Tóm tắt
Bài viết này tập trung vào việc phân tích di sản tri thức của Phật giáo thời Lý, Trần và cách mà Phật giáo kế thừa, ứng dụng trong thời kỳ hiện đại của Việt Nam. Qua việc xem xét tư tưởng, tri thức và hành động của triết gia, nhà sư trong giai đoạn quan trọng này để xác định các nguyên tắc và giá trị cụ thể có thể được áp dụng vào các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Bằng cách tương tác chặt chẽ giữa di sản quý báu và tình hình hiện tại, bài viết cũng đề xuất cách thức kết hợp sáng tạo để định hình một tương lai phồn thịnh, phát triển bền vững cho Việt Nam. Nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa truyền thống và đổi mới, bài viết chứng minh sự khả thi và giá trị của việc tiếp tục áp dụng tri thức Phật giáo thời Lý, Trần để hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội hùng cường, giàu mạnh trong thế kỷ 21.
Từ khóa: Di sản tri thức; Phật giáo Lý, Trần; kế thừa; hiện đại hóa; phát triển; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Phật giáo có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua, đã có một vai trò, vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý, Trần đã thể hiện trí tuệ, từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc.
Cả hai triều đại Lý, Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Lúc bấy giờ, cả nước từ vua, quan đến thứ dân đều theo Phật; đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, thiền định nên mới có được một tinh thần an lạc, hòa hợp và thuần từ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự biến đổi nhanh chóng, việc bảo tồn, cùng với thừa hưởng di sản tri thức của một quá khứ đã qua không chỉ là một nhiệm vụ văn hóa mà còn mang tính chiến lược cho sự phát triển của một quốc gia.
Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần không chỉ là một phần quan trọng của di sản văn hóa của Việt Nam mà còn có khả năng cung cấp hướng dẫn và cách tiếp cận mới cho các thách thức hiện đại. Các nguyên tắc như yêu nước, an dân, đoàn kết đã giúp duy trì ổn định và phát triển đất nước.
Với bản chất đa dạng và khó lường của thế giới ngày nay, việc nghiên cứu, áp dụng tri thức từ quá khứ không thể được tiếp cận một cách đơn giản. Cần thiết phải thấu hiểu cả bản sắc văn hóa và bối cảnh hiện tại để đảm bảo tính thích ứng, hiệu quả của việc kế thừa tri thức.
Qua việc tìm hiểu di sản tri thức Phật giáo thời Lý, Trần, tìm kiếm cách chuyển đổi thành nguồn động viên và hướng dẫn cho tương lai, chúng ta có thể tạo ra một sự kết nối đầy ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Với nghiên cứu này, tác giả vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng với quan điểm lịch sử cụ thể, toàn diện; phương pháp tiếp cận hệ thống đồng thời kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước để thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu nghiên cứu đã đề ra.
Trong quá trình thực hiện đề tài sử dụng phối hợp các phương pháp liên ngành trong nghiên cứu khoa học xã hội như: Phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp lịch sử, logic, phương pháp thống kê, so sánh,.. trong đó phương pháp thu thập, phân tích dữ liệu là chính, nhằm đánh giá những di sản tri thức Phật giáo thời Lý, Trần và sự kế thừa trong thời kỳ hiện đại hóa và phát triển của Việt Nam.
Bài viết cũng nhằm đề xuất một số giải pháp cụ thể để duy trì và phát triển những giá trị tri thức của Phật giáo trong xã hội đang trải qua sự thay đổi, phát triển liên tục ở Việt Nam.
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Bối cảnh hình thành tri thức Phật giáo thời Lý, Trần
Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng thời kỳ Lý và Trần là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phổ biến rộng rãi của Phật giáo trong xã hội Việt Nam.
Vào thời đại nhà Lý, Phật giáo giữ một vai trò rất lớn trong tri thức của người Việt. Ngay điểm khởi đầu, tức là việc lập nên triều đại này, Phật giáo đã đóng vai trò quyết định.
Tuy đã giúp nhà Tiền Lê, nhưng trước tình trạng tệ lậu của quốc gia dưới sự cai trị của Lê Long Đĩnh, sư Vạn Hạnh đã không ngần ngại ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi, chấm dứt chế độ dã man của Lê Ngọa Triều, bằng một cuộc vận động quần chúng qua sấm truyền về vận mệnh dân tộc gắn với chữ Lý, vốn đã được nhà sư Định Không nói đến từ hai thế kỷ trước.
Với việc Lý Công Uẩn xuất thân là một môn sinh của nhà chùa và vai trò của sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh đã thuyết phục Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long với ý nguyện bảo vệ lâu dài nền độc lập dân tộc.
Các tăng sư Phật giáo cũng trực tiếp tham dự chính sự qua việc trực tiếp thiết lập các kế hoạch, thảo văn thư, tiếp sứ thần, bàn luận cả những vấn đề về quân sự. Tuy can dự vào chính sự nhưng tăng sư Phật giáo không hề chủ trương tham gia chính quyền, nên sau đó, khi triều đình đã vững mạnh hơn, có thể tự mình gánh vác tất cả, thì họ lại tự nhiên lui về với chức năng vốn có của mình, là hướng dẫn tinh thần và đạo đức, lui về với việc tu đạo của mình khi nhiệm vụ đối với quốc gia, với quảng đại quần chúng đã hoàn thành.
Dưới sự tác động, hướng dẫn tinh thần của các thiền sư, Phật giáo dưới thời Lý đã tạo dựng một bản sắc văn hóa chính trị đầy tính nhân bản. Nhà Lý đã được xem như một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Các vị vua của triều đại này có cuộc sống đạo đức và tâm linh. Đã không có cảnh tranh đoạt, bạo loạn, cực hình, mà thay vào đó bằng một đường lối chính trị khoan dung, độ lượng, từ bi với thần dân và với cả kẻ thù (vua Lý Thái Tông tha tội cho Nùng Trí Cao, vua Lý Thánh Tông không giết Chế Củ, vua Chiêm Thành).
Xã hội vì đó mà bình an, phú cường, đoàn kết, tạo nên những chiến tích trước Chiêm Thành phía Nam và cả Tống quốc hùng mạnh phương Bắc.
Những công trình kiến trúc và điêu khắc Phật giáo cũng đóng góp những giá trị mỹ thuật cho triều đại nhà Lý. Những công trình này giờ đây không còn lưu lại bao nhiêu, nhưng sử sách ghi lại là vào các triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông đã xây, lập rất nhiều chùa, điện, tháp, tiến hành đúc, vẽ nhiều tượng, tranh Phật.
Những công việc này không phải chỉ nhằm cho hoàng tộc, mà ở khắp nơi trong dân chúng. Một công trình nhà Lý mà nay vẫn là một trong những biểu tượng của dân tộc Việt, chính là Chùa Một Cột, được xây từ năm 1049, khi đó gọi là Chùa Diên Hựu.
Vào đầu thế kỷ 13, đã có sự sát nhập dần dần vào với nhau của ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Yên Tử từ đây mà hình thành.
Thiền phái này sau đó, dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã có một bước phát triển lớn, trở thành thiền phái Trúc Lâm - Thiền phái duy nhất dưới đời nhà Trần. Có thể nói, thời đại nhà Trần là thời đại Phật giáo nhất tông, mà thiền sư Hiện Quang, tu đạo tại núi Yên Tử, là vị khai tổ của sự nhất tông này.
Vua Trần Thái Tông (1218-1277) không nằm chính thức trong tông phả của Trúc Lâm, nhưng có nhiều cơ duyên với Phật giáo, với thiền phái này. Ông đã tự tu học Phật đạo và để lại nhiều tác phẩm Phật học có giá trị.
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) lại là một chân truyền chính thức đời thứ sáu của Yên Tử, ông xuất gia năm 1299, sau 21 năm làm vua, lấy hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng một giáo hội hoàn toàn thống nhất, chính thức dựng nên thiền phái Trúc Lâm chủ trương nhập thế.
Trong buổi đầu nhà Lý, các thiền sư còn can dự trực tiếp vào công việc chính sự. Triều đình cần đến sức học, tài ngoại giao, khả năng giáo dục, sự liên kết nhân tâm của họ.
Đến đời Trần, tình hình đã khác đi. Các vua Trần là những người có tri thức, lại uyên bác Phật học. Nhưng dù vị trí trực tiếp trong công việc chính sự của các tăng sĩ không còn nữa, Phật giáo lại vẫn phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết, ảnh hưởng lên chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội đời Trần, trở thành một tinh thần dân tộc thời bấy giờ.
Với sự việc vua Trần Thái Tông chuyên tâm học Phật, vua Trần Nhân Tông xuất gia, xây dựng thiền phái Trúc Lâm, anh vợ của vua Trần Thánh Tông thì trở thành Tuệ Trung Thượng Sĩ, vua Trần Anh Tông cũng có chủ đích tu đạo sau khi nhường ngôi (nhưng chưa kịp thì băng hà), Phật giáo thật sự trở thành một thế lực tinh thần ủng hộ cho chính trị, và ngược lại, triều đình là một quyền lực củng cố cho Phật giáo. Có thể coi giai đoạn Nhân Tông là giai đoạn Phật giáo hưng thịnh cực độ ở nước ta.
Phật giáo Trúc Lâm chủ trương nhập thế, đạo Phật phụng sự đời sống, đời sống tâm linh giải thoát đời sống xã hội, Phật giáo đời Trần thật sự tạo nên một sự thống nhất chính trị, thống nhất tinh thần dân tộc trên phương diện quốc gia một cách rộng khắp.
Yếu tố liên kết nhân tâm của Phật giáo Trúc Lâm đã khiến thời kỳ này có một nền tảng chính trị bình dị, dân chủ, thân dân. Một tiếng “đánh” đồng lòng của Hội nghị Diên Hồng và ba lần liên tục đánh bại quân xâm lược nhà Nguyên, chính là thể hiện sự thống nhất dân tộc trên tinh thần Phật giáo.
Về phương diện văn hóa, Phật giáo giai đoạn này cũng là yếu tố chủ lực, quyết định. Cuộc đời tu học của Trần Thái Tông đã tạo ra một không khí học Phật thật sự trong giới trẻ, trí thức ở Thăng Long và trong cả nước. Tấm gương thành đạt trong Phật học của Thánh Tông và Tuệ Trung khi còn trẻ cũng là một động lực cho việc này.
Phật giáo đời Trần mang một tinh thần khoan dung và tự do. Chính điều đó gây dựng nên những nét văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc vào thời kỳ này. Phật giáo không chỉ trích Nho, Lão, mà để cho các giáo lý này tự do phát triển.
Trong không khí học tập tự do và cởi mở, triều đình đãi ngộ hiền sĩ một cách kính cẩn, đã phát triển sự học lên rất nhiều, và cũng nhiều người tài giỏi xuất hiện. Chính từ tinh thần dung hợp và khai phóng này của Phật giáo mà nền học vấn thời Trần không bị ràng buộc bởi khoa cử, thực hiện chính sách tự do tôn giáo, không phân biệt sĩ phu được đào tạo từ truyền thống giáo lý nào.
Điều đó đã xây dựng nên một nền văn học rạng rỡ và đầy ý thức tự tin. Thi ca thời Trần vì thế mà mang ảnh hưởng sâu đậm của thiền học, thi sĩ nhìn sự việc bằng con mắt của người biết tĩnh tâm thiền quán.
Sinh hoạt Phật giáo cũng là một nét đáng kể trong đặc điểm văn hóa thời kỳ này. Việc vua Nhân Tông - Người đã đánh bại quân Nguyên, đem thịnh trị, an bình về cho xã tắc - xuất gia, khiến cả nước hướng về ngọn núi Yên Tử, việc tu luyện Phật pháp thật sự sôi nổi trong nước.
Chùa, tháp mọc lên khắp nơi, khiến Nho gia Lê Bá Quát đã than rằng dân chúng chỉ lo lập chùa mà không lo lập trường học, văn miếu. Sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thì nói: “Số người cắt tóc làm tăng, ni cũng bằng nửa số dân thường”.
Tất nhiên thực tế khó mà đến mức như vậy, nhưng điều đó cho thấy tầm mức quá sức rộng lớn của sinh hoạt Phật giáo lúc đó, đến nỗi, ý thức được nguy cơ tăng sĩ quá đông mà không thủ trì nghiêm túc giới luật sẽ dẫn đến suy vong của chính giáo hội, phái Trúc Lâm đã in Tứ thần luật và tổ chức học tập cho giới tăng sĩ về giới luật, định ra những quy chế rõ ràng trong việc tổ chức, sinh hoạt, quản lý giáo hội.
Phật giáo Trúc Lâm đạt đến đỉnh điểm là vậy, nhưng đến sau đời sư Huyền Quang (1254-1334), nó không còn hưng thịnh nữa. Điều này không thể giải thích chỉ bằng sự ra đi quá sớm của vua Anh Tông trước khi thực hiện ý định xuất gia. Cũng không thể cho là do sự yếu kém của Huyền Quang, người nhận nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội khi ở vào tuổi 77, cũng không phải là sự bất lực của An Tâm, người kế vị Huyền Quang.
Có lẽ sự đi xuống này cần được giải thích từ nguồn gốc sâu xa trong những vấn đề xã hội của Phật giáo. Có thể thấy là khi nền độc lập quốc gia đã trở nên vững vàng, việc củng cố quyền lực thống trị của mọi triều đại là không thể tránh khỏi.
Từ đây nảy sinh việc tìm kiếm, xây dựng một ý thức hệ làm nền tảng. Nhà Trần cũng không tránh khỏi điều này, và ý thức hệ này vốn đã có sẵn, đó chính là Nho học.
Nho giáo đã dần hưng thịnh lên, việc học Nho và các quan Nho ngày một nhiều, và xã hội đã bắt đầu phân hóa do vấn đề ý thức hệ. Các Nho thần quan niệm chỉ có Nho giáo mới là đạo thánh nhân, còn Phật giáo thì chỉ có hại cho quốc gia.
Hơn nữa, đối với bản thân Phật giáo thời này, khi mà một giáo hội dựa quá nhiều vào sự ủng hộ của triều đình mà quên đi thế đứng thật sự cần được cắm sâu trong dân gian, sự suy giảm của nó là sẽ đến lúc không thể tránh khỏi.
3.2. Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần: Di sản và giá trị
Tri thức Phật giáo trong thời kỳ Lý, Trần không chỉ là một phần quan trọng của di sản văn hóa của Việt Nam mà còn mang trong mình những giá trị vượt thời gian và tầm quan trọng trong việc xây dựng tư tưởng cộng đồng và quốc gia.
Trong giai đoạn này, tri thức Phật giáo đã đóng góp đáng kể vào sự hình thành và củng cố các nguyên tắc như yêu nước, an dân và đoàn kết, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quốc gia.
Tri thức Phật giáo và tư tưởng yêu nước
Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của thời kỳ Lý, Trần, tri thức Phật giáo đã nắm vững vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng yêu nước và tạo nên tinh thần đoàn kết vững mạnh trong nhân dân. Tri thức này không chỉ là một tập hợp các nguyên tắc triết học, mà còn là một tài sản tinh thần vô giá, mang trong mình thông điệp về sự tôn trọng quê hương và lòng dũng cảm trong việc bảo vệ đất nước.
Trong tri thức Phật giáo thời Lý, Trần, khía cạnh tư duy yêu nước được thể hiện thông qua tinh thần hành động và lời dạy của các nhà sư và tăng, ni.
Tư tưởng yêu nước trong tri thức này không chỉ dừng lại ở mức cảm xúc cá nhân mà còn được coi trọng là một tư tưởng định hình ý thức cộng đồng. Tăng, ni và nhà sư không chỉ là những người tu hành độ tâm, mà còn là những người tinh thần sáng tạo, đang sống và làm việc trong xã hội, nhưng với tầm nhìn xa hơn về tương lai của đất nước.
Tinh thần bình đẳng, bác ái trong triết lý nhân sinh Phật giáo đã giúp lòng yêu nước của nhân dân thời Lý, Trần phát triển lên một bước mới. Điều này được thể hiện rõ nét ở niềm tự hào dân tộc, ý thức cao độ về quyền độc lập tự chủ của đất nước.
Các nhà chính trị thời kỳ này luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của bản thân. Bởi bên cạnh vai trò của một vị thiền sư họ còn là một nhà chính trị, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Tuy là phật tử, song họ sẵn sàng thân chinh cầm quân đánh giặc, bởi theo họ đánh giặc để cứu dân, cứu nước, cũng là Thiền.
Tri thức Phật giáo đã kết hợp sâu sắc tình yêu quê hương và tinh thần trách nhiệm với quê hương vào tư tưởng của mọi người. Các tương tác với cộng đồng và giáo dục tâm hồn đã giúp hình thành ý thức cộng đồng vững chắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển đất nước.
Việc tạo ra một tình thần yêu nước đoàn kết trong xã hội đã thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết trong mọi hoàn cảnh, từ xây dựng quốc gia đến đối mặt với thách thức ngoại bang.
Bên cạnh đó, tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã tạo nên một môi trường văn hóa và tinh thần mà tất cả mọi người, từ các tăng, ni đến dân chúng, đều định hình và phát triển tư duy yêu nước. Từ việc khuyến khích tham gia vào các hoạt động quốc gia đến việc thể hiện lòng trung thành với quê hương qua nghệ thuật và văn hóa, tri thức này đã làm cho tư tưởng yêu nước không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày.
Tri thức Phật giáo và tinh thần đức độ, an dân
Thời kỳ Lý, Trần tri thức Phật giáo đã trở thành một nguồn cảm hứng quan trọng trong việc xây dựng một môi trường xã hội thân thiện, tạo nên tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ trong cộng đồng.
Tư tưởng về tinh thần an dân không chỉ là một khái niệm ảo tưởng, mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, thể hiện qua hành động và lối sống của mọi người.
Để phát triển đất nước, giai cấp thống trị thời Lý, Trần rất chú trọng tới nông nghiệp. Vua còn trực tiếp xuống cày ruộng với dân, phạt nặng những người trộm trâu, giết bò, gây khốn đốn cho việc cày cấy của nông dân. Các chính sách xã hội dưới thời Lý, Trần cũng thấm đượm tinh thần nhân văn của Phật giáo.
Đối với người dân nghèo, triều đình cũng có những chính sách để giảm bớt khó khăn: Phát chẩn; chế thuốc phát cho người bệnh; miễn thuế hoặc giảm thuế khi mất mùa, sau khi đánh trận và cả khi được mùa; giảm tội cho tù nhân cải tạo tốt. Đây đúng là một cung cách ứng xử của một đấng minh quân đã thấm nhuần triết lý từ bi, hỷ xả của Phật giáo.
Thời Lý, Trần, việc trấn áp các thế lực chống đối không phải lúc nào cũng kết thúc bằng “máu”, mà lại bằng hình phạt rất khoan dung, nhân đạo. Có thể thấy, nhân sinh quan Phật giáo cũng ảnh hưởng mạnh mẽ trong lối ứng xử của các nhà chính trị (Thái tử Phật Mã thời Lý; thời Trần có vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông...) với những kẻ chống đối.
Không chỉ khoan hồng cho anh em thân tộc, vua cũng thực hiện chính sách miễn - giảm tội cho quan lại có ý đồ phản trắc, nhằm lấy sự khoan dung, nhân để cảm phục lòng người mà từ bỏ đi ý nghĩ xấu. Cũng nhờ tinh thần ấy, ở triều đại Lý và Trần đều không xảy ra bạo động lớn, không thường xuyên có cảnh tranh cướp ngôi vua, anh em trong hoàng tộc chém giết lẫn nhau.
Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã đóng góp vào việc xác lập một tinh thần an dân vững chắc thông qua việc khuyến khích đoàn kết và sự chia sẻ xã hội.
Các hoạt động từ thiện và việc giúp đỡ xã hội được tập trung xung quanh việc chia sẻ và hỗ trợ người khác. Những tư duy này không chỉ thể hiện lòng nhân ái mà còn là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa tất cả mọi người.
Mặt khác, tri thức này đã hình thành tư tưởng về việc giúp đỡ xã hội từ lòng tốt và tinh thần hi sinh. Những người tu hành và các nhà sư đã làm mẫu điển hình cho việc tạo dựng một cộng đồng đồng lòng, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần.
Tư tưởng này không chỉ tập trung vào việc giúp đỡ vật chất mà còn bao gồm việc chia sẻ kiến thức và tinh thần, tạo ra một môi trường tương thân tương ái và sự nhất quán trong hành động.
Các ông vua thời Lý, Trần đã dùng chính sách trị dân có tính khoan hồng, kết hợp pháp trị với đức trị. Như chúng ta thấy, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, là một phật tử thuần thành, ông liền ra lệnh hủy bỏ hết mọi hình cụ trong ngục và cho xây dựng nhiều chùa mới trong nước.
Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3 nhà Lý nổi tiếng là một ông vua nhân từ. Một hôm thiết triều, ông chỉ vào công chúa Động Thiên đứng cạnh mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy. Hiềm vì trăm họ làm càn cho nên phải tội, trẫm lấy làm thương lắm, vậy từ nay về sau tội gì cũng giảm bớt đi…”
Bởi thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua Lý, Trần đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng.
Vì thế cả hai triều đại Lý, Trần đều tồn tại khá lâu, triều Lý hơn 200 năm (1010 - 1225) và triều Trần gần 200 năm (1226 - 1400). Như vậy, hai triều đại Lý, Trần tồn tại gần 400 năm. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà.
Các vua thời đại Lý, Trần được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời biết phát huy những tinh hoa gạn lọc được từ bên ngoài rồi biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc.
Tinh thần an dân không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng mà còn thể hiện trong việc xây dựng một môi trường xã hội tương thân tương ái và đoàn kết. Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã định hình tư duy về tinh thần an dân thông qua việc thể hiện lòng nhân ái và lòng hy sinh. Những giá trị này đã góp phần xây dựng một môi trường tinh thần tích cực, tạo nên sự sẻ chia và hỗ trợ trong cộng đồng.
Tri thức Phật giáo và tầm quan trọng trong giữ vững quốc gia độc lập
Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần không chỉ đóng góp vào việc hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần đoàn kết mà còn có vai trò quan trọng trong việc tạo lập quốc gia độc lập và bền vững. Trong giai đoạn quan trọng này, tri thức Phật giáo đã hướng dẫn và tạo lập một cơ sở triết học và đạo đức cho việc xây dựng quốc gia.
Thời Lý, Trần luôn kiên trì mục tiêu bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy phải tiến hành không ít cuộc kháng chiến chống lại các thế lực lớn: Hai lần chống quân Tống và ba lần chiến đấu chống quân Nguyên, nhưng nền độc lập của triều đại Lý, Trần vẫn vững bền.
Bởi triều đình đã có được đường lối kháng chiến phù hợp và sự trợ giúp đắc lực từ Phật giáo. Phật giáo đã trở thành vũ khí tinh thần giúp triều đại liên kết nhân tâm, thống nhất các lực lượng trong xã hội để tập trung vào mục tiêu chung, góp phần tạo nên ý chí “quyết không chịu khuất phục” trước bất cứ kẻ thù nào. Cũng chính bản lĩnh này, đã tạo nên sức mạnh giúp người Việt thời Lý, Trần sẵn sàng đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh.
Nhân sinh quan Phật giáo cũng hòa nhập trong lòng dân tộc vốn có truyền thống yêu nước, thương nòi; đồng thời bổ sung cho những truyền thống ấy thêm những sức mạnh mới, sức mạnh của niềm lạc quan, tin tưởng; ý chí, nghị lực phi thường; tinh thần đoàn kết trước mọi khó khăn.
Đã định hình tư duy về việc duy trì tình thân thiện và tôn trọng con người trong xã hội. Những giá trị về sự nhân ái và lòng trắc ẩn đã trở thành tinh thần cốt lõi trong việc xây dựng một nền quốc gia bền vững. Tư tưởng này không chỉ đóng góp vào việc tạo ra một môi trường xã hội hòa bình mà còn thể hiện tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị nhân văn trong quá trình xây dựng quốc gia.
Tri thức này đã đóng góp vào việc xác lập một quốc gia độc lập và tự chủ thông qua việc tạo lập một tầm nhìn và tư tưởng về quốc gia. Các triết gia và nhà sư trong thời kỳ này đã giúp tạo ra một tư duy về sự tự hào về quê hương và khát khao độc lập.
Tư tưởng này không chỉ tạo nên một tâm hồn dũng cảm trong nhân dân mà còn định hình tư duy quốc gia, tạo nên một mục tiêu và hướng dẫn cho việc phát triển, quản lý quốc gia Việt Nam.
Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã giúp xây dựng một quốc gia dựa trên cơ sở nhân văn và tinh thần độc lập. Những giá trị về sự nhân ái, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết đã tạo nên nền tảng cho việc xây dựng một nền quốc gia vững mạnh và tự tin.
Tri thức này đã truyền cảm hứng và hướng dẫn những người sống trong giai đoạn này xây dựng một xã hội công bằng và đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.
Điểm nổi bật của Phật giáo Lý, Trần là ở chỗ, nó cung cấp một triết lý sống chứ không phải là những tín điều chết, các phật tử Lý, Trần đã quán triệt, đã thực hiện triết lý đó bằng cả cuộc sống của chính mình. Đạo Phật đời Lý, Trần không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, không bó hẹp trong chùa chiền, tu viện, càng không phải là sở hữu riêng của giới tăng, ni mà là của tất cả mọi người biết lấy nó làm lẽ sống, dù người đó là vua, chúa, Thiền sư, quan lại, hay là người dân bình thường.
Ai cũng học và tu đạo Phật được, ở đâu, làm gì cũng học và tu theo đạo Phật được, miễn là biết nhìn rõ tâm mình, chuyển hóa tâm và sử dụng tâm cho tốt. Trong “Khóa Hư Lục”, Trần Thái Tông gọi đó là biện tâm.
Ngài viết: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng”.
Vì không chấp tướng nên Phật giáo đời Trần mới có được một nhân vật đặc biệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, tuy là một cư sĩ tại gia, nhưng lại được mọi người tăng cũng như tục tôn kính, học hỏi như là một bậc Thầy lớn trong đạo. Thậm chí Trần Nhân Tông và Pháp Loa là hai vị Tổ thứ nhất và thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm cũng suy tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ là Thầy của mình.
Với tinh thần không chấp tướng, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, đã không quản gian khổ nhọc nhằn, đi khắp nơi trong nước khuyên mọi người sống theo năm giới, mười thiện là những nguyên lý căn bản của đạo đức Phật giáo. Nhờ vậy, ngay giữa lòng của xã hội Phong kiến, đạo Phật đời Lý, Trần đã tạo ra những mẫu người tuyệt vời, mà con người ở vào thời đại nào cũng cảm thấy tự hào.
Đạo Phật thời Lý, Trần là đạo Phật của từ bi và trí tuệ, là hai đức hạnh hàng đầu của Phật giáo. Tinh thần từ bi của Phật giáo thời Lý, Trần là đường lối trị nước bằng đức trị, còn hành trí tuệ là không hướng đến giải quyết các vấn đề thuần túy lý luận hay là siêu nghiệm, mà hướng tới giải quyết các vấn đề rất cụ thể, rất bức xúc, có tầm quan trọng đối với đời sống con người và trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước.
Có thể thấy, triều đại Lý, Trần đã lựa chọn được hệ tư tưởng mà nhân dân yêu mến và triển khai nó trong các chủ trương, đường lối trị nước. Khi lựa chọn được hệ tư tưởng phù hợp, bản thân các nhà chính trị Lý, Trần đã chuyên tâm học tập và thực hành tư tưởng đó trong thực tiễn, khiến cho người dân tin tưởng và hết lòng ủng hộ triều đình, giúp công cuộc ổn định và phát triển đất nước ngày càng hiệu quả.
Tóm lại, tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một quốc gia độc lập và bền vững. Bằng cách định hình tư duy về nhân văn, tinh thần độc lập và lòng trung thành với quê hương, tri thức này đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một xã hội công bằng và phát triển.
Việc áp dụng những giá trị và nguyên tắc từ tri thức này vào hiện đại hóa và phát triển của Việt Nam có thể định hình một tương lai tươi sáng và hùng cường cho đất nước.
3.3. Những thành công, bất cập và thách thức đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay
3.3.1. Những thành công của Phật giáo Việt Nam
Phật giáo ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành công và có những đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, tri thức của người Việt. Dưới đây là một số thành công của Phật giáo Việt Nam hiện nay:
Một là, đề cao giá trị con người, hướng thiện, xây dựng xã hội thanh bình. Phật giáo Việt Nam luôn khẳng định vị trí tối cao của con người cũng như khả năng tư duy độc lập của mỗi chúng ta, nhằm dạy mỗi người biết lựa chọn sống đúng lẽ phải, phân biệt giữa thiện và ác, biết cần phải làm gì trong cuộc sống vốn luôn đầy sóng gió, thử thách và góp phần dựng xây một xã hội thanh bình.
Phật giáo đã góp phần tạo hình ý thức và tư tưởng của người Việt, thúc đẩy sự đa dạng tư tưởng và tri thức. Các triết lý và giảng điệu trong Phật giáo đã thúc đẩy sự tư duy sáng tạo và phát triển ý thức đạo đức trong xã hội. Những khái niệm về lòng từ bi, tình người và sự giải thoát đã góp phần tạo nên một nền tảng tư tưởng về cuộc sống ý nghĩa và giá trị con người.
Hai là, duy trì, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, hòa đồng với cộng đồng. Thông qua những hoạt động xã hội, Phật giáo Việt Nam cho thấy tinh thần nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa Phật giáo đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và định hình văn hóa của người Việt.
Thấu hiểu sâu sắc về vai trò này không chỉ giúp ta khám phá cách mà Phật giáo đã ảnh hưởng đến các khía cạnh của văn hóa, mà còn giúp ta thấu hiểu rõ hơn về bản chất và nhận thức của xã hội Việt Nam.
Phật giáo đã gắn kết cộng đồng và tạo ra một hệ thống đạo đức tương thích với tinh thần của xã hội Việt Nam. Các giá trị về lòng từ bi, lòng tha thứ và tình người đã hướng dẫn con người đối diện với cuộc sống một cách tích cực, tạo ra môi trường tốt cho sự hòa hợp và tương thân tương ái.
Ba là, phương thức sống và tư duy cuộc sống: Triết lý của Phật giáo, như tâm thức về sự tạm bợ và tâm hồn giản dị, đã có ảnh hưởng đến cách người Việt sống và đối diện với cuộc sống hàng ngày. Nguyên tắc "không gây hại" và tôn thờ tất cả các loài đã thúc đẩy tư duy về môi trường và đạo đức trong cuộc sống.
Triết lý Phật giáo khuyến khích tư duy về sự tạm bợ và tâm hồn giản dị. Việc tập trung vào niềm vui từ những điều tối giản và không cần thiết có thể giúp con người thoát khỏi sự tham lam và khao khát vô hạn. Tư duy này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách người Việt sống, thể hiện qua phong cách sống mộc mạc, tinh thần đồng cảm và khả năng hòa nhã trong giao tiếp xã hội.
Bốn là, y học và tâm lý học: Phật giáo đã đóng vai trò trong việc phát triển các phương pháp y học truyền thống, cũng như các phương pháp tâm lý học như thiền và yoga để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Triết lý Phật giáo thường nhấn mạnh về sự cân bằng giữa tâm hồn và cơ thể. Việc chăm sóc tâm linh và tinh thần có thể góp phần cải thiện sức khỏe vật lý và tinh thần của con người.
Thiền và yoga thường đi kèm với các hình thức tập trung tâm trí, tập trung vào thở và ý thức tỉnh. Cả hai phương pháp này đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất.
Thiền, đặc biệt là trong ngữ cảnh thiền Phật giáo, có thể giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng. Yoga, một phần của một số truyền thống Phật giáo, cung cấp các bài tập cơ thể để tăng cường sức khỏe thể chất và linh hoạt.
Năm là, góp phần xây dựng nghệ thuật và kiến trúc: Phật giáo có sự hiện diện đậm nét trong nghệ thuật và kiến trúc của người Việt. Các ngôi chùa và đền thờ không chỉ là nơi thực hành tâm linh mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Kiến trúc và điêu khắc trong các công trình tôn giáo thể hiện sự sáng tạo và tinh tế của nghệ thuật dân gian, đồng thời góp phần tạo nên dấu ấn độc đáo trong văn hóa kiến trúc của Việt Nam.
Phật giáo đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và truyền thống các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Các ngôi chùa, đền thờ và các biểu tượng tôn thờ trong Phật giáo là những điểm tựa vững chắc của văn hóa, thể hiện sự kết nối giữa con người và di sản văn hóa của họ.
Những nghi lễ và lễ hội liên quan đến Phật giáo không chỉ giữ vững những giá trị tâm linh mà còn góp phần duy trì và truyền tải bản sắc văn hóa qua thế hệ.
Hiện nay GHPGVN có khoảng 19.000 cơ sở tự viện, nhiều cơ sở là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hạng đặc biệt như: Chùa Hương, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình). Nhiều ngôi chùa là di tích cấp quốc gia như: Chùa Bối Khê, chùa Láng (Hà Nội), chùa Nghĩa Xá, chùa Cổ Lễ (Nam Định),…
Nhiều ngôi chùa do dấu vết của thời gian đã bị xuống cấp được GHPGVN quan tâm trùng tu, tôn tạo, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân như: Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam),…
Hệ thống chùa, tháp Phật giáo chính là bảo tàng sống động, vừa là thiết chế vật chất của Phật giáo vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, phản ánh tâm thức và đời sống tâm linh của người Việt. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, sự hình thành những ngôi chùa phụ thuộc vào sự phát triển của Phật giáo và đời sống xã hội.
Văn hóa vật thể của Phật giáo thể hiện qua các ngôi chùa, tháp chính là một thành tố trong kho tàng văn hóa Việt cần tiếp tục được GHPGVN bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị trở thành những di sản văn hóa sống.
Tinh thần Phật giáo thể hiện trong văn hóa vật thể qua những ngôi chùa, tháp đã thấm đẫm tâm hồn người Việt, góp phần tạo sự cân bằng cho xã hội và sự cân bằng cho đời sống.
Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Phật giáo cũng đã có những đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc. Phật giáo đưa ra những nguyên lý nhận thức về thế giới và con người, với những giáo thuyết như: “Vô ngã”, “Vô thường”, “Nghiệp”, “Tứ diệu đế”, “Nhân duyên”, “Nhân quả”, “Luân hồi”,…
Những triết lý cao siêu và với nền văn hóa bác học, tưởng chừng như Phật giáo khó thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng bình dân của người Việt, nhưng hệ thống triết lý cao siêu đó lại rất gần gũi, thân thuộc, gắn bó tự nhiên với bao lớp người Việt từ thành thị đến nông thôn, từ tầng lớp vua chúa quan lại đến các tầng lớp khác trong xã hội.
3.3.2. Những bất cập và thách thức đặt ra đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, trong cuộc sống hiện đại nhiều niềm vui, nhiều cái để học hơn, nhất là sự chạy đua của thời đại làm cho con người phải chạy đua theo sức mạnh của đồng tiền, họ không có đủ thời gian để tìm hiểu Phật giáo, nhất là việc tu tập. Việc cân bằng giữa đạo và đời hiện nay là một việc rất khó, bởi họ còn nhiều lo toan cuộc sống và vì “họ còn rất nhiều việc phải làm”.
Thứ hai, hiện nay xuất hiện nhiều tư tưởng, triết lý mới có tính cuốn hút và đánh đúng tâm lý của giới trẻ, dường như họ không có còn quan tâm nhiều đến tôn giáo nữa, coi đó chỉ là một hình thức tín ngưỡng đã cổ hủ, Phật giáo dường như bị tầm thường hóa do sự lạm dụng trên các phương tiện thông tin hiện đại nhất là mạng internet khiến nhiều người ngán ngẩm cho đó là “những vị Phật online” mà thôi.
Thứ ba, do những thay đổi trong xã hội, sự chủ quan hoặc thiếu hiểu biết, một số di tích, nghệ thuật, và truyền thống văn hóa có nguy cơ bị mất mát hoặc biến đổi. Sự hiện đại hóa và thay đổi nhanh chóng trong xã hội có thể dẫn đến quên lãng di sản văn hóa và lịch sử của Phật giáo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Thứ tư, sự phân chia thành các trường phái mới mang hình thức Phật giáo đã tạo nên một làn sóng tôn giáo mạnh mẽ, lạm dụng tôn giáo để trục lợi cho cá nhân, tổ chức nào đó.
Đặc biệt, việc áp dụng tôn giáo để làm kinh tế hiện nay đã làm cho một bộ phận người dân mất niềm tin vào Phật giáo, để từ đó Phật giáo mang một màu áo mê tín dị đoan giữa cung và cầu hiện nay.
Thứ năm, vì có quá nhiều trường phái mới, nên giáo lý bị chế biến, xào trộn lại cho phù hợp với mục đích nào đó nên làm cho người tiếp cận bị tung hỏa mù hoặc bị đánh lận con đen trên con đường tìm hiểu, họ thắc mắc nghi ngờ.
Bởi theo họ: “Tôi đọc kinh nói thế này, mà sao phái này lại nói thế kia” tạo nên các cuộc tranh cãi vô ích về Phật giáo. Hoặc là “mạnh ai người đó làm” theo kiểu “học mù, tu mù” Phật giáo - Vì sự mất định hướng trong việc lựa chọn phương pháp tu hành.
Thứ sáu, vì tu hành Phật giáo là một việc cần rất nhiều thời gian để xong, mà hiện nay thời gian không cho phép bởi thời gian của họ là tiền bạc, là cuộc sống sung túc.
Việc tu tập trong cuộc sống hiện nay chỉ có được khi mà còn “cơm lành canh ngọt” tức cuộc sống đã đầy đủ đó thì may ra họ mới tập trung vào việc tu tập. Phần lớn người dân tìm đến những pháp môn mang tính nhanh chóng như là bùa, ngải, thần quyền… tức các hình thức tha lực - bị nhập, mang màu áo Phật pháp để mà tu hành. Đây cũng là một trong những lý do tạo ra một số vấn đề Phật giáo hiện nay sẽ được trình bày ở dưới đây.
Phật giáo Việt Nam có quá trình phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước, góp phần tạo nên những di sản tri thức trong tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, trong sự biến đổi của nó, Phật giáo đã một phần nào đó đánh mất bản thân mình, khi mà xuất hiện nhiều dạng biến tướng, các trường phái tự phát hình thành.
Có vẻ như mang trong mình tinh hoa của Phật giáo nhưng thực chất là một dạng biến tướng của sự phân hóa Phật giáo.
Những thách thức và bất cập này đang là những điểm mà cộng đồng phật tử và lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đang cố gắng đối mặt và giải quyết trong quá trình phát triển và bảo tồn giáo lý Phật pháp.
3.4. Đề xuất cách sử dụng tri thức Phật giáo thời Lý, Trần trong việc định hình mục tiêu phát triển bền vững và hùng cường cho Việt Nam
Tri thức Phật giáo thời Lý, Trần mang trong mình những giá trị tinh thần và triết lý sâu sắc, có thể được sử dụng như một nguồn động viên và hướng dẫn để định hình mục tiêu phát triển bền vững và hùng cường cho Việt Nam.
Để kế thừa và chuyển giao tri thức từ tri thức Phật giáo thời Lý, Trần cho thế hệ tương lai, cần áp dụng các phương pháp và chiến lược hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp và chiến lược có thể được sử dụng:
Thứ nhất, học tập và nghiên cứu liên tục
Một trong những phương pháp quan trọng để kế thừa và chuyển giao tri thức từ tri thức Phật giáo thời Lý, Trần cho thế hệ tương lai là khuyến khích việc học tập và nghiên cứu liên tục về tri thức này. Dưới đây là một số cách để thực hiện phương pháp này:
Thiết lập các khóa học, chương trình đào tạo, và bài giảng liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần trong các cấp học.
Đảm bảo rằng tri thức này được tích hợp vào chương trình giảng dạy và học tập, từ cấp tiểu học cho đến đại học.
Tạo ra các tài liệu, sách giáo trình, bài giảng, và tài liệu nghiên cứu liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Các tài nguyên này có thể được phát triển thành các ứng dụng trực tuyến, video giảng dạy, và tài liệu tham khảo để hỗ trợ quá trình học tập.
Thiết lập các trung tâm nghiên cứu và học tập chuyên sâu về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Các trung tâm này có thể tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo,... để tạo cơ hội cho việc nghiên cứu và trao đổi kiến thức.
Khuyến khích các giáo sư, nhà nghiên cứu và người có kiến thức sâu rộng về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ thông qua việc giảng dạy và hướng dẫn. Kế thừa quyền truyền thống này có thể giữ cho tri thức này luôn sống động.
Thứ hai, xây dựng xã hội với lòng yêu thương và tôn trọng
Nguyên tắc tương thân tương ái trong Phật giáo thể hiện lòng yêu thương và thông cảm đối với mọi hình thái cuộc sống. Áp dụng tri thức này, chúng ta có thể khuyến khích xã hội tôn trọng và chia sẻ với những người cần giúp đỡ, đồng thời tránh sự bất công và bạo động. Điều này có thể dẫn đến sự hòa giải trong xã hội, giúp giảm thiểu xung đột và xây dựng môi trường hòa thuận.
Tri thức Phật giáo có thể khuyến khích việc phát triển lòng biết ơn và tôn trọng đối với những người đã đóng góp cho xã hội. Điều này giúp tạo ra môi trường tích cực, khích lệ sự hợp tác và gắn kết trong cộng đồng. Xây dựng giáo dục đạo đức dựa trên tri thức Phật giáo có thể giúp truyền đạt những giá trị quan trọng về lòng yêu thương, tôn trọng và đạo đức cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, sử dụng công nghệ và truyền thông
Tạo ra các trang web và ứng dụng di động chứa thông tin về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Trang web có thể cung cấp thông tin, tài liệu, hình ảnh, và video liên quan đến tri thức này, còn ứng dụng di động có thể cung cấp nội dung học tập dễ tiếp cận.
Tạo ra các video giảng dạy, bài giảng trực tuyến, và nội dung đa phương tiện liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần.
Video có thể minh họa những khía cạnh quan trọng của tri thức này và giúp truyền tải kiến thức một cách trực quan.
Sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và các nền tảng blog để chia sẻ thông tin về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Việc sử dụng các nền tảng này giúp tiếp cận một lượng lớn người và tạo sự tương tác.
Tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến (webinar) và phát sóng trực tiếp (livestream) về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Đây là cách tạo cơ hội cho người tham gia tham gia trao đổi, đặt câu hỏi và học hỏi từ các chuyên gia.
Thứ tư, xây dựng trung tâm và viện nghiên cứu
Xây dựng viện nghiên cứu liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần và các lĩnh vực khác như lịch sử, văn hóa, tôn giáo, khoa học xã hội. Việc kết hợp tri thức này với các lĩnh vực khác có thể tạo ra các nghiên cứu đa dạng và sâu rộng.
Tạo ra các thư viện và cơ sở dữ liệu chứa thông tin, tài liệu, sách, và nghiên cứu liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Việc xây dựng các nguồn tài liệu này giúp tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và học tập.
Hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và viện đại học quốc tế để tạo cơ hội giao lưu và hợp tác trong việc nghiên cứu và giảng dạy về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần.
Thứ năm, khuyến khích đối thoại và thảo luận
Tổ chức các buổi đối thoại và hội thảo về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần để tạo cơ hội cho mọi người thảo luận và trao đổi quan điểm, kiến thức và ý kiến. Buổi đối thoại có thể mời các chuyên gia, giáo sư và nhà nghiên cứu tham gia để đưa ra thông tin chính xác.
Tạo ra các cộng đồng thảo luận trực tuyến qua các diễn đàn, mạng xã hội và nền tảng trực tuyến. Các cộng đồng này giúp mọi người trao đổi ý kiến, hỏi đáp và chia sẻ thông tin liên quan đến tri thức.
Tổ chức các cuộc thi và sự kiện thảo luận về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần để khích lệ mọi người tham gia và thể hiện quan điểm. Cuộc thi và sự kiện này có thể bao gồm viết văn bản, thảo luận trực tuyến hoặc các buổi thuyết trình.
Khuyến khích mọi người thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng đối với quan điểm và ý kiến khác nhau về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Việc tạo ra môi trường đối thoại tôn trọng sẽ thúc đẩy sự trao đổi xây dựng và hiểu biết sâu rộng hơn.
Thứ sáu, xây dựng mô hình gia đình và xã hội
Khuyến khích gia đình trở thành nơi học hỏi về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Thường xuyên thảo luận về những giá trị, tư tưởng và câu chuyện liên quan đến tri thức này với các thành viên trong gia đình.
Khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, đối thoại và thảo luận về tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Điều này giúp họ hiểu biết sâu rộng hơn về lịch sử và tư tưởng của giai đoạn này.
Tổ chức các sự kiện gia đình và xã hội liên quan đến tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Các buổi họp mặt, lễ hội và hoạt động văn hóa có thể tạo cơ hội cho mọi người thảo luận và học hỏi.
Truyền đạt giá trị về nhân cách, đạo đức và tinh thần hướng thiện từ tri thức Phật giáo thời Lý, Trần. Giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của lòng khoan dung, tình thương và trách nhiệm xã hội.
Như vậy, kế thừa và chuyển giao từ tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đến thế hệ tương lai đòi hỏi sự kết hợp giữa các phương pháp học tập truyền thống và các công cụ truyền thông hiện đại. Qua việc áp dụng các chiến lược này, tri thức này có thể tiếp tục sống mãi và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Thứ bảy, tôn trọng và bảo vệ môi trường
Tri thức Phật giáo coi trọng việc duy trì sự cân bằng và hòa hợp với thiên nhiên. Tầm nhìn này khuyến khích tôn trọng môi trường và tránh việc gây hại không cần thiết cho hệ sinh thái.
Sử dụng tri thức về sự vòng luân phiên của sự sống từ tri thức Phật giáo để thúc đẩy tư duy về sự cân bằng và bền vững trong việc sử dụng tài nguyên. Khuyến khích việc tái chế, sử dụng lại và giảm thiểu lãng phí. Xây dựng giáo dục về bảo vệ môi trường dựa trên tri thức Phật giáo có thể giúp tạo ra nhận thức và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.
Thứ tám, xây dựng tư duy về trách nhiệm xã hội
Sử dụng tri thức về giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội từ tri thức Phật giáo để thúc đẩy nhận thức về ý nghĩa của việc đóng góp vào xã hội. Tư duy về trách nhiệm xã hội dựa trên nguyên tắc tương thân tương ái khuyến khích sự chia sẻ và đồng cảm đối với mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người cần giúp đỡ.
Tri thức Phật giáo thường tôn trọng vai trò của cộng đồng trong việc hỗ trợ nhau. Xây dựng tư duy về trách nhiệm xã hội có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động và dự án cộng đồng để hỗ trợ những người khó khăn. Khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên tham gia vào các hoạt động cộng đồng và tình nguyện để hiểu về trách nhiệm của họ đối với xã hội.
Sử dụng tri thức về tầm quan trọng của việc đóng góp xã hội và tình nguyện từ tri thức Phật giáo để khuyến khích tham gia vào các hoạt động công việc xã hội và tình nguyện. Tri thức này khuyến khích việc phát triển tư duy lập trường và suy nghĩ sâu sắc về những hệ quả xã hội của hành động. Điều này có thể giúp ra quyết định đúng đắn và trách nhiệm.
Thứ chín, tạo cơ hội giao lưu và hợp tác quốc tế
Sử dụng tri thức về sự đa dạng và tương tác từ tri thức Phật giáo để khuyến khích giao lưu và hợp tác với các quốc gia và văn hóa khác nhau. Tinh thần kết nối và giao lưu trong tri thức Phật giáo có thể khuyến khích sự mở cửa ra thế giới và tương tác với các quốc gia khác. Điều này giúp tạo cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Xây dựng hợp tác giáo dục và nghiên cứu quốc tế có thể khuyến khích sự trao đổi kiến thức và tư duy. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục và khả năng đổi mới. Hợp tác quốc tế có thể khuyến khích thương mại công bằng và bền vững, đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh tạo lợi ích cho cả môi trường và xã hội.
Tạo cơ hội giao lưu và hợp tác quốc tế là cách để mở rộng tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Áp dụng tri thức Phật giáo thời Lý, Trần để tạo cơ hội giao lưu và hợp tác có thể giúp xây dựng mối quan hệ tốt và hòa bình với các quốc gia khác, thúc đẩy sự học hỏi và chia sẻ tri thức, và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, tri thức Phật giáo thời Lý, Trần có thể được sử dụng như một nguồn động viên và hướng dẫn để xây dựng mục tiêu phát triển bền vững và hùng cường cho Việt Nam. Việc kết hợp giữa giá trị tinh thần của tri thức này với các phương pháp và chiến lược hiện đại giúp tạo ra một xã hội đáng sống, một nền kinh tế phát triển và một tương lai hùng cường cho quốc gia.
4. Kết luận
Trong bối cảnh xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, việc khai thác và áp dụng tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã và đang đóng góp quan trọng trong việc xây dựng một xã hội giàu mạnh, hướng tới hùng cường. Tri thức này không chỉ là di sản văn hóa lịch sử mà còn mang trong mình những giá trị tinh thần, triết lý và tư tưởng đậm đà.
Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ những nguyên tắc phụng đạo, yêu nước, hộ quốc và an dân, tri thức Phật giáo thời Lý, Trần đã thúc đẩy lòng yêu thương và trách nhiệm của con người đối với xã hội và quê hương.
Việc áp dụng những giá trị này vào hiện đại hóa và phát triển của Việt Nam ngày nay đang tạo ra sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và sự đổi mới.
Việc kết nối di sản tri thức với tương lai phát triển cần sự hợp tác của các thế hệ. Bằng việc học tập liên tục, sử dụng công nghệ và truyền thông, tổ chức các sự kiện và thảo luận, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy tư duy sáng tạo.
Sự kết hợp giữa di sản lịch sử và sự phát triển hiện đại giúp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Tác giả: Nguyễn Thị Loan
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Lang (1992) Việt Nam Phật giáo sử luận, t.1, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.231-232.
[2] Viện lịch sử quân sự Việt Nam (1994) Kế sách giữ nước thời Lý - Trần, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.186.
[3] Viện nghiên cứu lịch sử (1980) Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.617-618.
[4] Như Lai Thích Giác Ngộ (2011). Phật Giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo.
[5] Nguyễn Tài Thu (2008). Phật giáo và văn hóa dân tộc. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Nguyễn Thế Anh (2009). Tâm linh người Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
[7] Đỗ Trọng Hiếu (2017). Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.
[8] Nguyễn Đình Hòa (2009). Vai trò của tôn giáo trong xây dựng đạo đức xã hội. Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin.
[9] Lê Mạnh Thát (2008). Phật giáo và xã hội Việt Nam hiện nay. Nhà xuất bản Tôn giáo.
[10] Trần Thanh Hải (2015). Tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo.
[11] Hồng Dương (2012). Phật giáo Việt Nam: Lịch sử và văn hóa. Nhà xuất bản Thanh Niên.
[12] Đặng Thanh Tú (2011). Những giá trị tinh thần của Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
[13] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2009), Chùa Trấn Quốc khảo cứu và tư liệu Hán Nôm, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Bình luận (0)