Ý nghĩa An cư Kiết hạ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Theo Tứ Phần Luật San Bổ Tuỳ Cơ Yết Ma số 4, giải thích nghĩa An cư như sau: thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an, qui định thời gian ở một chỗ gọi là cư.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Y nghia An cu 1

Theo Tứ Phần Luật 37, An cư ký đệ (Đại 22, tr.630b) nhân duyên Phật chế định An cư là do có một số Tỳ kheo, nhất là nhóm 6 Tỳ kheo du hành trong mùa mưa, khiến dân chúng than phiền: “Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hằng năm vẫn có 3 tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử lại du hành trong mùa mưa, các vị ấy đã giẫm đạp lên cỏ xanh, đang làm hại mạng sống của các loài côn trùng”.

Qua phần duyên khởi đã cho chúng ta biết “An cư mùa mưa” là truyền thống của tu sĩ các tôn giáo thời bấy giờ, truyền thống này đã có từ đạo Bà La Môn cổ đại ở Ấn Độ. Sự khiển trách của đức Phật chứng tỏ mặc dù trước đó Ngài chưa chế định việc an cư mùa mưa, nhưng các Thánh tăng và các Tỳ kheo sống tri túc, nghiêm trì Giới luật đều không đi hành đạo trong mùa mưa, vì nó đã trở thành một thông lệ, một tập tục chung cho các tu sĩ của các giáo phái ngoài đạo Phật thời bấy giờ.

Ngoài ra, sự an cư trong mùa mưa còn mang một ý nghĩa quan trọng khác, đó là sự biểu hiện tinh thần sống chung hoà hợp của tăng đoàn tại một trú xứ. Điều này thể hiện qua mẩu chuyện được ghi trong Tứ Phần Luật 37, Tự Tứ Kiền Độ (Đại 22, tr 637c). Vì vậy trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho tăng, ni, kể từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy.

Trước hết, tôi xin trình bày ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nói thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng Tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư tăng ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa, nước nổi, các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư tăng, chư ni đi nơi này, đến nơi kia sẽ giẫm đạp chúng sinh. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.

Như vậy, ba tháng an cư là để cho tăng, ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sinh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, tăng, ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước.

Theo luật Thập Tụng 28: năm chúng xuất gia là: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma ni, Sa di, Sa di ni đều phải an cư. Theo Luật thì Tỳ kheo và Sa di an cư cùng một chỗ, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma ni, và Sa di ni an cư tu hành cùng một chỗ. Và Đại phẩm Nhập Vũ An Cư Kiền độ trong luật tạng Pali qui định: Tỳ kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột kiết la –Pali: Dukkata còn dịch phá an cư).

Theo Kiền độ An cư, trong Luật Tứ Phần 37 qui định về những nơi có thể an cư như sau: an cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang núi, bọng cây, trên thuyền, nơi xóm làng, hoặc có thể nương theo người chăn trâu, người đốn củi… Trong Luật Ngũ Phần nói về Pháp An cư đã qui định những nơi bị cấm: an cư ở nơi không có người cứu hộ, giữa gò mả, nơi cây không có tàng, nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Y nghia An cu 2

Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho tăng, ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư tăng, chư ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm,… Như vậy, mùa an cư là mùa chư tăng, chư ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả tăng, ni ngày nay phải nhớ.

Hiện giờ đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp trùng kiến như ngày xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này mình không thể hiện lòng từ bi như thời đức Phật, chỉ có cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Như vậy, trọng tâm an cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ trùng kiến chết. Cho nên ba tháng an cư rất quý báu.

Một năm mười hai tháng chúng ta bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà quý vị đi đây đi kia, không ở một chỗ nỗ lực tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, mong rằng tất cả quý vị phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.

Tuy ba tháng không dài nhưng với ý chí mãnh liệt, lòng nhiệt thành, chúng ta cũng có thể thực hiện được phần nào kết quả trên đường tu. Đã là tu sĩ Phật giáo, hoặc tăng, hoặc ni, không thể nào học theo những việc của người thế tục. Chúng ta không phải là nhà kinh tế, nhà kiến thiết, nhà ngoại giao, hay học giả… mà là hành giả. Tại sao tôi nói như vậy? Vì trên đường tu, khi nói tới nỗ lực, tới sự cố gắng tu hành là muốn nói đến việc giải thoát sinh tử của mình. Chúng ta tu là để giác ngộ được tất cả lẽ thật của con người và của muôn pháp. Do đó, ta đặt nặng việc tu cho có kết quả.

Người tu không thể có khả năng giỏi làm ra tiền bạc, mà dồn tâm lực vào việc tu hành. Cho nên, thời gian của chúng ta không thể dồn vào các chuyện khác. Người tu sống chân thật, ôn hòa, không phải là người giỏi giao thiệp. Người giỏi giao thiệp với thế gian thấy như được nhiều lợi lộc, nhưng đó là tư cách của một nhà ngoại giao, không phải của người tu.

Tăng, ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả không phải nhà tu. Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn hạn hẹp nên không hiểu. Vì vậy, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng. Như vậy, một nhà tu phải tu như thế nào, phải làm những gì, hôm nay tôi thiết tha nói lên đều này là mục đích nhắc cho tất cả tăng, ni trẻ mới bước vào cửa đạo để ghi nhớ mà tiến tu, nuôi dưỡng tâm nguyện phát tâm xuất gia lúc ban đầu ý chí rất mãnh liệt, cho nên cần ứng dụng lời Phật, tổ đã dạy.

Chúng ta tu cần nhất và đơn giản nhất là phải đủ hai mặt, từ bi và trí tuệ. Từ bi nên thương tất cả chúng sinh, thương tất cả mọi người, mọi loài. Đem tình thương phân bủa, giúp đỡ, che chở cho chúng sinh. Lòng từ bi chưa đủ mà phải có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ chân lý, đạt được lẽ thực, để đem chân lý đó chỉ bảo cho mọi người cùng thấy, cùng ngộ như mình. Vì vậy, trí tuệ và từ bi không tách rời nhau.

Người thường cứ nghĩ từ bi trước rồi sau mới có trí tuệ, nhưng thực sự trí tuệ phải có trước rồi mới đến từ bi. Vì thấy được lẽ thực, biết được chân lý khiến cho chúng ta thoát khỏi những khổ đau do vô minh mê lầm. Khi chúng ta thấy được lẽ thực rồi, nhìn lại huynh đệ, bạn bè vẫn còn ở trong u tối, mình không đành lòng để họ phải khổ, nên đem hết những điều thấy biết của mình nhắc nhở bạn bè, thân quyến, tất cả mọi người cùng thấy, cùng hiểu để họ bớt khổ. Đó là lòng từ bi.

Trí tuệ và từ bi là hai điều then chốt của người tu hành. Cho nên, khi nói tới quy y Phật là nói quy y với bậc Lưỡng túc tôn. Lưỡng túc là đủ hai việc, phước túc và tuệ túc. Phước đầy đủ, tuệ đầy đủ, đó là Phật. Chúng ta luôn luôn cung kính, tôn trọng đức Phật vì Ngài đầy đủ trí tuệ và từ bi. Chúng ta tu theo Phật thì phải làm sao? Cũng phải đầy đủ hai phần này, bởi vậy có câu: “Phước tuệ lưỡng toàn phương tắc Phật”. Phước là từ bi, tuệ là trí tuệ, cả hai đều hoàn toàn mới tiến tới Phật quả được. Người tu mà thiếu phước, thiếu tuệ thì không bao giờ thành Phật. Trên đường tu, tuy Phật dạy rất nhiều pháp môn nhưng thực sự căn bản là đủ phước và đủ tuệ. Nếu thiếu hai phần này thì không xứng đáng là người tu. Ở đâu tăng, ni tụ hội lại mà còn có những chuyện cãi vã, giành giật, đó là thiếu lòng từ bi. Vì thiếu lòng từ bi nên không thương nhau, không tha thứ cho nhau, không hướng dẫn dạy bảo nhau, cho nên mới sinh ra cãi vã, giành giật, không xứng đáng tư cách một người tu.

Tu là phải học, phải mở mang trí tuệ, cố gắng thiền định cho trí tuệ phát sáng, như vậy mới đầy đủ tư cách một nhà tu. Điều này rất thiết yếu đối với tất cả tăng, ni. Có thể nói rằng, chúng ta tu được là được tất cả, chúng ta tu không được là mất tất cả. Được tất cả là được những gì? Mục đích chúng ta tu là trên đền đáp tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân Phật tổ, ân quốc gia, ân thí chủ; dưới cứu giúp ba đường khổ. Nếu tu được chúng ta mới có thể đền đáp bốn ân, cứu giúp ba đường khổ, đó là được tất cả. Ngược lại, nếu tu không được thì mất tất cả, vì không đền đáp được tứ trọng ân, không cứu giúp ba đường khổ, như vậy là mất tất cả.

Quý vị ở tại nội giới an cư thì cố gắng tu cho đúng ý nghĩa an cư. Đây là trọng tâm, là tạo duyên lành thuận lợi cho tất cả tăng, ni cùng tu. Nếu duyên thuận mà tu không được, gặp nghịch duyên làm sao chúng ta tu? Cho nên người tu phải luôn luôn nhớ tới tứ trọng ân, vì đền đáp trọng ân nên chúng ta phải nỗ lực, phải cố gắng tu hành cho xứng đáng. Người tu phải nên đi thong dong trên bờ giác. Bờ giác là bờ an lành tự tại. Tại sao nói thong dong trên bờ giác? Vì mọi trói buộc đã được cắt đứt thì còn gì làm cho chúng ta phải bận bịu, còn gì làm cho chúng ta phải chướng ngại. Nên nói được thong dong trên bờ giác. Trong Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác nói: “Thường độc hành thường độc bộ, đạt giả đồng du Niết bàn lộ” (Nghĩa là người giác ngộ thường đi một mình trên bờ Niết bàn. Bờ giác cũng gọi là bờ Niết bàn).

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Y nghia An cu 3

Một bên chìm trong sông mê biển ái, một bên là thong dong trên bờ giác, chúng ta chọn bên nào? Khi đi tu quý vị đã quyết định rồi, cho nên kể từ đây tăng, ni phải là người thảnh thơi, thong dong trên con đường giác ngộ, trên bờ Niết bàn, không còn bị sinh tử lôi kéo nữa. Rõ ràng một bên tối, một bên sáng, bên khổ bên vui, chúng ta đã chọn lựa rồi thì bây giờ phải giữ đúng như những gì mình đã chọn buổi ban đầu.

Chúng ta đi tu phải làm sao càng ngày càng tiến, càng cao thượng, càng đẹp đẽ hơn, không có lý do gì đi tu rồi càng ngày càng phiền não, càng tệ hơn lúc chưa đi tu. Đó là điều tăng, ni phải thật sự kiểm điểm lại mình. Thầy bạn đi trước, đang dìu dắt chúng ta đi trên con đường giác mà không chịu đi, thì thật đáng buồn đáng trách. Phải nhớ nói tới tu là nói tới giá trị của một con người xuất trần, giải thoát, không nói kẻ phàm tục, đắm nhiễm. Chúng ta nhiều phúc duyên nên mới được tụ hội cùng chung tu hành, phải biết nuôi dưỡng phúc duyên này càng ngày càng lớn, đừng để nó tiêu mòn. Người quyết chí tu phải một bề hướng thẳng trên con đường giác ngộ, không nên hối tiếc nhìn lại những thứ tầm thường đã qua. Có thế mai kia mới xứng đáng là người chèo thuyền Bát nhã cứu độ chúng sinh ra khỏi trầm luân sinh tử. Đó là chỗ thiết yếu, là bổn phận không thể nào quên được của tăng, ni. Người nào quên những điều này là đã cô phụ ân cha mẹ, ân đàn na thí chủ, ân Thầy Tổ chỉ bảo.

Tóm lại, ý nghĩa của An cư kiết hạ là thời gian để cho tăng, ni ở yên một nơi thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức, siêng tu Tam Vô Lậu học, đó là cơ duyên đưa đến thánh quả, đó chính là duy trì mạng mạch Phật pháp. Vì chính pháp được dưỡng nuôi và phát triển vững mạnh, bắt nguồn từ đời sống thanh tịnh và hoà hợp của cộng đồng tăng, ni. Trên tinh thần đó chúng ta có thể nói: ngày nào chúng tỳ kheo hoan hỉ thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu hành Giới-Định-Tuệ, nhiệt tình trong 3 tháng An cư thì ngày đó Phật pháp sẽ hưng thịnh và người người sẽ tìm đến để qui ngưỡng tìm cầu giác ngộ giải thoát.

Qua một mùa an cư tăng, ni đã có nền tảng đạo đức rồi, từ đây về sau phải hăng hái tiến lên trên con đường giác, không tuột lại lối mê cũ. Tu thì phải giác, nhất định không cho mê. Được vậy mới thật xứng đáng là người tu đầy đủ công đức. Có thể nói, mỗi mùa an cư chính là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo, mà ý nghĩa tu học chính trong môi trường thực sự hoà hợp thanh tịnh. Đây là một phật sự vô cùng quan trọng và cần thiết của tăng chúng, thể hiện được lòng từ bi đối với mọi loài chúng sinh và sẽ làm nền tảng đích thực cho sự tu tập của hàng phật tử tại gia. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp hiểu hơn về tăng học tập giáo pháp cũng như một cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng tăng trong suốt mùa an cư. Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời chú tâm đến việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho hàng tăng, ni. Nhờ những vị đạo cao đức chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư tăng, chư ni tu hành được trọn vẹn và kết quả tốt.

Tác giả: TT.Thiện Hạnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2018

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường