its weaknesses and disadvantages. Therefore, in order to develop this type of tourism in the Southeast Vietnam, along with enriching spiritual life through activities of sightseeing or making a pilgrimage to relics, this essay focus on learning about this type of tourism, and giving some suggests to conserve and enrich spiritual values.
 
Keywords: Sustainable development, tourism, spiritual culture, Southeast. 

1. Đặt vấn đề

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu vật chất của con người ngày càng được đáp ứng một cách dễ dàng và nhu cầu tâm linh ngày càng ít đi. Tuy nhiên, như một vòng quay luân hồi, đến một giới hạn nào đó, con người lại quay về với những giá trị tâm linh như một cách thể hiện và khám phá bản thân, khám phá vũ trụ và tìm kiếm giá trị sống đích thực cho chính mình giữa nhịp sống vốn bộn bề, lo toan, bằng cách thử nghiệm một loại hình du lịch cao cấp: Du lịch tâm linh.
 
Ở châu Á, đặc biệt những quốc gia theo Phật giáo như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan..., du lịch tâm linh đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ từ rất lâu. Tại Việt Nam hơn một thập kỷ nay, du lịch tâm linh cũng đã và đang trở thành một ngành kinh tế phát triển mạnh.
 
Bên cạnh những cơ sở du lịch tâm linh vốn có thu hút nhiều khách thập phương như chùa Hương ở Hà Tây; chùa Quán Sứ, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Láng, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Thịnh Liệt, nhà thờ Phùng Khoang, nhà thờ An Thái ở Hà Nội; chùa Cả, chùa Phổ Lễ, chùa Ngọc Tiên tại Nam Định; chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dơi ở Bắc Ninh; chùa Bích Động, chùa Non Nước, chùa Nhất Trụ, chùa Bái Đính ở Ninh Bình; Chùa Chuông ở Hưng Yên; đền Trần ở Nam Định, chùa Keo ở Thái Bình; chùa Vĩnh Khánh ở Vĩnh Phúc; chùa Cầu, chùa Đông Phước ở Quảng Nam; chùa Thiên Mụ ở Huế; chùa Mã Tộc, chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, chùa Chén ở Sóc Trăng; chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang; chùa Munivongsa ở Cà Mau; chùa Hưng Thiện, Quán Âm Phật Đài ở Bạc Liêu; chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, chùa Ấn Quang, chùa Hoằng Pháp, chùa Xá Lợi, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Cha Tam, nhà thờ Hạnh Thông Tây, nhà thờ Chúa Cứu Thế… ở thành phố Hồ Chí Minh; chùa Hội Khánh ở Bình Dương; Thiền Viện Bát Nhã tại huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng… thì còn một số cơ sở được xây dựng mới như Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), khu Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương); khu di tích lịch sử Đền Hùng (Thành phố Hồ Chí Minh)… 
 
Đồng thời, bên cạnh các cơ sở thờ tự, hệ thống các lễ hội là một thành tố đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Đông Nam Bộ, có vai trò to lớn, không thể tách rời trong đời sống của cộng đồng dân tộc.
 
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự đổi thay nhiều mặt của đất nước, lễ hội truyền thống Việt Nam đang có sự biến đổi cả về nội dung và hình thức biểu hiện. Những hình thức mới chứa đựng những nội dung mới của hoạt động lễ hội đang diễn ra, biến động và từng bước định hình trong điều kiện mới. Việc khai thác, sử dụng và mở rộng các nội dung, thành tố của lễ hội của các địa phương phục vụ kinh doanh du lịch là một vấn đề mới, hứa hẹn tiềm năng to lớn.
 
Trước tình hình đó, nhằm đa dạng hóa và bắt nhịp với xu hướng chung của ngành du lịch, Đông Nam Bộ đã khai thác loại hình du lịch tâm linh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì loại hình du lịch tâm linh này vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có. Do đó, chúng ta phải hoạch định hướng đi riêng thật cụ thể cho loại hình du lịch tâm linh, giúp loại hình du lịch này thực sự trở thành một nhu cầu thiết thực, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân.
Núi Bà Đen Tây Ninh - nóc nhà Đông Nam Bộ
Núi Bà Đen Tây Ninh - nóc nhà Đông Nam Bộ

2. Cở sở lý luận và địa bàn nghiên cứu

2.1. Khái niệm Du lịch và Phát triển du lịch bền vững

Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 đưa ra khái niệm: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
 
Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch. Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

2.2. Du lịch tâm linh

Thuật ngữ “Du lịch tâm linh” tuy mới xuất hiện gần đây nhưng trên thực tế nó đã diễn ra trên cả nước từ hàng trăm năm nay thông qua các lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Thánh Gióng, lễ hội Nghinh Ông ở Củ Chi, lễ hội vía bà ở Châu Đốc, Tây Ninh… Cũng theo đó, từ trước đến nay nhiều người dùng “Hành hương” để chỉ “Du lịch tâm linh” nhưng không biết rằng “Hành hương” chưa thể hiện hết tính chất, ý nghĩa và mục đích của “Du lịch tâm linh”. Để tìm cách cắt nghĩa khái niệm “Du lịch tâm linh” là cả một vấn đề, cho đến thời điểm hiện tại chưa có một định nghĩa cụ thể nào về “Du lịch tâm linh”, mỗi người hiểu theo một cách khác nhau.
 
Theo Giáo sư, Tiến sĩ A.P.J Abdul Kalam (Cựu Tổng thống Ấn Độ) thì: “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết” [Lê Quang Đức, 2008]. 
 
Còn theo cách định nghĩa của Thích Đạt Đạo: “Du lịch tâm linh là tìm hiểu văn hoá, giá trị truyền thống bằng cách thăm viếng từ tâm trí, trái tim, nuôi dưỡng và mở rộng sự hiểu biết hướng về cái thiện, hoà hợp với thiên nhiên, đồng loại, chúng sinh; nâng cao được giá trị tâm hồn, hiểu rõ hơn về tâm linh, đặc biệt đối với Phật giáo là hiểu hơn về chân lý giải thoát, giá trị chân thực của cuộc sống hiện tại” [Thích Đạt Đạo, 2010]. 
 
Ở góc độ khác, Đinh Đức Hiền cho rằng: “Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu con người trong đời sống tinh thần. Loại hình du lịch này chủ yếu khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức con người về thế giới, những giá trị về đức tin trong tín ngưỡng, tôn giáo; từ đó mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch” [Đinh Đức Hiền, 2021].
 
Nguyễn Văn Tuấn lại nhận định: “Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch” [Nguyễn Văn Tuấn, 2013]. 
 
Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của mình, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: Đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương.
 
Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Như vậy, “Du lịch tâm linh” là một phạm trù rộng. Du lịch tâm linh thường gắn với lịch sử dân tộc, gắn với đức tin và hướng thiện, loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan, loại bỏ những kẻ buôn thần, bán thánh. Có nhiều hình thức của du lịch tâm linh nhưng tựu trung lại có hai loại hình cơ bản là Du lịch thông thường kết hợp tham quan chùa và Du lịch hành hương. Du lịch tâm linh bao hàm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình. Khơi dậy đời sống giác ngộ của khách du lịch tại những địa danh tâm linh chính là mục tiêu của các tour du lịch tâm linh.
 
Có thể nói du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc thù, không giống du lịch thưởng ngoạn, du lịch hội nghị. Nó là hình thức du lịch đưa con người đi vào thế giới của tâm hồn, cảm nhận trọn vẹn tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc. Có lẽ chính vì thế mà hình thức du lịch tâm linh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ không ngừng.

2.3. Vài nét về Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ bao gồm có 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Về vị trí địa lý, phía Bắc và phía Tây Bắc giáp với Campuchia, phía Tây Nam giáp với Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông – Đông Nam giáp với biển Đông và Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Đông Nam bộ có diện tích thuộc vào loại nhỏ so với các vùng khác (23.6 nghìn km2). Dân số toàn vùng Đông Nam Bộ khoảng 18,3 triệu người chiếm 22% dân số cả nước.
 
Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất Việt Nam. Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng vùng Đông Nam bộ đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước [M.Hiệp, 2023]. Kinh tế tư nhân phát triển và có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ nằm giữa Đông Nam Á, một khu vực kinh tế năng động và phát triển khá nhanh. Từ khu vực Đông Nam Bộ có thể tới tất cả các thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á chỉ mất khoảng 2 – 3 giờ bằng đường hàng không. Do đó, vùng Đông Nam Bộ có vị thế hết sức quan trọng trong giao lưu, hợp tác quốc tế.
 
Tất cả các điều kiện trên tạo ra lợi thế của vùng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là khai thác lãnh thổ theo chiều sâu, tức là nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật và vốn để vừa tăng thêm tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân vừa bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. 

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp hệ thống hóa: Sử dụng để hệ thống hóa những vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững, trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu lý luận của các công trình đã được công bố. Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp: Sử dụng để khảo cứu kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch bền vững ở một số địa phương trong nước. Trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Bạc Liêu. Phương pháp điều tra, khảo sát: Sử dụng để khảo sát thực tế phát triển bền vững du lịch văn hoá tâm linh vùng Đông Nam Bộ.
 
Thiết kế nghiên cứu: Kết hợp phương pháp thu thập thông tin tư liệu (thông qua hệ thống thư viện, Internet) và phương pháp tư duy khoa học, bao gồm: phân tích, tổng hợp, mô tả, quy nạp; hệ thống các môn khoa học có liên quan như: kinh tế du lịch, khoa học quản lý, maketing, quản trị du lịch…
Chùa Hội Khánh - Bình Dương
Chùa Hội Khánh - Bình Dương

4. Thực trạng du lịch tâm linh ở Đông Nam Bộ

4.1. Du lịch văn hóa tâm linh ở Đông Nam Bộ thế mạnh và những yếu kém 

4.1.1. Một số địa điểm danh lam thắng cảnh, lễ hội ở Đông Nam Bộ phục vụ du lịch tâm linh
 
Trong lịch sử đoạt động du lịch ở Việt Nam, những di tích có giá trị về lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật đã được triển khai đưa vào hoạt động du lịch và trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Phần lớn các điểm du lịch này là di sản của đất nước, là di tích tiêu biểu cho nền văn hóa của dân tộc. Và có thể khẳng định rằng, non nước Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam có vô số những ngôi đình, ngôi chùa, miếu, nhà thờ chứa đựng trong nó những đặc trưng văn hóa không chỉ của riêng vùng miền mà còn thể hiện nét riêng của dân tộc, khác hẳn so với các nước trong khu vực. Ở Nam bộ, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo) đa số tập trung ở hai trung tâm lớn là Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đối với khu vực Đông Nam bộ, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược một vài địa điểm du lịch nổi tiếng được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; lễ hội du lịch nổi tiếng về mặt tâm linh.
 
Đồng Nai: Văn miếu Trấn Biên, chùa Bửu Phong, chùa Cô Hồn (Bửu Hương tự), chùa Phật Bốn Tay, chùa Long Thiền, chùa Đại Giác, chùa Phật Tích Tòng Lâm, chùa Ông Tám, chùa Xuân Hòa, Hoàng Ân cổ tự, thiền viện Tuệ Thông, thiền viện Tuệ Chiếu, Mộ cự thạch Hàng Gòn, quần thể núi Chứa Chan và chùa Gia Lào, tịnh xá Ngọc Uyển, đình Tân Lân, đình An Hòa, đình Phú Mỹ, đình Bình Quan, đình Phước Lộc, đình Xuân Lộc, đình Hưng Lộc, đình Phước Thiền, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền và mộ Trịnh Hoài Đức, đền Đoàn Văn Cự, miếu Tổ Sư, Thiên Hậu cổ miếu, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, nhà thờ Chánh tòa Xuân Lộc…
 
Các lễ hội: Lễ hội cúng Bà (Bà Ngũ Hành nương nương; Liễu Hạnh công chúa; Bà Chúa Thượng ngàn; Chúa Ngọc nương nương, Chúa Tiên nương nương; Chúa Xứ nương nương, Linh sơn thánh mẫu; Thiên Hậu thánh mẫu; Thủy Long thần nữ, các nữ thần bổn địa), Lễ hội Kỳ Yên tại đền Nguyễn Tri Phương…
 
Tây Ninh: Tòa thánh Tây Ninh, chùa Giác Ngạn, núi Bà Đen, chùa Phước Thành, chùa Núi Cậu, chùa Bà (núi Bà), chùa Cẩm Phong, chùa Bửu Sơn, chùa Am, nhà thờ Tha la (Trảng Bàng), nhà thờ Phong Cốc (Châu Thành)…
 
Các lễ hội: Hội Yến Diêu Trì, Lễ hội núi Bà Đen, Hội xuân núi Bà, Lễ Cầu Bông, Lễ Miếu, Lễ hội Đôn Ta, Lễ Cúng Trăng (Ok ang bok), Lễ vào năm mới (Chon – chơ nam – thơ mây), Lễ hội Quan thánh đế quân…
 
Bình Dương: Chùa Hội Khánh, chùa Hưng Long (Bà Thao), chùa tổ Long Hưng (Tổ Đỉa), chùa Bà Bình Dương, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Đức Sơn, chùa Hội Khánh, chùa Hưng Mỹ, chùa Kim Thiền, chùa Kim Quang, chùa Long Châu, chùa Long Hưng, chùa Núi Châu Thới, chùa Phật Học, chùa Phước Thạnh, Long Hưng cổ tự, khu văn hóa lịch sử Đại Nam văn hiến, đình Dĩ An (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An), miếu Bà Đất Cuốc (ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên), đình Tân An (Bến Thế), đình Phú Cường (Bà Lụa), đình Phú Long, miếu Mộc Tổ, đình An Sơn, đình thần Phú Long, nhà thờ Lái Thiêu, nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, nhà thờ Búng…
 
Các lễ hội: Thiên Hậu cung và Lễ hội Chùa Bà, Lễ hội Cầu mưa của người Chăm Vân Canh…
 
Bình Phước: Chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh), chùa Tứ Phương Tăng (Sa Trạch, huyện Bình Long), Tam Bảo Thiền Đường (thị trấn An Lộc, huyện Bình Long), chùa Linh Sơn, chùa Từ Quang, chùa Seryodom (xã Lộc Hưng huyện Lộc Ninh), chùa Linh Ứng, chùa Giác Lâm, chùa Phúc Lâm, Đình thần Hưng Long (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), nhà thờ Phước Bình… 
 
Các lễ hội: Lễ Cầu Mưa của người S'tiêng Bù Lơ, Lễ hội Miếu Bà Rá Phước Long, Lễ dâng y Phật, Lễ Hoa Đăng…
 
TP.Hồ Chí Minh: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Hoằng Pháp, chùa Nam Thiên Nhất Trụ, chùa Vạn Đức, chùa Phụng Sơn, chùa Ngọc Hoàng, chùa Bà Thiên Hậu, Thiền viện Vạn Hạnh, chùa Phước Hải, chùa Ấn Quang, Bát Bửu Phật Đài, đình Phong Phú, đình Phú Nhuận, đền Hùng Vương, đền Trần Hưng Đạo, Lăng Ông Lê Văn Duyệt, Nhị Phủ Miếu, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Cha Tam, nhà thờ Chợ Quán, nhà thờ Vườn Xoài… 
 
Các lễ hội: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Lăng Ông Thượng, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Đông – đình Phú Nhuận – đình Chí Hòa, Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu, Hội miếu Ông Địa, Lễ đền thờ Phan Công Hớn, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Lễ hội chùa Phước Hải, Lễ hội Giỗ tổ nghề Kim hoàn, Hội chùa Ông Bổn (Nhị Phủ Miếu)…
 
Bà Rịa - Vũng Tàu: Chùa Khỉ, Đức Mẹ bãi Dâu, Linh Sơn cổ tự, đình Thắng Tam, chùa Hải Vân, Hòn Bà, miếu An Sơn, nhà thờ Đức Mẹ, tượng Chúa Kitô, Niết Bàn tịnh xá, Thích Ca Phật đài, Dinh Cô, chùa Quan Âm Bồ Tát, miếu Bà, chùa cổ Long Bàn, đình Thắng Tam, tổ đình Thiên Thai.
 
Các lễ hội: Lễ hội Dinh Cô, Lễ hội Đình thần Thắng Tam, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ giỗ Ông Trần.
 
Trên đây là một số địa điểm và lễ hội tâm linh tại Đông Nam bộ, mặc dù chưa phải đầy đủ nhất nhưng cũng cho chúng ta thấy tiềm năng du lịch tâm linh tại Đông Nam bộ thật rất phong phú và đa dạng, có thể tổ chức các chuyến du lịch tâm linh quanh năm suốt tháng.
 
4.1.2. Thế mạnh của du lịch văn hóa tâm linh ở Đông Nam Bộ
 
Du lịch văn hóa tâm linh là du lịch truyền thống sẵn có của vùng đất Đông Nam bộ. Với lịch sử phát triển hàng trăm năm nay, giờ đây du lịch văn hóa tâm linh đã trở thành một phần ngành du lịch truyền thống, đóng góp tỷ trọng khá lớn đối với nền công nghiệp không khói hiện nay ở Đông Nam Bộ. Với một thế đứng vững chắc ấy, chúng ta dễ dàng phát triển du lịch tâm linh tại Đông Nam Bộ trong hiện tại cũng như trong tương lai.
 
Khảo sát những di tích đã đề cập ở mục 4.1.1 chúng ta thấy rằng các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh được xây dựng và tọa lạc trong một quần thể không gian khá rộng lớn có núi, có rừng, có biển, sông, dược liệu quý. Chẳng hạn như ở Tây Ninh có núi Bà Đen với quần thể chùa miếu được xây dựng trong hang núi, có cảnh quan núi cao, vực sâu hiểm trở tạo cho khách bộ hành cảm giác như hòa mình vào một không gian hoang sơ, hùng vĩ và huyền bí.
 
Hay như thắng cảnh Dinh Cô ở Bà Rịa – Vũng Tàu tọa lạc trên một vùng đất địa linh nhân kiệt với một bên giáp núi cao, rừng rậm và một bên quay mặt về vùng biển nổi tiếng thu hút hàng ngàn du khách. Hoặc hệ thống di tích núi Chứa Chan và chùa Gia Lào ở Đồng Nai cũng nằm trên một ngọn núi được mệnh danh là “Đệ nhị thiên sơn” (cao 837m) ở Nam bộ sau núi Bà Đen “Đệ nhất thiên sơn” (cao 986m) của Tây Ninh.
 
Các di tích tâm linh thường có nhiều cảnh đẹp và tuổi đời khá cao vài trăm năm như nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1877 (Tp. Hồ Chí Minh), chùa Bửu Phong xây dựng năm 1679 (Đồng Nai), chùa tổ Long Hưng (Bình Dương) được xây dựng vào thế kỷ XVIII, chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) xây dựng vào thế kỷ XVIII, chùa Vĩnh Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh) xây dựng năm 1964… Quá trình hình thành và phát triển thường gắn với nhiều truyền thuyết độc đáo, kỳ bí được lưu truyền trong dân gian và cho đến nay vẫn còn tồn tại như một lực hút mời gọi khách tham quan về chiêm ngưỡng, nhằm thỏa mãn trí tò mò, óc khám phá như chùa Thiên Nam Nhất Trụ (Tp. Hồ Chí Minh), Dinh Cô, chùa Khỉ (Bà Rịa – Vũng Tàu), quần thể núi Chứa Chan và chùa Gia Lào (Đồng Nai).
 
Không chỉ có thế, khách tham quan đến các địa danh này còn tham quan, ngưỡng vọng về những bậc tiền hiền có công khai phá, bảo vệ và xây dựng vùng đất mới như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền thờ Trịnh Hòa Đức, Đoàn Văn Cự ở đất Đồng Nai, hay như phù hộ đồ trì cho cuộc sống của nhân dân, giúp nhân dân làm ăn như Dinh Cô (Bà Rịa – Vũng Tàu), chùa Bà (Tây Ninh).
 
Kiến trúc các di tích du lịch cũng là một lợi thế văn hóa thu hút khách tham quan, du lịch. Đó có thể là một nét kiến trúc mang tính tổng hợp cao  của Tòa Thánh Tây Ninh (đạo Cao Đài). Nét kiến trúc độc đáo của tòa thánh cho thấy tính cách gợi mở, thông thoáng của người dân Nam bộ trong tiếp nhận, hội nhập văn hóa. Con long mã trên nóc Tòa Thánh đang phóng về hướng Tây ngụ ý được du nhập từ phương Tây nhưng đầu vẫn ngoảnh về Đông phương ngụ ý là luôn hướng về nguồn cội dân tộc. Ta còn bắt gặp kiến trúc thánh đường hồi giáo với mái vòm và hình tượng của Bà La Môn giáo với các thần Vishnu, Brahma.
 
Hoặc kiến trúc nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh) theo dạng thánh thất Basilica với mặt bằng hình chữ thập dài và hậu cung hình bán nguyệt. Kiểu kiến trúc thì làm theo phong cách Roman có cải tiến ở bên ngoài nhưng với cuốn vòm gãy kiểu Gotich bên trong cùng kết cấu thép hiện đại chống đỡ cả công trình. Hay như kiến trúc chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các chùa Nam bộ, chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Tam, gồm 3 lớp chính: Chính diện, giảng đường và tăng xá; chính diện với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính, chùa nguyên thủy không có cổng tam quan, mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. 
 
Khi đến tham quan, ngoạn cảnh những di tích tâm linh, bên cạnh việc tìm về chốn thanh bình, yên ả của cảnh chùa, cảnh bụt, gần gũi với thiên nhiên, du khách còn được tham gia vào các lễ hội, các ngày giỗ, ngày kỷ niệm. Chính những điều này là sợi chỉ đỏ gắn kết truyền thống với hiện tại, tác động sâu, rộng và đồng thời là một bài học lịch sử không lời về việc bảo tồn và phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc.
 
Ngoài ra, khi đến thăm viếng các địa điểm du lịch tâm linh này khách du lịch còn được hòa mình vào các thắng cảnh du lịch thiên nhiên, nhân văn, văn hóa khác. Đồng thời tham gia vào đời sống văn hóa của nhân dân trong vùng như sinh hoạt chợ, sinh hoạt lao động. Càng đi nhiều, du khách sẽ cảm nhận được thêm chiều sâu về vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan của cư dân vùng đất mới, đây không phải là sự pha tạp hay hỗn dung văn hóa một cách thiếu ý thức như nhiều người thường nghĩ.
 
Một thế mạnh tạo động lực cho du lịch tâm linh ở Đông Nam Bộ riêng và cả nước nói chung là Phật giáo cũng như các tôn giáo khác được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để hoạt động, xây dựng, tôn tạo… làm cho các địa điểm du lịch thêm hấp dẫn, thêm nổi tiếng và độc đáo thu hút nhiều khách tham quan.
 
4.1.3. Một số hạn chế của du lịch văn hóa tâm linh ở Đông Nam Bộ
 
Bên cạnh những cái hay, cái tốt đã và đang đạt được nhưng vẫn còn nhiều bất cập không đáng có. Những bất cập, hạn chế, yếu kém này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ quan có mà khách quan cũng có. Trước hết là về mặt nhận thức, ý niệm du lịch tâm linh còn mới mẻ đối với các cấp lãnh đạo ngành du lịch, các công ty du lịch mặc dù trên thực tế, du lịch tâm linh đã có mặt từ lâu nên dẫn đến một số suy nghĩ và hành động chưa phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch tâm linh tại Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
 
Đầu tiên phải kể đến là việc thiếu sự quy hoạch khung chương trình xây dựng tour, tuyến du lịch và địa điểm du lịch. Đành rằng các cơ sở du lịch tâm linh là nơi tu hành, sinh hoạt của các vị tăng, ni phật tử nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng để khép kín, chôn vùi những giá trị tinh thần đối với đông đảo nhân dân, khách du lịch. Cũng từ thực tế cho thấy, hiện nay du khách tham gia các tuyến du lịch tâm linh phần lớn để ngắm cảnh đẹp, chưa hướng nội tâm đến những giá trị sâu sắc bằng cả tâm hồn lẫn xúc cảm.
 
Họ đến chùa chủ yếu là để thắp hương, cầu khấn hướng đến việc cầu danh, cầu tự. Hay nói một cách khác là chưa khai thác tốt, triệt để cả về nội dung lẫn hình thức bản chất của loại hình du lịch này. Các tuyến, tour du lịch tâm linh chưa thực sự làm tốt ý nghĩa của mình là thực hiện tốt về nguồn với tâm linh mà còn đặt nặng nhiều về yếu tố kinh tế, vì thế nó mất đi bản sắc đặc trưng của bản thân loại hình du lịch mà mình chuyển tải. Đồng thời, các tuyến và tour du lịch tâm linh chưa thật sự phong phú và đa dạng, du khách ít được lựa chọn.
 
Phần lớn các chương trình du lịch tâm linh diễn ra một cách tự phát, manh mún, mỗi nơi một cách và mạnh ai nấy làm. Khách đến vãn cảnh chỉ được ngắm cảnh, thắp hương, cúng bái… nhưng rất ít được giao lưu với các sư, tăng, ni đức độ để thấu hiểu để trải lòng với chốn an nhiên, tìm về nơi thanh bình, yên ả qua những câu kệ, lời kinh. Điểm hạn chế nữa là các cơ sở, địa điểm du lịch tâm linh đều na ná giống nhau về cảnh sắc, thờ tự chưa có nét riêng độc đáo, mới lạ nhằm thu hút khách tham quan.
 
Đội ngũ hướng dẫn viên phần nhiều còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển tải hết các kiến thức và ý nghĩa của từng di tích tâm linh, chưa có sự trải nghiệm, thấu đáo các vấn đề nhân sinh quan cũng như vũ trụ quan. Một vấn đề rất đáng quan tâm và khá nhức nhối khi mọi người nhắc đến du lịch tâm linh đó là việc mê tín dị đoan gây ảnh hưởng không tốt và có thái độ khá dè dặt. Tệ nạn chèo kéo khách và mất vệ sinh, cảnh quan tại địa điểm du lịch tạo ấn tượng xấu, khó phai, làm mất uy tín cơ sở thờ tự, tham quan. 
Toà thánh Tây Ninh
Toà thánh Tây Ninh

5. Một số giải pháp định hướng nhằm phá triển bền vững du lịch tâm linh ở Đông Nam Bộ trong tình hình hiện nay 

5.1. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch tâm linh

Công tác đổi mới và quản lý của nhà nước là một bước đi vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển du lịch tâm linh. Trước hết cần phải thay đổi nhận thức, quan niệm về du lịch tâm linh, không xem các chuyến hành hương từ xưa đến nay là mê tín dị đoan. Ngoài ra cần có một ban ngành riêng để chuyên quản lý hệ thống các di tích, thắng tính và các lễ hội trên hai phương diện kinh tế và du lịch. Từ đó có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể và hoạch định những chiến lược lâu dài mang tính hiệu quả, thực tiễn cao.
 
Trong công tác quản lý, việc đầu tiên là cần tổ chức một cuộc khảo sát, điều tra toàn diện về thực trạng các cơ sở du lịch tâm linh để có một cái nhìn bao quát, tổng hợp nhất. Kết quả khảo sát và điều tra cho thấy chỗ mạnh, yếu của cơ sở du lịch tâm linh cũng như tình hình đời sống người dân ở Đông Nam bộ… để từ đó công tác quản lý mới có được hướng đi đúng đắn, chuẩn xác trong việc bảo tồn và phát huy loại hình du lịch này.
 
Để bảo tồn những cơ sở du lịch văn hóa tâm linh có lịch sử phát triển lâu dài mang giá trị văn hóa của địa phương, vùng miền, công tác đổi mới cần phải nhận thức rõ ràng rằng khi phát triển du lịch cần phải quan tâm trước hết đến giá trị về về văn hóa sau đó mới đến giá trị kinh tế, không nên tập trung phát triển về kinh tế mà bỏ quên giá trị văn hóa và ngược lại.
 
Phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội… trên địa bàn cũng như trong nước và ngoài nước trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực...Liên kết, tổ chức hài hòa giữa du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, giữa cơ sở văn hóa tâm linh với các đơn vị, công ty du lịch giúp cho du lịch tâm linh thêm chuyên nghiệp, bài bản.
 
Đồng thời để khai thác tối đa lợi thế văn hóa du lịch tâm linh thiết nghĩ cần có sự quan tâm và tham gia phối hợp của các ban ngành đoàn thể, các cơ quan hữu trách. Đồng thời cần phải thiết lập cơ chế, phối hợp hài hòa giữa các cơ quan, tổ chức trong quy hoạch và phát triển. Mỗi địa phương cần xác định thế mạnh của mình để có hướng đi phù hợp như các thánh tích, di tích phải đảm bảo những giá trị phong phú, đặc sắc, hấp dẫn cả về số lượng lẫn chất lượng, có sự kết hợp với các loại tài nguyên khác để có thể tổ chức phát triển thành các tuyến, điểm du lịch. Chỉ có như vậy hoạt động du lịch mới thực sự thu hút và hấp dẫn khách du lịch, đúng với tiềm năng đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
 
Nghiên cứu và tổ chức định kỳ các lễ hội tâm linh. Việc tổ chức định kỳ phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành nên hoạt động văn hóa, từ đó sẽ giúp cho việc khai thác du lịch được dễ dàng hơn và đảm bảo tính hấp dẫn đối với du khách.
 
Tạo công ăn việc làm, thu hút cộng đồng cư dân bản địa vào hoạt động bảo tổn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa. Việc kiểm soát và quản lý hoạt động du lịch chủ yếu do cộng đồng địa phương đảm trách.
 
Một điểm cần lưu ý kỹ rằng phải triệt để không xảy ra các tình trạng chặt chém, chèo kéo khách du lịch, gây mất cảnh quan, thẩm mỹ tạo ấn tượng không tốt đối với khách tham quan khiến họ cảm thấy không được tôn trọng và chỉ đến một lần, không đến lần thứ hai. Mở các lớp diễn giải giáo dục ý thức cộng đồng cư dân địa phương và du khách nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức được tầm quan trọng về các giá trị văn hóa, môi trường, qua đó tạo ý thức, nỗ lực tham gia vào công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa.
 
Cuối cùng, để có thể thực hiện một cách tốt nhất trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của các thánh tích qua du lịch cần chú trọng đến yếu tố BỀN VỮNG. Yếu tố bền vững là yêu cầu then chốt cho việc phát triển du lịch gắn với kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội. Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch tâm linh chủ yếu phát huy ở ba mặt: ĐỊNH HƯỚNG – KHUYẾN KHÍCH – HỖ TRỢ. 

5.2. Thực hiện công tác quy hoạch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh

Công tác quy hoạch, phát triển du lịch tâm linh chủ yếu là để đa dạng hóa lịch trình, tạo ra những tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh cao. Từ thực tế cho thấy việc thực hiện công tác quy hoạch phải gắn với việc quy hoạch giao thông, quy hoạch cơ sở hạ tầng, nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… ở từng địa phương. Các quy hoạch này phải đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và lâu dài, tránh trường hợp dục tốc bất đạt, cái quy hoạch trước, cái quy hoạch sau nhìn nham nhở, rối ren. 
 
Khi quy hoạch du lịch các nhà quản lý cần phải có sự cộng tác chặt chẽ với các đơn vị di tích, thắng tích và cư dân bản địa để đảm bảo quy mô, mức độ phát triển du lịch không vượt quá ngưỡng  làm thay đổi truyền thống văn hóa và suy giảm các giá trị văn hóa. Việc quy hoạch du lịch tâm linh phải gắn với du lịch sinh thái, với ẩm thực dân gian, với các khu vui chơi, lưu trú, giải trí khác như một số tỉnh như Hà Nội, Huế, Hội An đã từng làm.
 
Có một điều quan trọng là trong quá trình quy hoạch cần phải xem xét, đánh giá cho thật chuẩn xác cơ sở du lịch tâm linh nào nên đưa và không nên đưa vào tuyến du lịch. Không nên áp dụng tràn lan đại hải dễ gây loãng, nhạt tour du lịch. Các thánh tích phải tuyệt đối tránh cảnh tụ tập buôn bán, tránh tiếng ồn ào và cảnh mê tín dị đoan. Đồng thời cần có những bảng giới thiệu ngắn gọn về lịch sử hình thành và phát triển, những lời Phật dạy, những kiến thức sơ đẳng về Phật học… để người du lịch tự tìm đọc và ngẫm nghĩ. Chùa chiền, thánh tích cũng cần đầu tư tốt thư viện để du khách mượn đọc tại chỗ và phát hành kinh, sách, băng, đĩa cho du khách mua về xem. 
 
Chuẩn bị về mặt tâm lý cho từng du khách trước khi tham gia chuyến hành hương về địa điểm thiêng liêng mà họ đang mong đợi cần phải được thực hiện chu đáo. Tất cả mọi tình huống diễn ra trong lúc hành hương đều nằm ở trạng thái an vui và cởi mở. Đồng thời, định hướng cho mọi người khi tham gia du lịch phải có ý thức tôn trọng các giá trị cộng đồng.
 
Một hoạt động có lẽ du khách trông đợi nhiều nhất đó là việc giao lưu trực tiếp với các vị cao tăng đắc đạo, đức cao để giãi bày, để lắng nghe lời khuyên bảo. Các tăng ni, phật tử cần có thái độ hòa nhã, cởi mở khi đón tiếp khách du lịch để tạo ấn tượng tốt đẹp và có sự tương tác giữa chủ thể và khách thể du lịch.
 
Xây dựng hệ thống giao thông phục vụ du lịch, xây dựng hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần kiến tạo nên một môi trường xanh, sạch, đẹp. Việc quy hoạch chi tiết cần làm sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương để tạo nên một chu trình du lịch trọn gói và các dịch vụ du lịch liên hoàn. 

5.3. Liên kết phát triển du lịch

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình du lịch và thống nhất về nội dung, hình thức của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường trao đổi, phối hợp và hỗ trợ cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn vùng, đặc biệt là liên kết cung cấp dịch vụ giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển khách... trong việc đón, phục vụ khách du lịch.
 
Mở rộng và tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng, liên kết giữa các địa phương trong vùng; hợp tác, liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt với Công an, các đơn vị Quốc phòng để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. 

5.4. Phát triển thị trường du lịch

Xây dựng chiến lược về thị trường khách để phát triển du lịch một cách ổn định và mang tính bền vững. Khuyến khích xây dựng các hãng lữ hành có thương hiệu mạnh và có năng lực trong việc thu hút các thị trường khách du lịch, trong đó chú trọng lữ hành quốc tế. Ưu tiên xây dựng và hình thành các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia để tạo sức lan tỏa phát triển du lịch cho toàn vùng. Đầu tư và phát triển các khu dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao để tăng chi tiêu và kéo dài ngày lưu trú của khách.

5.5. Xây dựng đội ngũ nhân lực 

Đội ngũ nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch tâm linh nói riêng và các hoạt động du lịch khác nói chung đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và cần phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, bài bản, có trình độ, có kiến thức và khả năng giao tiếp, ứng xử tốt. Theo Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), mỗi năm ngành Du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000, trong khi đa số lao động có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao.
 
Hiện nước ta có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có Khoa Du lịch, 54 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Nhìn chung, ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” trong cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh [Hoàng Mẫn, 2022].
 
Từ thực trạng trên, để đào tạo nguồn nhân lực đạt kết quả, đầu tiên, đội ngũ quản lý phải là những người luôn nắm vững những tri thức mới, kiến thức nghề nghiệp, có tầm nhìn sâu sắc về giá trị kinh tế của các danh dam, thắng tích cũng như giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu. Kỹ năng chuyên sâu, biết áp dụng thành thục các ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công việc, biết phát huy cá tính, nét riêng biệt của bản thân và hiểu biết sâu sắc về du khách đồng thời phải đạt được tính nghệ thuật trong công việc và bản thân, lòng say mê công việc, không ngừng phấn đấu học hỏi, đổi mới tư duy, sáng tạo, chiếm lĩnh cái hay, loại bỏ cái không tốt, cái lạc hậu. Đối với đội ngũ này cần phải có sự đào tạo bài bản từ các trung tâm, các tổ chức, các trường đại học, cao đẳng trong khoảng thời gian nhất định, sau đó phải được thử thách trong môi trường thực tế để chọn lọc những cá nhân xuất sắc.
 
Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, thực trạng hiện nay cho thấy rằng đội ngũ này vừa yếu và vừa thiếu một cách trầm trọng. Do đó, đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần có sự tuyển chọn kỹ lưỡng, rõ ràng, tránh tình trạng làm ăn qua loa, nửa vời, “đem con bỏ chợ”. Đội ngũ hưỡng dẫn viên cần phải được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tốt, hiểu biết sâu sắc về kiến thức văn hoá tâm linh và du lịch tâm linh, yêu công việc. Trong việc quy hoạch và xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, chúng ta cần chú trọng đội ngũ con em bản địa bởi họ xuất thân từ “đồng quê, gốc rạ” – nơi họ sinh ra và lớn lên, ít nhiều kiến thức về văn hoá bản địa cũng đã ăn sâu vào máu thịt của họ. 
 
Để đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực cho ngành du lịch, các đơn vị cần phải chú tâm đến đội ngũ giảng viên đứng lớp. Tùy từng môn học mà chúng ta có sự phân công, lựa chọn người giảng dạy có những kinh nghiệm làm việc thực tế trong các ngành này, đó mới chính là khâu quan trọng kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn trong công tác đào tạo. Cần phải nhận thức công tác, sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ ngành du lịch không thể chỉ giao khoán cho các trường đào tạo ngành du lịch, khách sạn hay các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn mà phải được xem là sứ mạng của mỗi người công dân có trách nhiệm đến việc phát triển đất nước. Công tác này rõ ràng là phải do các cấp cao nhất trong chính quyền phối hợp mới thực hiện được. 

5.6. Doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội du lịch và các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội khác

Hiệp hội du lịch và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm và định hướng trong phát triển du lịch của địa phương và của vùng để cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình. Các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với ngành du lịch và chính quyền các địa phương trên địa bàn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch vùng. Vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch, quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng và các hoạt động bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch theo các quy hoạch phát triển du lịch.

6. Tạm kết

Đánh giá đúng giá trị, nhìn ra được tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực là những bước đi hết sức cơ bản để một sản phẩm văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch. Trong bối cảnh ngày nay ngày càng nhiều người đi tìm cho mình sự thanh thản tâm hồn giữa cuộc sống vốn căng thẳng và đầy bộn bề lo toan thì Đông Nam Bộ hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh lớn của khu vực miền Nam bên cạnh Đồng bằng sông Cửu Long một cách đúng nghĩa như nhiều nơi trong cả nước và khu vực đã làm.
 
Muốn được như thế thì các danh lam, thánh tích ở Đông Nam Bộ cần được bổ sung nhiều yếu tố từ con người đến cơ sở vật chất và cả cách thức vận hành quản lý sao cho phù hợp, linh hoạt. Khi tiến hành khai thác nguồn tài nguyên này chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng tôn giáo là một lĩnh vực nhạy cảm và đặc thù nên cần phải thận trọng để giữ được sự hài hòa giữa du lịch và tôn giáo. Điều này không riêng gì đối với khu vực Đông Nam bộ mà còn mở rộng ra các khu vực đã, đang và sẽ khai thác loại hình du lịch tâm linh này.
 
Tác giả: ThS. Nhà báo. Nguyễn Như Bình (Thông tấn xã Việt Nam)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – UBND tỉnh Ninh Bình – Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). (2013). Kỷ yếu Hội nghị quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững. Ninh Bình.
 
Chính phủ. (2014). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hà Nội.
 
Đinh Đức Hiền. (2021). Du lịch tâm linh chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Đà Nẵng. Hà Nội: Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 362.
 
Hoàng Mẫn. (2022). Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập ngày 01/10/2023 tại https://dangcongsan.vn.
 
Lê Quang Đức. (2008). Du lịch để tìm lại chính mình. Đà Nẵng: Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 01/10/2023 tại https://baodanang.vn/.
 
M. Hiệp. (2023). Liên kết đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh: Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 01/10/2023 tại https://hcmcpv.org.vn.
 
Nguyễn Thị Tâm Hạnh. (2010). Danh lam Thánh Duyên nhìn từ góc độ khai thác du lịch. Huế: Phân Viện nghiên cứu Văn hóa Thông tin.
 
Nguyễn Văn Tuấn. (2013). Du lịch tâm linh ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển. Ninh Bình: Hội Nghị quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.
 
Thích Đạt Đạo. (2010). Hoằng pháp với vấn đề du lịch tâm linh. Truy cập ngày 01/10/2023 tại http://www.daitangkinhvietnam.org.
 
Thích Nhật Từ. (2004). Đạo Phật và du lịch tâm linh Ấn Độ. Truy cập ngày 01/10/2023 tại http://www.daophatngaynay.com.
 
Trần Quang Đại. (2009). Văn hóa tâm linh và những nghịch lý. Hà Nội: Báo Dân trí. Truy cập ngày 01/10/2023 tại http://www.dantri.com.vn.
 
Trường Đại học Sài Gòn. (2009). Đào tạo nguồn nhân lực Văn hóa – Du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển. Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc. Thành phố Hồ Chí Minh.