Trang chủ Văn hóa Cõi thiền trên dãy Phượng Hoàng

Cõi thiền trên dãy Phượng Hoàng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phạm Thị Ngoan
Trường THPT Nguyên Hồng, Tp.Bắc Giang

Dưới chân dãy núi Phượng Hoàng có ngôi cổ tự thuộc thiền phái Lâm Tế tồn tại hàng trăm năm qua với lối kiến trúc khác hẳn so với những ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Đó là chốn tổ Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Xưa kia Bổ Đà thuộc trang Tiên Lát, nay là xã Tiên Sơn, nơi đây tả ngạn của phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) gắn với lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đặc biệt, chùa có kho mộc bản với hơn 2.000 tấm bằng chữ Hán – Nôm và chữ Phạn và một vườn tháp mộ lớn nhất Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 1

Toàn cảnh chùa Bổ Đà

Chốn tổ tùng lâm

Giữa trưa hè oi ả, bước chân du khách thả bộ chốn cửa Phật, trên các lối dẫn vào chùa, những tường đất rong rêu, cổ thụ toả bóng mát và cả tiếng vi vút của thông reo, của hàng tre già xào xạc, chim muông lảnh lót, tiếng ngân nga của chuông chùa, tiếng tụng niệm thành tâm và kinh kệ vang dài, lòng du khách như nhẹ nhàng thanh thoát. Và câu thơ mà tôi đã từng đọc đâu đó lại âm vang theo nhịp điệu: “Theo khách thập phương con lần đến Bổ Đà/Hồn con chạm tiếng chuông ngân lời Phật/Mắt con chạm những mái rêu, tường đất/Chân chạm vào lồi lõm khúc đường tu”. Để ca ngợi về ngôi chùa cổ ấy, cổ nhân có thơ rằng: “Thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”- Đây là ba danh lam cổ tự lớn ở vùng Kinh Bắc xưa nay. Nhiều người đến với Bổ Đà đã ngạc nhiên bởi không nghĩ rằng một nơi khuất nẻo ấy còn bảo tồn một quần thể kiến trúc đồ sộ, độc đáo và cổ kính như vậy. Ngày trước, do đường sá đi lại khó khăn, giao thông bất tiện nên dù là nơi thắng tích nhưng du khách ít đến, thường chỉ có các Phật tử, cán bộ nghiên cứu, văn nghệ sĩ cùng thầy trò các trường nghệ thuật vì mến cảnh, mến tình mà lui tới vãn cảnh Bổ Đà.

Trải qua mấy trăm năm, các di sản quý báu ở chùa vẫn không ngừng được bảo tồn, phát huy giá trị. Năm 1992, Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia và tháng 12 – 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vẻ đẹp cổ xưa của chùa Bổ Đà ghi dấu trên những bức tường khoác lên mình màu thời gian. Trong nắng chiều vàng, màu đất bừng lên nét mộc mạc, nguyên sơ, xưa cũ của một vùng quê thuần phác. Và điều đáng trân trọng bởi hiếm có một ngôi cổ tự nào trên đất nước Việt Nam có lối kiến trúc đốc đáo đến thế.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Kinh Bắc có hai chốn tùng lâm sớm ảnh hưởng từ dòng Lâm Tế là chùa Bổ Đà ở Bắc sông Cầu và chùa Bảo Quang, huyện Quế Võ – Nam sông Cầu. Trong đó chùa Bổ Đà đảm nhiệm chức năng đào tạo tăng sĩ cho các chùa trong khu vực. Với vị trí là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế – hằng năm “kiết hạ an cư”, có rất đông các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng cũng về đây tham thiền học đạo. Tục “kiết hạ an cư” theo giải thích của nhà Phật thì an là an tịnh nội tâm, cư là kỳ hạn cư trú trong một thời gian nào đó (theo luật giới là 3 tháng), “an cư” tức là chúng tăng tập trung sống yên ổn một chỗ hoà hợp, thanh tịnh để cùng nhau tu học, trau dồi giới đức, Định học và Tuệ học sau 9 tháng thì đi hoằng pháp, độ sinh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 4

Cổng vào của hai bên là tường đất nện. Bao quanh chùa có rất nhiều các dặng tre

Đến Bổ Đà là đến một đại danh lam thắng tích. Và giới văn nghệ sĩ mấy ai không một lần ghé thăm Bổ Đà, để những hồn thơ, hồn nhạc và cả những thước phim với cảnh quay độc đáo của điện ảnh cổ kim đã được thực hiện tại nơi này. Nếu ai yêu mến phim cổ trang Việt có thể bắt gặp cảnh quay tại chốn tổ này như: “Đêm hội Long trì”, “Thái sư Trần Thủ độ”, “Bỉ ngạn mãn tự viên”, “Thiên Mệnh Anh Hùng”… Vương Tùng Cương – một thi sĩ đất Đà Lạt mộng mơ trong một chuyến ngao du sơn thuỷ đẫ đến chùa và tức cảnh hoạ thơ rằng: Tiếng mõ chợt dừng, kinh tụng lỡ/sư thầy dọn sắn vội sân mưa… Thơm thoảng khói hương ngoài vườn tháp/qua độ trì cực lạc nơi đây/mãi luân hồi nắng mưa năm tháng/chốn rêu phong siêu thoát Bổ Đà.

Tinh hoa còn lại

Ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ là hệ thống các khối kiến trúc chính của di tích gồm: Cổng, tam bảo, hành lang, nhà khách, giảng đường, gác kinh, nhà ni, nhà tổ, nhà gạo, vườn tháp,… Bình đồ kiến trúc Bổ Đà theo lối “Nội thông ngoại bế” tạo bởi 16 tòa ngang, dãy dọc với tổng số 92 gian. Bố cục kiến trúc hài hòa, không cốt ở sự nguy nga, tráng lệ mà quan tâm tới sự liên hoàn, thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật. Đồng thời có giá trị to lớn trong việc việc phòng gian bảo mật, do các toà nhà liên thông ngang dọc, nhiều lối nên kẻ gian nếu không thông thạo khó hòng mà thoát khỏi. Người dân trong vùng nhận định rằng, chính nằm ở phòng tuyến sông Như Nguyệt nên kiến trúc ấy đóng vai trò lớn đối với quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của quân và dân Đại Việt trong quá khứ.

Từ cổng di tích, du khách gặp những bức tường trình đất nện hiếm thấy tại các ngôi chùa ở Việt Nam. Độ dầy các tường khoảng 50cm và cao quá đầu người, đó cũng là điểm nhấn, tạo vẻ khác lạ và nét trầm mặc, gần gũi với không gian thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ngoài kiến trúc độc đáo, điểm khác biệt của Bổ Đà so với các chùa khác là cách bài trí tượng thờ có sự kết hợp giữa Phật giáo với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như: Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử (tam giáo đồng nguyên), vì vậy lễ hội tại đây gồm cả hai yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 5

Trụ trì chùa và kho mộc bản quý giá

Thượng tọa Tục Vinh (nhà sư kế truyền y bát từ Hòa thượng Thích Quảng Luân) hiện trụ trì chùa Bổ Đà thông tin rằng: Bằng đất nện nhưng tuổi thọ những bức tường có khi bằng cả đời người. Chùa có kho mộc bản Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam với khoảng 2.000 bản khắc ngược bằng chữ Hán – Nôm và chữ Phạn, tấm khắc sớm nhất từ đời vua Lê Cảnh Hưng (1740). Toàn bộ số mộc bản được khắc trên gỗ thị, bởi theo giải thích của các chuyên gia gỗ này có đặc tính nhẹ, mềm, bền, dai, không bị mối mọt, cong vênh nên các vị tổ sư đã chọn làm vật liệu để “đục kinh”. Ngày nay trong vườn chùa còn nhiều cây thị cổ thụ và có lẽ người xưa đã tác nên những tấm mộc bản tinh hoa từ chính vườn thị trong chùa?. Đây được xem là một trong những bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Trong đó các bộ kinh tiêu biểu như: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Trên những mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là các hình khắc đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Bồ Tát… Hiện nay, các bộ mộc bản vẫn khá nguyên vẹn, kích thước trung bình dài 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm, nhiều hoa văn, chữ nổi còn rất sắc nét, chưa bị mối mọt. Nổi bật phải kể đến tập mộc bản “Quốc âm thập giới” nói về 10 điều giới luật của nhà Phật bằng chữ Nôm gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không trang sức, dầu thơm, vòng hoa; không múa hát, không nằm giường cao, to, đẹp, không ăn không đúng lúc và không tích trữ tiền bạc, châu báu. Đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá và độc đáo để lại cho đời sau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 3

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 6

Khu tháp mộ

Điểm làm nên nét khác biệt nữa là tại Bổ Đà còn là vườn tháp được xác lập kỷ lục đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp có diện tích gần 8 nghìn m2 với hơn 100 ngôi tháp. Tàng chứa trong đó là xá lị của hơn 1 nghìn nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế khắp nơi trên cả nước từ nhiều thế kỷ nay. Các ngôi bảo tháp cổ đều được kiến tạo bằng đá, gạch chỉ và bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Theo một số tài liệu, chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được trùng tu lớn vào thời Lê (thế kỷ XVIII). Từ khi mới xây dựng, chùa đã đảm nhiệm chức năng là nơi đào tạo tăng sĩ cho các chùa khu vực miền Bắc. Trong đó vườn tháp có diện tích gần 8 nghìn m2 với hơn 100 ngôi tháp là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni. Tháp mộ được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền phái. Hệ thống tháp mộ được chia thành 2 khu vực: phía trên là tháp sư tăng, phía dưới là tháp sư ni và khu vực thấp hơn dành để xây mộ cho những người chấp tác trong chùa. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch chỉ và đá với kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Trong vườn tháp ta thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn nữa. Tàng chứa trong hơn 100 ngôi tháp, mộ là xá lị, tro, cốt nhục thân của 1.214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế khắp nơi trên cả nước từ gần ba thế kỷ nay. Đặc biệt, có ngôi tháp an táng tới 26 nhà sư. Họ đều là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, quý mến nhau muốn khi được về nơi tịch diệt vẫn được nằm cạnh nhau nên thề hẹn được thế hệ sau cho cùng yên nghỉ. Cũng theo Thượng tọa Tục Vinh, không có một quy định nào về việc các nhà sư dòng Lâm Tế khi viên tịch thì đưa về an táng cốt nhục ở đây, nhưng xưa nay nhà chùa luôn đáp ứng nguyện vọng các tăng ni muốn được quây quần an nghỉ chốn này, cho nên vườn tháp Bổ Đà cứ đông thêm mãi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Net co kinh cua chua Bo Da 7

Tường chùa được xây bằng tiểu sành khá độc đáo

Điều đặc biệt khác đó là trong vườn có cả tháp mộ sư tăng, sư ni (hiếm thấy ở các các dòng phái khác). Nếu những ai quan tâm, thì dễ dáng phân biệt đâu là tháp mộ sư tăng (nam), đâu là tháp mộ nữ ni (nữ). Theo đó, tháp mộ sư tăng trên đỉnh tháo bao giờ cũng gắn bình cam lộ đặt trên toà sen. Tháp mộ sư ni thì đỉnh được gắn một búp sen. Đa số các mộ tháp đều có tên nhưng lâu năm nét chữ đã phai mờ. Trong lòng tháp thường đặt bia ghi bài vị và ghi thời gian sinh, hóa của các nhà sư, cho nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế nói chung, lịch sử chùa Bổ Đà nói riêng.

Tọa lạc ở nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, ngàn thông xum họp, gió mát chim kêu xen lẫn với tiếng xào xạc tre trúc và kinh kệ, chuông, mõ… Tất cả đã làm cho cảnh vật của thiền thêm phần trầm mặc: “Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng lai kia cũng thế này mà thôi” – câu thơ cổ ca ngợi về ngôi cổ tự.

Phạm Thị Ngoan
Trường THPT Nguyên Hồng, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường